Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Vụ Trịnh Xuân Thanh: hệ thống bất lực?

Vụ Trịnh Xuân Thanh: hệ thống bất lực?


17-9-2016
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang của Việt Nam, đang bị chính quyền phát lệnh truy nã quốc tế.Tuoi Tre Online
Vụ việc đã và đang xảy ra đối với ông Trịnh Xuân Thanh phần nào cho thấy sự ‘bất lực’ thậm chí ‘băng hoại’ của hệ thống chính trị và luật pháp ở Việt Nam, theo quan điểm riêng của một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Paris.
Ngoài ra, qua những thông tin chính thức từ truyền thông trong nước, cũng có thể cho thấy có những vấn đề khác về chính trị và pháp luật của chế độ, trong đó có việc tuyển dụng cán bộ, lãnh đạo theo lối ‘con ông cháu cha’, ‘con cháu các cụ cả’ hay cả vấn đề được cho là ‘dối trá’ trong đạo đức, phẩm chất của cán bộ trong chính quyền, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, qua một phỏng vấn bằng bút đàm với BBC hôm 17/9/2016.

“Nếu không có cải cách thể chế chính trị thực sự, nếu không có tam quyền phân lập, nếu luật pháp không độc lập với đảng pháp, thì những vở hề kịch sẽ còn tiếp tục xảy ra khi một hay một nhóm lãnh đạo muốn “trừng phạt” một vài người trong lúc mà tham nhũng hoành hành trên toàn hệ thống,” nhà nghiên cứu từ Pháp nêu quan điểm.
“Điều đáng nói, như nhiều người khác đã chỉ ra, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất hay hy hữu trong chế độ. Trái lại, ông Thanh chỉ là một nhân vật thuộc dạng ‘mờ nhạt’ so với những nhân vật khác còn ‘khủng’ hơn nhiều nhưng chưa bị (hoặc không thể bị) khui ra”, vẫn theo ý kiến này.
Mời quý vị theo dõi dưới đây toàn văn cuộc trao đổi của BBC với Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy.
BBC. Vụ việc với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang của Việt Nam vẫn đang diễn ra và có lẽ cần thêm thời gian để theo dõi, tuy nhiên quan sát các phản ánh, diễn biến trên truyền thông, nhất là qua truyền thông chính thức của Việt Nam cho tới nay, bà thấy có điều gì đáng nói, đáng bàn?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Trước hết, có thể nói ngay, tôi thấy có vấn đề đáng nói về điều có thể được gọi là sự dối trá và băng hoại của hệ thống chính trị. Ngay như tiểu sử của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy điều gì? Đã và sẽ có nhiều phân tích, nhưng cá nhân tôi đưa ra ít nhất hai điểm như sau.
Thứ nhất, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định một lần nữa điều đã được nhận xét từ lâu: việc bổ nhiệm cán bộ của đảng cộng sản Việt Nam vận hành dựa trên nguyên lý 5C (con cháu các cụ cả). Bố ông Trịnh Xuân Thanh là ông Trịnh Xuân Giới, một cán bộ cao cấp của đảng, từng giữ các chức vụ Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương (TW) và Phó Trưởng ban Dân vận TW. Điều này giải thích tại sao ông Thanh chỉ có bằng cử nhân quy hoạch đô thị (năm 1990), sau đó đi làm ăn ở Đông Âu (dẫn theo Wikipédia tiếng Việt, không rõ làm ăn trong lĩnh vực nào) rồi trở về Việt Nam năm 1995, và ngay lập tức 1996 (lúc ông Thanh 30 tuổi) được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc công ty phát triển kinh tế kĩ thuật Detesco của Trung ương Đoàn.
Người ta sẽ đặt câu hỏi là: nếu bố ông không phải là cán bộ lớn trong đảng và từng là hiệu trưởng trường Đoàn TW thì có thể xảy ra việc ông được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc dễ dàng như vậy hay không? Chúng ta thử hình dung xem, nếu ta là con nông dân, hay con cán bộ bình thường, và ta chỉ có cái bằng cử nhân thôi, lại chẳng trải qua một quá trình làm việc lâu dài để chứng tỏ năng lực… thì ta làm sao có thể đột nhiên nhảy lên làm phó giám đốc một công ty nhà nước được? Vị trí Phó giám đốc của Detesco là bàn đạp để ông Thanh rất nhanh chóng nắm giữ các chức vụ từ quan trọng đến quan trọng nhất của tổng công ty Sông Hồng trong giai đoạn 2000-2007.
Lặp lại lộ trình của bố, con trai của ông Trịnh Xuân Thanh là Trịnh Xuân Cường được bổ nhiệm vị trí trợ lý giám đốc của Halico (tháng 10/2015) lúc mới 23 tuổi, và chỉ 6 tháng sau được bổ nhiệm làm phó phòng truyền thông marketing (tháng 4/2016). Một số người có nghiên cứu về hiện tượng cán bộ thuộc diện 5C này đều nhận định rằng đặc điểm chung của các lãnh đạo nhóm 5C là họ lên làm lãnh đạo khi tuổi đời còn rất trẻ, dĩ nhiên do tác dụng của ô dù gia đình.
Thực ra tuổi tác không quyết định khả năng làm việc. Và nhiều người xuất thân trong các gia đình cán bộ cao cấp nhưng vẫn có thực tài, có năng lực thực sự. Nhưng nếu “con cháu các cụ cả” trở thành nguyên tắc (ngầm) trong việc tuyển dụng cán bộ thì dĩ nhiên hậu quả không thể tránh khỏi là tham nhũng, kém hiệu quả, thua lỗ, kém phát triển, và tình trạng “gia đình trị” sẽ tiếp tục kéo dài dẫn đến hiện tượng toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội bị một số gia đình nắm trong tay họ, còn các khẩu hiệu như “sử dụng nhân tài”, “công bằng cơ hội”… trong thực tế chỉ là một mớ ngôn từ đưa ra lừa dối nhân dân mà thôi.

Từ chiếc xe biển xanh

Nhiều câu hỏi được đặt ra đằng sau và bắt đầu từ sự việc ‘chiếc xe biển xanh’ của ông Trịnh Xuân Thanh ‘đi mượn’, theo tác giả.
Thứ hai, trường hợp Trịnh Xuân Thanh cho thấy một cách rõ ràng tính chất dối trá của hệ thống chính trị. Rất nhiều chi tiết giúp chứng minh tính chất dối trả này, ở đây tôi chỉ nêu hai chi tiết.
Chi tiết thứ nhất liên quan đến cái xe Lexus biển số xanh. Xin dẫn nguyên văn lời của ông Trần Công Chánh, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, trong bài báo trên Tuổi trẻ ngày 14/6/2016 “ Đã báo cáo tổng bí thư vụ ‘hóa kiếp’ xe Lexus“: “Ông Thanh có đề xuất để ông mượn một chiếc ô tô đi làm tạm, thường trực tỉnh ủy xét thấy tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thuận tiện trong đi lại, làm việc nên cũng có thể chấp nhận được”. Phát biểu này cho thấy luật pháp của Việt Nam rất có vấn đề, có người còn đặt dấu hỏi “luật pháp ấy đáng giá mấy xu?”
Bài báo “ Những ẩn khuất sau vụ hóa kiếp xe Lexus“, cũng trên tờ Tuổi trẻ, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, nó cho biết chủ sở hữu của cái xe lexus là tài xế của ông Thanh, tên là Nguyễn Đặng Toàn. Xe được mua năm 2013 và đăng ký ở Hà Nội với tên ông Toàn là chủ sở hữu. Sau khi ông Toàn mua xe một ngày thì nó được chuyển vào Hậu Giang và biến thành tài sản của Phòng hậu cần kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang, với cái biển số xanh chỉ được phép dành cho xe công vụ. Không cần nhiều trí tưởng tượng lắm cũng có thể hình dung một số điều nếu đặt ra vài câu hỏi sau đây: “Một ông tài xế thì lấy tiền đâu ra mà mua xe Lexus?”. “Một ông tài xế thì làm sao có đủ quyền lực để mà chỉ trong một ngày biến cái xe riêng của mình thành ra cái xe công vụ?”, “Tại sao ông ta phải biến xe riêng của mình thành xe công vụ, để làm gì?”
“Tại sao ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty PCV, cựu Phó Chánh Văn phòng Bộ công thương… mà lại phải mượn xe của ông tài xế? Tại sao tài xế của ông Thanh thì có tiền mua xe, còn ông Thanh, với chừng đó chức vụ đã kinh qua, lại phải đi xe mượn?” Hãy thử trả lời câu hỏi này để thấy tính chất khôi hài nhưng bi thảm của chế độ đã đến mức nào. Đồng thời cũng để thấy tính chất dối trá đã đến mức nào, và đối chiếu với phát biểu của chủ tịch tỉnh Hậu Giang để thấy lãnh đạo các cấp chấp nhận sự dối trá dễ dàng như thế nào, nếu không muốn nói rằng sự dối trá đã trở thành bản chất của họ.
Tuy nhiên, chi tiết thứ hai được đề cập đến sau đây mới nói lên sự dối trá điển hình cuả thể chế chính trị. Ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PVC năm 2009, đến năm 2011 thì được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Nhưng cũng chính thời gian đó PVC thua lỗ hơn 3.200 tỷ. Một đơn vị thua lỗ trầm trọng, thậm chí có nguy cơ mất vốn, mà lãnh đạo lại được phong Anh hùng lao động, và sau đó được thăng chức lên cấp cao hơn, ở Bộ Công thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Còn có bằng chứng nào hùng hồn hơn cho sự dối trá của chế độ ?
Điều đáng nói, như nhiều người khác đã chỉ ra, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất hay hy hữu trong chế độ. Trái lại, ông Thanh chỉ là một nhân vật thuộc dạng “mờ nhạt” so với những nhân vật khác còn “khủng” hơn nhiều nhưng chưa bị (hoặc không thể bị) khui ra.
Đừng ngạc nhiên và đừng trách cứ nếu trong nhân dân có những giả thiết hoặc những suy luận đủ các loại, kể cả những suy luận rất bất lợi về khả năng thanh trừng nội bộ của lãnh đạo cao cấp. Chỉ có thể tránh được các suy luận bất lợi ấy khi nền quản trị, nền hành chính và bộ máy truyền thông có được sự minh bạch, công khai, và sự minh bạch, công khai này phải được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chuẩn mực.

Tới lối thoát hoàn hảo

Tin tức chưa thể kiểm chứng nói ông Trịnh Xuân Thanh đã rời Việt Nam ra nước ngoài.
BBC. Xin được lưu ý là vụ việc vẫn còn đang được nhà nước Việt Nam điều tra và xác định, nhưng tiện đây, nếu có điều gì có thể bàn thêm về hệ thống chính trị và pháp luật của Việt Nam, ở góc độ tính hiệu quả, hiệu năng, chẳng hạn, thì bà có bình luận gì hay không?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi cho rằng ở đây cho thấy rõ có sự bất lực của hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo tin lan truyền thì giờ phút này ông Trịnh Xuân Thanh đã ra nước ngoài và đưa cả nhà ra nước ngoài. Báo chính thống không có tin chính thức về việc ông Thanh đang ở đâu. Ông Trịnh Xuân Thanh đã đưa đơn ra khỏi đảng trước khi bị đảng khai trừ. Và đến giờ này vẫn chưa có một kết luận nào mang tính pháp lý về vụ việc.
Toàn bộ sự việc này phải chăng cho thấy sự bất lực của cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?
Theo các báo chính thống thì vào tháng 6/2016 đã có đầy đủ các bằng chứng về vụ phạm pháp của chiếc xe Lexus tư nhân bị chuyển thành biển số xanh công vụ. Tài xế của ông Trịnh Xuân Thanh lấy tiền đâu ra để mua xe, ông làm sao phù phép để cái xe biến thành xe công vụ?…, những điều này Thanh tra chính phủ và các cơ quan luật pháp thừa sức làm sáng tỏ.
Và chỉ riêng chi tiết này cũng đã đủ để ông Thanh phải ra hầu tòa, nếu ông sống ở một nước có pháp luật hẳn hoi (pháp luật được tôn trọng). Nhưng cho đến thời điểm này cả hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật của Việt Nam đã không làm gì được ông Thanh (quyết định khai trừ đảng, đúng như vô số các bình luận trên mạng, chỉ là một vở hài kịch không hơn không kém, khi mà chính ông Thanh đã đưa đơn ra khỏi đảng).
Việc ông Thanh rời khỏi Việt Nam không ngăn cản luật pháp Việt Nam tiếp tục điều tra và làm sáng tỏ những việc mà ông Thanh phải chịu trách nhiệm, và những cá nhân và tổ chức có liên quan đến vụ việc của ông Thanh cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhất là Ban tổ chức cán bộ Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi vì chính Ban tổ chức cán bộ Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt bổ nhiệm cán bộ.
Nếu vụ này bị “chìm xuồng” thì chúng ta có thể nói mà không hề sợ sai rằng hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam là những hệ thống bất lực trong việc xử lý các tội phạm.
Và lúc đó những kẻ tham nhũng và tội phạm kinh tế, qua “tấm gương” vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, họ có thể yên tâm lớn: lúc nào họ cũng có thể ra khỏi đảng, có thể mang cả nhà đi khỏi Việt Nam, có thể bảo toàn cho bản thân và gia đình, vì thế mà họ sẽ yên tâm tiếp tục mà tham nhũng. Còn gì phải sợ? Trịnh Xuân Thanh đã mở ra một lối thoát tuyệt hảo cho cả một hệ thống các quan chức tham nhũng, họ chẳng có gì phải sợ.
Nếu không có cải cách thể chế chính trị, nếu không có tam quyền phân lập, nếu luật pháp không độc lập với đảng pháp, thì những vở “hề kịch Trịnh Xuân Thanh” sẽ còn tiếp tục xảy ra khi một hay một nhóm lãnh đạo muốn “trừng phạt” một vài người trong lúc mà tham nhũng hoành hành trên toàn hệ thống.
Còn trong trường hợp cả chính quyền và luật pháp đều bất lực, không thể trừng phạt ai cả, và không thể “chống tham nhũng”, thì dĩ nhiên cả hệ thống sẽ rữa nát vì chính căn bệnh tham nhũng của nó, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Nhưng hậu quả không phải là do “căn bệnh” (tức là sự tham nhũng) gánh chịu, mà là “người mang bệnh”, tức là toàn bộ dân tộc này, phải gánh chịu.
“Căn bệnh” dĩ nhiên sẽ không tự đào thải nó được (hình dung xem, cái khối ung thư nằm trong cơ thể một người nào đó lại tự nhiên nhảy ra khỏi người đó ư?). Chỉ khi nào người bệnh biết mình mang bệnh và muốn cắt bỏ nó và tìm cách cắt bỏ nó thì lúc đó mới mong có thể được chữa trị. Người bệnh chính là mỗi công dân Việt Nam chúng ta đấy thôi. Cần đối diện với sự thật này: cả dân tộc đang nuôi cái khối ung thư có tên « tham nhũng » bằng chính máu của mình.
Sự giàu có và sự an toàn của những kẻ tham nhũng có thể được đổi lại bằng cái chết của những đứa trẻ phải tự tử vì quá nghèo, những người phải bán nội tạng của mình vì không có gì để ăn, những phụ nữ chết xác phải đắp chiếu chở trên xe máy, và những bờ biển chết, những ngư dân đang đối diện với cái chết… Khối ung thư tham nhũng đã và đang di căn đi khắp mọi nơi. Và hạt nhân của khối ung thư ấy là một thể chế chính trị trong đó pháp luật chỉ là công cụ để bảo vệ nhóm đặc quyền chính trị, tức cũng là nhóm đặc quyền tham nhũng.
https://phamtayson.wordpress.com/2016/09/17/vu-trinh-xuan-thanh-he-thong-bat-luc/

Xét xử phúc thẩm nhà báo Nguyễn Hữu Vinh- Ba Sàm.




Xét xử phúc thẩm nhà báo Nguyễn Hữu Vinh- Ba Sàm.

Thứ Bảy, ngày 17 tháng 9 năm 2016


Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về một trường hợp quan chức  Trịnh Xuân Thanh, phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đã thách thức uy tín của tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Trong một vụ việc mà ông Thanh thấy mình bị oan sai.

 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bất chấp hình ảnh nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang tô vẽ với thế giới Ông Trong dùng quyền lực của đảng chỉ đạo Uỷ ban kiểm tra trung ương, đảng uỷ Bộ công an  vào cuộc điều tra hoạt động quản lý kinh doanh của ông Thanh, thời ông này làm lãnh đạo công ty xây lắp dầu khí, viết tắt là PCV.

Lẽ ra những vụ việc thế này phải do Thanh tra chính phủ, Bộ công an tiến hành.

Từ khi tái cử chức TBT ở khoá 12, sau khi hàng loạt những người bằng lứa với ông đã về hưu. Một mình ông Trọng trở thanh cây cao, bóng cả trong Đảng. Lập tức ông Trọng tập trung xây dựng quyền lực về tay mình qua cái gọi là xây dựng đảng và tập trung quyền lãnh đạo của đảng đối với nhà nước. Dưới chiêu bài đánh tham nhũng, ông Trọng từng bước nâng dần quyền lực của mình lên, qua việc tìm và diệt những đàn em lẻ của những đối thủ ông căm ghét trước kia.

Quá nôn nóng xây dựng quyền lực để tiếp tục ngồi trên cương vị TBT, Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ lòng tham quyền lực của mình trong con mắt nhiều uỷ viên bộ chính trị ĐCSVN. Rút cục Trịnh Xuân Thanh đã rời khỏi đất nước trong khi chưa bị bộ công an cấm xuất cảnh. Để lại cho ông TBT Đảng cộng sản trơ mặt với những lời đàm tiếu trong nhân dân và ngay cả trong Đảng cộng sản VN.


 Ông Trịnh Xuân Thanh là một cán bộ cấp trung ương quản lý, thân phụ của ông từng là phó ban dân vận trung ương. Gia đình ông Thanh và ông Trọng là đồng hương, chỉ cách nhau một quãng đường làng ngắn ngủi. Ông Trịnh Xuân Thanh vướng vào vụ việc này khi đang làm việc theo đường lối chủ trương của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.


Từ chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng với vụ việc Trịnh Xuân Thanh, người ta thấy rõ một điều là TBT là kẻ có quyền lực tối cao, sẵn sàng can thiệp chỉ đạo được những cơ quan tố tụng cao nhất đất nước.


Bây giờ chúng ta hãy đến một vụ án khác, cũng của một cán bộ nhà nước, một đảng viên và cũng có thân phụ là một quan chức cao cấp. Đó là trung tá an ninh Nguyễn Hữu Vinh, con của nhà ngoại giao Nguyễn Hữu Khiếu. Nếu thân phụ của Trịnh Xuân Thanh là đàn anh của Nguyễn Phú Trong, thì thân phụ ông Nguyễn Hữu Vinh là Nguyễn Hữu Khiếu ở vai cha chú của Trọng.

Khi Trọng còn chưa chào đời, ông Khiếu đã từng hoạt động và bị thực dân Pháp cầm tù.

Lúc Nguyễn Phú Trọng chít khăn quàng đỏ trên cổ và hát  Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng, thì ông Khiếu đang là bí thư tỉnh uỷ.


Ông Nguyễn Hữu Vinh từ bỏ con đường cán bộ của đảng CS, ông ra ngoài lập một công ty tư nhân làm ăn và lập một trang bloge có tên là Ba Sàm. Trên trang blog này ông Vinh đưa những thông tin đa dạng của báo nhà nước lẫn những bài báo không được báo nhà nước đăng. Chủ trương của ông Vinh là mong muốn có một nền báo chí đa dạng và tự do trên đất nước Việt Nam.

Trước ông Vinh, ông Nguyễn Văn Hải tức bloger Điếu Cày cũng chủ trương lập một trang có ước mong như vậy với cái tên là Dân Báo. Ông Hải bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt bỏ tù với bản án đến 12 tù giam năm.


 Nguyễn Hữu Vinh bị cơ quan điều tra của Bộ Công An bắt vào giữa năm 2014, thời điểm Trung Quốc gây hấn căng thẳng ngoài biển Đông và trong nội bộ cộng sản Việt Nam sự tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng bắt đầu vào những màn gay gắt. Một số người cho rằng chỉ đạo bắt Nguyễn Hữu Vinh có hai nguyên nhân. Một là Nguyễn Tấn Dũng muốn bịt miệng một tờ báo mạng có những bài không có lợi cho ông ta trong cuộc chiến soán đạt quyền lực. Hai là trung ương cộng sản muốn bịt một tiếng nói ảnh hưởng dến dân chúng trong việc phản đối những hành vi của Trung Cộng.

Hai năm sau, Nguyễn Phú Trọng hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng và độc tôn quyền lực . Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý bị kết mức án nặng nề, Nguyễn Hữu Vinh bị kết án 5 năm tù,  Nguyễn Thị Minh Thuý bị kết án 3 năm.

Quan hệ Trung Quốc trở nên nồng ấm với Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đệ tử thân tín của Trọng được giao chức thủ tướng. Phúc sang thăm Trung Quốc được đón tiếp bằng một nghi lễ lớn chưa từng thấy.

 Nhìn từ vụ Trịnh Xuân Thanh suy ra, hiện nay người quyền lực nhất là Nguyễn Phú Trọng. Ông ta có chỉ đạo gì trong cuộc xét xử Ba Sam Nguyễn Hữu Vinh hay không.?

Vụ án phúc thẩm Nguyễn Hữu Vinh ở tuần sau sẽ là kiểm nghiệm câu trả lời này. Nếu Nguyễn Phú Trọng không thân Trung Cộng, không phải là kẻ đàn áp tự do ngôn luận, không phải kẻ đi bắt những con cháu đồng chí của mình...chắc hẳn  Trọng sẽ chỉ đạo tuyên bố thả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh tại toà , sau hơn 2 năm bị giam cầm.

 Còn nếu mức án chỉ giảm một chút, chứng tỏ con người Trọng càng quỷ quyệt và gian xảo. Y hạ bớt chút thời gian giam giữ nhà báo Nguyễn Hữu Vinh để lấy lòng thiên hạ mà thôi.

 Nếu mức án y nguyên , rõ ràng kẻ chủ mưu bắt Nguyễn Hữu Vinh chính là Nguyễn Phú Trọng. Nhắm mục đích lấy lòng Trung Cộng và đổ tiếng xấu cho Nguyễn Tấn Dũng, qua đó kích động các nhân sĩ chỉ trích Dũng, khiến Dũng mất điểm trong cuộc đua tranh với Trọng chiếc ghế TBT.

Chỉ một tuần nữa, chúng ta sẽ chứng kiến phiên xử này. Trong phiên xử sơ thẩm trước đó, một người trong quốc hội Đức muốn dự phiên toà đã bị mật vụ cộng sản ngăn cản. Lần này, ông ta muốn tiếp tục dự phiên toà này. Hiện nay đảng cộng sản đang cho dư luận viên gửi những bức thư thoá mạ, chửi rủa ông này.

Thiết nghĩ sau nhục nhã của chỉ đạo vụ Trịnh Xuân Thanh. Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng nên cân nhắc lấy lại hình ảnh cho mình qua vụ xử nhà báo Nguyễn Hữu Vinh và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thuý. Xưa đạo làm vua khi lên ngôi thường ân xá, nhất là ân xá những con cái công thần để thể hiện sự từ tâm. Là một người học văn, theo đuổi chữ nghĩa có lẽ việc như thế Nguyễn Phú Trọng hẳn phải hiểu và biết nê

http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/xet-xu-phuc-tham-nha-bao-nguyen-huu.html