Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Mỹ “khóa” chặt Biển Đông, Trung Quốc sẽ thảm bại

Mỹ “khóa” chặt Biển Đông, Trung Quốc sẽ thảm bại

Thứ Bảy, ngày 23/4/2016 - 09:22

Tạo lập được ưu thế hải quân ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, Mỹ sẽ buộc kinh tế Trung Quốc suy sụp khi cần thiết. Có ý kiến nói chính sách đối ngoại Mỹ là nhằm làm suy yếu Trung Quốc, vốn là đối thủ chính của Mỹ trong cuộc đấu giành quyền chi phối thế giới.


Ảnh minh họaẢnh minh họa
Trung Quốc không sở hữu trữ lượng lớn tài nguyên năng lượng trên lãnh thổ của mình nên rất phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ bên ngoài. Vịnh Persique đã trở thành thị trường dầu mỏ tiện lợi nhất cho Trung Quốc; ban lãnh đạo Trung Quốc hiển nhiên là hy vọng nó vẫn như thế trong 20-30 năm tới. Ngoài ra, lục địa châu Phi, nhất là các quốc gia vịnh Guinea và Sudan cũng ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc. 

Các tàu chở dầu mỏ Cận Đông và châu Phi đến Trung Quốc qua Ấn Độ Dương, nơi thực hiện đến 50% khối lượng vận chuyển container trên thế giới và 70% khối lượng vận chuyển sản phẩm dầu mỏ. Đồng thời, nằm ở Ấn Độ Dương là đa số trong 11 khu vực hiểm yếu nhất có nguy cơ làm tắc nghẽn việc cung cấp hydrocarbon trên thế giới: các eo biển Hormuz, Bab al Mandeb và Malacca, eo biển Lombok (Indonesia) nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, kênh đào Suez, tuyến đường vòng xa quanh mũi Hảo Vọng. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ Dương đang trở thành một trong những khu vực rủi ro quan trọng nhất, nơi đụng độ lợi ích của các cường quốc khác nhau.

Việc vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa bằng đường biển tương đối rẻ cũng như vai trò gia tăng của giao thông đường biển trong nền kinh tế thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa đã làm gia tăng vai trò của Ấn Độ Dương như một khu vực có tầm quan trọng chiến lược. 

Với sự thay đổi tương quan sức mạnh trên thế giới trong thập kỷ 1990, Trung Quốc bắt đầu hoạch định chiến lược (đúng hơn là khái niệm) dài hạn và cực kỳ tham vọng được gọi là “Liên châu” đối với khu vực này. Thuật ngữ “Liên châu” (String of pearls - chuỗi ngọc trai) là do các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Mỹ nghĩ ra. Năm 2006, họ công bố báo cáo “Liên châu: giải pháp cho vấn đề sức mạnh gia tăng của Trung Quốc trên bờ biển châu Á”. Trong báo cáo này, các tham vọng của Trung Quốc bảo vệ tuyến đường mà họ xây dựng bị xem là thách thức trực tiếp đối với sự bá quyền của Mỹ trong khu vực.
Yếu tố năng lượng đã đóng vai trò then chốt trong việc Trung Quốc xây dựng chiến lược “Liên châu”. Hơn 85% dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được vận chuyển tới Trung Quốc từ vịnh Persique và châu Phi qua Ấn Độ Dương đi qua eo biển hẹp Malacca thường xuyên bị hải tặc tấn công. Nhận thấy sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ bên ngoài, Bắc Kinh đang cố bảo vệ mình trước bất kỳ mưu toan nào cắt đứt các tuyến đường cung cấp năng lượng. Bản chất của chiến lược “Liên châu” là thiết lập các điểm tựa của Trung Quốc dưới dạng các căn cứ hải quân và không quân hay các hải cảng “thân hữu” trải dài từ đảo Hải Nam của Trung Quốc đến cảng Gwadar của Pakistan và dùng để bảo đảm an toàn cho việc cung cấp dầu mỏ đến Trung Quốc.
Chiến lược phá ‘chuỗi liên châu”
Tháng 11/2011-tháng 1/2012, Barack Obama đã công bố hàng loạt nội dung đáng chú ý trong chính sách Đông Á của mình. Tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tham gia hội nghị của ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á EAS. Chủ đề quan trọng của các cuộc đàm phán là thảo luận tình hình xung quanh các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông. Như ta đã biết, hiện có nhiều nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa của quần đảo Trường Sa giàu khoáng sản.
Ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Indonesia, Barack Obama đã ký với Thủ tướng Australia Julia Gillard hiệp định triển khai quân đội Mỹ tại căn cứ quân sự Darwin. Vào năm 2012, tại căn cứ nằm ở các lãnh thổ phía bắc (một đơn vị hành chính của Australia), sẽ triển khai 200-250 lính thủy đánh bộ, cũng như các tàu của hài quân Mỹ và máy bay. Còn đến năm 2016, căn cứ Darwin sẽ tiếp nhận 2.500 lính Mỹ và “một số lượng nào đó các binh đoàn hải quân và không quân”, mà con số cụ thể thì công chúng hiện chưa biết gì cả. Hoàn toàn có thể là một phần trong đội quân Mỹ 100.000 người ở châu Phi trong tương lai sẽ được chuyển tới căn cứ Darwin.
Phát biểu tại nghị viện Australia, Barack Obama tuyên bố: “Với tư cách tổng thống, tôi đã đưa ra một quyết định chiến lược được suy tính kỹ. Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương nên chúng tôi sẽ đóng vai trò quan trọng hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực này. Chúng tôi sẽ duy trì khả năng tung sức mạnh quân sự độc nhất vô nhị và răn đe các mối đe dọa vì hòa bình của chúng tôi. Mỹ là một thế lực Thái Bình Dương, và chúng tôi đã đến châu Á để ở lại đây”, và nói thêm rằng, “Mỹ không sợ Trung Quốc, quốc gia lớn mạnh nhất trong khu vực”.
Chiến lược chuỗi liên châu của Trung Quốc
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ là Ben Rhodes giải thích các phát biểu của Barack Obama: “Hiệp định quân sự về việc triển khai đạo quân Mỹ ở Australia – đó là tín hiệu cho thấy, chúng tôi dự định tiếp tục đóng vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh ở phần này của khu vực, nơi sức mạnh quân sự Trung Quốc đang gia tăng”. Có lẽ việc Lầu Năm góc thành lập cơ quan quân sự mới là Air See Battle Command (Bộ chỉ huy Tác chiến không-hải) mà một trong các nhiệm vụ được công bố chính thức là chuẩn bị toàn diện cho Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến  Mỹ cho nhiệm vụ vô hiệu hóa một quốc gia X. Do trong danh sách các mối đe dọa tiềm tàng Air See Battle Command có nêu ra các chiến hạm, tàu ngầm, máy bay, tên lửa chống hạm và vệ tinh do thám Trung Quốc, nên chẳng khó khăn gì để đoán ra quốc gia X mà các nhà hoạch định chương trình cho Air See Battle Command định đánh nhau là Trung Quốc.
Những câu hỏi về lý do lập căn cứ quân sự mới của Mỹ ở Australia vẫn nhiều hơn những câu trả lời. Trước hết là những mục tiêu thực sự của việc chính phủ Mỹ quân sự hóa khu vực này lần đầu tiên sau chiến tranh Việt Nam là gì và một căn cứ quân sự mới trên lãnh thổ một trong những quốc gia hòa bình nhất khu vực để làm gì? Viên tướng không quân Mỹ phụ trách hoạch định chiến lược của các lực lượng quân ự Mỹ ở Thái Bình Dương Michael Keltz tình cờ hé lộ rằng, các tiêm kích F-22, máy bay vận tải C-17, cũng như máy bay ném bom chiến lược sẽ được triển khai ở Australia.
Vì thế, nghe ra rất nước đôi là những lời nói của Tổng thống Mỹ đương nhiệm rằng, “chúng tôi đã kết thúc tất cả các cuộc chiến, và vì thế tôi giao phó cho đội chuyên gia an ninh quốc gia của mình nhiệm vụ bảo đảm sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương với tư cách nhiệm vụ ưu tiên”.
Ngoại trường Mỹ Hillary Clinton trên tạp chí Foreign Policy đã viết rằng, hiện tại, một nước Mỹ suy yếu về kinh tế không thể cho phép mình là cường quốc chi phối đồng thời ở mấy khu vực trên thế giới. Bởi vậy, có thể dự đoán rằng, các nỗ lực đối ngoại của Mỹ sẽ chủ yếu nhằm vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chưa rõ những nước nào ở châu Á-Thái Bình Dương giao cho Mỹ sứ mệnh “đóng vai trò đáng kể và lâu dài trong việc định hình tương lai” của khu vực này. 

Chính sách mà Mỹ toan tính thực thi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ khiến lãnh đạo Trung Quốc cực kỳ lo ngại bởi vì một căn cứ quân sự  ở Australia sẽ khóa kín vành đai các căn cứ quân sự Mỹ bao quanh Trung Quốc và tạo ra cho Washington khả năng kiểm soát các tuyến đường giao thương đường biển trọng yếu nhất mà qua đó một lượng hàng hóa có tổng trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển hàng năm. 

Người Mỹ sẵn sàng bổ sung thêm thành tố kinh tế cho khía cạnh quân sự trong chính sách Đông Á của họ. Theo AP , trong Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra ở Hawaii vào năm 2011, Obama đã tuyên bố rằng, Mỹ đang xem xét ý tưởng lập tổ chức thương mại khu vực mới không có sự tham gia của Trung Quốc (TPP). Như vậy, giới tinh hoa chính trị Mỹ chắc chắn dự định đối phó một cách tổng hợp với Trung Quốc. Bao vây xung quanh Trung Quốc bằng “các liên minh quốc phòng” với các quốc gia khác ở khu vực (ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, còn có các liên minh với Myanmar và Singapore…), Washington trong khuôn khổ “học thuyết kiềm chế” của họ còn muốn dựng lên các rào cản kinh tế đối với Bắc Kinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Theo tác giả của cuốn sách “Máu và dầu mỏ” của Giáo sư Trường Hampshire College Michael Klare, ý nghĩa của chiến lược mới của Obama là rất rõ ràng: “Từ nay, nội dung chính của chiến lược quân sự Mỹ sẽ không phải là đối phó với chủ nghĩa khủng bố mà kiềm chế một quốc gia đang phát triển bùng nổ về kinh tế bất kể rủi ro và cái giá của vấn đề”. Ở ý nghĩa này, căn cứ quân sự Mỹ ở Australia có thể xem như một trong những bộ phận của vành đai cách ly mà Mỹ muốn dùng để khóa chặt Trung Quốc, ngăn Trung Quốc tiếp cận đại dương thế giới và kiể soát các tuyến đường biển cung cấp dầu mỏ và khí hóa lỏng cho Trung Quốc.

Sự đối kháng vũ trang, trong bối cảnh đó, không phải là mục tiêu cuối cùng và bất biến. Bằng cách mở rộng tiềm lực quân sự của mình trong khu vực, Mỹ sẽ kích động Trung Quốc có những hành động đáp trả đối xứng và gia tăng hơn nữa chi phí cho quân bị. Như vậy, mục đích chính của “chính sách kiềm chế” này là gây áp lực và bằng cách đó làm suy yếu Trung Quốc về mặt kinh tế bằng cách buộc Trung Quốc chi những khoản tiền khổng lồ cho quốc phòng, chứ không phải cho bành trướng sản xuất-thương mại.

Buộc “quỳ gối” kinh tế
Việc tiếp cận các nguồn năng lượng, hệ thống tuần hoàn của nền kinh tế thế giới, đang mỗi năm một khó khăn hơn đối với các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Hiện nay, người ta đã hiểu rằng, dầu mỏ và khí đốt giá rẻ trong tương lai gần chắc chắn sẽ không có. Trong khi đó, Mỹ trong các thập niên gần đây tiêu thụ đến 40% toàn bộ tài nguyên thiên nhiên của trái đất, trong khi các nhu cầu của các nước như Trung Quốc và Ấn Độ thì liên tục tăng. 

Đã xuất hiện một xu hướng rõ ràng là các nước đang phát triển, nơi tập trung các trữ lượng chủ yếu tài nguyên năng lượng của thế giới đang tiến hành quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình để có được nguồn thu cao hơn cho ngân sách quốc gia. 

Trong giới phân tích phương Tây xác lập quan điểm cho rằng, nếu như một cuộc xung đột vũ trang sẽ xảy ra lúc nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc thì chỉ là vì chuyện chia chác các nguồn tài nguyên năng lượng đang tan biến từng ngày. 

Rõ ràng là trong những năm tới, chuyện đó khó lòng xảy ra, tuy nhiên cuộc đấu tranh ngầm để giành giật các mỏ dầu khí sẽ diễn ra không ngừng. Theo dự báo, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ tới 13,6 triệu thùng dầu/ngày và đến 16,9 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2035, khi nhu cầu dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ là 11,6 triệu thùng. Vì thế, sự cạnh tranh giành dầu mỏ giữa các nước tiêu thụ chủ yếu trong tương lai sẽ gia tăng nhiều lần.

Nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc từ Cận Đông, châu Phi và Mỹ Latinh sẽ tăng mạnh, còn các rủi ro chủ yếu sẽ tiềm ẩn trên các tuyến đường biển dài lê thê. Như Michael Klare viết trên tạp chí European Energy Review, “Bằng cách tạo lập cho mình ưu thế hải quân ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, chính quyền Obama rõ ràng nhắm tới việc giành lấy công cụ năng lượng trong thế kỷ XXI có giá trị tương đương cái gọi là hăm dọa hạt nhân trong thế kỷ XX. Chỉ cần các vị đụng chạm đến lợi ích của chúng tôi là chúng tôi sẽ buộc nền kinh tế của các vị phải quỳ gối bằng cách chặn đứng dòng chảy của nhiên liệu có tầm quan trọng sống còn”, chuyên gia Mỹ này đánh giá ý nghĩa của chính sách mới của Obama như vậy. 

Đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ tới Trung Quốc là Yemen, vốn là một khu vực chiến lược trọng yếu tiếp giáp với vịnh Persiquae và bán đảo Arab. Các quan chức Trung Quốc gần đây có nói về sự cần thiết thiết lập các căn cứ hải quân tại khu vực quan trọng này đối với họ. Tuy nhiên, việc gây mất ổn định ở Yemen và sự dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột Yemen đã ngăn chặn các ý đồ của Trung Quốc. Quốc gia duy nhất trong khu vực mà ở đó Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ hải quân là Iran bởi lẽ ở tất cả các quốc gia đáng quan tâm còn lại đều có sự hiện diện quân sự của các cường quốc phương Tây. Căn cứ tình hình chính trị rối ren ở Kenya và Somalia, có thể phỏng đoán rằng, khoảng chân không tại một không gian hoàn toàn không bị phân chia dọc theo bờ Tây Ấn Độ Dương sắp tới có thể bị lấp đầy bởi các đạo quân của NATO.
Mỹ sẽ dễ dàng bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc bằng đòn phong tỏa nếu cần thiết
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, mục tiêu chính của Obama sẽ là thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở Yemen. Chính sách này sẽ đáp ứng hàng hoạt nhiệm vụ mà quan trọng nhất trong số đó sẽ là giành quyền kiểm soát tuyệt đối đối với cảng Aden ở Yemen vốn thường được mệnh danh là “cánh cửa mở sang châu Á”. Kiểm soát được Aden và eo biển Malacca sẽ đặt Mỹ vào vị thế vô song trong “ván cờ lớn” ở Ấn Độ Dương. Bằng cách đặt các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương dưới quyền kiểm soát của mình, Washington sẽ kiềm chế được sự gia tăng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Bởi vậy, Mỹ chọn chỗ dựa là Ấn Độ, quốc gia đang tìm cách hạn chế các tham vọng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của họ ở khu vực Ấn Độ Dương.
Cho Trung Quốc nếm đòn đau ở châu Phi 
Trong chuỗi các cuộc cách mạng ở thế giới Arab, Libya chiếm một vị trí đặc biệt. Chính ở đó vào năm 2011, liên minh phương Tây đã  giáng một đòn chí mạng vào các lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi. Theo bình luận của Paul Craig Roberts, nhân vật đảng Cộng hòa, cựu thứ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Ronald Reagan, đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Policy, “Trung Quốc đã thực hiện những dự án đầu tư năng lượng quy mô lớn tại miền Đông Libya và trông cậy vào nó, cùng với Angola và Nigeria, về mặt nhu cầu năng lượng của mình”. Vì vậy, theo ông này, cuộc chiến ở Libya là “nỗ lực của Mỹ ngăn chặn cung cấp tài nguyên cho Trung Quốc”. Vào đầu năm 2011, đã có 75 công ty lớn của Trung Quốc hoạt động ở Libya và ký kết các hợp đồng tổng giá trị 18 tỷ USD. Do chiến dịch quân sự của NATO ở Libya, Trung Quốc đã buộc phải đình chỉ 50 dự án lớn đang tiến hành tại quốc gia Bắc Phi này và sơ tán 30.000 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc chủ yếu trong khu vực dầu mỏ ở miền Đông Libya. Kết quả là Trung Quốc mất toi những khoản tiền khổng lồ đã đầu tư vào nền kinh tế Libya.

Trong các điện tín ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks tiết lộ, các nhà ngoại giao Mỹ đã ghi nhận “sự bùng nổ quan tâm đến Libya từ phía các công ty dầu mỏ quốc tế không phải của phương Tây (trong đó có các công ty của Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc), các công ty này gần đây đã nhận được nhiều hợp đồng nhượng quyền từ Công ty Dầu mỏ quốc gia Libya”. Các công ty này đã có khả năng tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty dầu khổng lồ của Mỹ và Tây Âu. Ngay trước khi bùng nổ chiến sự do Liên minh Bắc Đại Tây Dương phát động ở Libya, trong số 10 công ty dầu nước ngoài đang khai thác dầu mỏ ở nước này giữ vị trí dẫn đầu là công ty CNPC của Trung Quốc.
Vì vậy, nhiệm vụ của chiến dịch Libya là chặn đứng xu hướng nguy hiểm của việc Libya chuyển hướng từ các công ty dầu mỏ Mỹ và châu Âu sang các công ty châu Á và trước hết là đánh vào lợi ích của Trung Quốc, điểm đến của tới 11% tổng khối lượng dầu mỏ Libya. Mỗi năm, con số này hiển nhiên sẽ chỉ có tăng. Ngoài ra, vào tháng 1/2009, Gaddafi đã dại dột đe dọa quốc hữu hóa toàn bộ ngành dầu mỏ và khí đốt, còn trước đó thì ông đã buộc các hãng dầu khí phương Tây hoạt động ở Libya ký lại các hợp đồng của mình với chính phủ Libya theo những điều kiện bất lợi cho các công ty xuyên quốc gia. Việc đe dọa bắt buộc ký lại các hợp đồng, theo các nhà ngoại giao Mỹ, đã tạo ra một tiền lệ quốc tế nguy hiểm, “có thể lặp lại nhiều lần trên toàn thế giới ở các nước sản xuất dầu”. Bởi vậy, cần phải trừng trị Gaddafi, kẻ dám khuấy động sự bình yên.
Trong một thời gian dài, một số chuyên gia đã cố chứng minh rằng, cuộc xâm lược của nước ngoài vào Libya không hề liên quan đến các lợi ích dầu mỏ của các cường quốc phương Tây, mà chỉ liên quan đến mong muốn của NATO giúp đỡ người dân Libya có được nền dân chủ hằng mong muốn. 

Nhưng từ tháng 1/2012, vô số các nguồn thông tin từ các nước khác nhau trên thế giới bắt đầu đưa tin việc đội quân Mỹ đổ bộ vào Libya. Nguồn đầu tiên đưa ra những tin tức này rõ ràng là tờ báo quốc tế tiếng Arab lâu đời nhất Asharq Al-Awsat, hoạt động ở London từ năm 1978. Ngoài ra, hàng loạt báo chí và hãng tin khác cũng đã xác nhận thông tin này. 

Thực chất là có 12.000 lính NATO đã đổ bộ xuống gần thành phố Marsa el Brega với chiêu bài “cần hỗ trợ ổn định trong khu vực và bảo đảm an ninh cho dân thường”. Theo các site của Israel, lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều động từ Malta để bảo đảm nguồn cung liên tục dầu mỏ Libya ra thị trường thế giới với giá hạ.

Ai cũng biết rằng, Marsa el Brega là một trong những bộ phận trọng yếu nhất của hạ tầng dầu mỏ Libya, nằm ở đây có các cơ sở lọc dầu và bơm dầu, một nhà máy khí hóa lỏng. Tại Brega còn có một trong hai cảng xuất khẩu dầu mỏ Libya. Nhà máy thứ hai đặt tại thành phố Ras Lanuf nằm cách Marsa el Brega khoảng 70 km. Bởi vậy, việc đặc nhiệm Mỹ đổ bộ rõ ràng là vì muốn chiếm giữ và kiểm soát các cơ sở then chốt của hạ tầng dầu mỏ Libya, cũng như nhằm bảo đảm việc cung cấp không gián đoạn hydrocarbon cho các đồng minh châu Âu. 

Đáng chú ý là việc chiếm giữ các cảng xuất khẩu dầu mỏ của Libya trùng về thời gian với việc EU thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran và châu Âu tự nguyện từ bỏ dầu mỏ của Iran. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu nay chắc chắn phải muốn thu xếp nguồn cung dầu mỏ Libya để giảm thiểu tối đa các hậu quả tiêu cực của việc cấm vận mua bán dầu mỏ của Iran đối với kinh tế châu Âu. Nhiệm vụ tung dầu mỏ giá rẻ ra thị trường năng lượng thế giới như vậy xem ra không phải là bất khả thi. Điều tương tự đã có thể thấy ở Iraq sau khi Mỹ chiếm đóng nước này vào năm 2003, khi chính quyền mới ở Iraq dưới sự giám sát chặt chẽ của quân đội Mỹ đã bảo đảm cung cấp các nguồn năng lượng với giá tượng trưng cho “những người giải phóng” mình (Mỹ).

Tình hình ở Nigeria, quốc gia đứng thứ 7 thế giới về khai thác dầu mỏ và chiếm 1/2 tổng trữ lượng khí đốt của châu Phi, cũng căng thẳng đột biến. Nigeria ngày nay là một trong những nhà sản xuất dầu thô nhẹ, có hàm lượng lưu huỳnh thấp, tức là loại dầu thô có chất lượng rất cao mà Libya đang sản xuất và cũng đang được khai thác ở Biển Bắc với trữ lượng đang cạn kiệt. 

Ngoài ra, Nigeria còn là một trong những nhà cung cấp năng lượng chủ chốt cho Trung Quốc. Hợp tác giữa Nigeria với Trung Quốc trong những năm gần đây phát triển với tốc độ chưa từng thấy: theo tính toán khiêm tốn nhất, Trung Quốc đã đầu tư vào Nigeria trên 12 tỷ USD. Tháng 5/2010, ban lãnh đạo Trung Quốc đã ký một hợp đồng khổng lồ trị giá 28,5 tỷ USD với chính phủ Nigeria để xây dựng 3 nhà máy lọc dầu mới. Đây là hợp đồng lớn nhất mà Trung Quốc từng ký ở châu Phi. Các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào các cuộc đấu thầu. Ví dụ, tháng 7/2010, Công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc CNPC đã thắng thầu 4 lô dự kiến có dầu, 2 ở đồng bằng sông Niger và 2 ở ranh giới với lưu vực Chad. 

Việc Nigeria chuyển hướng sang Trung Quốc không thể không làm cho Mỹ và EU lo ngại khi họ đang mất dần chỗ đứng trên thị trường dầu mỏ của quốc gia châu Phi này mà trước đây là lãnh đại của các công ty xuyên quốc gia Anh-Mỹ. Trong những năm gần đây, nhận được hợp đồng thăm dò các khu vực dầu khí tiềm năng nhất không phải là các công ty phương Tây mà là các công ty Trung Quốc. 

Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Nigeria đầy bất ổn. Ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế mà quốc gia Phi châu này đang chịu đựng, còn có thêm sự căng thẳng sắc tộc và tôn giáo. Nigeria là quốc gia của 250 bộ lạc, được chia gần như thành 2 cộng đồng Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. 12 bang miền Bắc Nigeria, nơi các phần tử Hồi giáo đã bám rễ vững chắc từ lâu, sống theo luật Hồi giáo Shariat.
Boko Haram thường được gọi là “Taliban châu Phi” hay “Taliban đen”. Năm 2004, tổ chức này đã lập căn cứ ở bang Yobe, Nigeria, nơi họ gọi một cách hình tượng là “Afghanistan”. Không có gì ngạc nhiên trong việc lựa chọn cái tên đó bởi vì Boko Haram duy trì quan hệ chặt chẽ với Al Qaeda và phong trào Taliban ở Afghanistan và được các tổ chức này năm 2010 hứa hẹn hậu thuẫn cho “những người anh em” ở Nigeria, có nghĩa là trong trường hợp tình hình căng thẳng ở Nigeria, các phần tử Taliban có thể ra tay giúp đỡ các phần tử khủng bố của Boko Haram.

Ngoài ra, ở Nigeria còn tồn tại các băng cướp chuyên nghiệp thường xuyên tấn công các tuyến đường ống dẫn dầu. Ví dụ, các tay súng của Phong trào giải phóng đồng bằng sống Niger thường xuyên tập kích các cơ sở dầu mỏ để đòi chính phủ chia sẽ nguồn thu dầu mỏ với dân chúng các tính ở lưu vực sông Niger. Bằng các cuộc tấn công cướp bóc, các băng cướp địa phương này phong tỏa hoạt động của các công ty dầu mỏ nước ngoài và điều kỳ lạ là mục tiêu mà chúng thường tấn công nhất chính là các công ty Trung Quốc hoạt động ở Nigeria.

Một đòn nặng giáng vào lợi ích của Trung Quốc là việc công nhận độc lập của Nam Sudan, một quốc gia mới thành lập, nhưng sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn vì thế là mối quan tâm đối với Trung Quốc. Mỹ hoàn toàn có cơ sở để coi Nam Sudan, quốc gia vừa tuyên bố độc lập vào tháng 7/2011, là một trong những đồng minh chủ chốt của mình ở châu Phi: chính phủ Mỹ trong mấy thập kỷ đã vấn động cho việc thành lập nhà nước Nam Sudan có chủ quyền và ủng hộ những người muốn ly khai khỏi Khartoum. Bởi vậy, chính quyền Juba (thủ đô Cộng hòa Nam Sudan) nhìn nhận một cách logic rằng, Washington là đồng minh chiến lược chủ yếu của họ và sẵn sàng cung cấp lãnh thổ của mình để lập căn cứ quân sự có thể là lớn nhất của Mỹ ở châu Phi. 

Ngoài ra, các tập đoàn Mỹ đang xây dựng một dự án tham vọng xây dựng các tuyến đường ống dẫn dầu từ Nam Sudan đến bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi, đến Cameroon, từ đó dầu mỏ sẽ có thể được chở bằng các tàu chờ dầu đến Mỹ. Bởi vì giá thành khai thác dầu ở Đông Bắc Phi thuộc loại thấp nhất thế giới nên Mỹ sẽ có thể nhận qua tuyến đường ống xuyên Phi (Nam Sudan - Cộng hòa Trung Phi - Cameroon) dầu mỏ giá rẻ nhất thế giới và theo tuyến đường ngắn nhất. Nằm ở Nam Sudan là các mỏ dầu chính của quốc gia một thời thống nhất Sudan. Hiện nay, tuyến đường ống dẫn dầu duy nhất tồn tại chạy từ miền nam lên miền bắc, đến Port Sudan, từ đó các tàu chở dầu vận chuyển dầu mỏ đến châu Á, trước hết là đến Trung Quốc. Nhưng nếu như ra đời “tuyến Cameroon” thay thế thì Trung Quốc có thể không còn dầu mỏ Sudan.
Có lẽ, để đạt mục tiêu đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 10/2011 đã quyết định phái quân Mỹ đến Uganda với cớ công khai là tham gia chống các phần tử cực đoan trong khu vực. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, mục tiêu ngầm của Mỹ trong chiến dịch ở Trung Phi là “làm sạch mặt bằng” các khu vực lãnh thổ đang kiểm soát cho các tuyến đường ống dẫn dầu mới. Barack Obama đang cố gắng bảo đảm an toàn cho các tuyến đường xuất khẩu dầu mỏ bằng cách thiết lập trật tự trên các vùng lãnh thổ mà các tuyến đường ống từ Nam Sudan có tầm quan trọng chiến lược đối với Washington sắp tới có thể chạy qua.
Một thất bại nặng nề của Trung Quốc là dự án bất thành xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Sudan - Libya - tuyến đường ống dẫn dầu xuyên Phi đầu tiên không nằm dưới sự kiểm soát của các cường quốc phương Tây, mà theo kế hoạch là được thực hiện vào năm 2011. Tuyến đường ống dẫn dầu này lẽ ra sẽ nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải và chạy theo tuyến Port Sudan - Khartoum - Fezzan - Benghazi. Việc mở tuyến đường ống dẫn dầu này có thể chuyển hướng cung cấp dầu mỏ Libya từ EU sang Trung Quốc, quốc gia đang bảo trợ cho chính quyền Sudan hiện nay. Tuy nhiên, các sự kiện đã biết ở Libya chỉ trong chớp mắt đã xóa sạch các kế hoạch này của Bắc Kinh. 

Như vậy, sự đối đầu Mỹ-Trung ở châu Phi và Cận Đông vẫn đang tiếp diễn và chiều kích quan trọng của nó đang là yếu tố năng lượng và các vấn đề an toàn vận chuyển tài nguyên năng lượng. Hiện thời, về mặt này, Mỹ đã thắng thế khi đẩy bật các công ty Trung Quốc khỏi các khu vực có dầu mỏ. 

Có vẻ như trong những năm tới, cuộc tranh đấu này sẽ tiếp diễn cả ở những nước giàu tài nguyên thiên nhiên khác. Ngoài ra, đang được bổ sung cho cuộc tranh giành tài nguyên năng lượng là các chiều kích quân sự và kinh tế. Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc bằng cách gây áp lực quân sự nhất định đối với Trung Quốc và dựng lên “các khối quân sự” với nước châu Á.
Theo VND

Tin liên quan