TP.HCM – Cần Thơ: Chỉ 45 phút đi tàu?
Tuyến đường sắt tốc độ cao dài 173km từ TP HCM-Cần Thơ có thể thành hiện thực vào năm 2024.
Viện Khoa học và Công nghệ phương Nam và
Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH)
vừa tổ chức lấy ý kiến của các ngành chức năng về hướng tuyến của đường
sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ qua địa phận TP Cần Thơ.
Dự án có quy mô “khủng”
Theo đề xuất của đơn vị nghiên cứu, điểm
đầu tiên của vận tải hành khách là ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP Hồ
Chí Minh), còn điểm đầu của vận tải hàng hóa là nhà ga tàu hàng An Bình
(thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thuộc tuyến đường sắt Trảng Bom, Hòa
Hưng. Điểm cuối của tuyến đường sắt này sẽ đặt tại ga Cái Răng (quận Cái
Răng, thành phố Cần Thơ). Dự kiến, vào cuối năm 2024, dự án này sẽ được
vận hành thử trước khi khai thác chính thức.
Theo quy hoạch chi tiết đã được phê
duyệt, đây là tuyến đường sắt cấp 1; khổ đường 1.435mm; số lượng đường
trên chính tuyến là 2; tốc độ dưới 200km/h cho tàu hàng, trên 200km/h
cho tàu khách.
Chiều dài toàn tuyến là 173,677 km, có 16
ga qua 6 tỉnh, thành phố khác nhau, thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ
có thể chỉ mất 45 phút. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 5 tỷ USD.
Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện
trưởng Viện Khoa học và Công nghệ phương Nam, Trưởng Ban quản lý dự án
đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ giới thiệu về dự án
Sau khi quy hoạch chi tiết được duyệt,
đơn vị nghiên cứu đã đưa ra phương án đề xuất điều chỉnh theo nhà đầu tư
phân kỳ thành hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ga Tân Kiên
(TP.HCM) đến ga Cái Răng (TP Cần Thơ). Giai đoạn 2 từ ga An Bình (Bình
Dương) đến ga Tân Kiên và nhánh đường sắt vào cảng Hiệp Phước.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ có 10 nhà ga đi
qua 5 tỉnh thành gồm TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và
TP Cần Thơ. Chiều dài toàn tuyến là 139,67km.
Theo ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Viện
trưởng Viện Khoa học và Công nghệ phương Nam, Trưởng Ban quản lý dự án
đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, mỗi nhà ga sẽ được xây dựng thành
một khu đô thị mới hiện đại. Cùng với đường sắt, nhà đầu tư sẽ xây dựng
các trung tâm năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió… để cung cấp
điện cho vận hành đường sắt và phục vụ đời sống xã hội trong khu vực.
Cũng theo ông Trang, dự án này được xây dựng theo hình thức BOT từ nguồn
vốn nước ngoài không có bảo lãnh của chính phủ và vấn đề về vốn đã sắp
xếp xong.
Cần Thơ đồng thuận cao với dự án
Theo phương án của nhà đầu tư, hướng
tuyến dự án đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ đoạn đi qua TP
Cần Thơ có chiều dài 5,177 km bắt đầu từ ranh giới huyện Bình Minh
(Vĩnh Long), vượt sông Hậu cách cầu Cần Thơ về phía hạ lưu khoảng 3,4km.
Sau đó tuyến đi giữa trục đường 3C qua khu công nghiệp Hưng Phú 1, qua
khu đô thị nam Cần Thơ và đi về nhà ga Cái Răng đặt ở phường Phú Thứ.
Để xây dựng nhà ga Cái Răng, nhà đầu tư
đề xuất quy hoạch diện tích khoảng 421,67ha. Trong đó diện tích nhà ga
chính khoảng 26,12ha; còn lại nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị gắn liền
với nhà ga.
Sau khi nghe trình bày phương án hướng
tuyến, đại diện Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết gần khu vực dự kiến
xây dựng nhà ga Cái Răng, TP Cần Thơ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng
trung tâm Logistic với diện tích 252ha nên đề nghị đơn vị tư vấn cập
nhật xem có vướng vào quy hoạch này không.
Đại diện Sở Xây dựng đề nghị đơn vị tư
vấn cần cập nhật quy hoạch chi tiết khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư
trong khu vực. Ban quản lý dự án và đơn vị thiết kế cần quan tâm đến
kiến trúc cảnh quan của dự án sao cho phù hợp với khu vực.
Trong đó, kiến trúc cảnh quan cầu bắc qua
sông Hậu cần có nét đặc trưng riêng, tránh trùng lắp với cầu Cần Thơ
hiện hữu; còn nhà ga Cái Răng cũng cần có định hướng lâu dài và kiến
trúc cảnh quan phải phù hợp nét đặc trung của vùng. Đặc biệt theo quy
định là phải tổ chức thi tuyển kiến trúc trước khi thiết kế.
Ban ATGT TP Cần Thơ đề nghị cần hạn chế
đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ để đảm bảo trật tự ATGT. Ban
quản lý các KCN và KCX Cần Thơ đề nghị đơn vị tư vấn cần cập nhật quy
hoạch chi tiết khu đô thị nam Cần Thơ và KCN Hưng Phú đã được duyệt.
Theo đại diện Ban quản lý KCN và KCX Cần Thơ, trục 3C theo phương án đề
xuất của đơn vị tư vấn thực chất là đường 1A KCN Hưng Phú 1 nên cần điều
chỉnh lại cho phù hợp. Đối với đoạn đường sắt đi qua KCN nên xây dựng
đường trên cao vì xây dựng đường trên mặt đất sẽ chia đôi KCN Hưng Phú
1.
Theo đơn vị tư vấn, dự án sẽ tiến hành
xây dựng đường gom dân sinh và xây hầm chui hoặc cầu vượt nên giữa đường
sắt và đường bộ không có điểm giao cắt cùng cấp. Còn đoạn đường sắt đi
qua KCN sẽ được xây dựng trên cao đi giữ lòng đường bộ nên không ảnh
hưởng đến hoạt động của KCN….
Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ phát biểu kết luận tại buổi lấy ý kiến
Sau khi ngành chức năng có ý kiến, ông Lê
Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ kết luận chủ trương xây dựng dự
án đã được các địa phương đồng thuận cao trong đó có TP Cần Thơ. Riêng
về hướng tuyến đi qua địa bàn TP Cần Thơ xét thấy đã phù hợp với quy
hoạch chung của TP Cần Thơ và đặc biệt không ảnh hưởng đến quy hoạch khu
Logisctic 252ha đã được phê duyệt.
Để làm rõ thêm vấn đề này, ông Dũng đề
nghị đơn vị tư vấn làm việc cụ thể với Sở Công thương. Bên cạnh đó, ông
Dũng đề nghị đơn vị tư vấn làm việc với lãnh đạo Ban quản lý các KCN và
KCX để xác định tuyến đường mà dự án đi qua KCN Hưng Phú là đường 1A hay
3C.
Đối với nhà ga, cần nghiên cứu theo hướng
sử dụng lâu dài và lưu ý về kiến trúc cảnh quản để đảm bảo tính mỹ
thuật và phù hợp với khu vực. Đồng thời cần nghiên cứu kết nối khu nhà
ga với Khu Logisctic và khu cụm cảng Cái Cui để phát huy tối đa dự án.
Về vấn đề đối ứng quỹ đất và xây dựng khu
đô thị mới, các sở ngành ghi nhận ý kiến của nhà đầu tư và đơn vị tư
vấn và sẽ có ý kiến chính thức tại những cuộc họp sau khi dự án triển
khai những bước tiếp theo.
Hồng Thủy/baogiaothong.vnhttp://saigontrongtoi.net/tp-hcm-can-tho-chi-45-phut-di-tau/