Tốc độ già hóa ở Việt Nam nhanh chưa từng thấy trong lịch sử loài người
Nhiều nước đang xem nhẹ lao động ở độ tuổi người cao tuổi, khi có xu hướng quan tâm hơn tới dịch vụ y tế, hưu trí...
Tốc độ già hóa ở VN nhanh chưa từng thấy trong lịch sử loài người
Theo khảo sát của Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố đầu năm 2016, châu Á – Thái Bình Dương đang có số người trong độ tuổi lao động lớn và số người phụ thuộc ít. Cụ thể, số người đang trong độ tuổi lao động chiếm 68%, trong khi số người phụ thuộc chiếm 32%.
Đây được coi là giai đoạn dân số vàng mà mỗi quốc gia chỉ có cơ hội trải qua duy nhất một lần, bao gồm cả Việt Nam.
Thế nhưng, báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực này, trong đó có Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử loài người.
Tại châu Âu, để có sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh phải cần tới 60-100 năm (hàng thế kỷ), nhưng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ mất 20 năm. Riêng Việt Nam, quá trình này diễn ra chỉ khoảng 15 năm.
Bước đi "quá độ" này dẫn tới một nguy cơ: Thời gian "tận hưởng" dân số vàng của Việt Nam sẽ vô cùng ngắn ngủi.
Thời 50 tuổi biết được "mệnh giời" đã qua
Câu chuyện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tác động của già hóa dân số đến tăng trưởng kinh tế mới đây cũng chỉ rất rõ nguy cơ này.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khi nhận nhiệm vụ Phó thủ tướng phụ trách vấn đề xã hội, ông được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Lúc này, ông tròn 50 tuổi.
Khi nghe giới thiệu vị Chủ tịch 50 tuổi, tất cả mọi người đều cười ồ lên, vì ở Việt Nam, người ở tuổi như ông Đam hay Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vẫn được xem là người trẻ, còn người cao tuổi thường già hơn và được gọi là cụ.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, ít người trong số “các cụ” ở đây biết rằng, 50 năm về trước, khi thế hệ Phó thủ tướng Đam sinh ra, kỳ vọng tuổi người cao tuổi ở Việt Nam mới chỉ là 46,5; trong khi thế giới là 52,5 tuổi.
Phó Thủ tướng nói, Việt Nam thường có câu: "Cuộc đời của một con người khi sinh ra đến 30 tuổi là lập thân, 40 tuổi thấu hiểu sự đời và 50 tuổi là biết được mệnh giời”. Quan niệm xưa, 50 tuổi đã là già. Thế nhưng, nay đã thay đổi, tuổi thọ trung bình trên thế giới đã là 71 và Việt Nam là 76,6 tuổi.
Việt Nam đang là dân số vàng: dân số trẻ, năng động. Nhưng ít người biết, nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển giao dân số rất nhanh tới dân số già.
Dẫn chứng, năm 2010 tại Việt Nam, cứ 11 người thì có 1 người cao tuổi. Theo tính toán, 15 năm nữa, cứ 6 người thì có 1 người cao tuổi. Và hãy tưởng tượng 50 năm nữa, cứ 4 người dân Việt Nam thì có tới 1 người cao tuổi. Điều này đặt ra một thách thức vô cùng lớn đối với hàng loạt các vấn đề như lao động, việc làm, an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm, văn hóa, kinh tế...
Tuổi về hưu mới là tuổi chín muồi để tham gia lao động hiệu quả
Theo các chuyên gia nước ngoài, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm nửa dân số trên 60 tuổi trên toàn cầu. Trong đó, phụ nữ chiếm đa số khoảng 54% và độ tuổi 80 trở lên chiếm tới 61%.
Để đối phó với tình trạng này, các chính phủ có xu hướng quan tâm tới dịch vụ y tế, hưu trí... Nhiều nước đang xem nhẹ lao động ở độ tuổi người cao tuổi. Nhưng thực tế, tuổi về hưu mới là tuổi chín muồi để tham gia hiệu quả hơn trong lao động, đóng góp cho gia đình, xã hội và cả nền kinh tế.
Bởi khi tuổi về hưu, với kinh nghiệm đã được đúc kết trong cuộc sống, họ sẽ phát huy được nhiều yếu tố tích cực. Do đó, không được lãng phí nguồn lực này. Vấn đề ở đây là khai thác nguồn lực này sao cho hiệu quả.
Như tại một số nước, người già vẫn đi làm và họ có những công việc đặc thù như lái taxi, chuyên gia, nghiên cứu,...
Vì thế, Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng tốt hơn lứa tuổi này như tăng tuổi làm việc với nữ, người lao động có thể làm việc ngắn hạn,... Rõ ràng, người lao động ở độ tuổi này không phải không có năng lực làm việc mà họ vẫn có thể làm, với mục đích cho vui, thậm chí là trang trải cuộc sống.
Sẽ tăng tuổi nghỉ hưu theo loại hình công việc?
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những giải pháp cho vấn đề này là tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét trên toàn phương diện.
Theo đó, tới đây, tăng tuổi nghỉ hưu phải tính tới cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, tính chất nghề nghiệp chứ không có tuổi nghỉ hưu chung cho tất cả các loại hình. Bởi trong kinh tế có nhiều ngành nghề kéo dài tuổi thọ không phù hợp như may mặc, gia công dày dép thì với phụ nữ 40 tuổi, mắt đã kém, thì nên xây dựng luật phải tính tới cả sức khỏe.
Các nước năng tuổi hưu là cả do thiếu lao động, kinh nghiệm tốt, cũng do sức vóc họ tốt. Việt Nam cũng cần học tập để điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ.
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét