Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Quỹ BHXH thất thoát hơn ngàn tỉ, ai chịu trách nhiệm ?


 Trong khi cơ quan soạn thảo lo lắng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu thì các ĐB Quốc hội chất vấn về chuyện quỹ BHXH thất thoát hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sáng 29-5, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Văn Hưng (đoàn TP HCM) bức xúc việc BHXH dùng tiền cho công ty cho thuê tài chính vay, thất thoát cả ngàn tỉ đồng nhưng đến nay không giải trình rõ trách nhiệm thuộc về ai, lấy đâu tiền bù lại số tiền này ?
ĐB Trần Thanh Hải: Lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằng
ĐB Trần Thanh Hải: Lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằng

Đồng tình, ĐB Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng BHXH là cơ quan sự nghiệp nhưng lại được quyền lấy tiền người lao động đóng góp để chi cho việc khác thì cần phải xem lại. Dự thảo luật chưa đưa ra được chế tài đối với trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm hoặc lợi dụng để chiếm đoạt tiền BHXH. “Tôi thấy có những thay đổi trong dự thảo luật còn gây băn khoăn. Ban soạn thảo lo vỡ quỹ BHXH nhưng lại tính khắc phục bằng cách đổ lên đầu người đóng bảo hiểm là không công bằng” - ông Hải nói.
ĐB Lê Trọng Sang cho biết BHXH đang đầu tư ra ngoài “gớm lắm” nhưng lại mất khả năng thu hồi. “Trước đây tôi hình dung chỉ có doanh nghiệp đầu tư ra ngoài nhưng quỹ BHXH cũng đầu tư ra ngoài ngành. Nếu sử dụng tiền đó vào công trình quan trọng của quốc gia, công cộng, cổ phiếu trái phiếu của nhà nước thì còn được. Còn bây giờ thì lại lo lắng vỡ quỹ” - ông Sang bức xúc.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh thẳng thắn: “Tôi hay bất cứ ĐB Quốc hội nào cũng thế thôi. Mấy bữa nữa tôi nghỉ hưu mà lương hưu thấp hơn thì tôi không chịu. Lúc về hưu mà hưởng lương chỉ bằng 50% bây giờ thì chắc chắn không ai đồng tình rồi. Tôi hỏi nhiều nhà khoa học thì họ đều nói không hiểu nghiên cứu kiểu gì mà lấy năm 2034 vỡ quỹ BHXH và phải điều chỉnh như vậy. Vỡ quỹ hay không vỡ quỹ do anh quản lý. Các anh tính đúng tính đủ, thu đúng, thu đủ để đảm bảo quỹ. Không thể nói lo người về hưu như tôi hưởng nhiều mà phải điều chỉnh”.
Dẫn ra tình trạng nợ bảo hiểm nhiều, chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn dẫn tới nguy cơ thâm hụt, thiếu, ông Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng nếu giải quyết bài toán hiện nay tốt hơn thì không thể dẫn nỗi lo vỡ quỹ BHXH. “20 năm nữa thế hệ hiện nay mới bắt buộc đóng bảo hiểm thì phải bổ sung vào quỹ. Họ cũng đóng đủ thì sao vỡ quỹ được. Nhiều nhà khoa học nói với tôi rằng câu chuyện ban soạn thảo đề ra không thực tế, không thể từ lo lắng vỡ quỹ bảo hiểm rồi lại nói tới câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu được” - ông Ánh bày tỏ.
"Không khắc phục được chuyện nợ đọng như bây giờ. Bảo hiểm như thuế, đến tháng không đóng thì phải khấu trừ ngay tại ngân hàng" - ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất.
Công đoàn có quyền khởi kiện bảo hiểm để bảo vệ người lao động nhưng không biết khởi kiện ai?. Công đoàn đại diện cho người lao động mà lại đi kiện doanh nghiệp đóng bảo hiểm, công đoàn có dám kiện giám đốc không, như thế là bất hợp lý ? Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại cách thiết kế, làm sao để đảm bảo đóng đúng, đóng đủ không có chuyện nợ nần như bây giờ. Không thấy có câu nào cơ quan bảo hiểm đi đòi nợ, nếu mai mốt có nợ nần bảo hiểm kiện ra tòa thì chả có luật nào điều chỉnh cả" - ĐB Ánh thẳng thắn.
ĐB Ngô Ngọc Bình (đoàn TP HCM), nhận xét đọc dự thảo Luật BHXH thấy mất đi nhiều hơn được nên cần nghiên cứu lại. "Việc mở rộng đối tượng thì đối tượng thế nào, bởi đi sâu vào mới thấy phần đông người lao động hiện nay rất khốn khó. Quan điểm của Đảng trong nghị quyết 21 Trung ương, mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc, tự nguyện nhưng phải bổ sung vấn đề còn bất cập trong bảo hiểm. Như vấn đề tách bảo hiểm xã hội khỏi đơn vị hành chính ra khỏi khu vực doanh nghiệp, sự nghiệp khác, tách riêng luật bảo hiểm với bộ máy công quyền như các nước trên thế giới; đưa nội dung bảo hiểm xã hội vào luật công chức, viên chức, nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân, phải quy định về chế độ hưu trí của bộ máy công quyền.
Không đồng tình với đề xuất nâng độ tuổi lao động, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) phân tích: Khi còn trong độ tuổi lao động thì không chấp nhận cào bằng lương bởi lúc này là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nhưng khi đến tuổi nghỉ hưu thì không thể xảy ra câu chuyện có người hưởng lương hưu cao chót vót, cao gấp 3-4 lần so với người khác như hiện nay được. Bà Lan cho rằng đây là vấn đề an sinh xã hội. “Lương của công nhân hiện nay còn không đủ sống thì đừng đòi hỏi có thể giúp họ sống no đủ với lương hưu. Chúng ta phải làm sao để xây dựng chính sách có sự hòa đồng” - bà Lan nêu quan điểm.
theo :NLĐO

Kỷ luật người tố cáo chính quyền Hà Nội gian dối trong vụ chặt cây

Trong một văn bản được trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội đưa lên trên website của họ cho biết.
Theo yêu cầu của cơ quan công an, trường sẽ cho kỷ luật cá nhân những ai liên quan đến quy chế phát ngôn, vì đã lên tiếng phanh phui sự dối trá của chính quyền trong việc trồng cây Mỡ nhưng lại nói là cây Vàng Tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Trước đó, chính quyền Hà Nội đã cho đốn hạ khoảng 2000 cây xanh trên khắp các tuyến đường phố ở Hà Nội. Việc chặt cây này nằm trong kế hoạch sẽ tàn sát 6,700 cây xanh trên khắp thủ đô. Trước việc làm đó, đông đảo người dân Hà Nội với đủ mọi thành phần đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Rất nhiều cuộc biểu tình, hoạt động được diễn ra để phản đối quyết định trên, chính quyền Hà Nội phải cho dừng việc đốn hạ cây xanh để làm dịu dư luận. Chưa hết, ông chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo còn cho đình chỉ công tác một số cán bộ liên quan đến việc chặt cây.
Song, trên đường Nguyễn Chí Thanh, con đường được coi là đẹp nhất Việt Nam tất cả các cây xà cừ có đến cả trăm tuổi đã bị đốn sạch. Để thay thế số cây đã bị đốn hạ, chính quyền cho trồng một loạt cây Vàng Tâm để thay thế. Theo họ, việc làm này sẽ tạo ra "bản sắc riêng" cho thành phố Hà Nội, một Hà Nội văn minh hơn.
Người dân chưa thấy văn minh, bản sắc riêng ở đâu, nhưng con đường đẹp nhất Việt Nam giờ đây đã trụi lủi cả cây cối. Theo Tiến sỹ Vũ Quang Nam thuộc trường Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, cây được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây Vàng Tâm như chính quyền rêu rao, mà đó là cây Mỡ, một loại sinh ra rất nhiều sâu hại. Vào ngày 14/3/2015, cả ông giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ông giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã có mặt để cùng nhau trồng cây Mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Trước những khẳng định của các chuyên gia, phóng viên đã tham gia vào cuộc. Họ đã về tận huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để phanh phui ra việc chính quyền Hà Nội cho người lên tận nơi này để mua cây Mỡ mang về thành phố trồng, rồi sau đó nói là cây Vàng Tâm để hưởng chênh lệch.
Việc làm dối trá, lừa gạt người dân đã bị phanh phui bởi vị tiến sỹ của trường Đại học Lâm Nghiệp. Ngay sau đó, công an đã vào cuộc, nhưng thay vì khởi tố, bắt giam những kẻ dối trên, gạt dưới thì họ lại đề nghị nhà trường kỷ luật tiến sỹ Nam vì đã vi phạm quy chế phát ngôn.
Trong văn bản được đưa lên trên website trường Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội ghi rõ:
"Sự việc đã được cơ quan Công an thành phố Hà Nội (Phòng PA83) thông báo cho nhà trường và đề nghị xử lý các cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Nhà trường sẽ tiến hành các bước kiểm điểm, rút kinh nghiệm và thi hành kỷ luật theo quy định nếu có vi phạm".
Văn bản được cho là "bịt miệng" tự do ngôn luận này đã khiến cho dư luận kịch liệt lên án. Một số phóng viên đã tìm đến cơ quan công an để tìm hiểu.
Chiều ngày 27/3, Đại tá Đinh Hữu Tân- Trường phòng PA83 (Phòng An ninh Chính trị Nội bộ) thuộc công an Hà Nội cho biết rằng, phía PA83 không hề có bất cứ thông báo nào gửi cho trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cả. Không những vậy, việc xử phạt do cung cấp thông tin với báo chí là chuyện nội bộ của nhà trường, cơ quan này không can thiệp. Ông này còn cho biết là sẽ gửi văn bản đến trường Đại học Lâm Nghiệp để yêu cầu họ cải chính với báo chí tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của họ.
Công an CSVN xưa nay vẫn quen thói sử dụng lệnh miệng, vì họ không muốn dùng văn bản, nhằm tránh để lại bằng chứng chống lại họ sau này. Cách này không có gì mới. Chỉ những ai bản lĩnh mới bắt buộc họ sử dụng văn bản với mình. Phía ông hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp chẳng thể nào tự dưng lại vu khống cho cơ quan công an, vì ông thừa hiểu quyền lực của lực lượng này. Nhưng do bản lĩnh yếu kém, ông đã trở thành nạn nhân của trò "vắt chanh bỏ vỏ" của công an.
Ngọc Quân / SBTN

Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng

(GDVN) - Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có phát biểu khiến tất cả chúng ta cùng phải suy nghĩ: "Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN như thế này".
Từ xưa đến nay, câu nói “dân giàu nước mạnh” chưa bao giờ sai. Khi quốc gia đứng chót thì các yếu tố hợp thành như Khoa học Công nghệ , Tài nguyên-Môi trường, Công nghiệp, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế,… không thể đứng đầu.
Dù chạm đến lòng tự trọng dân tộc, dù đau lòng đến mấy cũng phải thấy rằng nhận định của Thủ tướng là hoàn toàn chính xác. Vấn đề là vì sao lại như vậy? Liệu đó chỉ là lỗi cơ chế hay còn do chính mỗi chúng ta?
Một đạo quân dù tướng chỉ huy tài năng nhưng binh lính yếu cả thể chất lẫn tinh thần không bao giờ là đạo quân mạnh. Một đạo quân với những người lính quả cảm nhưng chỉ huy bất tài sẽ chẳng mấy khi giành được thắng lợi. Đây không phải là lý thuyết phòng lạnh mà là thực tiễn cuộc sống.
Đang tồn tại một hiện tượng và có xu hướng trở thành phổ cập khi xử lý sự cố, ấy là cán bộ, cơ quan có trách nhiệm đổ lỗi cho cấp dưới, cũng có trường hợp quả bóng trách nhiệm lại bị đẩy lên tận Thủ tướng Chính phủ.
Khá nhiều trường hợp người ta sử dụng một công thức rất phản cảm là “Lỗi văn bản, lỗi do người đánh máy”. Hễ ban hành văn bản sai là “Lỗi văn bản, lỗi do người đánh máy” bị lôi ra, mặc dù chẳng nhân viên đánh máy nào dám tự ý soạn thảo văn bản mà không qua phê duyệt của người đứng đầu hoặc ít nhất là người được ủy nhiệm của người đứng đầu.
Nếu “người đánh máy” đánh sai văn bản mà cấp trên vẫn ký thì chẳng lẽ “cấp trên” không đọc hoặc thị lực có vấn đề đến mức không đọc được những dòng chữ trên văn bản?
Việc đổ lỗi cho người khác không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn bộc lộ tâm đức, năng lực của người lãnh đạo. Có những người học hàm, học vị rất cao nhưng chưa hẳn hiểu biết cũng cao tương xứng với hàm vị của họ.
Văn bản do ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp ký liên quan đến phát ngôn chặt cây của chuyên gia trường này bị cho là "lỗi đánh máy" gây bất bình dư luận. Và bức ảnh này của ông, đăng trên website của nhà trường cũng gây bức xúc bởi ...không hợp chuẩn từ cách cắm cờ trở đi. Ảnh của trường đại học Lâm nghiệp.
Nhìn hai lá cờ cắm trên bàn làm việc của một vị cổ đeo thẻ viên chức (công chức?) thì mới thấy người ngồi phía sau còn thiếu cả những hiểu biết rất sơ đẳng về Đảng và Tổ quốc, cắm cờ để bản thân nhìn là một chuyện, cắm cờ chụp ảnh cho mọi người nhìn lại là chuyện khác.
Cũng có chuyện ngược đời là người ta không đổ lỗi mà là “đổ thành tích” cho người khác. Những ngày qua, chuyện "lấp" sông Đồng Nai đã bị dư luận và các nhà khoa học lên tiếng gay gắt nhưng dường như lãnh đạo tỉnh này có thừa trình độ để bác bỏ các luận cứ khoa học. Bằng chứng là “UBND tỉnh cho biết việc tạm dừng dự án là theo đề nghị của chủ đầu tư để làm sáng rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm, riêng địa phương vẫn bảo lưu quan điểm mọi thủ tục thực hiện dự án là đúng quy trình, quy định”. [1]
Hóa ra chủ đầu tư tự động đề nghị dừng dự án chứ không phải do UBND tỉnh đề xuất. “Thành tích” này không phải của chính quyền địa phương nên địa phương không dám nhận. Nếu chủ đầu tư không xin tạm dừng thì họ cứ thoải mái lấp sông vì “dự án là đúng quy trình, quy định”.
Chỉ trong một thời gian ngắn từ Thủ đô Hà Nội ở phía bắc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế ở miền trung đến Đồng Nai ở phía nam, một số quyết định của chính quyền bị truyền thông và giới khoa học phê phán khá mạnh nhưng lãnh đạo đều lên tiếng bảo vệ quan điểm, rằng tỉnh/thành phố đã làm “đúng pháp luật”, “đúng quy trình, quy định”.
Chính vì cái sự “đúng” của các tỉnh thành phố này mà tất cả vụ việc được truyền thông đề cập đều buộc phải báo cáo lên Thủ tướng.
Một đất nước mà từ chuyện sập giàn giáo, chuyện thi tuyển công chức Bộ Công thương, chặt hạ cây xanh đô thị, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đến "san lấp" sông Đồng Nai… đều “báo cáo Thủ tướng”, đều “chờ ý kiến Thủ tướng” hoặc đến mức "Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ" thì làm sao Thủ tướng còn thời gian lo cho quốc gia đại sự?
Nhiều lãnh đạo cấp tỉnh như thế, có lãnh đạo cấp bộ chẳng khá hơn? Thật là khó hiểu khi một lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), cơ quan của Chính phủ lại phát biểu “Chúng tôi mới biết thông tin qua kênh báo chí và thấy nhiều nhà khoa học đã khẳng định dự án này ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên nước ở lưu vực sông Đồng Nai”. [2]
Thực chất phát biểu của vị lãnh đạo Bộ TN-MT nêu trên không có gì khác ngoài ý nghĩa đổ trách nhiệm cho cấp dưới là Sở TN-MT Đồng Nai không báo cáo lên Bộ, vì Sở không báo cáo nên Bộ không biết!
Vậy đâu là chức năng quản lý Nhà nước của Sở TN-MT Đồng Nai, của Bộ TN-MT? Phải chăng nhiệm vụ của Bộ TN-MT là ngồi chờ cấp tỉnh báo cáo rồi báo cáo lại với Thủ tướng chứ không cần trực tiếp kiểm tra, giám sát? Nếu mà Bộ chỉ “mới biết” và “thấy nhiều nhà khoa học khẳng định” như lời vị lãnh đạo nọ thì chức năng quản lý Nhà nước của Bộ này là gì?
Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?
Ngoài Đà Nẵng, trong 62 tỉnh, thành phố còn lại liệu có bao nhiêu địa phương dám khẳng định “Ở đây Đảng nói dân tin, mặt trận đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ”?. [3]
Hãy xem một tỉnh vốn là đất học nhất nhì cả nước như Nghệ An đang làm gì. Tỉnh này vừa công nhận 270 sáng kiến cấp tỉnh mà báo Laodong.com.vn ngày 16/3/2015 gọi là “Những sáng kiến … trời ơi”. Bài báo không chỉ cho thấy phần nào mặt bằng “sáng kiến” của Nghệ An mà có thể còn của một số tỉnh, thành phố khác.
Khởi công xây ngôi nhà ba gian cấp bốn ở Nghệ An. (ảnh: XH)
Nếu biết rằng chín vị lãnh đạo các cấp của tỉnh này lặn lội lên tận Nậm Giải, Quế Phong xúc xẻng cát khởi công ngôi nhà bán trú ba gian cấp bốn cho học sinh tiểu học thì mới thấy việc chỉ công nhận 270 sáng kiến của Nghệ An là “quá khắt khe, quá khiêm tốn”. Có khá nhiều sáng tạo của công chức tỉnh này không được công nhận “sáng kiến cấp tỉnh” trong khi dư luận thì lại cho đáng tầm “quốc gia” như “sáng kiến kinh doanh bia”…
Dù Thủ tướng có tài giỏi, kiệt xuất đến mấy cũng không thể đưa đất nước thoát khỏi vị trí “đứng chót trong ASEAN” nếu tồn tại “một bộ phận” lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh luôn chuẩn bị tư thế “báo cáo Thủ tướng”! Vấn đề không chỉ nằm ở bản thân những người “sẵn sàng báo cáo” mà còn ở chỗ vì sao họ lại được phép “ngồi nhầm ghế”?
Làm thủ lĩnh bất kỳ đơn vị to hay nhỏ không nhất thiết phải là người giỏi nhất về khoa học kỹ thuật, điều cần thiết là biết lắng nghe, biết đánh giá sự việc một cách tỉnh táo và có đội ngũ trợ thủ giỏi. Thủ lĩnh giỏi cần phải hội đủ hai yếu tố: quyền và uy, thiếu một trong hai yếu tố đó thì suốt nhiệm kỳ đơn vị đó không bao giờ khá.
Tại sao khi các nhà khoa học đã chỉ ra rõ ràng những bất cập với đầy đủ luận cứ khoa học (như dự án trên đèo Hải Vân, dự án "lấp" sông Đồng Nai…) nhưng chính quyền cấp tỉnh ở đó vẫn bảo thủ, vẫn khẳng định chủ trương là đúng? Phải chăng với hàng loạt lãnh đạo có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư, kiến thức khoa học của họ hơn hẳn các nhà khoa học chuyên nghiệp?
Thực ra không phải là họ không biết tác hại của một số quyết định, nhưng hại cho ai và lợi cho ai mới là điều phải cân nhắc. Mặt khác họ luôn có vũ khí phòng thân là “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” hoặc “nghiêm khắc kiểm điểm”. Dù có “nghiêm khắc” đến mấy cũng chẳng chết người thế nên chẳng việc gì phải sợ!
Một đất nước mà “không ít cán bộ” coi thường tri thức, nhưng lại có cán bộ “ăn của dân không từ một thứ gì” như lời Phó chủ tịch nước từng nói thì đất nước đó đứng chót Asean vẫn còn là may mắn, nếu không sớm thay đổi thì thứ hạng còn tệ hơn không phải là chuyện viễn tưởng.
Vấn đề đặt ra hôm nay có thể chưa có ngay câu trả lời, nhưng hậu thế chắc chắn sẽ không để vàng thau lẫn lộn. Có thể có ai đó cho rằng cuộc sống rất ngắn ngủi, dù có bị hậu thế chê cười thì họ cũng đã là người thiên cổ, có còn nghe thấy gì đâu mà sợ?
Nếu quả như thế thì Ai ngày hôm nay phải chịu trách nhiệm làm cho họ sợ?          
Video đang được xem nhiều
Rùng rợn lễ hội chém lợn đẫm máu tại Bắc Ninh
 
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (3) 
Minh Bạch - 25/03/2015
Đề xuất bỏ dần quản lý bằng hộ khẩu - rất ít quốc gia áp dụng phương pháp cổ hủ và hạn chế quyền tự do đi lại của dân này. Tôi làm thủ tục tạm trú KT3, mất khoảng 4 giờ, 4 lần đi về, kê khai khoảng 200 từ (lịch sử từ khi sinh, cha mẹ, anh chị em, chồng/ vợ, con cái). Nói chung chưa thấy chuyển biến ở... xem tiếp
Cong - 25/03/2015
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Thủ tướng chính phủ, không để VN tụt hậu trong Acean được đặc biệt trong du lịch. Các cấp các ngành phải đổi mới liên tục các thủ tục hành chính, các khâu đón tiếp giữ chân khi khách có yêu cầu. Hiện nay nhiều địa phương còn cổ hủ cố lưu giữ các thủ tục cũ, lạc hậu... xem tiếp
Nguyễn Khắc Mai - TP HCM - 25/03/2015
Hãy tuýt còi luôn UBND TPHCM vì chậm ban hành hệ số K. Vì treo quyền lợi của dân.
GỬI PHẢN HỒI
 
 
Chia sẻ:
Thanh Niên Online hoan nghênh ý kiến của bạn đọc. Các thảo luận sẽ được xem xét trước và có thể được lược trích khi đăng tải. Thanh Niên Online giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến của bạn đọc không nhất thiết thể hiện quan điểm của Thanh Niên Online.