Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Đàm phán đưa thêm lao động sang Lào, Campuchia

(Doanh nghiệp) - Bộ LĐTB&XH và cơ quan liên quan của Việt Nam, Lào và Campuchia nghiên cứu để sớm triển khai đàm phán về hợp tác lao động.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan của Việt Nam, Lào và Campuchia tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách lao động (sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động,…), tiền lương, bảo hiểm để doanh nghiệp và người lao động Việt Nam làm việc trong các dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia chấp hành theo đúng quy định.
Theo đó các cơ quan nghiên cứu để sớm triển khai đàm phán về hợp tác lao động với Campuchia, trước mắt đàm phán cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam đưa thêm lao động sang làm việc tại các dự án tại Campuchia để bảo đảm yêu cầu sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, đàm phán với các bên để đảm bảo tiền lương, bảo hiểm để doanh nghiệp và người lao động Việt Nam
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, đàm phán với các bên để đảm bảo tiền lương, bảo hiểm cho người lao động Việt Nam
Trước đó theo tờ VOV cũng dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ochao cho biết, nước này sẽ thiếu 60.000 đến 70.000 lao động phổ thông khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào đầu năm 2016.
Theo đó nước này đang đẩy mạnh xem xét việc nhập khẩu lao động từ Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Để thực hiện Thái Lan dự kiến thúc đẩy việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về lao động với Việt Nam, đồng thời chỉnh sửa các Biên bản ghi nhớ hợp tác về lao động vốn đã có từ trước với 3 nước Campuchia, Lào và Myanmar nhằm phù hợp với sự thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth cũng cho biết, sau khi đã có sự bàn bạc giữa Thái Lan với nhóm 4 nước (Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar), nước này sẽ tổ chức các cuộc đàm phán riêng rẽ với từng nước nhằm tìm kiếm biện pháp hợp tác hiệu quả nhất và dự kiến sẽ tiến hành trong tháng ba này.
Trong khi đó bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (quý I năm 2014) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê cho thấy: Năm 2013, cả nước có khoảng 900 nghìn người thất nghiệp, chiếm 1,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ðáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào những nhóm có chuyên môn kỹ thuật.
Trong đó, thanh niên từ 20 đến 24 tuổi tốt nghiệp CÐ-ÐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao (20,75%); khoảng 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (cao gấp 1,7 lần so năm 2012).
Một số nhóm ngành tuyển nhiều lao động phổ thông, như thủy sản, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật dệt may, thiết kế thời trang... không tuyển đủ lao động. Trong khi đó, nhiều lao động có chuyên môn nghiệp vụ như kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin... không tìm được việc làm.
Trong khi đó, nguồn vốn và các dự án FDI vào Việt Nam lại đang giảm mạnh. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến ngày 20/2/2015 với tổng vốn chưa tới 1,2 tỷ USD đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 2 tháng đầu năm, vốn FDI chảy vào Việt Nam chỉ bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Phương Nguyên (Tổng hợp)

Thừa Thiên - Huế: Nhiều học sinh bỏ học sang Lào làm thuê

Thứ Hai, ngày 09/03/2015, 07:47
2k 82

Ngày càng có nhiều học sinh ở các xã Lộc Sơn và Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) bỏ học để theo người thân sang Lào làm thuê, mà nhà trường và chính quyền không thể ngăn chặn...


Ồ ạt bỏ học
Từ khi hàng nghìn người dân xã Lộc Bổn kéo nhau sang Lào mưu sinh, tình trạng học sinh bỏ học ở địa phương này xảy ra ngày càng nhức nhối. Không chỉ học sinh THPT, mà cả học sinh THCS cũng bỏ học ngày càng nhiều. Vì vậy, trong nhiều năm liền, Trường THCS Lộc Bổn là một trong những trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao ở huyện Phú Lộc.

Thừa Thiên - Huế: Nhiều học sinh bỏ học sang Lào làm thuê - 1
Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông Phạm Văn Kỳ (xã Lộc Sơn) phải để con trai mới học lớp 7 sang Lào làm thuê.  An Sơn
Nói về tình trạng học sinh bỏ học, thầy Nguyễn Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn thở dài ngán ngẩm. Thầy Khôi cho biết, tình trạng học sinh của trường bỏ học xảy ra thường xuyên trong rất nhiều năm trở lại đây với số lượng mỗi năm lên đến hàng chục em. Năm học 2014-2015, mặc dù nhà trường đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 25 học sinh ở tất cả các khối bỏ học. Tình trạng bỏ học xảy ra phổ biến nhất vào dịp tết, nên từ đầu học kỳ 2 đến nay trường có đến 14 em bỏ học. Hầu hết học sinh bỏ học để theo người thân sang Lào làm thuê kiếm sống.

Tương tự xã Lộc Bổn, sau Tết Nguyên đán, hàng chục học sinh ở xã Lộc Sơn cũng bỏ học sang Lào. Cô Lê Thị Trương - giáo viên Trường THCS Lộc Sơn cho biết, trong số nhiều học sinh của trường bỏ học sang Lào làm thuê trong năm học này, trường hợp của em Nguyễn Thị Ly lớp 7/2 khiến cô tiếc nuối nhất. Ly là học sinh ngoan hiền, học giỏi, nhưng em đã bỏ học từ ngày mùng 8 Tết vừa qua. Bố mẹ Ly làm thuê ở Lào đã nhiều năm và em sang Lào để theo nghề sơn móng tay, móng chân như mẹ mình.
Tại Trường THPT An Lương Đông (đóng tại xã Lộc An), từ đầu năm học đến nay đã có đến 25 học sinh bỏ học để sang Lào làm thuê. Hầu hết các em bỏ học là học sinh thuộc các xã Lộc Bổn và Lộc Sơn. Lãnh đạo nhà trường cho biết, năm nay số bỏ học còn… ít hơn mọi năm. Nhiều năm trở lại đây, năm nào trường cũng có 30-40 học sinh bỏ học khiến cho các lớp học ngày càng trống vắng, số học sinh toàn trường giảm đáng kể.
Nhà trường, chính quyền... bó tay

Ông Bạch Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn
Phần nhiều cha mẹ của những em bỏ học đều mưu sinh ở bên Lào. Vì rất khó quản lý con cái ở nhà nên họ đưa con sang Lào cùng mình làm thuê kiếm thêm tiền. Chúng tôi đau đầu về tình trạng này nhưng chưa có giải pháp hiệu quả”.
Mặc dù từ giáo viên chủ nhiệm cho đến hiệu trưởng đã rất nhiều lần vận động nhưng em Phạm Văn Tín - học sinh lớp 7/4 Trường THCS Lộc Sơn vẫn bỏ học. Trước khi đi, em tâm sự với bạn là sẽ làm thuê cho một gara ô tô ở TP.Viên Chăn (Lào). Gia đình Tín có hoàn cảnh khó khăn, 2 anh trai của Tín cũng bỏ học từ rất sớm để sang Lào làm thuê. Ông Phạm Văn Kỳ - bố Tín cho biết, vì nghèo đói nên ông phải để Tín bỏ học sang Lào kiếm sống như 2 người anh trai. “Mình nghèo khổ nên chỉ cho hắn học cho biết cái chữ thôi...”- ông Kỳ nói.

Thầy Bạch Văn Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Sơn cho biết, bản thân ông và giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần trực tiếp gặp em Tín và phụ huynh để vận động Tín trở lại lớp nhưng bất thành. “Phụ huynh em Tín bảo “học xong ở nhà cũng không có việc, đi Lào có việc làm ngay, mỗi năm kiếm được mấy chục triệu”, nên nhà trường chỉ còn cách bó tay” - thầy Phước nói. Theo thầy Phước, hiện lượng lớn học sinh của trường có bố mẹ, anh chị đang làm thuê ở Lào, và đây là những học sinh dễ bỏ học để sang Lào làm thuê.
Theo thầy Nguyễn Khôi, Trường THCS Lộc Bổn đã triển khai rất nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học sang Lào làm thuê nhưng không mang lại kết quả. Nhiều năm qua, khi nhận được tin có học sinh bỏ học, trường liền phối hợp với chính quyền xã thành lập đoàn đến tận nhà vận động, nhưng kết quả đáng buồn là mỗi năm chỉ vận động được 1-2 em trong số hàng chục em bỏ học trở lại lớp.

Theo AN SƠN (Danviet.vn)