Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Góc khuất của Formosa Vũng Áng

Kami
(Nguồn: RFA Blog)
Trong cuộc họp báo công bố thông tin nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở biển miền Trung của chính phủ chiều 30 tháng 6, 2016, có một chi tiết đáng chú ý. Đó là việc Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì Chính Phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Theo ông Mai Tiến Dũng, Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi việc nhận lỗi cũng như cam kết bồi thường, nên “… Hy vọng nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng, thể hiện sự cao thượng đối với Formosa.”
Điều đó cho người ta thấy, cái kết của vụ việc này tiếp theo sẽ là, Formosa Hà Tĩnh chỉ cần bỏ ra 500 triệu USD trả cho nhà nước Việt nam, thì mọi chuyện sẽ được xếp lại và họ sẽ thoát hiểm.
Sự dễ dãi đáng ngờ
Điều này đã khiến cho nhiều người phải băn khoăn về sự dễ dãi quá mức của chính quyền Việt nam đối với nhà đầu tư Formosa, vì còn nhớ rằng, ngày 1 tháng 5, 2016 khi làm việc với 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “… Đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ven biển…” và đã yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Vậy tại sao khi xác định được thủ phạm, thì ông thủ tướng lại quay ra nói rằng “Nếu Formosa tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa?”
Được biết ở các quốc gia khác trên thế giới, sự trừng phạt đối với thủ phạm gây ra các thảm họa môi trường với những bản án cực kỳ nghiêm khắc và người ta không bao giờ vội vã hay đơn giản vấn đề. Ví dụ: ngày 13 tháng 3, 2015, Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron bồi thường 9.5 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường đã gây ra cho Ecuador do hủy hoại môi trường khi khai thác dầu. Và vụ kiện kéo dài trong suốt 20 năm. Hoặc ngày 4 tháng 4, 2016, Tòa Án Mỹ đã quyết định án phạt khoảng 20 tỷ USD buộc tập đoàn dầu khí BP của Anh để giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố dầu tràn tại vịnh Mexico năm 2010. Không chỉ thế, tập đoàn BP còn phải thanh toán 5.5 tỷ USD cho các hình phạt liên quan và BP còn mất thêm 28 tỷ USD cho công tác dọn dẹp và đền bù sau sự cố tràn dầu.
Vậy mà thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, được đánh giá là đã làm ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người ở các tỉnh bắc Trung Bộ; hủy diệt môi trường biển; làm tê liệt các hoạt động kinh doanh du lịch. Quan trọng hơn, có những nghi ngại sâu sắc về các vấn đề sức khỏe và các hậu quả lâu dài có thể lâu đến 70 năm do tình trạng ô nhiễm biển đã gây ra. Chưa kể đến việc ngư dân bỏ biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự toàn vẹn của chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trước âm mưu thôn tính của Trung Quốc.
Phát ngôn cá nhân của ông chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, phải là chủ trương chung của ban lãnh đạo đảng CSVN, nhằm kết thúc một cách chóng vánh sự cố, bất kể sự giận dữ của người dân. Trong lúc tổng số thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh gây ra, cho môi trường biển 4 tỉnh miền Trung chưa xác định rõ là bao nhiêu? Khi mà sáng 1 tháng 7, 2016, sau khi công bố nguyên nhân cá chết 1 ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ráo riết thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra và có lẽ các tỉnh còn lại cũng như thế. Thì tại sao chính phủ lại phải vội vàng chấp nhận thỏa thuận với Formosa Hà Tĩnh trong khi chưa đánh giá được tổng số mức độ thiệt hại. Và căn cứ vào đâu để chính phủ chấp nhận số tiền đền bù của Formosa là 500 triệu USD? Trong trường hợp khi xác định được mức độ thiệt hại lớn hơn con số 500 triệu USD mà Formosa cam kết thì Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý ra sao?
Những ưu đãi quá đặc biệt
Quay trở lại với những nghi vấn trước đây về việc cấp phép cho Formosa Hà Tĩnh với mức độ thần tốc chưa từng có điều đó khiến cho người ta buộc phải nghĩ rằng, những người đại diện cho nhà nước không chỉ có những xử sự quá ưu ái mà đang đứng cùng bên với Formosa Hà Tĩnh – đã gây nên thảm họa biển 4 tỉnh miền Trung? Lâu nay, người ta thấy rằng, dự án Formosa tại Vũng Áng đã nhận được sự ưu đãi đặc biệt từ Tỉnh Ủy Hà Tĩnh. Cụ thể kết luận của thanh tra chính phủ đã khẳng định rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh cấp phép đầu tư cho Formosa tại Vũng Áng, với thời hạn 70 năm khi chưa được chính phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Không kể đến việc cho Formosa tại Vũng Áng thuê hơn 3,300 ha đất trong vòng 70 năm, được miễn tiền thuê đất 15 năm với giá chỉ hơn 96 tỷ đồng, mà phía Việt Nam còn có các ưu đãi cho dự án Formosa đặc biệt chưa từng thấy. Như về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 10%, trong lúc áp dụng cho doanh nghiệp trong nước là 22%; hay miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị…. là những ví dụ. Cùng với sự buông lỏng quản lý tới mức đáng ngờ của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh, khi Formosa là một dự án luyện kim có khối lượng chất thải rất lớn, với nhiều chất độc hại được thải ra môi trường. Thế nhưng, việc chủ đầu tư có thể xả trộm hết ra biển các chất cực độc với khối lượng lớn mà không ai biết. Trong khi việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ theo hợp đồng do Formosa Hà Tĩnh thuê lại Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Tĩnh.
Căn cứ vào trả lời của ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội nói thẳng rằng: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…” thì sẽ thấy, tập đoàn Formosa đã nắm đầu các quan chức Hà Tĩnh nói riêng và ban lãnh đạo đảng CSVN đến mức nào?
Chính vì thế người ta phải đặt câu hỏi: Thế lực nào đã chống lưng cho Formosa Hà Tĩnh, vì mục đích gì mà họ lại dành cho nhà đầu tư Đài Loan những ưu đãi đặc biệt như vậy?
Việc tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra việc cá chết hàng loạt ở biển miền Trung không phải mất thời gian gần 90 ngày như vừa qua, vì theo Phó GS-TS Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học, chủ tịch Ủy Ban Hải Dương Học Liên Chính Phủ (IOC), ngày 5 tháng 5, 2016 đã khẳng định: “Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Những chứng cứ khoa học đã có thể kết luận được nguyên nhân rồi. Vì hôm 20 tháng 4, 2016 những kết quả ấy đã được phân tích, được hình thành báo cáo.” Điều đó có nghĩa rằng việc tìm ra nguyên nhân và thủ phạm là điều không khó. Nếu hiểu trong kinh doanh, người Trung Quốc luôn nổi tiếng trong việc dùng việc hối lộ tiền bạc để mua chuộc đối tác, thì trong dự án Formosa Hà Tĩnh sẽ không phải là ngoại lệ. Việc cấp giấy phép đầu từ cho tập đoàn Formosa nhanh chóng đến kinh ngạc, sau khi dự án này buộc phải rút khỏi Đài Loan do bị dân chúng quốc gia đó phản đối đã cho thấy điều đó.
Việc Formosa Hà tĩnh đã bỏ tiền để “mua” chức ủy viên trung ương và các ghế bộ trưởng cho các quan chức ở Hà Tĩnh và đút lót cho rất nhiều lãnh đạo cấp cao khác đã khiến các quan chức hàng đầu há miệng mắc quai. Chính vì thế giới chức Việt Nam và Formosa Hà Tĩnh phải mất tới gần 90 ngày, cò cử nhằm thương lượng, để tìm ra một giải pháp dung hòa giữa các bên mà vẫn đảm bảo trấn an được dân chúng. Quan trọng hơn là trong lúc này, phía Việt Nam đều sợ, một khi bị đẩy vào thế cùng thì Formosa sẽ sẵn sàng tố ngược và công bố các bí mật này. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 22 tháng 4, 2016, sau khi xảy ra thảm học môi trường thì đích thân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải tới Formosa Hà Tĩnh để thương lượng.
Việc tại Đại Hội Đảng CSVN toàn quốc lần thứ 12, Hà Tĩnh một tỉnh nghèo nhất nước đột nhiên có tới 16 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết, và là tỉnh tỉnh có nhiều ủy viên trung ương nhất cả nước. Theo dư luận thì hầu hết các quan chức Hà Tĩnh hiện nay hoàn toàn không đủ năng lực và trình độ, và học vấn chỉ dựa vào chuyện mua bán bằng cấp giả. Điều này chứng tỏ những ngờ vực trước đây khi cho rằng có bàn tay và tiền bạc của Formosa trong kết quả này là có cơ sở. Đáng chú ý, trong số đó có ông Trần Hồng Hà được giữ chức bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và ông Nguyễn Chí Dũng thì giữ chức bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư. Đó là những chiếc ghế cực kỳ quan trọng đối với Formosa Hà Tĩnh, nó có thể quyết định các chính sách mang lại lợi ích cho Formosa nhiều nhất trong quá trình đầu tư ở Việt Nam. Việc Formosa Vũng Áng, một dự án kéo dài gần 10 năm, với mức đầu tư tăng từ 10 tỷ tăng lên 27 tỷ đô la trong thời gian qua cho thấy điều đó.
Cụ thể một việc không lớn, lẽ ra Formosa Hà Tĩnh nếu làm đúng quy trình xả thải, Formosa phải mất tới 2-3 tỷ USD để đầu tư, nhưng trên thực tế họ chỉ cần đầu tư 450 triệu USD mà vẫn được chấp nhận đưa vào vận hành. Chênh lệch nhiều tỷ đô là trong một vụ việc như thế, cho thấy việc Formosa Hà Tĩnh dùng tiền bạc để lobby hay vận động hành lang là chuyện có thật và không phải bàn cãi. Trong một xã hội như Việt Nam, khi nền kinh tế mang nặng tính tư bản thân hữu, được chi phối bởi các nhóm lợi ích dựa trên mối quan hệ chặt chẽ về quyền lợi giữa doanh nghiệp và các quan chức nhà nước, thì đây là điều đương nhiên. Chưa kể đến họ có thể đặt vấn đề thẳng với thủ phạm Formosa Hà Tĩnh, về số tiền đền bù chỉ một số nào đó, còn lại thì… mấy ông quan chức thời nay thì có gì mà họ không dám (!?)
Nếu để ý sẽ thấy, trước đây ít ngày, phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh nói với báo chí rằng: “Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho phép của chính phủ Việt Nam.” Song mới nhất chủ tịch HĐQT của Formosa lại gửi thư cho các nhân viên đã không ngần ngại tuyên bố: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu, nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.” Cần phải hiểu rằng, đó là sự răn đe của Formosa Hà Tĩnh đối với các quan chức phía Việt Nam, họ muốn nhắc lại rằng họ vẫn đang nắm đằng chuôi trong vụ việc này. Chính vì thế, ngay sau khi công bố kết quả nguyên nhân và thủ phạm cá chết, chính phủ đã khẩn trương bằng mọi cách để giải quyết hậu quả với mục đích thoát khỏi vụ scandal này càng sớm càng tốt.
Kết luận
Dù rằng, nguyên nhân và thủ phạm gây ra việc cá chết đã được công bố, song việc dễ dãi với các hứa hẹn của Formosa Hà Tĩnh từ chính phủ Việt Nam, đã khiến cho dư luận xã hội càng bức xúc hơn. Vì thế, việc tạo các áp lực cần thiết đòi hỏi nhà nước Việt nam phải có hành động pháp lý, thông qua việc khởi kiện Formosa Hà Tĩnh là điều hết sức cần thiết. Vì chỉ có như vậy mới buộc Formosa Hà tĩnh phải có trách nhiệm trong việc tái thiết, bồi thường, đền bù do đã phá hủy sinh thái, môi trường sống cũng như hoạt động kinh doanh, du lịch ở 4 tỉnh miền Trung. Thậm chí là phải đóng cửa nhà máy của Formosa Hà Tĩnh.
Điều đó sẽ đẩy Formosa Hà Tĩnh vào tình thế đối mặt với tổn thất rất lớn nhiều tỷ đô la, và khi “đường cùng” thì họ sẽ đứt dậu thì họ sẽ không ngại ngùng tố cáo đã những kẻ đã nhận hối lộ. Đây chính là tử huyệt của đảng CSVN và là lý do vì sao trước ngày công bố nguyên nhân cá chết, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã nhấn mạnh việc cần thiết ngăn chặn kích động biểu tình.
Vì thế các tổ chức XHDS cần phải có biện pháp cụ thể, để tạo ra các áp lực cần thiết đối với chính quyền, thông qua các cuộc tuần hành, xuống đường với quy mô lớn, buộc họ phải xử lý triệt để với Formosa Hà Tĩnh. Mặt khác cần phối hợp với các luật sư để tiến hành việc vận động lấy chữ ký để khởi kiện Formosa Hà Tĩnh ra trước Tòa An Công Lý Quốc Tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan.
Xin hãy nhớ, một khi môi trường sống quanh ta bị hủy hoại, thì nó sẽ không buông tha cho bất cứ cá nhân nào và Napoleon nói rằng: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt,” để mỗi người xác định trách nhiệm của mình trong lúc này.

Xuất khẩu ngư dân khắc phục hậu quả Formosa: Câu hỏi khó

Thứ bảy, 09 Tháng bảy 2016, 08:57 GMT+7
  •  
  •  
  • E
  •  
Bấm ngay Subscribe / Đăng Ký xem video hay mới nhất >>
Cần phải bàn với dân
Liên quan đến kế hoạch hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do tác động môi trường từ công ty Formosa, mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã có trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Theo đó, để khắc phục hậu quả của sự cố môi trường này gây ra cho người dân, hơn 263.000 lao động thuộc 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng đang được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, trong đó có xuất khẩu lao động ngành biển.
Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Việt Thắng- Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định phía Bộ LĐ-TB&XH chưa có sự bàn bạc, thống nhất với hội nghề cá khi đưa ra những tuyên bố trên.
Xuat khau ngu dan khac phuc hau qua Formosa: Cau hoi kho
Hơn 263.000 lao động thuộc 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng đang được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, trong đó có xuất khẩu lao động ngành biển. Ảnh: Zing
Tỏ ra bất ngờ khi biết thông tin trên báo chí, TS Thắng đặt ra hàng loạt câu hỏi với chủ trương này của Bộ LĐ-TB&XH.
“Thứ nhất là chưa có ai rà soát số liệu cho chính xác. Làm sao Bộ biết là 4 tỉnh miền Trung có 263000 người cần học nghề? Theo tôi phải xác định lại con số này.
Thứ hai là nghề thì có nhiều nghề khác nhau gồm nghề đi biển, đánh bắt gần bờ, nuôi nuôi trồng, chế biến thủy sản... Khi đã không có con cá thì tất cả những ngành liên quan đến cá đều ngưng cả. Đi lao động nước ngoài chỉ là một trong các giải pháp thôi.
Thứ ba là đưa ra phương án gì thì phải họp và hỏi ý kiến dân, tự mình nghĩ ra nhiều thứ trên trời dưới đất rồi kêu dân thực hiện thì chưa được. Hội nghề cá thấy rằng những việc này phải trao đổi thêm với cán bộ chủ quản, cán bộ có liên quan”, ông Thắng khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tử Cương –  Ủy viên thường vụ, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam khẳng định đơn vị này đã có những kiến nghị về các chủ trương, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân sau thiệt hại về môi trường do Formosa đưa ra.
“Theo tôi, chuyển đổi nghề phải dựa vào trình độ văn hóa của người dân. Cần phải tận dụng nghề phù hợp và nguyên liệu sẵn có tại địa phương, phù hợp với từng loại lao động, đặc biệt là phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm thì việc chuyển đổi nghề mới đem lại hiệu quả”, ông Cương lưu ý.
Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững cũng khẳng định, ngư dân vùng biển phải sống và làm bằng nghề biển chứ không chỉ tìm cách chuyển đổi nghề nghiệp hay xuất khẩu lao động.
“Ngư dân có nhiều đối tượng, từ lao động nam giới trẻ khỏe, làm nghề đánh cá đến lao động là người phụ nữ, đàn ông lớn tuổi, người khuyết tật. Tất cả đều cần việc làm, để nuôi sống bản thân và gia đình.
Những người đi xuất khẩu lao động hoặc đến khu công nghiệp, khu đô thị để kiếm sống phải là những người có sức khỏe, có tay nghề và tiêu chuẩn thì mới đáp ứng được yêu cầu này. Còn với nghề khai thác biển tôi cho rằng cần điều chỉnh chuyển đổi 1 số lao động khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ hoặc chế biển thủy sản, xây dựng làng nghề cho ngư dân và như vậy cũng cần đào tạo tay nghề cho họ.
Phương án tốt nhất hiện nay là cùng bàn bạc với người dân trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi nghề”, ông Cương nhấn mạnh.
Muốn đánh bắt trên quê hương mình
Trao đổi với Đất Việt về chủ trương này, nhiều ngư dân bày tỏ băn khoăn, lo lắng cũng như kiến nghị được tạo điều kiện để làm ăn, sinh sống trên chính quê hương của mình.
Chị Võ Thị Thủy (Thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề về đánh bắt thủy, hải sản sau sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa.
Theo chị Thủy, cả làng chị sinh ra và lớn lên bằng nghề đi biển. Kinh tế gia đình và mọi khoản trang trải đều xuất phát từ biển.
“Trước đây khi biển còn sạch, mỗi lần ra biển đánh bắt trừ tiền thuê ghe, xăng dầu, gia đình có thể bán cá được cả triệu, có hôm 2 triệu là bình thường.
Nhưng bây giờ thì ra biển cũng chẳng đánh được gì mấy, thậm chí còn lỗ. Hôm nay chồng tôi đánh bắt sò nhưng cũng không có gì, nhà phải bù tiền trả thêm. Tuy nhiên mai vẫn ra biển để dần dần khắc phục khó khăn, bắt tay vào làm việc lại”, chị Thủy nói.
Trước thông tin các ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường từ biển do Formosa xả thải ngầm có thể được xuất khẩu để tìm kiếm cơ hội việc làm mới, chị Thủy cho rằng đây không phải là mong muốn của người dân.
VietBao.vn (Theo_Báo Đất Việt >>>)

Cá chết và Đảng Cộng sản Việt Nam

08.07.2016

Ngư dân Việt Nam biểu tình vì cá chết hàng loạt ở miền trung.
Ngư dân Việt Nam biểu tình vì cá chết hàng loạt ở miền trung.
Vụ cá chết dọc theo các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam đã được giải quyết khá nhanh, tuy chưa phải là kết luận sau cùng và chung cuộc.Tuy nhiên, đó chỉ là cách giải quyết giữa nhà nước Việt Nam, hay đúng ra là giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với tập đoàn Formosa. Còn người dân Việt, đặc biệt là những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng, không có quyền lên tiếng, không có quyền kiện để đòi bồi thường thiệt hại cho bản thân cũng như cho môi trường nơi họ sinh sống.
Sau ba tháng điều tra, giới chức nhà nước đưa ra kết luận cá chết là do chất độc thải ra từ nhà máy luyện thép Formosa, một công ty Đài Loan, đang được xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một dự án có kinh phí hàng chục tỉ đôla đã được Hà Nội cho phép xây dựng và hoạt động trong thời gian 70 năm.
Ba tháng trước, đại diện cho Formosa là Chu Xuân Phàm đã nói với báo chí về nguyên do cá chết và thảm họa môi trường là do công ti của ông gây ra. Vì thừa nhận phần lỗi của công ti, ngay sau đó ông Chu đã bị cho thôi việc.
Trong cuộc họp báo hôm 30 tháng Sáu để chính thức công bố kết quả điều tra, ban giám đốc Formosa không có mặt mà chỉ qua một đoạn quay hình trước đã ngỏ lời xin lỗi tới người dân Việt. Tập đoàn Formosa cũng đồng ý bồi thường 500 triệu đôla và hứa sẽ không để những sự việc như thế xảy ra nữa.
Quan chức Hà Nội trong buổi họp báo là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã xác nhận những điều trên.
Không mấy ai biết được chính xác sự hủy hoại môi trường là do những hóa chất như phi-nôn, xyanua và hydrôxít sắt hay còn những chất độc hại nào khác và nó đã tàn phá môi trường biển quanh khu vực nhà máy Formosa đến mức nào, ảnh hưởng đến hệ sinh thái sẽ kéo dài bao nhiêu năm. Đó là những vấn đề cần cấp bách đặt ra và tìm câu trả lời trước khi chấp nhận lời xin lỗi và những bồi thường.
Trong khi đó nhà nước lại ngăn cấm các hoạt động nghiên cứu về ảnh hưởng của nó, không muốn bên ngoài vào giúp, dù Hoa Kỳ đã có lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ để tìm hiểu nguyên do và cách khắc phục. Truyền thông báo chí không được phép đến khu vực ảnh hưởng để tìm hiểu.
Không có những nghiên cứu liên quan thì số tiền mà công ty Formosa hứa đền bù, dù là 500 triệu đôla, cũng không thấm vào đâu nếu biển chết trong vòng 50 chục năm tới hay kéo dài lâu hơn.
Làm sao để làm sạch lại môi trường biển ở những vùng đã bị ảnh hưởng và trong tương lai nhà máy của Formosa sẽ xử lý những chất độc hại này ra sao thì không nghe các quan chức nói đến.
Số tiền 500 triệu đôla mà Formosa hứa bồi thường sẽ được chi tiêu như thế nào hiện nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị các cơ quan trách nhiệm đưa ra kế hoạch thực hiện. Với bộ máy nhà nước quan liêu, tham nhũng của Việt Nam, số tiền bồi thường đó không thể tránh khỏi những thất thoát.
Trong quá khứ nhiều nơi trên thế giới đã có những vụ việc gây độc hại môi trường và các công ty trách nhiệm đã phải bồi thường thiệt hại cho người dân cũng như khu vực bị ảnh hưởng. Tiến trình đưa tới việc bồi thường được kết thúc sau khi có phán quyết của tòa án, hay sau khi ra tòa và hai bên đồng ý với nhau sẽ giải quyết vụ việc bên ngoài tòa.
Năm 1984 ở Bhopal, Ấn Độ, có vụ nổ ở nhà máy hóa chất gây thiệt mạng cho nhiều nghìn người và ảnh hưởng đến sức khoẻ mấy trăm nghìn người khác. Ngay sau khi vụ việc xảy ra nhà nước có chính sách tạm giúp nạn nhân ngay. Sau đó nạn nhân, qua các tổ hợp luật sư, đã kiện các công ty trách nhiệm ra tòa và nhiều năm sau vụ việc mới được giải quyết bồi thường hơn 400 triệu đôla.
Trong các vụ xả chất độc làm ảnh hưởng đến môi trường khác như Exxon Valdez làm đổ dầu ở Alaska, vụ bể giếng khoan dầu ở Vịnh Mexico, các tập đoàn có trách nhiệm đều bị phạt theo luật bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ, phải làm sạch lại môi trường như trước đó. Trong khi đó một vài người dân có thể đứng đơn kiện công ty đã gây hại cho sức khoẻ hay làm mất nguồn sinh sống và đòi bồi thường thiệt hại.
Các vụ kiện như thế, tuy chỉ có một hay vài người đứng đơn, nhưng đều là những vụ kiện mang tính tập thể (class action lawsuit), được đại diện bởi một tổ hợp luật sư hay nhiều luật sư nhưng cũng nhắm vào cùng một đối tượng và một mục đích.
Sau khi có phán quyết của tòa, hay có những thương lượng bên ngoài tòa án để bị cáo không nhận tội nhưng chấp nhận bồi thường, khi đó tập thể bị ảnh hưởng sẽ được bồi thường tùy theo thiệt hại nặng nhẹ, nhiều hay ít.
Có một vài vụ việc xảy ra ở California mà tôi có bị ảnh hưởng và được bồi thường, sau những khiếu kiện tập thể kéo dài cũng đến hai năm hơn.
Cuối thập niên 1980 có vụ cháy một kho chứa hàng của siêu thị Safeway ở thành phố Richmond, vùng Đông vịnh San Francisco. Nguyên do vì một người lái xe xúc hàng bất cẩn khi nâng hàng lên cao làm chạm điện và phát hoả. Đám cháy kéo dài nhiều giờ đồng hồ và khói ô nhiễm lan tỏa ra khu vực cư dân. Rất may không ai thiệt mạng.
Dân sống gần nhà kho phải chịu hít thở không khí nhiễm độc nên nhiều người khó thở, ngứa mắt, ngứa da phải đi bác sĩ hay nhà thương ngay. Tro bụi bay cao rơi xuống phủ đường đi, phủ nóc nhà, nóc xe trong một khu vực rộng lớn.
Khoảng hai năm sau, vụ xử kết thúc và công ti Safeway phải bồi thường thiệt hại cho cư dân bị ảnh hưởng. Những người sống gần nơi đám cháy, với giấy chứng nhận đã đi bác sĩ hay vào nhà thương điều trị do hít khí độc được bồi thường có đến chục nghìn đôla hay nhiều hơn tùy theo giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Những người ở xa xa, như nơi tôi cư ngụ cách chỗ cháy cũng đến 5 cây số, nhưng vì hướng gió thổi đem tro bụi bay đến và quả thật là sáng hôm sau xe bị phủ một lớp tro.
Tuy không phải là người trực tiếp đứng đơn kiện, cũng như hàng vạn cư dân khác trong khu vực bị ảnh hưởng, nhưng tôi vẫn được bồi thường.
Sau khi nghe thông báo, tôi đến văn phòng có luật sư đại diện, trình bằng lái xe để xác minh thời gian khi vụ cháy xảy ra tôi sống trong khu vực ảnh hưởng. Thế là nhận được tấm chi phiếu 250 đôla. Ít nhất đó cũng là tiền để tôi lo rửa xe, tuy không nhiều bằng đó, nhưng số tiền tôi được bồi thường bao gồm cả tiền phạt công ti phải chi ra. Tiền phạt mới là đáng kể, vì thường rất cao, để các công ti phải cẩn thận, tránh gây ra tai nạn làm ô nhiễm môi trường.
Vụ việc mới đây đối với công ti xe hơi Volkswagen cũng thế. Tuy không gây chết người, nhưng vì cố tình dùng kỹ thuật để qua mặt luật Mỹ trong việc xử lý khói xe mà đã phải bồi thường hơn chục tỉ đôla cho khoảng nửa triệu chủ xe.
Công ti Formosa gây ô nhiễm biển ở miền Trung thì thiệt hại cũng không phải là nhỏ. Có cư dân đã chết. Một số người bị bệnh do hóa chất trong nước biển. Hệ sinh thái bị hủy hoại khiến nhiều nghìn ngư dân không thể tiếp tục hành nghề. Kỹ nghệ du lịch cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý với công ti Formosa và chấp nhận việc bồi thường 500 triệu đôla.
Vụ việc cá chết là một thảm họa môi trường lớn và lâu dài, nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam đã cho thấy họ làm việc thiếu tính minh bạch, lại không cho dân được quyền lên tiếng, được quyền kiện công ti có trách nhiệm ra tòa. Nhà nước cũng không cho truyền thông báo chí được đến đó điều tra hay cho những cơ quan độc lập chuyên về nghiên cứu khoa học đến để xác định ảnh hưởng của chất thải gây ra cho con người và môi trường.
Khi vụ việc mới được đưa ra các đây ba tháng, phóng viên của báo Thanh Niên hỏi quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường về cá chết là có khả năng bị “nhiễm kim loại nặng” hay không, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trả lời rằng hỏi thế là làm “tổn hại cho đất nước”.
Biển miền Trung và người dân ở đó đang bị tổn hại quá nhiều qua vụ cá chết. Và đất nước Việt Nam còn bị tổn hại hơn nữa nếu Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam không để cho vụ việc được làm rõ và người dân được bồi thường thỏa đáng.

Nhiều báo ‘xé rào’ vụ Formosa khiến chóp bu CSVN tức giận

Nhiều báo ‘xé rào’ vụ Formosa khiến chóp bu CSVN tức giận

Dân Hà Nội biểu tình ngày 1 tháng 5, 2016 chống công ty gang thép Formosa xả chất độc giết biển Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Dân Hà Nội biểu tình ngày 1 tháng 5, 2016 chống công ty gang thép Formosa xả chất độc giết biển Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Tuy nằm trong guồng máy tuyên truyền và bị kiềm chế trong khuôn khổ chặt chẽ của đảng cộng sản nhưng một số tờ báo tại Việt Nam vẫn “xé rào” nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin vốn làm cho các lãnh đạo chóp bu tức giận.
Vừa có một cuộc họp “giao ban” của các lãnh đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN để hạch tội các tờ báo đã dám xé rào, đăng tải các bản tin, ý kiến “trái chiều” trong vụ công ty gang thép Formosa xả hóa chất độc hại giết biển miền Trung. Các tờ báo này bị hăm dọa trừng phạt, có thể từ tổng biên tập mất chức đến đóng cửa báo.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 5 tháng 7, 2016 ở Hà Nội, Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin-Truyền Thông (thường gọi tắt là Bộ 4T) ra các chỉ thị cho báo chí, truyền thanh, truyền hình, người ta thấy có 7 tờ báo bị kết tội là cung cấp thông tin “sai định hướng” mà nếu cứ tiếp tục “sẽ bị cộng tội” trong báo cáo để trừng phạt.
Ba tờ Tuổi Trẻ, Giao Thông và Giáo Dục Việt Nam bị phê bình về việc thông tin bình luận Formosa bồi thường $500 triệu là “quá ít” và có ý chê trách nhà cầm quyền khi đặt câu hỏi bồi thường rồi “là hết trách nhiệm?”
Tờ Lao Động ngày 30 tháng 6, 2016 thuật lời một số luật sư kêu gọi nhà nước khởi tố Formosa.
Tờ Một Thế Giới cho chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đòi hỏi “Cần nêu đích danh ai cho phép Formosa hoạt động” ám chỉ kêu gọi lôi những người như cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh là Võ Kim Cự ra để hạch tội. Hai tờ Dân Trí và VnExpress cho Tiến Sĩ Lưu Bích Hồ và Giáo Sư Chu Hảo đưa ý kiến “trái chiều” về cách đối phó của nhà nước trong vụ Formosa.
Dịp này, bên cạnh những lời đe nẹt các báo nói trên xé rào, tờ Pháp Luật TPHCM bị kết tội là đã “phân tích, mổ xẻ sâu sai sót Bộ Luật Hình Sự 2015” mà ông bộ trưởng Bộ 4T kêu rằng ông đang ngồi họp trung ương đảng mà được lệnh tới để “nói trực tiếp” những sự khó chịu của “ở trên” đối với các báo đảng ăn cơm của đảng mà viết lách giống “lề trái.”
Trong cuộc họp ông 4T, Trương Minh Tuấn kết tội các báo “không thực hiện nghiêm” các chỉ đạo thông tin vụ Formosa xả thải độc hại ra biển làm cá chết trắng dọc 4 tỉnh miền Trung gồm các tờ VnExpress, Người Lao Động, Dân Trí, Giáo Dục Việt Nam, Zing, Thanh Niên, Tuổi Trẻ.
Ông Tuấn dọa sẽ xem xét “dừng” báo Zing vì “Zing là rất linh tinh” bởi vì báo này đã bị “nhắc rất nhiều sai phạm.” Ông đả kích các báo “chỉ khai thác, xoáy sâu vào mỗi việc” bồi thường 500 triệu đô la quá ít mà “Các anh cố tình làm việc đó.”
Bộ trưởng 4T đòi hệ thống báo đài của chế độ “không đưa các bài viết có tính truy bức, kích động dư luận là phải khởi tố hay không khởi tố (Formosa). Rồi bao giờ biển mới sạch. Bây giờ đã có quan trắc, các báo có thể lấy số liệu từ các Sở TNMT.” Và cũng “đừng đặt vấn đề là bao giờ mới ăn được cá. Hôm qua có báo đã đưa vấn đề này. Tôi đã từng nhấn mạnh ngay từ đầu khi trả lời phỏng vấn là chúng ta khuyến cáo người dân không ăn hải sản trong vùng bị nhiễm độc và hải sản chết.”
Hai tháng sau thảm họa, ngày 30 tháng 6, 2016, nhà cầm quyền Việt Nam mới họp báo công bố nguyên nhân cá biển chết dạt vào bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là do nhà máy gang thép Formosa (đầu tư trực tiếp của tập đoàn Formosa ở Đài Loan) ở cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả hàng trăm tấn hóa chất trực tiếp ra biển. Trong đó có những chất kịch độc như cyanure, phenol kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một hỗn hợp có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Hàng triệu con cá và các loại thủy sản khác người ta nhìn thấy dạt vào bờ chỉ là phần nhỏ của sự thiệt hại trong khi sự thiệt hại ở tầng đáy còn lớn gấp nhiều lần và sự di hại được ước tính kéo dài nhiều thập kỷ chưa chắc đã phục hồi được nếu không có một kế hoạch quy mô khoa học và vô cùng tốn kém.
Hàng ngàn người dân ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như các tỉnh có cá chết đã biểu tình rất nhiều lần đòi hỏi nhà cầm quyền phải điều tra và công khai minh bạch nguyên nhân đầu độc làm cá và các loại thủy sản, sinh vật biển chết, cũng như các kế hoạch khôi phục biển. Sự chậm trễ, mập mờ và những thông tin nhỏ giọt được đưa ra làm cho quần chúng phẫn nộ và mất tin tưởng vào lời tuyên truyền của nhà cầm quyền.
Hiện người ta không biết Formosa có bị buộc phải thực hiện một hệ thống xả thải theo tiêu chuẩn tốt nhất trước khi xả chất thải ra không khí và ra biển hay chỉ bị buộc “theo chuẩn Việt Nam” tức chỉ đòi hỏi một nửa tiêu chuẩn quốc tế về xả chất thải nhà máy gang thép để tiếp tục tàn phá môi trường.
Theo tin tức những ngày qua, công ty gang thép Formosa sẽ chỉ tạm dời ngày bắt đầu sản xuất chứ không đóng cửa. Một số chuyên viên phân tích cho rằng, nếu vậy, cả đất nước và con người Việt Nam sẽ chết dần chết mòn vì chất độc của Formosa và các nhà máy xả thải từ Bắc chí Nam “theo chuẩn Việt Nam” mà đảng và nhà nước CSVN đưa ra. (TN)