Tìm kiếm Blog này
Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015
BÊN DÒNG THẠCH HÃN: Ô Lâu còn đó câu hò
BÊN DÒNG THẠCH HÃN: Ô Lâu còn đó câu hò: Nguyễn Đặng Kỳ Ảnh: Mai Lĩnh Trăm năm vì lỗi hẹn hò Cây đa bến cộ con đò khác đưa Cây đa bến cộ còn lưa Con đò đã thác năm xưa ...
Bài học đau đớn từ 'đội quân thứ 5' của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh 1979
- Chủ quyền Việt Nam
- Đăng ngày Thứ ba, 17 Tháng 2 2015
Trong số thám báo, chỉ điểm có những người là hàng xóm, thậm chí là anh em họ hàng vừa hôm trước còn tay bắt mặt mừng, còn ngồi ăn chung một mâm cỗ thì hôm sau đã là những kẻ đối địch.
Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến tháng 2 tây lịch, đất và người vùng biên giới phía Bắc lại dâng lên nhiều cảm xúc đan xen khó tả khi nhớ lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc nổ ra vào rạng sáng ngày 17.2.1979.
Phóng viên báo Lao Động đã có mặt ở những vùng đất nóng bỏng, trực tiếp gặp gỡ những nhân chứng sống trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến năm nào. Đau thương, uất nghẹn, pha lẫn tự hào, tự tin trước những biến cố của chiến tranh, của thời cuộc. Nhưng dù là đau thương đến mấy, 36 năm đã qua đi, vết thương theo năm tháng cũng dần lành lặn và hồi sinh hướng về một tương lai mới. Chỉ còn duy nhất những bài học, bài học phải trả bằng xương máu là vẫn còn nguyên giá trị.
* *
*
Khi Nông Văn Ngàn trở lại Cao Bằng, hai cây cầu vào thị xã bị đánh sập. Phố xá bị san bằng hết. Cột điện, gốc cây bị đứt ngang vì mìn. Kể cả ghế đá vườn hoa. Nà Rụa là nơi dân ở Hà Quảng, Trà Lĩnh chạy ra và bị chết nhiều nhất. Cả tháng sau khi lính Trung Quốc rút, những đau thương tang tóc vấn còn đó.
Ký ức về Dương Lệ Mẫn
36 năm rồi mà ông Ngàn vẫn không quên năm ấy. Năm 1979, ông còn là một cậu học trò trường cấp 3 thị xã. Quá nhỏ để hiểu thế sự, nhưng đủ lớn để không thể quên những trái ngang thế thái nhân tình. Lớp khi đó có 3 bạn người Hoa là Hoàng Cắm Choóng, Vương Kinh và Dương Lệ Mẫn. Ông thân với Mẫn, một cô gái đặc biệt xinh đẹp như bất cứ cô gái gốc Hoa nào khác. Mẫn thuộc nhóm “cháu ngoan bác Hồ”. Có lần, trước chiến tranh, hai người còn ăn chung một nắm cơm khi đi thăm hang Pắc Bó.
Suốt cả kỳ 1 năm học, cả ba bỗng dưng ít nói. Còn Mẫn, mỗi lần ra chơi cô chỉ ở lại trong lớp và khóc một mình. “Chuẩn bị kỳ nghỉ tết năm ấy, vào buổi học cuối, Mẫn gặp tôi, vừa nói vừa khóc: “Ngày mai tôi nghỉ học. Tôi với bạn chia tay. Biết đâu trong những ngày tới tôi và bạn ở hai chiến tuyến…”. "Cô ấy nghẹn lời gạt nước mắt chạy đi. Tôi thương, lặng đứng nhìn theo” - lời ông Ngàn.
Sau tết, ngoài giờ học chính khóa buổi sáng, học sinh Cao Bằng khi ấy đào giao thông hào quanh trường. “Tình hình lúc đó rất khẩn trương”- ông Ngàn nhớ lại, đâu đâu người lớn cũng thầm thì về một cuộc chiến tranh sẽ xẩy ra nay mai. Có rất nhiều chuyện, nhiều đồn thổi. Chỉ huy trưởng Thị đội, trung tá Loòng tuyên bố nếu Trung quốc thò tay sang đánh ta thì ta sẽ chủ động và kiên quyết chống trả … Nhưng hồi ấy, không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn đều không tin là Trung quốc sẽ đánh mà nghĩ chắc lại gây hấn ném đá, gậy gộc rồi thôi. Đêm trước chiến tranh, 16.2.1979, rạp ngoài trời chiếu bộ phim "Giải Phóng". Vì là phim chiến đấu của Liên Xô, lại chiếu liền 3 tập nên dân thị xã đi xem rất đông. 11h khuya phim mới chiếu xong, khi mọi người tản mạn ra về thì phía biên giới hướng Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Đông Khê có rất nhiều ánh chớp lóe lên xen lẫn những tiếng ì ầm. Mọi người chỉ thấy lạ là không có mưa mà mùa mưa chưa đến sao lại có sấm chớp làm vậy. Không ai biết được điều tệ hại nhất đã xảy ra.
Chiến tranh đến ngay ngày hôm sau, ngay sau một thông báo sơ tán, cả Cao Bằng chạy giặc. Đúng là không có gì khốn khổ, nháo nhác và sợ hãi hơn là chạy giặc. Ông Ngàn theo gia đình, theo đoàn người chạy vào Mỏ Muối. Từ Mỏ Muối tới Khuổi Diên. Từ Khuổi Diên tới Pác Sóa. Chạy trong sự hỗn loạn bố mẹ tìm con cái, chồng tìm vợ, con cháu chạy tìm ông bà... nháo nhác, rùng rùng hỗn loạn chạy tứ tán. “ Nhà thằng Sơn bạn tôi chạy mỗi người một ngả, đến khi tụ tập lại được thì không thấy bà cụ già đâu cả mãi về sau mới tìm thấy, bà bị dòng người chen lấn xô đẩy ngã xuống một cái hố sâu ở bờ sông. Không lên được. Không kêu cứu được. Bà cụ mất ngay tối hôm đó.
“Cứ đi vậy thôi” - ông Ngàn nói: “Tất cả đều không biết sẽ đi đâu, chỉ là ngược với hướng pháo”. Khuya ngày 18.2, khi cả đoàn đang ở bản Pác Sóa, cách Cao Bằng khoảng 6km thì tất cả bị dựng dậy khi có tin báo một toán thám báo được bọn chỉ điểm dẫn đường đang tới. Thời gian cứ chậm chạp trôi đi, mọi người không ai dám ngủ để chờ tiếng súng nổ ra, và rồi cái gì đến sẽ phải đến, lúc đó ước khoảng hơn 1h sáng, bắt đầu chỉ là một loạt AK vang lên, sau đó là hỗn loạn đủ các loại tiếng nổ của các loại súng, giao tranh chỉ diễn ra chừng 10 phút, sau đó im bặt. Căng thẳng. Đa số lần đầu tiên nghe tiếng súng nổ gần đến như vậy. Sau đó sự căng thẳng vỡ òa bằng một tiếng trẻ khóc thét mặc dù bị bố mẹ chúng bịt chặt mồm, các cụ già thì run lẩy bẩy, miệng cầu phật khấn trời không ra hơi.
Toán biệt kích đêm đó đã bị bộ đội tiêu diệt toàn bộ, chỉ riêng tên chỉ điểm suýt trốn thoát. “Tôi còn nhớ như in sự kinh ngạc của mình khi ấy”- lời ông Ngàn - “kinh ngạc đến há hốc mồm. Sững sờ đến mức suýt thì “Cháu chào bác ạ” khi tên chỉ điểm bị dẫn giải qua ngay trước mặt tôi chính là Voàng Cắm Hoáng - bố đẻ của thằng Voàng Cắm Choóng, bạn học của tôi”. Nhưng sự đau đớn và cảm giác bị phản bội chỉ đến ít ngày sau đó khi ông được nghe lại rằng tổ thám báo đã dẫn chiếc xe tăng của địch từ Đông Khê về đến tận dốc Nà Toòng chính là ông Dương Maishen - chủ hiệu trồng răng khu phố Vườn Cam và là bố của Dương Lệ Mẫn.
Câu chuyện nằm lòng của người Việt
Trong chiến tranh biên giới 1979, ngoài các quân đoàn chính quy, Trung Quốc còn sử dụng “lực lượng thứ năm” cắm chốt sẵn trong lãnh thổ Việt Nam. Từ đêm 16. 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Ông Mùa A Sấu - nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Lai Châu - nhớ lại, “lực lượng thứ năm” khi ấy có cả cốt cán, thậm chí cả trưởng công an xã. “Nó trực chiến, địch đến làm tay sai. Một báo cáo chiến công của Lai Châu thời điểm đó ghi nhận chỉ riêng Đại đội l (Tiểu đoàn cảnh sát cơ động của Ty Công an) trong ít ngày của cuộc chiến đã truy bắt 40 đối tượng chính trị nguy hiểm.
36 năm sau cuộc chiến, ông Điêu Chính Tuệ - thời điểm 1979 là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu - vẫn chưa hề quên rằng trong số thám báo, chỉ điểm có những người là hàng xóm, thậm chí là anh em họ hàng vừa hôm trước còn tay bắt mặt mừng, còn ngồi ăn chung một mâm cỗ thì hôm sau đã là những kẻ đối địch. Rất, rất nhiều câu chuyện đau lòng về tình huynh đệ sau chiến tranh vẫn được nhắc tới. “Đối với những người Trung Quốc lúc đó, khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ nói như cho mình uống nước đường, nhưng có gì là trở mặt ngay. Cái trở mặt có lúc thì tàn ác, có khi khiến khó khăn kéo dài”- ông Tuệ nói.
Trở lại với câu chuyện của ông Ngàn, sau chiến tranh biên giới, ông phục vụ trong quân đội, trở thành một cán bộ nghiên cứu khoa học, và giờ là một doanh nhân tứ hải giang hồ, nhưng tuyệt nhiên chưa hề gặp hay nghe tin tức gì về Hoàng Cắm Choóng hay Dương Lệ Mẫn. Nhân chứng về sự bội bạc 36 năm trước nay vẫn còn băn khoăn tại sao những người hôm trước còn là hàng xóm láng giềng, anh em bè bạn cùng nhau ăn nắm cơm thơm dẻo, sống đùm bọc yêu thương trong sự hòa hiếu của người Cao Bằng, thì chỉ hôm sau đã trở tay để thành thù địch. “Có lẽ Vương, hay Dương cũng chỉ là nạn nhân mà thôi!”.
Nếu có gặp lại họ thì có lẽ ông cũng không thể nói điều gì. Chả lẽ nhắc lại câu chuyện lông ngỗng mà hễ là người Việt Nam tưởng đã thuộc nằm lòng?.
Theo LAO ĐỘNG ONLINE
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 2/2/2015.
Tin liên hệ
- Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ viết về ông Nguyễn Bá Thanh
- Ông Nguyễn Tấn Dũng 'không chỉ đạo' vụ báo chống tham nhũng
- TS Cù Huy Hà Vũ: ‘Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ phải chấm dứt’
- Ông Nguyễn Bá Thanh qua đời
- 3 nhà hoạt động VN bị phạt tù về cáo buộc chống phá nhà nước
- HRW: Nhân quyền Việt Nam bị thế giới bỏ rơi
- Thứ trưởng Quốc phòng VN gặp cố vấn Ngoại trưởng Mỹ
- Xoay trục Châu Á tiếp tục là trọng tâm của chính sách ngoại giao Mỹ
- Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi về đâu?
16.02.2015
Hoa Kỳ mời lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam công du Mỹ trong năm nay.
UPI dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước cho hay lời mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry xác nhận với người đồng nhiệm phía Việt Nam, Phạm Bình Minh, nhân cuộc điện đàm chúc Tết hôm 14/2.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng hai nước Việt-Mỹ xem lại những tiến bộ của quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Đôi bên cũng bàn về các bước kế tiếp để hoàn tất đúng hạn các cuộc thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu cùng các lĩnh vực hợp tác khác.
Hai nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hà Nội và Washington cùng cho rằng năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt với hàng loạt các sự kiện kỷ niệm 2 thập niên ngày Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Vẫn theo nguồn tin này, Ngoại trưởng của hai nước cũng nhấn mạnh tới việc cần phải tạo điều kiện cho các chuyến thăm cấp cao giữa đôi bên như cách để đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Bản tin trên website của đảng cộng sản Việt Nam không cho biết hồi đáp của Hà Nội ra sao trước lời mời của Mỹ đối với Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng và cũng không tiết lộ thêm chi tiết nào khác liên quan đến lời mời này.
Tin này được loan ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc mời lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam ‘sớm thăm lại Trung Quốc’ nhân cuộc điện đàm chúc Tết giữa ông Tập Cận Bình với ông Nguyễn Phú Trọng hôm 11/2.
Có rất nhiều tin đồn rất đáng tin rằng để đổi lại, Việt Nam có thể sẽ cho phép Mỹ tiếp cận không phận Cam Ranh cùng các cuộc diễn tập hải quân, những việc mà trước đây Hà Nội không đồng ý.
Giáo sư Carl Thayer, Học viên quốc phòng Australia.
Báo điện tử của đảng cộng sản Việt Nam nói ‘Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về lời mời và đồng ý thu xếp các chuyến thăm vào thời gian thích hợp cho cả hai bên.’
Ngoài đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam năm nay cũng kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Theo nhân định của giới quan sát, Việt Nam dù mong tăng cường các mối quan hệ với Hoa Kỳ trước các mối đe dọa chủ quyền từ Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng bộ máy lãnh đạo của Hà Nội không muốn một mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi với Hoa Kỳ vì e làm phật lòng người láng giềng cộng sản anh em Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng ông Trọng dừng chân ở Trung Quốc hay Hoa Kỳ trước, hành động đó sẽ là một thông điệp, một biểu tượng đáng chú ý, và vì vậy, đảng cộng sản Việt Nam không thể không cân nhắc cẩn trọng tới thời biểu và trình tự hai chuyến thăm.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam thì việc này không quan trọng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viên quốc phòng Australia nói với VOA Việt ngữ:
“Quan trọng chủ yếu không phải là ông Trọng tới Mỹ hay tới Trung Quốc trước, mà điều đáng nói là việc một mình nhà lãnh đạo này sang thăm cả hai nước Mỹ-Trung trong năm nay. Với tình huống tự tự như thế này trước đây thì một hai nhân vật lãnh đạo sẽ đi hai nơi.”
Nhà phân tích này dự đoán, chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ có thể sẽ diễn ra trước chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 vì sau đó sẽ là hàng loạt các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN
Nếu chính phủ Mỹ ảo tưởng rằng cứ liên kết với chính quyền cộng sản Việt Nam để chống lại bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã rồi cải thiện nhân quyền sau, thì sẽ thiệt hại không chỉ cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam mà còn gây thiệt hại cho chính quyền lợi của Mỹ.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
Theo giáo sư Thayer, quan hệ Việt-Trung phần lớn do đảng cộng sản quyết định hơn là do nhà nước và chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng sẽ giúp củng cố các nỗ lực của ông muốn trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trước thềm Đại hội đảng lần tới.
Đáp câu hỏi việc Hoa Kỳ mời người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam sang thăm có mang ý nghĩa đặc biệt hay bất thường nào không, chuyên gia Thayer cho rằng:
“Nếu Mỹ mời, đó là một ý nghĩa ngoại giao, nhưng đây là do Việt Nam đã thúc đẩy để có được lời mời này từ Hoa Kỳ . Có rất nhiều tin đồn rất đáng tin rằng để đổi lại, Việt Nam có thể sẽ cho phép Mỹ tiếp cận không phận Cam Ranh cùng các cuộc diễn tập hải quân, những việc mà trước đây Hà Nội không đồng ý.”
Vẫn theo lời ông, Trung Quốc hiểu rõ tâm lý muốn ‘thoát Trung’ đang dâng cao tại Việt Nam và nỗ lực bằng mọi cách để ngăn chặn không cho bất kỳ nước nào trong vòng ảnh hưởng của họ nghiêng ngả sang Hoa Kỳ.
Lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm trung lập, không đứng về bên nào để chống lại một nước thứ ba trong lúc tìm cách xây dựng mối quan hệ đa phương.
Quan hệ với Trung Quốc lâu nay vẫn chiếm vị trí cao trong các ưu tiên ngoại giao của Hà Nội.
Nỗ lực của Việt Nam tiến tới một mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ bị cản trở không chỉ từ các e ngại với Bắc Kinh mà còn từ các vi phạm nhân quyền của chính phủ Hà Nội, một vấn đề luôn luôn bị Washington đặt nặng trong các mối quan hệ với Việt Nam.
Vấn đề được đặt ra là liệu đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng cho cuộc chơi mới này tới đâu? Họ có chấp nhận rủi ro và khả năng chịu đựng của họ đến mức độ nào khi phải hứng chịu những ‘cú đấm thép’ của Trung Quốc.
Luật sư Vũ Đức Khanh, Đại học Ottawa.
Có nhiều khả năng giữa năm nay tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ sang thăm Việt Nam trước khi Ngoại trưởng John Kerry trở lại vào tháng 7 để chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối năm.
Các nghị trình ngoại giao bận rộn này là một phần trong nỗ lực đẩy mạnh chính sách ‘Xoay trục về Châu Á’ của Hoa Kỳ nhằm cân bằng lực lượng trước sự lấn áp bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ
- Danh mục
- Tải
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hiện là nghiên cứu viên của chương trình Dân chủ Reagan-Fascell tại Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ ở Hoa Kỳ cho rằng:
“Nếu chính phủ Mỹ ảo tưởng rằng cứ liên kết với chính quyền cộng sản Việt Nam để chống lại bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã rồi cải thiện nhân quyền sau, thì sẽ thiệt hại không chỉ cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam mà còn gây thiệt hại cho chính quyền lợi của Mỹ. Bởi vì chính quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ chống lại Trung Quốc cộng sản, vốn là chỗ dựa duy nhất cho đảng cộng sản Việt Nam tồn tại.”
Liên quan đến chuyến thăm Mỹ và Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm nay, luật sư Vũ Đức Khanh tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế bình luận:
“Vấn đề được đặt ra là liệu đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng cho cuộc chơi mới này tới đâu? Họ có chấp nhận rủi ro và khả năng chịu đựng của họ đến mức độ nào khi phải hứng chịu những ‘cú đấm thép’ của Trung Quốc.”
- Hồ sơ - Tư liệu
- Đăng ngày Thứ ba, 17 Tháng 2 2015 08:54
Quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt năm 1968 khi Việt Nam đồng thời giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước này xuất hiện nhiều xung đột căng thẳng. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ba năm sau đó, Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã xem đó như mối đe dọa. Tháng 5/1975, Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường. Đứng sau viện trợ cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự là Trung Quốc. Tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sacũng nổi lên rõ hơn khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo.
Ngày 3/11/1978, Việt - Xô ký hiệp ước hữu nghị 25 năm - chính thức xác nhận Việt Nam đứng về phía Liên Xô. Gần 2 tháng sau, quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy đã tuyên bố "phải dạy cho Việt Nam một bài học".
Cuộc chiến 30 ngày
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Dù từng tuyên bố về ý định trừng phạt trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân.
Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung Quốc chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chất (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dù bị bất ngờ song chỉ với lực lượng dân quân địa phương, Việt Nam đã quả cảm chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.
Ngày 20/2, Trung Quốc tăng cường lực lượng chi viện, mở các đường tấn công mới vào điểm cao nhằm tiến xuống phía nam Đồng Đăng. Quân và dân Lạng Sơn bám trụ trận địa, đánh trả mạnh mẽ các mũi tấn công phía trước, phía sau của địch, buộc quân xâm lược phải co về đối phó và bị đẩy lùi ở nhiều mặt trận.
Sau 10 ngày chiến đấu không đạt được mục tiêu, ngày 27/2, Trung Quốc tung thêm một quân đoàn nhằm vào thị xã Lạng Sơn dùng chiến thuật biển người hòng xâm chiếm các mục tiêu quan trọng. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt giữa 2 quân đoàn tăng cường của Trung Quốc và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam. Ở điểm cao 417, đoàn An Lão đã đánh bật hàng chục đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn 850 của Trung Quốc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Khánh Khê trên đường 18, chiến sĩ đoàn Tây Sơn kiên cường đã chặn đứng một sư đoàn quân và một tiểu đoàn xe tăng Trung Quốc.
Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.
Cả hai cánh quân đều bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng đánh chặn. Cánh quân tây bắc dựa vào sức đột phá của xe tăng bị chặn tại Hòa An. Cánh quân đông bắc cũng bị đánh quyết liệt ở Thạch An và Quy Thuận, bị chặn đứng trên đường số 4. Mũi đánh vào Trà Lĩnh, Phục Hòa gồm 2 sư đoàn nhằm chiếm đèo Mã Phục, Khâu Chia cũng bị lực lượng vũ trang địa phương phản kích xé tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới.
3 ngày đầu, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn, bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chia, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc trong 12 ngày, diệt hơn 4.000 lính. Ngày 12/3, quân Trung Quốc tháo chạy.
Trên tuyến Hoàng Liên Sơn, mờ sáng 17/2, các sư đoàn tuyến 1 của hai quân đoàn Trung Quốc ồ ạt tấn công toàn biên giới Hoàng Liên Sơn từ phía tây bắc đến đông bắc thị xã Lào Cai. Cùng với việc đánh nhiều mũi vào các huyện Bát Xát, Mường Khương, bắn pháo dữ dội vào thị xã, quân Trung Quốc đồng thời bắc cầu qua sông Nậm Thi, cho xe tăng và bộ binh tiến vào thị xã Lao Cai và khu vực Bản Phiệt. Dân quân, tự vệ thị xã cùng các lực lượng vũ trang ở đây đánh trả quyết liệt. Sau 7 ngày, hai quân đoàn Trung Quốc không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích của quân và dân Hoàng Liên Sơn.
Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, cùng một lúc quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu) và đụng độ với lực lượng vũ trang địa phương. Qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ.
Ở Hà Tuyên, một sư đoàn Trung Quốc tấn công vào các đồn chốt biên phòng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của công an vũ trang, dân quân, bộ đội các huyện Đồng Văn, Thanh Thủy, Mèo Vạc và đồng bào các dân tộc. Hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Tại Quảng Ninh, Trung Quốc dùng hai sư đoàn bộ binh tiến công vào Pò Hèn, Móng Cái, Cao Ba Lanh, huyện Bình Liêu. Trong hai ngày 19 và 20/2, hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui, tháo chạy sát về biên giới.
Trung Quốc rút quân
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng rút lui là hành động rất khó, có thể gây cho Trung Quốc nhiều tổn thất nếu bị quân tinh nhuệ Việt Nam phản công.
Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.
Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc.
Xem thêm:
|
Theo số liệu công bố, trong hành động quân sự mưu toan phá hoại, 62.500 lính Trung Quốc (hơn 1/10 tổng số được huy động) bị thiệt mạng, 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị tiêu diệt, thiệt hại; 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình.
Tuy nhiên, cuộc xâm chiếm của Trung Quốc cũng gây ra những tổn thất nặng nề cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, hàng chục nghìn người thiệt mạng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Hiện vẫn chưa có số liệu thống nhất về số thương vong từ phía Việt Nam (thông tin này Tòa soạn bổ sung sau khi có thắc mắc của độc giả về số liệu những người dân, chiến sĩ Việt Nam bị thiệt mạng); 400.000 gia súc bị giết và bị cướp; hàng chục nghìn ha hoa màu bị tàn phá. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản.
Từ 18/3/1979 đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Suốt gần 10 năm đó, chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.
Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại nặng nề.
Năm 1992, Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Cuộc chiến biên giới phía bắc, vì nhiều lý do, trong suốt một thời gian dài đã ít được công bố.
Theo VNEXPRESS
Ô Lâu còn đó câu hò
- Nguyễn Đặng Kỳ
Ảnh: Mai Lĩnh |
Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!
Chuyện xưa kể rằng, có chàng thư sinh từ phương Bắc trên đường vào kinh (Huế) ứng thí, đã gặp cô lái đò ngang trên sông Ô Lâu rồi hai người đem lòng mến thương nhau. Sau kỳ thi, chàng về quê và ước hẹn sẽ sớm quay lại gặp nàng. Nhưng rồi, bặt vô âm tín, chàng không trở lại như đã hứa hẹn. Sau thời gian dài mòn mỏi đợi chờ, cô lái đò lâm bệnh mà chết. Lúc chàng trai ngày ấy trở lại tìm người yêu thì cô lái đò năm xưa đã không còn nữa. Câu chuyện đơn giản như hàng ngàn câu chuyện tình khác, nhưng không hiểu sao với tôi cảm giác mến thương cô gái đa tình ngày xưa cứ đọng mãi trong lòng và cứ hẹn với mình thế nào cũng phải tìm đến bến đò ấy một lần.
Để thỏa ước nguyện đó và cũng là dịp thưởng ngoạn khung cảnh trữ tình của sông Ô Lâu thường được nhiều văn nhân, thi sĩ ca tụng. Cuối tháng 6 vừa qua, giữa những ngày hè nắng như đổ lửa, nhóm bạn chúng tôi xuống đò làm một chuyến thám du đường thủy.
Ảnh: Mai Lĩnh. |
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi sông Ô Lâu là sông Lương Điền; còn sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí thì gọi là sông Lương Phước, ở địa giới hai huyện Phong Điền (Thừa Thiên) và Hải Lăng (Quảng Trị), tục gọi là sông Độc, có hai nguồn, phía hữu là sông Ô Lâu, phía tả là sông Thác Ma (tên cũ là Tho Lai hay Thu Lai).
Sông Thác Ma (chảy qua cầu Mỹ Chánh trên quốc lộ 1A) bắt nguồn từ vùng đồi núi ở phía tây huyện Phong Điền chảy về phía đông qua đất Hải Lăng rồi nhập vào sông Ô Lâu.
Sông Ô Lâu cũng xuất phát từ vùng núi thuộc huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, len lỏi qua vùng đồi núi Phong Điền, băng qua quốc lộ 1A tại cầu Câu Nhi, sang đất Hải Lăng rồi gặp hai con sông Thác Ma và Ô Giang (một đoạn nối dài của sông Vĩnh Định từ Triệu Phong vào vùng trũng Hải Lăng) nhập dòng trước khi đổ ra phá Tam Giang.
Ảnh: Mai Lĩnh |
Qua khỏi làng Văn Quỹ đến Hưng Nhơn, Phú Kinh... càng đi xuống sông càng hẹp, hai bên là cánh đồng rộng, thỉnh thoảng một vài cánh đồng sen rực rỡ khoe màu, hoa lá đung đưa trong không gian ngào ngạt hương sen giúp chúng tôi thấy nhẹ nhàng giữa cái nắng chói chang mùa hạ với gió Lào rát mặt.
Ảnh: Mai Lĩnh |
Thời xưa, khi phương tiện giao thông còn thô sơ, đường bộ chưa được mở mang, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa Quảng Trị, Huế chủ yếu dựa vào đường thủy thì sông Ô Lâu và các phụ lưu như Vĩnh Định - Ô Giang và Thác Ma đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.
Ảnh: Nguyễn Vỹ. |
Thuyền ai đi trước
Cho tôi lướt đến cùng
Chiều về trời đất mênh mông
Phải duyên thì xích lại, cho đỡ não nùng tiếng sương.
Cũng từ đây biết bao nhiêu chuyện tình đã xảy ra, hư có, nên có, mới ra những chuyện: Trồng trầu lộn với dây tiêu, Con đi đò dọc mẹ liều con hư.
Thuyền chúng tôi chạy thêm khoảng gần nửa giờ thì vào đến Đại Lộc (xưa gọi là Đại Lược), nơi đây ngày xưa cũng là nơi hội tụ trên thủy lộ Huế - Quảng Trị. Chợ Đại Lược ngày trước là một ngôi chợ khá lớn, các loại ghe thuyền chở hàng hóa, khách thương từ Huế về đây tấp nập ngược xuôi.
Duyên ngược Kim Long
Đến nơi đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau chẳng biết trên sông bến nào.
Không biết ngày xưa chợ Đại Lược có nằm sát sông Ô Lâu hay không, nhưng hiện nay thì chợ cách sông khá xa, nên chúng tôi không ghé vào và cũng không có ý định vào phá Tam Giang nên cho quay thuyền trở ra.
Rời Vân Trình, sau bữa ăn trưa với món lẫu cá dét ngon tuyệt ở một quán ăn bên ngã ba sông, chúng tôi theo dòng Ô Giang đi khoảng hơn một cây số vào vùng trũng của Hải Lăng, nơi có những xóm càng độc đáo.
Đây là một vùng đất trũng mênh mông với hàng ngàn hecta ruộng sâu ngập nước quanh năm. Cảnh vật khiến cho ta liên tưởng đến mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ, có khác chăng là nhìn về phía tây thấy rặng Trường Sơn xanh xanh chập chùng xa thẳm.
Càng là từ để chỉ những xóm nhà và vườn tược trên đất cao nhô ra như những “bán đảo” trên vùng đồng ngập nước mênh mông này. Nông dân các làng gần đó ra càng mở rộng diện tích canh tác rồi làm nhà ở, có lẽ cũng là do nhu cầu mở rộng đất thổ cư khi dân số phát triển. Nhưng, hỏi nhiều người, chưa được ai giải thích vì sao gọi những xóm đó là “càng”, nên tôi đoán rằng địa dạng những xóm càng này giống như những càng cua, vươn ra trên mặt nước chăng?
Sau một hồi vòng vèo quanh co, chúng tôi đến một đoạn Ô Giang thẳng tắp, hai bên bờ có đê bao với những cống thoát nước, phía sau là đồng ruộng bạt ngàn với những sóng lúa nhấp nhô dưới ánh nắng mùa hạ miền Trung. Thuyền cứ chạy, nước sông cứ lững lờ trôi, gió Lào vẫn thổi rát mặt, trời trong xanh không một gợn mây, chúng tôi được “tận hưởng” cái nắng hè Quảng Trị một cách trọn vẹn. Giữa cánh đồng bao la chỉ có lúa và lúa, không một bóng cây, nổi bật trên nền trời là ngọn tháp chuông của một ngôi nhà thờ hiện ra trước mắt. Khoảng nửa giờ sau thuyền cập bến sông ngay trước nhà thờ Cây Da.
Ảnh: Mai Lĩnh |
Rời Cây Da, lại theo dòng Ô Giang trở về Ô Lâu, bên này sông là Hà Lỗ, Câu Nhi, bên kia là Lương Điền, chúng tôi đã trở lại ngã ba sông nơi cái doi đất hình đầu con rùa của làng Câu Nhi nhô ra sông, là nơi mà dân làng Câu Nhi cho rằng linh địa của làng. Từ đây chúng tôi trở về bến sông ở Hội Kỳ, nơi xuất phát chuyến du ngoạn này.
Sau gần một ngày rong ruổi trên dòng sông huyền thoại, vui thì vui nhưng lòng tôi vẫn mang nặng nỗi băn khoăn là chưa ghé thăm nơi bến sông xưa, nơi diễn ra câu chuyện tình làm nên câu hò quen thuộc, truyền khẩu trong dân gian Quảng Trị.
Nhiều lần hỏi thăm người địa phương. Nơi nào là bến đò ngày xưa ấy? Có người nói là bến đò nơi làng Cây Da, theo họ thì câu ca dao là “Cây Da, bến Cộ con đò khác đưa” (viết hoa).Tôi vẫn băn khoăn vì bến đò phải nằm trên đường cái quan trong khi đó làng Cây Da nằm ở giữa vùng trũng nên đường cái quan không thể đi qua đó được.
Ảnh: Mai Lĩnh |
May mắn khi về nhà, đọc lại một số sách xưa như Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí của Lê Quang Định hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quan triều Nguyễn, trong đó có ghi rõ có bến đò Lương Điền ở huyện Hải Lăng và bến đò Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Điền và con đường cái quan từ Huế ra đến Mỹ Xuyên qua Lương Điền đến Trường Sanh, Diên Sanh. Tại Mỹ Xuyên lại có nhà trạm là nơi có nhiệm vụ chuyển công văn thư từ của triều đình. Từ những tài liệu trên, tôi tin rằng bến đò năm xưa nằm ở làng Lương Điền và Mỹ Xuyên, trên đường cái quan từ phía bắc vào Huế.
Cây đa, bến cũ nay đã khác xưa, nhưng không nhiều thì ít cũng mong còn một số dấu tích, hoặc phần mộ cô lái đò năm xưa ở đâu đó. Nếu xác định được thì đó chính là một điểm tham quan thú vị biết bao!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)