50 năm, trả nợ Ru tình
Những năm giữa thập niên 60, hình ảnh người con gái nhỏ bé, luôn xuất hiện trong tà áo dài, bên cạnh chàng nhạc sĩ gầy gò ôm guitar thùng trên sân khấu của quán Văn đã trở thành biểu tượng cho bức tranh của nền âm nhạc Việt Nam thời bấy giờ. Kể từ đó đến nay, đã 50 năm, người đi Ru tình.
“Những điều mà tôi nói hay tôi nghĩ thì tôi đã nói nhiều rồi, mọi người cũng đã hiểu rồi, thành ra trong những buổi trình diễn sắp tới đây thì mình chỉ có thể trả nợ cho khán giả của mình bằng những bài hát mà mọi người yêu.”
Khó có thể định nghĩa được đó là món nợ gì. Gọi là món nợ ân tình cũng được, món nợ với âm nhạc, với khán giả , với cuộc đời, cũng được. Từ cuộc gặp gỡ tình cờ ở phòng trà Night Club vào một đêm mưa dầm ở Đà Lạt năm 1964…
…cho đến cuộc tao ngộ vào buổi chiều năm 1967, trong một quán café đơn sơ với nền gạch cũ, được dựng lên ở phía sau trường đại học văn khoa Sài Gòn, tên gọi quán Văn, giọng hát khàn đục ‘ma mị” cất lên những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Bên dưới, đầy kín những sinh viên ngồi bệt trên nền đất, ngây ngất hoà cùng những tình khúc Trịnh và ca khúc Da Vàng.
Và rồi kể từ đó, món nợ của nghiệp dĩ được đeo mang suốt 50 năm như sự an bày của định mệnh.
Sự mộc mạc, đơn giản của ca từ, đẹp như không thể đẹp hơn của nhạc sĩ, cùng với giọng hát khàn đục ấy đã chạm đến góc khuất của biết bao thế hệ trong suốt 50 năm qua.
50 năm là một con đường dài hay ngắn? Cũng khó nói. Vì dài hay ngắn, đủ đầy hay chưa còn tuỳ theo nhân sinh quan của mỗi con người. Nói một cách khác, khi dừng chân lại phía bên kia con dốc, thì mỗi người chúng ta có quyền lựa chọn để giữ lại hoặc để gió cuốn đi những gì gọi là kỷ niệm trên từng quãng đường đã đi qua.
“Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ cả. không thể nào nói là mình nhớ cái này nhiều hơn, cái kia nhiều hơn. Đã là kỷ niệm thì mình đều trân trọng những điều đó. Cho dù đó là kỷ niệm vui hay buồn.”
Là thế. Cuộc đời có vui thì phải có buồn. Một lẽ dĩ thường tình trong cuộc sống. Buồn đau hay hạnh phúc, khóc than hay mỉm cười thì tất cả đều là kỷ niệm, khi mà chúng ta đã đi qua nó. Để rồi khi dừng chân nhìn lại, nói lời giã từ thì sẽ thấy mình hạnh phúc vì đã làm được những gì mình mong muốn, cho dù đó là cuộc đời của viên đá cuội lăn mãi những vết lăn buồn
Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ cả. không thể nào nói là mình nhớ cái này nhiều hơn, cái kia nhiều hơn. Đã là kỷ niệm thì mình đều trân trọng những điều đó. Cho dù đó là kỷ niệm vui hay buồn
Hay đó là cuộc đời hoá kiếp của một hạt bụi, và cuối cùng thì đến một buổi chiều, tóc cũng bạc trắng như vôi
“Ngày xưa khi bắt đầu bước lên sân khấu, tôi còn nhỏ, mới ngoài 20. Trong lòng mình có nhiều háo hức chờ đợi, ước mơ. Không phải ước mơ để nổi tiếng đâu, chỉ là ước mơ được hát lâu dài. Bây giờ đã hát qua 50 năm rồi. tôi nghĩ là 1 đời người không phải là ai cũng có 50 để mà đi dài như vậy. đối với cô thì cũng đã đủ rồi đó. Mọi người đã yêu mến mình qua 50 năm đó. Điều này không phải là dễ dàng. Mình đã có được những gì mình mơ ước trong tay. Mình đã làm được những công việc mà mình yêu thích và được mọi người yêu thì cũng hạnh phúc lắm rồi. Chứ ngậm ngùi thì rồi cũng phải xa tất cả thôi.”
Có ai nói lời chia tay mà dễ dàng đâu? Làm sao tránh được nỗi ngậm ngùi, dù biết rằng “ngậm ngùi thì rồi cũng phải xa tất cả.” Cũng như, có cố gắng vẹn tròn trong từng ngày, có nghĩ rằng mình “đã đủ”, nhưng rồi cũng khó tránh được những lần hối tiếc.
“Trong đời mình không phải điều gì mình làm cũng đúng cả. không phải là mình không có những hối tiếc. Có chứ. Mình hối tiếc vì ngay bây giờ mình không có thời gian được thực hiện hết những gì mình mơ ước. Vì mơ ước thì nhiều lắm, rất là bao la, rộng lớn, nhưng đời sống của con người thì ngắn.”
Phải chăng đó là sự hối tiếc của một người cho phép mình được tham lam với cái tình của cuộc đời? Tình với âm nhạc, tình với bạn bè, với khán giả, với người đầu ấp tay gối, với tất cả.
“Mặc dù chú là nhất trên cuộc đời này nhưng mà cô vẫn thấy mình chưa làm đủ, chưa làm hết được những điều cho chồng của mình. Và đối với khán giả, mình cũng chưa làm hết.”
Khi con người đã đứng trên đỉnh dốc của cuộc đời, thì người ta luôn muốn giữ lại hiện tại, chạm lại những gì đã qua. Nhất là khi đã phải trải qua những sự mất mát vốn là quy luật.
“Cô muốn đứng chung sân khấu với những người trẻ, người cùng thời với mình 1 lần trước khi giã từ sân khấu. Ngày mai có chuyện gì xảy ra, hoặc không còn người này, người kia, thì mình không còn có cơ hội để gần gũi nhau được nữa. Cô rất mong mỏi những đêm sinh hoạt văn nghệ này lúc nào cũng có đầy đủ các bạn bè của mình.”
Và đặc biệt, là thực hiện cái điều mà người thương yêu nhất của mình đã từng mong mỏi.
“Đó là một dự tính của chú Đoan khi chú Đoan còn ở nhà. Chú Đoan đã mơ ước những đêm nhạc như vậy và với 1 chủ đề thôi, là RU TÌNH. Cô và chú Đoan, với Quang Thành đã mong mỏi những đêm nhạc như thế này trên tất cả tiểu bang trước khi từ giã.”
Khi người có dự tính ấy không còn ở nhà nữa, thì người ở lại, phải thực hiện cho tròn tâm nguyện đó. Và đặc biệt, Ru Tình vì tên gọi này còn mang một ý nghĩa rất vô cùng, dành cho một người:
“Trịnh Công Sơn là một người, một hạnh phúc rất lớn, may mắn rất lớn cho cô và cho cả chú Đoan nữa, trong suốt 40 năm.”
Ru Tình sẽ là nơi ôn lại những kỷ niệm của ta, của người.
Những cái gì đã qua, cứ để cho nó qua. Ngày hôm qua mình biết, ngày hôm nay mình biết, nhưng mình còn hướng đến tương lai nữa, chư không phải chỉ có hôm qua và hôm nay
“Không thể nào tôi quên được kỷ niệm đầu đời khi mà tụi tôi còn là nhi đồng hát với nhau trong ban nhạc hoa xuân của nhạc sĩ Ngọc Bích. Hồi đó tôi còn non lắm, tôi hát cái bài Chiều hành quân gì đó, mà tôi quên lời, tôi đứng tôi khóc. Mai có đến hỏi tôi là có chuyện gì. Tôi nói là quên lời. cô ấy an ủi thì nói rằng đâu có sao, thì bây giờ tìm lời lại. Hồi đó đâu có internet gì đâu, nên hỏi lời làm sao rồi sau đó ok. Cô ấy giới thiệu cô ấy là Lệ Mai. Tôi bảo tôi tên là Lệ Thu. Đúng là một sự tiền định vì lý do vì tôi không hề có trong tiềm thức về cái tên đó mà tự nhiên tôi lại lấy tên là Lệ Thu, ngẫu nhiên trùng hợp với cái Lệ Mai. Chúng tôi trở thành bạn từ đó.”
Thế mới thấy, tình yêu của con người thì vô hạn không cùng, mà đời mỗi con người thì hữu hạn. Cho nên, đến với nhau bằng những tình đẹp đẽ, tình mẹ ru con, người yêu nhau ru nhau bằng những ngón xuân nồng dài đến nghìn năm, và khi giã từ nhau, cũng phải bằng những lời Ru Tình.
“Khi mà người ta yêu thích một tiếng hát hay một điều gì đó mình có thể xem như đó là mối tình đầu của mình. Nhưng mà trong đời không phải chỉ có một mối tình mà thôi. Mình hãy yêu thương tất cả mọi người.”
Người Ru tình sẽ ru khán giả, ru đời trong suốt một đoạn đường dài hai năm rồi giã từ nghiệp dĩ. Người Ru tình bước về phía bên kia con dốc, mong mọi người hãy xem mối tình đầu đó là kỷ niệm, để có thể còn đón chào nhiều tình yêu thương khác nữa.
“Những cái gì đã qua, cứ để cho nó qua. Ngày hôm qua mình biết, ngày hôm nay mình biết, nhưng mình còn hướng đến tương lai nữa, chư không phải chỉ có hôm qua và hôm nay. Đừng vì mối tình đầu đó mà hờ hững. Những tiếng hát trẻ là tương lai, mà cô là quá khứ. Cô là quá khứ rồi. Cô là kỷ niệm. Cô là những gì đã đi qua trong đời sống này.”
Cô là Khánh Ly, nữ hoàng chân đất của nền âm nhạc Việt Nam