Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Siêu bão Maysak  giật cấp 15, cấp 16 đang cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 910km về phía Đông Đông Nam đang di chuyển vào biển Đông…

Sieu bao Maysak
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho hay, vào hồi 14 giờ hôm nay, ngày 3.4 vị trí tâm bão Maaysak  ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 129,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 910km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 4.4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 124,9 độ Kinh Đông cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 5.4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Tây đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão Maaysak, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 01 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, cùng các ban ngành liên quan yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của siêu bão Maysak.
Trong công điện này Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương và các Bộ, bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao cần theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Các cơ quan này cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng cứu khi có yêu cầu. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Hiện tại, trên Vịnh Bắc Bộ đang có gió mạnh, sóng lớn. Trong bản tin của Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ phát đi vào sáng nay (3.4) thông tin: Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây phát triển nên ở vịnh Bắc Bộ ngày và đêm hôm qua (2.04) đã quan trắc được gió Nam mạnh 12 – 13 m/s (cấp 6), có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Dự báo ngày và đêm nay (03/04) ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao 1.75 – 2.75 mét
  nguồn :kênh 13

100 năm nhà thương điên Biên Hòa

Trường điên
Ký của Thu Trân



Tôi thích hoài niệm. Quê tôi có sông Đồng Nai nhiều khúc quanh, lên thác xuống ghềnh theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước.

Con sông cũng ôm trọn những vòng đời, chứa chan tình đời và tha thiết ơn đời. Má tôi bảo, nhờ có sông thiêng Đồng Nai nên đất Biên Hoà là “đất phật”.
Chiến tranh ác liệt thế nào, đến địa đầu Biên Hoà thì tiếng súng im bặt, các bên giải quyết hằn thù với nhau theo kiểu ôn hoà chứ không phải bắn giết nhau nữa. Đất còn “phật” ở chỗ có Nhà thương điên Biên Hoà (bây giờ là Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1915. Người địa phương cố cựu gọi đây là “nhà thương ơn phước”.

“Ơn phước” bởi luôn có hàng trăm người bệnh tâm thần bị bỏ rơi được bệnh viện cưu mang và chăm sóc cho đến hết đời. Cũng nhờ chuyện ơn phước này mà bọn nhỏ chúng tôi trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được học một ngôi trường ơn phước. Trường tiểu học cộng đồng Dưỡng Trí Viện.

Trường Dưỡng Trí Viện (DTV) còn được người dân Biên Hoà gọi là trường nhà thương điên. Bởi đây là ngôi trường nằm trong khuôn viên đất bệnh viện, được bác sĩ giám đốc Nguyễn Văn Hoài (giám đốc người Việt đầu tiên của bệnh viện, các thời trước đó toàn người Pháp) cho xây dựng để dạy dỗ con em y bác sĩ và nhân viên bệnh viện.



Trẻ con các vùng lân cận cũng được vô tư cho vào học, không vấn đề gì (chuyện học hành ngày xưa dễ lắm thay!). Tôi là một trong vài chục học trò thuộc diện “trái tuyến” ấy.

Trường luôn có mười lớp, từ lớp một đến lớp năm, năm lớp A dành cho con trai, năm lớp B dành cho con gái. Con trai và con gái luân phiên nhau học tuần sáng tuần chiều. Tuần học buổi sáng, hầu như không học trò lớp năm nào thích nghỉ học vì được hát quốc ca và kéo cờ.

Học trường nhà thương điên chỉ buồn mỗi tội là, đi thi thố gì với các trường khác trong tỉnh Biên Hoà (thời ấy) cũng bị gọi “mấy đứa trường điên”. Thiệt thòi chút xíu nhưng bọn tiểu học cộng đồng cả tỉnh đều phải ngả mũ chào “bọn điên” chúng tôi trên nhiều phương diện: học giỏi, ngoan, lễ phép và năng động.

Có người lớn xấu miệng bênh “phe đối lập” của trường tôi trong các cuộc thi bảo: “Tụi nó có... máu điên hay sao mà thi cái gì cũng hăng quá trời!”.

Hề gì. Thầy Thạch Đông chuyên đi chiếc Vespa xanh cũ mèm là hiệu trưởng trào cuối cùng trước ngày miền Nam giải phóng yêu thương xoa đầu chúng tôi bảo: “Họ nói gì kệ, các con học giỏi và ngoan là thầy vui rồi!”. Chúng tôi thương thầy hiệu trưởng như thương cha. Bao giờ thầy cũng nghiêm khắc và vui đùa đúng mực. Đứa lười học bị thầy kêu lên văn phòng dạy dỗ, lấy cây thước dài khẻ hai cái vào hai lòng bàn tay đỏ rần mà sợ... tới già!

Giờ chơi, sân trường rộng, chúng tôi túa ra như bầy ong vỡ tổ đúng nghĩa (không “giả định” như trong những bài văn mẫu bây giờ) chơi lò cò, chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm, chơi nhảy nụ...

Thầy đi loanh quanh nhìn bọn nhỏ chơi đùa, đôi khi “phụ ăn gian” bốc đứa chơi trò nhảy nụ bé hạt tiêu bay qua mấy tầng bàn tay bàn chân của đám nhỏ ngồi bên dưới. Ê, thầy ăn gian... thế là thầy rụt đầu, le lưỡi chạy mất. Bây giờ không biết thầy có còn khoẻ. Ít gì, năm nay chắc thầy cũng phải tám mấy chín mươi tuổi rồi!

Bị kêu là “trường điên” nhưng chưa bao giờ tôi thôi tự hào về ngôi trường be bé xinh xinh được xây theo kiến trúc kiểu Pháp nằm hiền hoà bên dòng suối Săn máu róc rách chảy suốt ngày đêm.

Ngay lúc bọn học trò nhỏ mới cắp cặp đến trường, thầy hiệu trưởng đã dạy: “Học trò DTV phải độ lượng, khoan dung và học giỏi”. Học giỏi thì nhất định rồi. Còn sao phải độ lượng, khoan dung?

Chúng tôi đã có một tuổi thơ dài “chơi” với những người điên. “Chơi” với những người khốn khổ, không bình thường ấy phải độ lượng và khoan dung. Thầy hiệu trưởng đã dạy chúng tôi độ lượng, khoan dung theo kiểu tuổi thơ mình. Trước tiên thầy bảo phải biết thương yêu, chia sẻ với người bệnh; không được hỗn hào, “chơi xấc” người bệnh.

Ngày xưa, DTV Biên Hoà chữa bệnh tâm thần theo kiểu hướng ngoại nhiều hơn là dùng biệt dược như bây giờ. Đây cũng là chủ trương của bác sĩ Hoài, ông yêu thương người bệnh tâm thần như người thân trong gia đình (hiện tên ông được đặt cho con đường băng ngang bệnh viện).

Sau thời gian dùng thuốc và sốc điện, người bệnh chuyển sang giai đoạn “ổn tạm thời” được cho hoà nhập cộng đồng (người bệnh tâm thần không bao giờ hết hẳn bệnh, đây cũng là lý do khiến nhiều người bị gia đình bỏ rơi).

Có cả một xưởng thủ công trong bệnh viện dành cho người bệnh chằm nón, đan dây, xay lúa... Ngoài giờ lao động, các quí vị “ngoài vùng phủ sóng” được đi lang thang khắp nơi. Tất nhiên, trường DTV bên cạnh là một trong những điểm đến hấp dẫn. Tiếp xúc với trẻ con hồn nhiên, người bệnh dễ quân bình tâm trí hơn, mau hết bệnh hơn- thầy hiệu trưởng bảo thế.



Giờ chúng tôi học, họ đi tới đi lui ngoài hành lang, người tréo chân ngồi đọc sách, người ngồi thu lu một góc ngủ gà ngủ gật. Vậy mà thầy hiệu trưởng nói, họ nghe hết: “Các ông các bà đi khẽ nói nhẹ cho bọn nhỏ học hành nghen!”, gật đầu dạ dạ rồi xoè tay xin thầy cục kẹo hoặc điếu thuốc.

Họ ngồi chồm hỗm thành hàng ngoài hành lang lớp tôi, phà khói thuốc mù trời, tuyệt nhiên không tiếng xì xầm, không bất cứ tiếng động nào chi phối bọn trẻ chúng tôi học hành, thương vậy!

Giờ ra chơi thì đủ kiểu. Ông leo cây bả đậu (thân gai mà leo được mới hay!) trong sân trường hái trái khô đập ra, dùng dao lam khắc múi trái thành hình con cá con tôm cho bọn trẻ. Bà năn nỉ đứa nhổ tóc sâu rồi hát cho nghe một bài. Có đứa đòi cả múa, bà chiều luôn. Đám đông đứng quanh người bệnh xem hát múa là chuyện rất thường trong sân trường tôi.

Có ông Thông râu quai nón chuyên nhặt chuột gà chết về làm “đại tiệc” trong góc hàng rào rậm rì dây leo của trường. Vừa nấu ăn ông vừa đọc Kiều hoặc Lục Vân Tiên, giờ chơi chúng tôi bu quanh nghe, riết rồi đứa nào cũng nhập tâm vài câu. Ăn chuột gà mắc dịch mắc toi suốt năm suốt tháng vậy mà ông Thông vẫn ngày càng mập mạp, phương phi!

Có ông đi ba bước lùi hai bước đi hoài không hết một vòng sân trường, cứ đi hoài đi hoài như một sứ mệnh thiêng liêng. Hôm tôi bệnh nghỉ học, nằm sốt mê man ở nhà, nhắm mắt lại là thấy ông đi ba bước lùi hai bước đi vòng vòng cột cờ, đi mãi đi mãi đến nỗi tôi có cảm giác chóng mặt tuột luôn xuống giường. Không biết tên ông, chúng tôi cứ gọi là “ông đi ba bước lùi hai bước”.

Sự cố thỉnh thoảng vẫn xảy ra giữa đám trò nhỏ và những người bệnh tâm thần tội nghiệp. Nga, nhỏ học trò phá như con trai lớp tôi, có lần bôi xác kẹo chewing gum lên tóc bà cụ chuyên lấy nước cổ trầu (bà nhai) bôi đầy mặt đầy tay bà. Ngồi gỡ xác chewing gum mãi không được, bà khóc hu hu như đứa trẻ. Sự việc vỡ lỡ, thầy hiệu trưởng bắt Nga vòng tay xin lỗi bà, xong cô bạn phải nằm xuống giữa sân trường, thầy đét cho hai roi vào mông nhớ đời.

Thầy răn dạy chúng tôi: “Người bệnh tâm thần cũng là những người cần được đối xử công bằng. Các con không được xúc phạm họ”. Chính thầy đã dắt tay bà cụ lên trại, xin lỗi bác sĩ phụ trách trại và nhờ người cắt tóc cho cụ. Được quan tâm, bà cụ tâm thần càng khóc to, khóc như chưa bao giờ được khóc.

Đêm ấy trời mưa dầm rả rích, tôi ngủ mơ thấy thầy hiệu trưởng dắt tay bà cụ vào một vườn cây đầy hoa trái... Vài tháng sau, ông đi ba bước lùi hai bước băng ngang đường trước trường tôi bị xe GMC to đùng của Mỹ cán chết. Nga mếu máo giải thích giữa đám bạn bè trèo lên bậc hàng rào ngóng ra ngoài xem tai nạn: “Ổng chết vì tội tiến có một bước mà người lái xe tưởng ổng bước những ba”. Rồi ôm mặt khóc oà. Thầy hiệu trưởng đứng sau bước đến ôm nó vỗ về: “Đừng khóc, ông nhẹ nhàng rồi con ạ!”.

Ký ức tuổi thơ tôi vương vấn hoài chuyện giờ chơi cả bọn rủ nhau trốn thầy hiệu trưởng nhảy qua con đập ngăn suối sau trường. Đó là những tảng bê-tông phẳng rộng, cách đều nhau một bước chân người lớn. Suối có dòng chảy sâu, trong xanh mát mẻ bốn mùa.

Tức cảnh sinh tình, bọn trẻ rủ nhau nhảy chơi thôi. Tuổi nhỏ ngu khờ dại dột đâu biết chuyện mình làm nguy hiểm. Có lần một đứa hụt chân rơi xuống đập bị nước suối cuồn cuộn cuốn đi. Nhanh như cắt, một chú điên đang tắm gần đó đã bơi ào ra quắp lấy nó mang vào bờ. Nó sợ tái xanh mày mặt, trán va vào đá máu tuôn xối xả. Tay chân chú điên cũng rướm máu vì chà xát phải bọn đá nhọn ven lòng suối.

Lần đó thầy hiệu trưởng gửi thư cảm ơn chú thông qua bác sĩ phụ trách trại và tặng cho chú một bộ đồng phục mới. Khi bọn trẻ chúng tôi tán dương chú như tán dương một anh hùng thì chú chẳng biết, chẳng quan tâm gì; thong dong mặc bộ đồng phục mới, bước sải chân trên đường, nghển cổ hát vang đầy phấn khích: Ai đang đi trên đường đi, hãy hát vang lên câu hò lâm ly, vô đây em, dù trời mưa anh vẫn đưa em về, anh vẫn đưa em về...

Cảm giác bọn trẻ cả trường xếp hàng đôi dắt nhau lên trại để chích ngừa các bệnh nguy hiểm với chúng tôi ngày ấy quả thật lạ lùng! Bận chích nào cũng có một cô điên hay chú điên tỉnh nhiều, tương đối sạch sẻ ôm lấy đứa chuẩn bị được chích. Trong vòng tay chắc nịch của người bệnh, chúng tôi nép một bên mặt vào ngực họ và nhắm mắt lại... chờ chích, thế là không thấy đau gì cả!

Thân thương, trìu mến với những người bệnh khốn khổ, bất hạnh như thế mà chúng tôi lớn lên và trưởng thành tự bao giờ. Tất nhiên là dưới chiếc đũa điều khiển tài hoa của nhạc trưởng- thầy hiệu trưởng. Cứ thế cứ thế, hết tốp này đến tốp khác làm rạng ngời danh tiếng học trò trường điên.

Bao năm qua rồi nhưng chuyện tuổi thơ tôi gắn bó với người bệnh tâm thần vẫn mồn một như mới ngày hôm qua. Nó đẹp rạng ngời như viên ngọc càng mài càng sáng. Tôi kể hai con nghe. Chúng mê như nghe chuyện cổ tích. Có lúc còn hỏi: “Nước mình còn có một trường điên nào như vậy không mẹ?”.

Con chị ra vẻ thạo đời, nạt nộ thằng em: “Lại kêu trường điên, trường điên sao mẹ viết văn làm báo nuôi mày khôn lớn?”.

Nói chuyện viết văn mới nhớ, bọc lóc nhóc trường DTV ngày xưa sau này lắm người thành đạt. Khi chuyển lên trung học, thi vô “trường oách” nhất tỉnh như Ngô Quyền là chuyện nhỏ. Còn bây giờ, khối nhà văn nhà báo kỹ sư bác sĩ nguyên... mài mòn đũng quần trên ghế trường điên!

Dù không... điên, nhưng chúng tôi cũng lắm lắm tự hào với mái trường điên nằm trong khuôn viên nhà thương điên với các “nguyên bệnh nhân” là những bậc tiền bối tài năng được cả nước ngả mũ kính chào: nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Nguyễn Ngu Í... Trẻ hơn một chút có nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, không biết điên thiệt hay giả thời chinh chiến mà cũng từng “nằm vùng” nhà thương điên với sự ra đời tập thơ Thiên tai nổi tiếng.

Tiếc là trường điên của tôi bây giờ đã bị xoá sổ.

Sau ngày miền Nam giải phóng, hoạt động trường không còn dính líu gì đến bệnh viện nữa. Phương pháp trị liệu hướng ngoại của bệnh viện thu hẹp dần, người bệnh ổn định không còn được cho lang thang như ngày xưa.

Sau giải phóng, trường được rào tách hẳn với bệnh viện. Suối sau trường không được nạo vét, để lâu ngày, đất và rác bồi còn dòng chảy nhỏ xíu; suốt ngày xông lên mùi hôi thối bởi các làng làm tinh bột trên thượng nguồn xả chất thải gây ô nhiễm. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, trường ngập lênh láng. Mùa mưa, thầy trò kéo nhau nghỉ dạy và học liên miên.

Một lần chạy xe ngang trường, tay lái tôi bỗng quýnh quáng khi thấy người ta... đập trường. Mấy đầu rồng đầu cá làm bằng gốm phủ men sứ Đông Dương xanh lóng lánh được đính trang trí trên đầu mái ngói các lớp học bị đám người lực điền dùng búa đập rơi lả tả. Mớ cột kèo gỗ lim bóng loáng được gom lại kêu thương lái tới định giá. Tôi bần thần dừng xe ngoài bờ cỏ, hai mắt nóng lên, nghe tuổi thơ mình rơi rơi...

Sau về nghĩ lại bỗng thấy cái có lý trong muôn trùng cái vô lý ở thời mà người ta hay mượn danh núp bóng để thực hiện sự phát triển không bình thường: thời công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Bất lực bởi không phục hồi được dòng suối cỏn con chưa chắc là lý do người ta đập bỏ không thương tiếc một mái trường xưa để thay vào đó là cây xăng của một doanh nghiệp hoành tráng!

Cũng đâu có gì phải băn khoăn nhỉ, khi Đồng Nai để trôi tuồn tuột nhiều giá trị phi vật thể còn đáng giá gấp bao nhiêu lần mái trường điên của tôi.

Trại giam Tân Hiệp một thời khắc cốt ghi xương với chiến công phá khám lẫy lừng của các chiến sĩ cách mạng từng được bàn bán rẻ để phá bỏ xây công ty hay doanh nghiệp gì gì đó. Khi ngăn chặn được chuyện bán chác động trời này thì nhiều công trình trại giam đã bị phá bỏ. Nay một phần nhỏ khuôn viên trại giam được giữ lại trên tinh thần “phục hiện di tích”, phần lớn đất còn lại được bán cho ngân hàng.

Cũng như cụm di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức- một trong Gia Định tam gia, công thần của triều Nguyễn- ở phường Trung Dũng, Biên Hoà được xếp là Di tích lịch sử quốc gia. Cụm di tích rất đặc biệt với lăng mộ ông cùng hai người vợ, mộ các cận thần, mộ tuỳ tùng, mộ ngựa... nhưng nằm rải rác, xen kẻ với nhà ở, quần áo, ngũ cốc phơi khắp nơi của người dân địa phương.

Mãi không tổ chức giải toả, khoanh vùng được nên chỉ có phần mộ ông và hai bà là được tôn tạo, nhang khói. Còn mộ các cận thần, tuỳ tùng, mộ ngựa... vẫn nằm chơ vơ như những nấm mồ hoang. Tiếc cho một di tích “không đụng hàng”- mà không phải quốc gia nào cũng có!

T.T  nguồn :://www.facebook.com/notes/sài-gòn-báo

Dự báo bão Maysak có khả năng đi vào Biển Đông và tin nắng nóng 3/4

Hiện nay, một cơn bão rất mạnh đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippin và có tên quốc tế là MAYSAK
Trong đất liền, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm qua (02/04), ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ phổ biến cao nhất khoảng 35 – 38 độ, có nơi trên 38 độ như Mường La (Sơn La) 38.6 độ, Tương Dương (Nghệ An) 39.0 độ, Tp.Vinh 38.2 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 38.8 độ,… 
Ngày hôm nay (03/04), nắng nóng diện rộng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 35 – 38 độ, có nơi trên 39 độ và mở rộng ra một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất khoảng 35 – 36 độ. 
Ở trên biển: 
Hồi 13 giờ ngày 02/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 133,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 1300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 17, cấp 18.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 03/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 129,7 độ Kinh Đông cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 800km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. 
Ảnh chụp từ vệ tinh đường đi và vị trí cơn bão. Nguồn: TT DBKTTV TƯ
Đến 13 giờ ngày 04/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 124,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, có khả năng đi vào biển Đông và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía Tây phát triển nên ở vịnh Bắc Bộ ngày và đêm hôm qua (02/04) đã quan trắc được gió Nam mạnh 12 – 13 m/s (cấp 6), có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Dự báo ngày và đêm nay (03/04) ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9. Sóng biển cao 1.75 – 2.75 mét. Biển động mạnh. 
Dưới đây là dự báo chi tiết các vùng trên cả nước ngày 3/4:
Phía Tây Bắc bộ: Mây thay đổi, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng nóng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ: 21 - 24 độ, có nơi dưới 20 độ C, nhiệt độ cao nhất từ: 34 - 37 độ, có nơi trên 38 độ C.
Phía Đông Bắc bộ: Mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng, có nơi có nắng nóng. Gió đông nam đến nam cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23 – 26 độ C, nhiệt độ cao nhất từ: 33 - 36 độ, riêng Quảng Ninh và Hải Phòng 30 - 32 độ C.
Thanh Hóa đến TT-Huế: Mây thay đổi, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng nóng. Gió tây nam cấp 2 – 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23 – 26 độ , nhiệt độ cao nhất từ: 35 – 38 độ, có nơi trên 39 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng, phía Bắc có nơi có nắng nóng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ: 23 – 26 độ C, nhiệt độ cao nhất từ: 31 – 34 độ, phía Bắc có nơi trên 35 độ C.
Tây Nguyên: Mây thay đổi, tối nay và chiều tối mai có mưa rào rải rác và có nơi có dông, ngày nắng. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 20 – 23 độ C, nhiệt độ cao nhất từ: 32 – 35 độ C.
Nam bộ: Mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng, miền Đông có nơi có nắng nóng. Gió đông nam cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24 – 27 độ C, nhiệt độ cao nhất từ: 33 – 36 độ C.

Hà Nội: Mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng nóng. Gió đông nam cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24 – 26 độ C, nhiệt độ cao nhất từ: 34 – 36 độ C.
T. Huyên

Tàu hải quân Hoa Kỳ tới Đà Nẵng

T5, 04/02/2015 - 07:33
Đầu tháng 04/2015, hai tàu Hải quân Hoa Kỳ đang trên đường tới cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và dự kiến sẽ tới vào đầu tuần sau để tham gia chương trình trao đổi thường niên nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập lại quan hệ ngoại giao.
Hai tàu của Hải quân Hoa Kỳ tham gia chuyến thăm là tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62) và tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth (LCS-3) thuộc Liên đội tàu Khu trục (DESRON), Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn hôm 27/3 cho biết trong một thông cáo báo chí.
Hoạt động trao đổi Hải quân thường niên (NEA) lần thứ 6 giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam sẽ bắt đầu từ ngày 6/4. Sự kiện này được sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập lại quan hệ ngoại giao.
Cuộc gặp gỡ lần thứ 6 này dự kiến kéo dài trong 5 ngày. Trong đó, sẽ tập trung vào một loạt sự kiện và hoạt động trao đổi kỹ năng về quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải, các hội thảo về luật biển, thực thi pháp luật trên biển, buổi hòa nhạc chung, phục vụ cộng đồng và thi đấu giao hữu thể thao.
Hoạt động hợp tác huấn luyện trên biển sẽ cho phép tàu hải quân hai nước thực hành Bộ Quy tắc Ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES), kỹ thuật tìm kiếm và cứu nạn, và cách điều khiển tàu.
Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực này, thông qua các hoạt động hợp tác huấn luyện, trao đổi thông tin, tuần tra trên không và đồn trú tàu chiến sẽ góp phần kìm hãm sự hung hăng của Trung Cộng, bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực và trấn an các nước có chung tranh chấp ở Biển Đông.
Mới đây, các quan chức Hoa Kỳ cũng đã có những chỉ trích mạnh mẽ đối với Bắc Kinh. Họ cáo buộc Bắc Kinh đang mưu tính xây dựng một bức “vạn lý trường thành” bằng cát trên Biển Đông.
Trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam đã tiến xa hơn trước, thể hiện ở những chuyến thăm của tàu chiến Hoa Kỳ, của quan chức Hạm đội đệ thất tới Việt Nam, và của những hoạt động hợp tác huấn luyện song phương ngày càng có nhiều.
Nhật Nam

Ngày 4/4, người Việt Nam sẽ được xem hiện tượng "mặt trăng máu"


Hiện tượng thiên nhiên nguyệt thực toàn phần lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong năm 2015 sẽ diễn ra vào ngày 4/4, và tại Việt Nam cũng có thể quan sát được hiện tượng này.
Theo thông tin Hội Thiên văn Hà Nội, Vào tối thứ 7 ngày 04/04/2015, người dân Việt Nam cùng nhiều nơi khác trên thế giới có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong năm 2015. Người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát toàn bộ hiện tượng này.
Ảnh Hội Thiên văn Hà Nội.
Cụ thể, theo giờ Việt Nam, lúc 16 giờ 1 phút, mặt trăng sẽ đi vào vùng bóng nửa tối; pha một phần bắt đầu lúc 17 giờ 15 phút; pha toàn phần bắt đầu lúc 18 giờ 57 phút; đạt cực đại lúc 19 giờ 00 phút; pha toàn phần kết thúc lúc 19 giờ 2 phút; pha một phần kết thúc lúc 20 giờ 44 phút; Mặt Trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21 giờ 59 phút và kết thúc hoàn toàn sự kiện này.
Năm 2014 Việt Nam đã có 1 lần quan sát được nguyệt thực toàn phần vào ngày 08/10. Lần nguyệt thực một phần tiếp theo Việt Nam quan sát sẽ diễn ra vào ngày 08/08/2017, còn nguyệt thực toàn phần phải đợi đến 31/01/2018.
Video: Hiện tượng Trăng máu tại Việt Nam và thế giới

Hội Thiên văn Hà Nội cho biết thêm, với hiện tượng nguyệt thực toàn phần tới đây, người yêu thiên văn có thể quan sát bằng mắt thường hoặc có sự hỗ trợ của ống nhòm, kính thiên văn. Người quan sát cần lựa chọn khu vực rộng rãi, không bị cản bởi các tòa nhà cao tầng, tránh ánh sáng đèn để có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này rõ hơn.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất không được Mặt Trời chiếu sáng. Bóng tối của Trái Đất sẽ che khuất Mặt Trăng và xảy ra hiện tượng nguyệt thực.
Hiện tượng Trăng máu.
Khi Mặt Trăng đi vào sâu hơn bóng của Trái Đất, Mặt Trăng sẽ dần dần thay đổi màu sắc, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ. Nguyên nhân đến từ chính khí quyển của Trái đất. Khí quyển Trái đất với mật độ và nhiệt độ khác nhau theo độ cao giống như một lăng kính, tán sắc ánh sáng Mặt Trời ra thành 7 màu cồng vồng trong đó, màu đỏ là màu bị bẻ lệch vào vùng trung tâm bóng tối Trái Đất. Khi Mặt Trăng đi vào vùng tối, thực ra nó không tối hoàn toàn mà vùng đó bị những tia sáng đỏ chiếu rọi, kết quả tạo ra một Mặt Trăng máu. Hiện tượng này về bản chất vật lí cũng giống như việc Mặt Trời khi hoàng hôn có màu đỏ (hay còn gọi là Trăng máu).
Thuận Phong
Nguồn : Người đưa tin




.

Làng Mai kể nguyên nhân đằng sau vụ Bát Nhã

      2 tháng 4 2015  

Sư cô Chân Không của Đạo Tràng Mai Thôn lần đầu tiên nói với BBC về nội tình đằng sau biến cố hàng trăm tu sinh của Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng năm 2009.
Biến cố này đánh dấu việc 'cắt đứt quan hệ' của thiền sư Thích Nhất Hạnh với Việt Nam, mặc dù ngài được đón tiếp nồng nhiệt khi lần đầu trở lại Việt Nam năm 2005 và một lần sau đó năm 2007.
Vị Giáo thọ nói với phóng viên Quốc Phương trong cuộc phỏng vấn tại Làng Mai, Thénac, Pháp, hồi tháng 02/2015, rằng trong chuyến đi thứ hai về Việt Nam năm 2007, sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm trai đàn bình đẳng chẩn tế để giải oan cho miền Nam, miền Trung, miền Bắc, thì được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị gặp.
Trong cuộc gặp đó "Thiền sư đưa ra 10 điểm đề nghị, trong đó có: "Nên có một bộ công an là đủ rồi, chứ đừng nên có thêm công an tôn giáo. Công an tôn giáo đi theo dõi mấy ông thầy tu với mấy ông cha cực quá, chỉ có nước Tàu với nước Việt Nam là có chuyện đó."
"Vì câu đó mà công an họ đập tan hoang, tơi bời.
"Mà họ đập tại vì mình cũng không chịu lo tiền, lo tiền từ Bảo Lộc cho tới Lâm Đồng.
"Nhưng mà mình đã muốn cống hiến cho đất nước năm giới, là năm phép tu tập chánh niệm, nên sẽ phạm giới nếu mình tham nhũng.
"Thành ra chúng tôi vẫn chưa học được bài học ở Việt Nam, là nếu mà mai mốt cho một Làng Mai ở Việt Nam mà chúng tôi vẫn tiếp tục không chịu đi lo lót tiền bạc thì chắc còn lâu lắm."
Thực hiện: Hạnh Ly, Quốc Phương.

Bài học từ loài Ngỗng

Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẫy cho con ngỗng bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một.
Khi là thành viên của một nhóm, ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, ta sẽ đi đến nơi ta muốn nhanh hơn và dễ dàng hơn, vì ta đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
 
 Mỗi khi con ngỗng bay lạc hỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ và được hưởng những ưu thế của sức mạnh bầy đàn.
Nếu chúng ta cũng cảm nhận sự tinh tế của loài ngỗng, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin với những người cũng đang cùng một mục tiêu như chúng ta.

 Khi con ngỗng đầu đàn mệt mỏi, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.
Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận.

Tiếng kêu của đàn ngỗng từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng.
Những lời động viên sẽ tạo nên sức mạnh cho những người đang ở đầu con sóng, giúp họ giữ vững tốc độ, thay vì để họ mỗi ngày phải chịu đựng áp lực công việc và sự mệt mỏi triền miên.

Khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đên khi nào con ngỗng bị thương có thể bay lại được hoặc là chết và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác và bay về Phương Nam.
Nếu chúng ta có tinh thần của loài ngỗng, chúng ta sẽ sát cánh bên nhau khi có khó khăn.
 theo :http://mr.tnd.vn/
Dịch Bởi KISS CL