Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất: Thêm nhiều tình tiết mới

VOV.VN - Thời điểm xảy ra sự cố không có chuyện cắt điện theo kế hoạch hay gián đoạn cấp điện do bất kỳ sự cố nào về nguồn hay lưới.
Liên quan đến sự cố mất điện hệ thống điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất hồi 11h5’ phút ngày 20/11, trao đổi trên evn.com.vn, ông Phạm Quốc Bảo, Phó GTĐ Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, thời điểm xảy ra sự cố, lưới điện trên toàn bộ khu vực cung cấp cho sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng, toàn bộ TP HCM nói chung vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có chuyện cắt điện theo kế hoạch hay gián đoạn cấp điện do bất kỳ sự cố nào về nguồn hay lưới.
Sự cố không có lỗi của ngành điện
Ông Phạm Quốc Bảo khẳng định: Tại thời điểm ACC Hồ Chí Minh mất năng lực kiểm soát, điều hành bay thì hệ thống điện lưới được cung cấp bởi EVN HCMC vẫn hoàn toàn ổn định. Vấn đề là sự cố tại UPS - theo giải thích của lãng đạo Cục Hàng không Việt Nam, tức là UPS bị “chết” và không thể đưa điện vào thiết bị ở đài kiểm soát không lưu.
Về phía ngành điện, để làm rõ hơn trách nhiệm của mình trong vấn đề này, EVN HCMC đã có văn bản cụ thể gửi Thành ủy, UBND TP HCM và các bên liên quan. Theo đó, EVN HCMC khẳng định: EVN HCMC nói riêng, ngành Điện nói chung không có lỗi hay liên đới trách nhiệm trong sự kiện này. Ngành Điện đã, đang, và sẽ luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo nguồn điện ổn định, tin cậy cho mọi hoạt động của sản xuất và đời sống trên địa bàn TP HCM.
 
Lần đầu tiên Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất điện (Ảnh minh họa: KT)
Không báo cáo sự cố với ICAO
Trao đổi với Thanh niên Online chiều 25/11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục không có nghĩa vụ phải báo cáo sự cố mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay ở sân bay Tân Sơn Nhất lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
“Đây chỉ là sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật chứ chưa xảy ra tại nạn nghiêm trọng. Việc điều hành bay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Do đó theo quy định không phải báo cáo cho ICAO”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam là phải tìm hướng khắc phục sự cố chứ không phải là báo cáo với ICAO.
Vi phạm Luật Hàng không dân dụng
Về hình thức xử lý, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP HCM khi trao đổi trên Đời sống Pháp luật đã cho rằng: “Để có cơ sở xử lý, trước hết tổ điều tra phải xác định được sự cố này xảy ra thuộc trách nhiệm cá nhân, bộ phận nào, do lỗi cố ý hay vô ý.
Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, sự cố này có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 12 Luật Hàng không Dân dụng: Làm hư hỏng hệ thống tín hiệu, trang bị, thiết bị, đài, trạm thông tin, điều hành bay, các trang bị, thiết bị khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc điều khiển, đưa các phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay và đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trong tàu bay.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng cho biết, để xảy ra sự cố này, công ty cung cấp dịch vụ không lưu đã vi phạm nghĩa vụ quy định tại điều 98 Luật Hàng không Dân dụng và Quy chế Không lưu Hàng không Dân dụng do Bộ GTVT ban hành.
Theo đó, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị, kế đến là những cán bộ phụ trách kỹ thuật của kíp trực hôm xảy ra sự cố. “Tôi nghĩ đây là một sự cố nghiêm trọng, nên cần có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng đối với những cán bộ liên quan”, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho hay./.
PV/VOV.VN(Tổng hợ

Sự cố mất điện Tân Sơn Nhất: Công bố nhiều tình tiết mới

Tổng GĐ Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, đằng sau sự cố có những dấu hiệu đáng ngờ đang được tổ điều tra làm rõ.

Liên quan đến sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều máy bay phải chuyển hướng và hoãn chuyến hôm ngày 20/11, trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Đinh Việt Thắng - Tổng GĐ Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam cho biết: "Bình thường, nếu bấm nhầm nút tắt nguồn trên UPS cũng không mất điện vì ngoài UPS có một đường lưới trực tiếp. Nhưng trước khi sự cố xảy ra, ông Tình đã ngắt hệ thống điện lưới trực tiếp này để chạy thử máy phát điện".
"Khi mất điện, cách ứng xử tốt nhất là đưa điện lưới ngay vào hệ thống, nhưng kíp trực lại tập trung sửa UPS. Khoảng 10 phút sau, họ mới thực hiện. Lúc này, hệ thống cấp điện hoạt động lại bình thường, kể cả UPS. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau một lúc, điện lại đột ngột mất. Kíp trực quay sang khởi động lại máy nổ, đấu điện trực tiếp vào hệ thống. Lúc này sự cố mới được khắc phục. Tổng thời gian mất điện là 31 phút; đến phút thứ 40, chức năng liên lạc của hệ thống mới hoạt động trở lại. Hệ thống ra đa phải khởi động mất thời gian; sau đó 1 giờ mới hoạt động bình thường. Một điều chúng tôi đang làm rõ là vì sao lại mất điện lần thứ hai. Máy móc thiết bị ghi lại cho thấy đã có người bấm thêm một lần nữa vào nút đỏ trên UPS. Cái này, tổ điều tra sẽ làm rõ", ông Thắng nói.

Sự cố mất điện Tân Sơn Nhất: Công bố nhiều tình tiết mới - Ảnh 1

Sự cố mất điện khiến nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất không thể hạ cánh.

Theo lời ông Đinh Việt Thắng, nguồn điện cấp cho ACC HCM gồm điện lưới, 3 UPS và 3 máy phát điện. Mỗi UPS có thể cấp điện 30 phút, 3 UPS duy trì được 1 tiếng rưỡi; một máy phát điện cấp đủ cho cả hệ thống. Sự cố xảy ra lúc 11 giờ ngày 20/11, kíp trực có 3 người, do ông Lê Trí Tình phụ trách. Theo quy trình, mỗi tuần có 2 ngày phải đóng điện lưới để bật máy phát điện. Kíp trực đóng điện lưới, khởi động máy phát điện bình thường. Nhưng khi đó, một UPS báo lỗi.
Nếu cứ để bình thường như vậy, 2 UPS kia vẫn hoạt động. Muốn sửa UPS phải cấp điện lưới trực tiếp vào cho hệ thống, cô lập UPS bị hỏng. Nhưng kíp trực thực hiện sai quy trình, bấm luôn vào nút tắt nguồn trên UPS (bấm 2 lần). Trong khi đó, hệ thống UPS này có tính năng, nếu chưa cô lập, tắt một cái, cả hệ thống UPS ngưng hoạt động, tắt cả hệ thống, dẫn đến mất điện.
Quy trình vận hành hệ thống thường xuyên được huấn luyện. Lần gần nhất là trước sự cố 2 tuần, cho chính kíp trực đó. Vào tháng 8, Tổng Cty cũng ban hành chỉ thị về đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Ngoài nguyên nhân chủ quan như trên, theo ông Thắng còn do công tác quản lý, giám sát. Nguyên nhân thứ ba là thiết kế hệ thống. Hệ thống được thiết kế như vậy là an toàn, nhưng sự an toàn lại tập trung vào một nút bấm thì cũng chưa loại bỏ hết khả năng xảy ra sự cố.
Trao đổi trên báo Giao thông vận tải về sự cố hy hữu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đây là sự việc nghiêm trọng, không thể chấp nhận và sẽ xử lý nghiêm.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Bộ trưởng Thăng, sự cố tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa rồi là chưa từng có trong lịch sử hàng không và không thể chấp nhận được.
"Không có lý do gì có tới 3 nguồn điện để phục vụ điều hành bay mà mất cả ba. Chắc chắn có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và không loại trừ khả năng có sự phá hoại? Sự cố này là rất nghiêm trọng, cần xử lý thật nghiêm và điều tra làm rõ", Bộ trưởng cho biết.
Như tin tức đã đưa, trưa 20/11, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) không thể hạ cánh vì thiếu thông tin dẫn đường tiếp cận vùng trời. Tất cả chuyến bay phải bay vòng hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay đầu cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các máy bay chuẩn bị khởi hành tại Tân Sơn Nhất cũng bị lùi thời điểm cất cánh. Sự cố kéo dài suốt một giờ 35 phút, đến gần 13h cùng ngày, hệ thống kỹ thuật điều hành bay mới được khôi phục.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hệ thống điều hành bay bị gián đoạn vì hư hỏng hệ thống cấp điện. Bình thường nguồn điện cấp vào mạng lưới điều hành đều thông qua 3 hệ thống lưu điện UPS. Khi mất một hệ thống thì hai nguồn khác sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, trưa 20/11, một hệ thống lưu điện UPS bị hỏng, sau đó đã ảnh hưởng cả 3 hệ thống khiến mạng lưới điều hành không lưu tê liệt hoàn toàn. Cục Hàng không đang điều tra nguyên nhân cụ thể.
Liên quan đến vụ việc, ngày 23/11, theo tin tức trên báo Nhân Dân, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với một số cán bộ của Công ty Quản lý bay miền nam, gồm Phó giám đốc phụ trách Kỹ thuật Trần Công; Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Lê Văn Tính và Phó trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Nguyễn Quốc Phú. Các cán bộ này bị đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23/11) để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố trên.
Trước đó, ngày 21/11, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền nam đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày đối với Kíp trưởng Lê Trí Tình và nhân viên kíp trực điện nguồn Phạm Văn Dũng thuộc Ðội bảo đảm môi trường kỹ thuật (Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật) để phục vụ điều tra sự cố.
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/11, lãnh đạo Tổng Cty Quản lý Bay Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo lập tổ điều tra, báo cáo kết quả trước ngày 10/12.
Thành phần tổ điều tra ngoài các thành viên của Cục Hàng không, Tổng Cty Quản lý bay còn có TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện- Điện tử - Tin học EEI. Theo thông tin từ cán bộ Tổng Cty Quản lý bay, công an cũng tham gia vào việc điều tra sự cố.
Mai Nguyên (Tổng hợp)

Chống tham nhũng: “Cứ để chuột có cơ hội lớn, chuột sẽ làm vỡ bình!“

VOV.VN
 Thông điệp này được Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khuyến nghị tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13.
Sáng nay (26/11), Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Bộ Tư pháp, phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tham dự Đối thoại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc Đối thoại
Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN là rất rõ ràng. Ngay trong Hiến pháp 2013 cũng quy định rất rõ về việc này. Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược về PCTN. Hơn nữa, Việt Nam có thành lập cả Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN do Tổng Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Đồng thời, có nhiều việc Việt Nam đã và đang làm như hoàn thiện hệ thống thể chế, với việc ban hành một loạt các luật liên quan để góp phần PCTN… 
Đánh giá công tác PCTN ở Việt Nam dù có tiến bộ, nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: “PCTN ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp (như báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu mới chỉ đạt 22,3%). Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tại Đối thoại này, các đại biểu trong nước và quốc tế cần tập trung phân tích nguyên nhân của tham nhũng, cần nêu những điểm sáng quốc tế về PCTN và thu hồi tài sản để làm bài học… cho Việt Nam. Từ đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nữa Công ước LHQ về PCTN. Bởi Diễn đàn Đối thoại về PCTN là một cơ chế đặc thù trong việc trao đổi thông tin về PCTN. Tại đây, nhiều sáng kiến PCTN được chia sẻ thẳng thắn, cởi mở.
Hiệu quả thấp trong phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 cho thấy, Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp; Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Công tác PCTN năm 2014 tiếp tục có những bước tiến bộ.
Đó là Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế bảo đảm tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người trong đời sống chính trị, xã hội và kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013; tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCTN như tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản thu nhập. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu, rộng. Vai trò của công dân, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp trong PCTN được tăng cường.
Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có tác dụng rõ rệt trong việc răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất 2010-2015; tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.
Nguyên nhân thực trạng này, theo Thanh tra Chính phủ, chủ yếu do việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn chậm. Hiệu quả thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thấp. Việc tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời. Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp. Năm 2014, mặc dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng. Việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác PCTN của Việt Nam.
Mục tiêu, cách tiếp cận PCTN của Việt Nam tương đồng với quốc tế
Với những kết quả nêu trên, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết: Thực tiễn phòng chống tham nhũng cho thấy, việc phòng ngừa là giải pháp đâu tiên, quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng, nó có tác dụng ngăn ngừa hành vi tham nhũng có thể hình thành; còn việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong các giải pháp khắc phục hậu quả của tham nhũng gây ra cho xã hội, cũng là một trong các thước đo đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng. Phòng chống và thu hồi tài sản tham nhũng cũng chính là hai trụ cột của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.
Công tác PCTN ở Việt Nam, ông Hà Hùng Cường đánh giá: Cả về mục tiêu, cách tiếp cận của Việt Nam đều tương đồng với quốc tế. Trong đó, quan điểm triển khai PCTN thực hiện triệt để, toàn diện ở mọi cấp, mọi ngành trong xã hội, và đối với người tham nhũng gây thiệt hại cho xã hội thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định. Tuy nhiên, “dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam còn nhiều thách thức, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng rất phức tạp, cả trong vấn đề về luật pháp và thực tiễn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của quốc tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Vì thế, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, “các báo cáo nghiên cứu, những bài học thực tiễn tốt được chia sẻ tại Đối thoại là thông tin quý báu để cơ quan chức năng của Việt Nam tham khỏa, tiếp thu và vận dụng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”.
Không diệt chuột, chuột sẽ đuổi chủ ra khỏi nhà
Còn Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho biết, bản thân Ngài thấy phấn khởi khi thấy có những tiến bộ đạt được trong PCTN ở Việt Nam thời gian gần đây. Ngài Đại sứ nhấn mạnh: Trong PCTN, cần chú ý đến đội ngũ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vừa là nạn nhân của nạn tham nhũng, doanh nghiệp còn vừa là đối tác quan trọng trong PCTN. Hơn nữa, trong môi trường hội nhập, việc PCTN còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Bởi nếu tham nhũng còn tồn tại trong môi trường kinh doanh thì hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư sẽ giảm.
 
Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
Theo Ngài Giles Lever, Việt Nam cần phải tiếp tục tham gia hợp tác quốc tế và trong nước trong PCTN để hoạt động này có được thành công. Vì thực tế cho thấy, dù đã có tiến bộ nhưng trong lĩnh vực này còn nhiều thách thức. Đơn cử, khảo sát của Tổ chức Minh bạch Thế giới cho thấy vẫn chỉ 24% người được hỏi cho rằng những nỗ lực PCTN của Chính phủ Việt Nam là có hiệu quả, nhưng cũng còn tới 34% lại cho rằng chưa hiệu quả. Tham nhũng và nhận hối lộ trong lĩnh vực công vẫn rất nổi cộm. Ngay như khảo sát của VCCI mới đây cũng cho thấy, tham nhũng là trở ngại lớn ở Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Từ đó, Ngài Đại sứ chỉ rõ: Dù rất hoan nghênh Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh công tác PCTN và đã có chiến lược quốc gia PCTN. Nhưng từ nhiều khảo sát cho thấy, người dân và cộng đồng quốc tế vẫn thấy tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam. Điều này cho thấy, những chủ trương, quy định… đưa ra vẫn chưa được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Đặc biệt, nói một cách hình ảnh, Ngài Đại sứ cho rằng, ở Việt Nam có nói rằng, “đánh chuột đừng để vỡ bình. Tôi tin là Việt Nam tìm được cách để đánh chuột mà không vỡ bình. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới đã cho tôi thấy, nếu cứ để chuột có cơ hội lớn lên, nó sẽ làm vỡ bình. Cho nên, Việt Nam cũng cần có những con mèo để diệt chuột, hoặc ít ra phải có thuốc chuột, có bẫy chuột… Và dù cách nào, mục đích chính là phải diệt được chuột, nếu không, sẽ đến lúc chuột đuổi chủ ra khỏi nhà”./.
Xuân Thân/VOV.VN

Bài liên quan

Video đang được xem nhiều
Man City lội ngược dòng nghẹt thở trước Bayern