Khi chủ nhà muốn trả lại bằngxếp hạng di tích
Bệnh tật ốm đau không có tiền chữa trị và bức bách về chỗ ở nên sau thời gian dài mệt mỏi kiến nghị xin hoán đổi nhà, chủ sở hữu ngôi nhà đã bức xúc làm đơn xin trả lại bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cũng có trường hợp tài sản xảy ra nhiều tranh chấp dân sự mà nguyện vọng của người quá cố lúc hiến tặng chưa thực hiện đúng, con cháu cũng từ chối gắn bảng xếp hạng di tích, chờ ra tòa giải quyết.
Từ di tích cấp quốc gia lừng lẫy...
Bên phải góc đường Hai Bà Trưng - Lý Chính Thắng (TP.HCM) có một “địa chỉ đỏ” của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đó là quán phở Bình nổi tiếng của vợ chồng ông Ngô Toại (Ngô Duy Ái). Vì có vị trí chiến lược nên ngôi nhà số 7 Yên Đỗ (Lý Chính Thắng hiện nay) từ năm 1967 đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6, tập kết các chiến sĩ biệt động để trực tiếp tham gia chiến đấu.
Trường hợp chưa có tiền lệ ?
Theo một chuyên viên Sở VH-TT TP.HCM, trường hợp chủ sở hữu làm đơn gửi trả lại bằng xếp hạng di tích ở VN chưa từng xảy ra tiền lệ nên rất khó giải quyết. “Vì chính họ trước đây đã có ký đơn đề nghị thì nhà nước mới xếp hạng. Bây giờ muốn trả lại thì cơ quan ra quyết định công nhận phải ký hủy thì mới đúng thủ tục. Còn tự dưng đề nghị xin trả bằng xếp hạng di tích để... bán nhà chữa bệnh thì là “độc nhất vô nhị” rồi. Vụ việc này hoàn toàn khác với vụ dinh thự của vua Mèo ở H.Đồng Văn (Hà Giang), khi chủ sở hữu di tích số 7 Lý Chính Thắng vẫn là chủ ngôi nhà chứ nhà nước không quản lý. Vì vậy, theo tôi, ông Ngô Văn Lập vẫn có quyền làm sổ hồng để có sở hữu nhà hợp pháp, làm thủ tục mua bán như tài sản bình thường. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là người mua nhà sau này phải cam kết thực hiện việc bảo vệ và quản lý di tích cấp quốc gia theo đúng quy định của luật Di sản văn hóa”, vị chuyên viên này nói.
Riêng ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển thì có tình tiết giống với dinh thự vua Mèo hơn. Cả hai di tích đều được xếp hạng và do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, vì chưa tìm được tiếng nói chung về việc giải quyết quyền lợi hợp pháp với các đồng thừa kế Vân Đường Phủ của cụ Sển nên mọi việc cứ bị kéo dài, cần phải được giải quyết có tình có lý thì mới thuyết phục và kết thúc có hậu.
Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại, nhớ lại: “Khi đó tôi mới 12 tuổi. Từ 20 tháng chạp năm 1968, mỗi khi có ai đến ăn phở đáp đúng mật khẩu theo quy định là tôi đưa họ lên tầng 2 cho các chú cấp cao nhận kiểm soát tín hiệu tiếp. Sáng mùng 3 tết, cuộc chiến vô cùng cam go khi cơ sở này có dấu hiệu bại lộ, địch cho 2 chiếc trực thăng bay ngay trên nóc nhà tôi thả lính xuống bắn chết tại chỗ hai đồng chí của ta. Ba tôi và anh rể cùng một số anh em bị bắt. Chỉ mình tôi, địch giữ lại để khi có ai tới gọi ra mở cửa để bắt tiếp. Nhưng nhờ buổi tối, lấy cớ xin mang đồ ra phơi, tôi đã gắn được ám hiệu báo cơ sở đã bị lộ cho mọi người biết mà tránh. Còn ba tôi, dù giặc tra tấn dã man vẫn không khai báo điều gì nên bị đày ra Côn Đảo đến năm 1973, sau Hiệp định Paris mới được trao trả”.
Ngày 16.11.1998, ngôi nhà số 7 Lý Chính Thắng (quán phở Bình) được Bộ Văn hóa trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành niềm vinh dự cho gia đình ông Ngô Toại.
… Đến Vân Đường Phủ buồn
Lúc còn sống, học giả Vương Hồng Sển là chủ sở hữu ngôi nhà số 11 (số cũ là 9/1) Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) luôn rợp mát bóng cây được ông đặt tên là Vân Đường Phủ (Vân Đường là một trong những bút hiệu của cụ).
Ngôi nhà cổ 5 gian 2 chái được học giả lùng mua tận dưới Phú Xuân - Nhà Bè mang về dựng lại trên miếng đất gần 1.000 m2, bên trong cất giữ hàng trăm món đồ cổ quý giá.