(PL)- Sau khi tung lực lượng chốt chặn, truy tìm nhóm bắt cóc, Công an tỉnh Bình Thuận mới hay đây là vụ bắt người của Công an quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Đến chiều tối 26-8, trao đổi với chúng tôi, Công an phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM cho biết: Ông Lê Hồng Phong (ngụ Bình Thuận) và con gái bốn tuổi vẫn đang có mặt tại trụ sở công an phường để tổ công tác Công an quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) làm việc.
Ông P. và con bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ vào sáng cùng ngày khi ông đưa con đến trường ở thị xã La Gi (Bình Thuận).
“Bắt cóc” giữa đường
Khoảng 7 giờ 30 ngày 26-8, ông Phong chạy ô tô Jaguar bốn chỗ màu trắng tấp xe vào lề cạnh cây xăng trước cổng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, phường Phước Hội, thị xã La Gi thì bị một xe bảy chỗ cúp đầu. Bốn người đàn ông bước xuống khống chế ông Phong và đứa con, đưa vào chiếc xe của họ và nổ máy cả hai xe chạy theo hướng QL55 về Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vụ việc diễn ra quá nhanh khiến rất nhiều người đang đưa con đi học tại trường mẫu giáo bất ngờ!
Theo Đại tá Phạm Duy Khang, Trưởng Công an thị xã La Gi, khi nhận thông tin, công an địa phương triển khai phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh Bình Thuận, CSGT Công an huyện Hàm Tân chốt chặn trên đường…
Một lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận cho hay: Sau khi nhận tin, Công an tỉnh Bình Thuận đã tung lực lượng phong tỏa các tuyến đường, liên hệ công an các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu để phối hợp. Đến trưa cùng ngày, công an tỉnh này nhận được tin đó không phải là vụ bắt cóc như nhiều người nghĩ.
Thực chất là Công an quận Hai Bà Trưng đang phá chuyên án làm giả con dấu, tài liệu liên quan đến nhiều người trong cả nước. “Do tính chất bí mật của chuyên án nên nhóm trinh sát không phối hợp với công an địa phương mà đã mật phục cạnh Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ đưa cha con ông Phong sang xe hơi đi theo hướng QL55 về TP.HCM” - Đại tá Khang thông tin.
Đến chiều cùng ngày, một nguồn tin cho hay lực lượng công an đã tiến hành thu giữ một số điện thoại di động nghi là của ông Phong gửi tại một cửa hàng sửa chữa điện thoại ở thị xã La Gi.
Một xe công của Bình Thuận đậu trước trụ sở Công an phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM chiều 26-8. Ảnh: TH
Làm việc đúng quy trình (?)
Được biết ông Phong là một “đại gia” ở thị xã La Gi chuyên kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, khách sạn tại xã Tân Hải và Tân Tiến (La Gi).
Khi biết ông Phong bị công an bắt giữ đưa vào TP.HCM cùng con gái bốn tuổi làm việc, nhiều người cho là việc bắt giữ này chưa ổn về nghiệp vụ, thậm chí có dấu hiệu trái pháp luật, gây bất ổn tâm lý cho cháu bé.
Liên quan vụ việc trên, một lãnh đạo Công an quận Hai Bà Trưng xác nhận: Trước đó, công an quận đã có báo cáo với Công an TP Hà Nội để cử tổ công tác vào Bình Thuận xác minh, làm rõ một vụ án liên quan đến hành vi làm giả tài liệu và các đối tượng liên quan. “Hiện Công an quận Hai Bà Trưng đang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận và Cục Cảnh sát hình sự phía Nam triển khai các trình tự về mặt luật pháp đối với vụ án” - vị này thông tin.
Trả lời câu hỏi Công an quận Hai Bà Trưng làm việc với ông Phong theo hình thức nào (bắt, mời làm việc...), vị lãnh đạo này cho hay không phụ trách trực tiếp nên không nắm được.
Trả lời báo Thanh Niên chiều 26-8 về trường hợp bắt ông Phong đưa từ Bình Thuận vào TP.HCM làm việc, Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết đây là chuyên án riêng, được đơn vị thực hiện đúng các quy trình và từ chối trả lời các thông tin liên quan.
Còn lãnh đạo Công an TP Hà Nội thì cho hay đang chờ Công an quận Hai Bà Trưng báo cáo.
Bắt người trái luật
Trước hết, chúng ta cần phải xác định hành vi của Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đưa ông Phong, đứa con bốn tuổi và xe hơi của ông từ La Gi về TP.HCM (đoạn đường hàng trăm cây số) là hành vi “bắt người” chứ không phải là “mời” đến cơ quan công an làm việc.
Vấn đề đặt ra là việc bắt ông Phong và đưa cháu bé bốn tuổi đi cùng này có đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự hay không?
Luật hiện hành nêu các trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 81 BLTTHS), bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (Điều 82 BLTTHS).
Giả sử anh Phong bị bắt theo Điều 82 BLTTHS thì ngay sau khi bắt giữ, người bị bắt phải được “giải ngay đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Thực tế, ông Phong và cháu bé bị đưa đến thẳng TP.HCM là hoàn toàn trái pháp luật.
Còn trường hợp ông Phong bị bắt theo Điều 81 BLTTHS thì phải thỏa nhiều điều kiện (khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; khi cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn…). Đối chiếu với quy định, ông Phong không thuộc bất cứ trường hợp nào để bị bắt trong trường hợp khẩn cấp bởi vì lúc đó ông đang đưa con đi học. Mặt khác, nếu bắt khẩn cấp ông Phong thì phải có lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt phải theo đúng trình tự (đọc lệnh, giải thích, lập biên bản về việc bắt); phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Đối chiếu với diễn biến của vụ việc, trình tự, thủ tục bắt ông Phong là trái pháp luật tố tụng hình sự.
Riêng việc bắt cháu bé bốn tuổi (con của ông Phong) đưa đi cùng là hoàn toàn sai!
Việc bắt người chưa đúng của Công an quận Hai Bà Trưng gây hàng loạt hậu quả: Gây hoang mang xã hội, công an địa phương phải huy động lực lượng truy bắt nhóm “bắt cóc” này, làm mất uy tín của lực lượng công an.
Có ý kiến cho rằng trường hợp này chỉ sai sót về nghiệp vụ nhưng theo tôi, những công an đi làm nhiệm vụ chưa nghiêm túc tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền con người.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự
(ĐH Luật TP.HCM) |
NHÓM PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét