Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Giá phải trả để được sống trong tự do và độc lập


Giá phải trả để được sống trong tự do và độc lập


LTS: Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khi ấy Việt Nam còn là nước nhỏ với 13 triệu dân đói nghèo. Đến ngày hôm nay, chúng ta đã có giang sơn gấm vóc, một vị thế không nhỏ trong khu vực và trên trường quốc tế.
Bài học từ sức mạnh đồng thuận, nắm bắt và tận dụng thời cơ từ cuộc Cách mạng tháng 8/1945 vẫn còn soi rọi đến ngày hôm nay. Nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập nước và trong không khí mùa thu độc lập hôm nay, chúng ta cùng ngồi lại với nhau để suy ngẫm một chặng đường lịch sử suốt 70 năm qua tọa đàm: “Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ nghĩ về Việt Nam giàu mạnh”.
Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu sự tham gia của GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nhà báo Lan Anh: Thưa các vị, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay đã tròn 70 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, các ông có những suy nghĩ như thế nào?
GS Vũ Minh Giang: Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, ngày tuyên bố trước quốc dân đồng bào và tòan thế giới việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Đã có rất nhiều bài viết phân tích và bình luận về sự kiện này.Tuy nhiên, tôi thấy có hai điều cần được làm rõ nhấn và mạnh thêm.
Thứ nhất, việc giành được chính quyền ở Thủ đô vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 không chỉ là thành công rực rỡ của một cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, mà còn là thành quả của sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập dân tộc kéo dài suốt gần một thế kỷ, là dấu mốc chấm dứt thời kỳ đất nước là thuộc địa của chủ nghĩa tực dân, bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Nhưng về một phương diện khác, mặc dù có ý nghĩa vô cùng trọng đại, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình đầy hy sinh gian khổ để có thể thu giang sơn về một mối và có được trọn vẹn chủ quyền quốc gia.
Thứ hai, ý nghĩa vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám còn là sự cáo chung cho chế quân chủ đã ngự trị hàng nghìn năm, mà trong giai đoạn mạt kỳ, triều đại phong kiến cuối cùng đã mất hết sinh khí, trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của đất nước, thậm chí đầu hàng chủ nghĩa thực dân, phản bội lại lợi ích dân tộc.
Nhờ thành quả cách mạng, công bằng xã hội được thực thi, mọi tầng lớp xã hội, trong đó những người yếu thế như phụ nữ, các tầng lớp nhân dân lao động… đã được ngẩng mặt lên hưởng những quyền tự do dân chủ. Điều mà trước cách mạng họ nằm mơ cũng không thể có được.
tuyên ngôn, độc lập, tự do, hạnh phúc, cách mạng, Việt Nam, chiến tranh, hòa bình, vũ trang, lạc hậu, quân chủ, lịch sử
GS Vũ Minh Giang: :Chúng ta chỉ ước muốn một cuộc sống bình dị trong độc lập nhưng cũng rất khó khăn". Ảnh: Phạm Hải
GS Trần Ngọc Vương: Với vai trò là một nhà nghiên cứu, tôi nhìn nhận sự kiện này có một vài điểm khác lạ.
Nó lạ ở chỗ, thông thường với quán tính lịch sử truyền thống của dân tộc ta, việc lập nên các triều đại lớn ngoại trừ một số trường hợp cá biệt bằng con đường chính kiến của cung đình, còn lại những triều đại vẻ vang nhất thường được lập nên sau một quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc bằng biện pháp chiến tranh và bạo lực, và việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội cũng bằng con đường vũ trang.
Thế nhưng, cuộc cách mạng này yếu tố bạo lực lại đóng vai trò rất nhỏ, chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn yếu tố chính góp phần hình thành nên nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bằng con đường hòa bình.
Để hình thành lên chế độ mới bằng con đường đó, tôi đánh giá cao thiên tài chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối diện với tất cả những áp lực, khó khăn, hạn chế của nhà nước quân chủ chuyên chế ngày xưa, rồi chủ nghĩa phát xít Nhật…để thiết lập một nhà nước kiểu mới, có cấu trúc xã hội mới không bằng con đường bạo lực, chỉ có một con người xuất sắc mới làm được điều như thế.
Trong suy nghĩ của tôi với bối cảnh đó, nếu chính quyền của nhà nước quân chủ chuyên chế đứng đầu là vua Bảo Đại lúc bấy giờ sử dụng lực lượng vũ trang chống lại quyết liệt, rồi chưa kể thế lực chính trị khác trong chính phủ Trần Trọng Kim, họ đang có chính quyền trong tay quyết tâm chống phá thì cũng rất khó để thành lập nên chế độ nhà nước mới.
Nhưng như lịch sử đã thấy, có rất nhiều người trong chính phủ của nhóm Trần Trọng Kim đã ngả theo và họ dần trở thành những yếu nhân của chính quyền mới. Vua Bảo Đại cũng vui vẻ nhận lời trở thành cố vấn của nhà nước kiểu mới. Trong chiếu thoái vị của vua Bảo Đại đã tuyên ngôn rằng: “Tôi thà làm công dân của một nước tự do còn hơn làm vua của một nước nô lệ”.
Rõ ràng họ là những người đặt lợi ích của việc ra đời một nhà nước độc lập lên trên lợi ích cá nhân. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh yếu tố quan trọng đóng góp trong việc thiết lập nhà nước kiểu mới đó là sự đồng thuận các lực lượng dân tộc và của cả xã hội bấy giờ, lòng yêu nước của tất cả các lực lượng hội tụ thành sức mạnh để giải phóng dân tộc bằng con đường hòa bình.
Một điểm khác tôi muốn nói đến đây là mô hình nhà nước đầu tiên không chỉ ở Đông Nam Á mà gần như là của Châu Á. Ta đã tranh thủ được thắng lợi của giới đồng minh, đánh đổ phát xít, từ đó lập nên thể chế mới sớm nhất trong khu vực. Nhà nước Trung Quốc kiểu mới tận năm 1949 mới thành lập, Ấn Độ sau đó cũng vài ba năm (1947) mới độc lập từ thực dân Anh…
tuyên ngôn, độc lập, tự do, hạnh phúc, cách mạng, Việt Nam, chiến tranh, hòa bình, vũ trang, lạc hậu, quân chủ, lịch sử
GS Trần Ngọc Vương:"Nếu chúng ta quên đi điều đó mà vẫn cứ nghĩ có độc lập rồi thì thật là tai họa". Ảnh: Phạm Hải
Tất nhiên, con đường để hoàn thiện mô hình nhà nước kiểu mới này còn nhiều gập ghềnh và gian truân. Nhưng nó đã phản ánh độ nhạy bén của những người ra quyết định chính trị đúng lúc và quyết tâm thực hiện đầy tính sáng tạo.
Nhà báo Lan Anh: Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng khai sinh nền dân chủ, với các tiêu ngữ rất rõ ràng: Độc lập - tự do - Hạnh phúc, các vị chia sẻ thế nào về tầm quan trọng của những mục tiêu này trong quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc?
GS Vũ Minh Giang: Mục tiêu đầu tiên của cuộc cách mạng đặt ra là phải giành được độc lập.
Việt Nam là một đất nước có tiến trình lịch sử rất đặc biệt, không giống như những nước khác trên thế giới. Chúng ta chỉ ước muốn có một cuộc sống bình dị trong độc lập nhưng cũng rất khó khăn.
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có thể do vị trí địa-chính trị, giao thoa văn hóa hoặc cũng có thể do ta sinh cơ lập địa ở cạnh một đế chế nhiều tham vọng chăng, mà trong suốt chiều dài lịch sử không mấy khi chúng ta được sống trong bình yên.
Vừa lập quốc chưa được bao lâu thì nước ta đã rơi vào ách nô lệ (thời kì Bắc Thuộc) kéo dài tới 11 thế kỉ. Sau khi được sống trong độc lập chưa đầy bốn thế kỷ, chúng ta phải chịu đựng 20 năm Minh thuộc với những chính sách cai trị, đàn áp còn dã man tàn bạo hơn thời Bắc thuộc. Và tiếp đó lại là 60 năm Pháp thuộc…Vì vậy, với mỗi người dân Việt Nam, độc lập dân tộc không chỉ vô cùng cao quý mà còn rất thiêng liêng.
Sau khi giành lại được chính quyền về tay mình vào năm 1945, chúng ta còn phải mất hơn 30 năm nữa để tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Mãi đến năm 1975 đất nước mới thực sự được độc lập, thống nhất một cách trọn vẹn. Nhưng rồi sau đó chúng ta cũng nào có được yên, vẫn còn chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, rồi bây giờ là vấn đề chủ quyền biển Đông.
Vì thế, khi nhìn lại quá khứ và hiện tại, ta thấy rằng tình thế đất nước luôn khiến chúng ta phải gồng mình lên để giữ gìn độc lập.
 tuyên ngôn, độc lập, tự do, hạnh phúc, cách mạng, Việt Nam, chiến tranh, hòa bình, vũ trang, lạc hậu, quân chủ, lịch sử
"Để hình thành lên chế độ mới bằng con đường hòa bình, tôi đánh giá cao thiên tài chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ảnh tư liệu
Giá trị của độc lập rất cao quý và đặt lên hàng đầu đối với dân tộc Việt Nam.Đến hôm nay, để giữ gìn sao cho trọn vẹn hai chữ thiêng liêng này, quả là rất nhiều khó khăn và thách thức.
Tất nhiên, ta cũng đang từng bước thực hiện các mục tiêu tiếp theo là tự do và hạnh phúc.
Hồ Chí Minh còn một tuyên ngôn khác cũng đáng để hậu thế chúng ta suy ngẫm, “Nếu một đất  nước độc lập mà dân không được hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Có nghĩa rằng, độc lập mà dân được hạnh phúc, được tự do mới là cái đích chúng ta hướng tới.
Nhìn vào thực tế sẽ thấy, để đạt được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chúng ta còn nhiều điều phải suy nghĩ, còn nhiều điều phải làm.
GS Trần Ngọc Vương: Tôi cũng đồng ý với anh Vũ Minh Giang, để thực hiện được tôn chỉ độc lập, tự do, hạnh phúc thì chúng ta đã phải trả giá rất đắt trong quá khứ. Lịch sử đã cho thấy, dân tộc sẵn sàng hi sinh chiến đấu để giành lấy độc lập dân tộc. Đó là truyền thống, còn là sức mạnh vĩ đại của dân tộc khiến các thế lực muốn phản bội lại lợi ích dân tộc đều phải lo sợ.
Cho đến hôm nay, vấn đề độc lập dân tộc vẫn còn phải tiếp tục, nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và gìn giữ độc lập vẫn nên triển khai một cách quyết liệt. Bởi vì sẽ còn rất gian nan.
Cho nên nếu chúng ta quên đi đều đó, mà vẫn cứ nghĩ rằng chúng ta đã có độc lập rồi thì thật là tai hoạ.
Đã có rất nhiều các cuộc tổng kết về lịch sử nhưng theo tôi, dường như thiếu vắng một vấn đề rất lớn đó là tổng kết đánh giá các tác động và di hại của những cuộc chiến tranh, không chỉ đối với một gia đình, một thể chế mà đối với toàn bộ xã hội Việt Nam.
Chiến tranh không chỉ chuyện bom đạn, mà nó đã làm xô lệch toàn bộ những sáng kiến về kiến tạo xã hội, về những đường lối hay quyết sách đúng đắn.
Còn tiếp kì 2...
Tuần Việt Nam

Không được lòng dân thì nắm quyền cũng chẳng để làm gì




Tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, GS Vũ Minh Giang cho rằng mục đích tối thượng của bất cứ quốc gia nào cũng lấy hạnh phúc của người dân là điều quan trọng nhất.
Tuần Việt Nam giới thiệu kì 2 của tọa đàm kỉ niệm 70 năm thành lập nước chủ đề “Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ, nghĩ về Việt Nam giàu mạnh” với sự tham gia của GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nhà báo Lan Anh:Bàn tiếp về vấn đề độc lập, trong bản tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 70 năm đã trôi qua, chúng ta đã thực sự có được độc lập, tự do như mong mỏi của Bác Hồ hay chưa?
GS Vũ Minh Giang: Đây là vấn đề rất lớn và không thể nói một cách đơn giản.
Tôi nói không đơn giản  bởi vì khái niệm độc lập dân tộc của ngày hôm nay đã khác rất xa so với thời chúng ta mất độc lập. Chúng ta phải gìn giữ và bảo vệ độc lập trong một bối cảnh mới, trong thời đại toàn cầu hóa.
Trong một “thế giới phẳng” của thời đại bùng nổ thông tin và khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, độc lập không còn là cái của riêng mình để muốn tự ý làm thế nào cũng được, cho dù đó chỉ là những quyết sách thuần túy đối nội. Giờ đây mỗi quyết định đều phải tính tới những tác động quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà có người đã đưa ra quan niệm thời nay, thực chất là “sự cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc”.Bây giờ không thể có độc lập tuyệt đối. Một câu chuyện nhỏ ở quốc gia này thì ở quốc gia khác cũng biết, rồi người ta cũng có thể can dự vào những diễn biến ở rất xa các quốc gia khác.
tự do, bình đẳng, độc lập, Việt nam, thế giới, chính trị, thể chế, kinh tế, hạnh phúc, chính quyền, quyết sách
GS Vũ Minh Giang: "Trong giai đoạn hiện nay, điều rất quan trọng đối với quốc gia là mức độ sự ủng hộ của người dân". Ảnh: Phạm Hải
Cũng cần phải hiểu thêm, giá trị của độc lập hiện nay cũng khác.Nó bao gồm những giá trị nội hàm mới thì việc bảo vệ nó thì phương thức bảo vệ khó hơn nhiều lần so với trước đây.
GS Trần Ngọc Vương: Nhiệm vụ chính của một thể chế là bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, phát triển xã hội để dân được hạnh phúc.
Thực ra nếu nói về lí tưởng chính trị xã hội thì tôi chưa thấy lí tưởng nào xấu. Lí tưởng mà ta hay đưa ra  “tự do, bình đẳng, bác ái” tự nó rất đẹp. Nhưng nó, cái lý tưởng ấy, mang tính khả thi hay không, đi vào thực tế như thế nào và nếu không giải quyết được nó thì anh đắc tội trước lịch sử.
Vì vậy, việc giải quyết độc lập và thống nhất dân tộc, thống nhất quốc gia đã được thực hiện tốt hơn. Còn ước vọng vươn lên trong bối cảnh quốc gia hiện nay, thế giới người ta thế thì mình cũng phải cố vươn lên như thế, đạt tới những cái hoàn hảo là những cái mà ai cũng đồng thuận là tốt, là tử tế.
Một trong những câu chuyện tôi suy nghĩ, đó là kinh tế biển. Việt Nam theo cơ chế bình thường là một quốc gia riêng biệt, có 3260 km, quốc gia có tỉ số đường bờ biển rất cao, có rất nhiều lợi thế để làm kinh tế biển nhưng dường như chúng ta chưa chú trọng, trong khi đó các quốc gia khác với các lợi thế như vậy, họ có tỷ trọng kinh tế biển 50-70% so với toàn bộ nền kinh tế trở lên.
Thứ nữa là kinh tế thuần nông, hiện chúng ta đang tư duy nhỏ lẻ và vụn vặt.
Nếu nhìn vào thực tế, với tât cả những điều kiện về địa chính trị, về trình độ văn hóa, về tính chất của nền chính trị xã hội và nhiều các phương diện khác, một quốc gia như Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc bậc trung là trong khả năng.
70 năm là một quãng thời gian rất dài, đến hôm nay ta đang phải đối mặt với nguy cơ lạc hậu so với thế giới. Nếu chỉ so sánh về mặt thời gian năm nay hơn năm trước, ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, cách so sánh đó rất thủ công và giản đơn. Chúng ta nên so sánh với trình độ, tốc độ phát triển của các quốc gia ngang hàng mình xem họ đã ở đâu, còn mình đang ở đâu.
Nhà báo Lan Anh: Theo các vị, điều gì được coi là quan trọng của một quốc gia, hạnh phúc của người dân hay là điều gì khác?
GS Vũ Minh Giang:Từ thời xa xưa, dường như đã có một chân lí bất di bất dịch, đó là “Dân vi quý, dân vi bản”, nghĩa là lấy dân làm gốc, phải biết quý trọng dân. Nếu như không có dân thì đất nước cũng không còn ý nghĩa gì nữa.
Thời kì chúng ta chuyển sang chế độ dân chủ cũng là lúc người dân được trả lại những giá trị đích thực của người làm chủ xã hội. Vì vậy, mục đích tối thượng của bất cứ quốc gia nào theo thể chế dân chủ cũng đều phải coi hạnh phúc của người dân là điều quan trọng tối thượng.
Tuy nhiên, đó là trên lí thuyết. Khi vận ứng dụng vào mỗi quốc gia, mỗi hoàn cảnh, hay mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có sự khác biệt. Như chúng ta đã biết, có những quốc gia cho rằng người có quyền lực chính trị là quan trọng nhất khiến cho các lực lượng xã hội khác phải đi theo và phục tùng.  Người ta gọi đó là chế độ độc tài, và như chúng ta đã thấy, chế độ độc tài nào trước sau cũng bị sụp đổ và sẽ phải chịu sự phán xét của nhân dân và lịch sử.
Khi nhận diện một quốc gia mạnh hay yếu, người ta thường xem xét trên hai phương diện quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng là sức mạnh có thể nhìn thấy thông qua những con số cụ thể về tổng sản phẩm quốc nội, tỉ lệ dự trữ ngoại tệ, số lượng vũ khí quân sự, còn quyền lực mềm là sức mạnh văn hóa, uy tín quốc gia thông qua các quyết sách và đường lối.Nếu như quyền lực cứng tạo ra bằng sự áp đặt thì quyền lực mềm lại tạo ra sức hấp dẫn khiến dân tộc khác yêu mến và tin tưởng. Chính vì vậy mà người ta thường gọi quyền lực cứnglà sức mạnh của lực đẩy, còn sức mạnh mềm là lực hút, lực hấp dẫn.
Trong giai đoạn hiện nay, điều rất quan trọng đối với quốc gia là mức độ sự ủng hộ của người dân.
Nhắc lại sự kiện năm 1945 ta đang bàn đến sẽ thấy, khi đó chính quyền cách mạng vừa mới ra đời, lực lượng vũ trang hầu như chưa có gì. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ lập đội quân gồm 34 chiến sĩ ở Tân Trào, vũ khí chỉ là mã tấu, sung kíp, ngân khố chỉ còn lại vài nghìn bạc Đông Dương rách nát người ta không buồn lấy đi. Chúng ta hầu như không có sức mạnh cứng, nhưng vì sao chính quyền đó vẫn vững? Tất cả là ở dân.Khi đó chỉ cần một lời hiệu triệu, người dân có thể hiến hàng ngàn, hàng vạn cây vàng cho chính phủ để mua vũ khí và nuôi chính phủ.
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện trong lịch sử thời Trần. Khi vua Trần Anh Tông đến thăm Hưng Đạo Vương khi ông lâm trọng bệnh, có hỏi về kế sách giữ nước. Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn đã không có một lời nào về binh pháp hay quân sự, mà chỉ điềm tĩnh giải thích nguyên nhân ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên là do trên dưới đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức. Và từ đó rút ra kết luận hãy lấy khoan thư dân làm kế sâu rễ gốc bền là thượng sách giữ nước.
Đấy, những bài học lịch sử còn nguyên vẹn giá trị. Hạnh phúc của người dân, làm cho dân hài lòng là việc cần làm hàng đầu.
tự do, bình đẳng, độc lập, Việt nam, thế giới, chính trị, thể chế, kinh tế, hạnh phúc, chính quyền, quyết sách
Gs Trần Ngọc Vương: "70 năm là một quãng thời gian rất dài, đến hôm nay ta đang phải đối mặt với nguy cơ lạc hậu so với thế giới". Ảnh: Phạm Hải
Nhà báo Lan Anh:Vậy theo ông, làm thế nào để người dân được hạnh phúc ạ?
Ông Vũ Minh Giang: Người dân sẽ thấy hạnh phúc khi được thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình, không chỉ là nhu cầu vật chất, mà còn là những nhu cầu tinh thầ, là sự tự do và đặc biệt họ có nhu cầu được biết mồ hôi công sức, tiền bạc của họ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của quốc gia.
Khi những thứ ấy chưa được tường minh thì người dân có thể không thấy hạnh phúc.
Tôi cho rằng hiện nay có hai vấn đề mà người dân đang quan tâm.
Thứ nhất, chính quyền đã sử dụng nguồn ngân sách do nhân dân đóng góp như thế nào?
Thứ hai, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.
Đặc biệt, với cá tính của người dân Việt Nam, có thể họ không đặt nặng vật chất lên hàng đầu, nhưng họ có nhu cầu được tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mình.
Người dân phải được tham gia vào quá trình chính trị và được kiểm soát quá trình thực hiện các quyền lợi đó. Hay nói cách khác, chính quyền phải thuộc về nhân dân.
GS Trần Ngọc Vương: Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu khoa học, tôi không tin lắm việc như thế nào là đủ với người dân. Tuy nhiên, người Việt chắc chắn có một não trạng về bình đẳng rất lớn. Đó là, sự bình đẳng tự phát và nhu cầu về bình đẳng tự phát. Truyền thống của người Việt ta là không cam chịu, độ nhẫn nhục của người Việt thấp. Có lẽ, đó là một sức mạnh.
Vì vậy, nếu người Việt được thỏa mãn những yếu tố minh bạch, giải trình, sòng phẳng thì họ sẽ thấy tin tưởng.
Còn tiếp kì 3…
Tuần Việt Nam

Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc

Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc

“Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác” – GS Trần Ngọc Vương.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu kì cuối tọa đàm nhân dịp 70 năm thành lập nước với chủ đề “Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ, nghĩ về Việt Nam giàu mạnh” với sự tham gia của GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nhà báo Lan AnhTrong 70 năm qua, chúng ta có thể chia ra làm hai giai đoạn: trước đổi mới và sau đổi mới. Từ những bài học thực tiễn hiện nay thì theo các vị, tầm nhìn và sự quyết đoán của lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển của dân tộc trong việc mang lại hạnh phúc cho người dân?
GS Vũ Minh Giang: Tầm nhìn và quyết đoán là hai phẩm chất có quan hệ chặt chẽ với nhau của người làm lãnh đạo. Tầm nhìn là sự lường tính những điều chưa xảy ra để tính toán các khả năng sẽ diễn ra trong tương lai gần. Muốn có được nó, ta phải biết được quy luật phát triển và vận động của xã hội.
Tính quyết đoán liên quan đến phẩm chất khác của người lãnh đạo. Phân tích được thực trạng trước một diễn biến nào đó, từ đó đưa ra các phương án khác nhau và chọn một phương án phù hợp nhất.
Khi nhìn lại 70 năm, việc phân chia làm hai giai đoạn trước và sau đổi mới cũng là hợp lí.
đổi mới, tư duy, cải cách, nghiên cứu, bẫy thu nhập, độc lập, chủ quyền, khủng hoảng, tầm nhìn, lãnh đạo
Gs Vũ Minh Giang: "Cần có cái nhìn tỉnh táo về bạn và thù". Ảnh: Phạm Hải
Giai đoạn trước đổi mới, năng lực về tầm nhìn của người lãnh đạo trong việc dự báo những tình huống quân sự để đề ra những chủ trương, đường lối kháng chiến có thể nói là rất xuất sắc và đã đưa ra được những quyết định táo bạo. Chúng ta đã chấp nhận tiến hành một cuộc đối đầu với siêu cường số một thế giới mà phần thắng cuối cùng đã thuộc về Việt Nam. Chiến thắng anh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã khẳng định những quyết sách ấy là đúng đắn.
Tuy nhiên, cũng chính trong thời kì đó, tầm nhìn của chúng ta về mô hình kinh tế, về tổ chức xã hội có thể coi là yếu.
Chúng ta đã dồn sức xây dựng khu gang thép Thái Nguyên bằng tư duy ưu tiên phát triển công nghiệp nặng với hi vọng sẽ có một nền công nghiệp đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế, trong khi đời sống nhân dân còn đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Kết quả là, ta đã không có nền luyện kim ra hồn.
Chúng ta đã không làm được như Hàn Quốc. Chỉ với vài trăm triệu đô la được bồi thường chiến tranh của Nhật Bản, họ đã xây dựng được POSCO, một tập đoàn thép ngang tầm thế giới.
Một câu chuyện khác về tổ chức mô hình đưa các nước tiến nhanh tiến mạnh lên sản xuất lớn trong nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh quá trình tập thể hóa nông nghiệp. Chúng ta tưởng rằng làm ăn lớn như thế, sản xuất lớn như thế thì sẽ dư giả lương thực thóc lúa. Khi cả nước tiến lên nền sản xuất lớn trong nông nghiệp theo hướng xậy dựng các hợp tác xã cấp cao (quy mô lớn) và các nông trường quốc doanh. Kết quả là ta lâm vào khủng hoảng và đói nghèo.
Đổi mới do Đảng khởi xướng chính thức từ năm 1986 lại là một thí dụ khác về tầm nhìn. Lãnh đạo của chúng ta đã nhìn ra những khuyết tật và hạn chế để quyết tâm đổi mới.
Nhân đây tôi muốn nói về những đánh giá mới của giới học giả về tầm quan trọng của cải cách, gắn với tầm nhìn. Tôi từng tham dự một hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 200 năm cách mạng tư sản Pháp. Tại đây giới sử học đưa ra một luận điểm mới và lạ. Họ đánh giá cao những cuộc cải cách trong lịch sử, trong đó cải cách Meiji được phân tích rất nhiều. Thậm chí họ còn cho rằng con đường cải cách là cách đi thông minh và cần tới tầm nhìn của giới lãnh đạo, biết mình lạc hậu để cải đổi. Cách mạng bùng nổ ra khi chính quyền cản trở sự phát triển, không chịu đổi thay nên bị lật đổ.
Đổi mới ở Việt Nam là một cuộc cải cách sâu sắc.
Năm 2009, tôi lại có một cơ may khác, được diện kiến Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ông đến Việt Nam. Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều khi ông nói rằng Việt Nam là nước có hai nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là nhân lực và cơ hội. Nhưng thật đáng tiếc, theo ông, Việt Nam lại là nước lãng phí hai nguồn tài nguyên này vào bậc nhất thế giới. Lãng phí tiền bạc cũng xót xa, nhưng lãng phí cơ hội một đi không trở lại, còn lãng phí nguồn lực con người thì không bao giờ bứt phá vươn lên được.
GS Trần Ngọc Vương: Cá nhân tôi có cách nhìn hơi khác một chút về khái niệm đổi mới như cách mà mọi người vẫn nói lâu nay.
Thời bắt đầu đổi mới, lúc đó ta làm theo cách trả lại sự vật, để nó đi vào quỹ đạo vốn có, quỹ đạo tự nhiên của nó.
đổi mới, tư duy, cải cách, nghiên cứu, bẫy thu nhập, độc lập, chủ quyền, khủng hoảng, tầm nhìn, lãnh đạo
Gs Trần Ngọc Vương: "Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp." Ảnh: Phạm Hải
Hồi đó, người nông dân làm ra thóc gạo nhưng lại không giao đất cho họ. Với cách làm kiểu hợp tác hóa như cũ, kiểu cấm chợ ngăn sông thì cả nước sẽ không có gạo mà ăn, dân đói khổ. Vì vậy, trả lại sự vật theo quỹ đạo của nó tức là trả lại ruộng đất cho người dân, hàng hóa được lưu thông. Từ đó, mọi chuyện khác hẳn.
Chúng ta từng có lúc duy ý chí, từ đó áp dụng sai quy luật và đã lãnh đủ hậu quả. Rồi ta phải trả lại sự vật theo đúng trạng thái tự nhiên vốn có của nó.
Đổi mới đích thực là cách tân, và hiểu theo nghĩa rộng hơn nữa là sáng tạo. Đổi mới có thêm hàm lượng nhân vi, con người bằng ý chí và nỗ lực để đưa trí tuệ vào đó để sự vật không chỉ thực hiện theo quán tính của nó.
Nếu chúng ta chỉ đổi mới bằng cách trả lại trạng thái quán tính của sự vật thôi thì các nước trên thế giới phát triển đến một ngưỡng nào đó là mất đà, rơi vào“bẫy thu nhập trung bình”.
Nhà báo Lan Anh:Điều gì khiến các vị suy nghĩ và trăn trở nhất trong bối cảnh đất nước hiện nay?
GS Vũ Minh Giang:Thứ nhất, tôi đau đáu và lo ngại khi thấy tình trạng có người dân bị oan và bị đối xử bất công như báo chí đang nêu ngày càng nhiều. Trong suốt 70 năm qua nhân dân chúng ta luôn phải gồng mình lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Giờ đây, vấn đề cấp bách này đang đặt nặng lên vai các vị lãnh đạo. Đại hội Đảng XII sắp tới chắc chắn phải giải quyết triệt để vấn đề này, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là yêu cầu của người dân.
Thứ hai, là bẫy thu nhập trung bình. Theo các tiêu chí thuần tuý kinh tế thì còn lâu nước ta mới đạt tới trình độ của một nước có thu nhập trung bình (3.000-5.000 đô/người). Nhưng nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo sớm rằng, nếu không biết lo xa thì việc Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi.
Bài toán cần giải quyết lúc này là khơi thông các nguồn lực để tạo bước đột phá, đưa đất nước phát triển. Nếu chúng ta cứ loanh quanh mãi ở đường băng mà không cất cánh được thì sẽ thất bại, sẽ mãi là nước nghèo.
Thứ ba, cần có cái nhìn tỉnh táo về bạn và thù. Điều đơn giản như một chân lý là: trong chính trị không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù truyền kiếp, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là trường tồn. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách thực tế bạn và thù để có những quyết sách đúng đắn.
GS Trần Ngọc Vương: Hãy nhìn lại câu chuyện của nước Nga thời Stalin. Người ta đã nói rất nhiều đến mặt trái của ông ấy, nhưng cũng cần phải nhìn nhận, ông ấy cũng làm được một số thành tựu lớn cho Liên Xô cũ. Bởi khi nói đến những thành tựu lớn nhất của Liên Xô cũ, chủ yếu người ta nhắc đến thời kì của Stalin.
Tôi có đọc trong một tư liệu kể lại rằng, khi kết thúc thế chiến thứ hai một tuần, Stalin mời các vị nguyên soái và các nhà lãnh đạo quân sự đến họp bàn. Ông đã đề nghị họ đứng ra thay ông tiếp quản tất cả các vấn đề quân sự, ông hoàn toàn không đóng vai trò đại nguyên soái nữa. Tiếp sau đó, ông triệu tập hội đồng các thị trưởng họp để kiến thiết quốc gia và tái phục hồi năng lực quốc gia, đồng thời giúp đỡ các quốc gia mới ở Đông Âu.
Hẳn ông phải có một cái nhìn rất tỉnh táo đối với sứ mệnh của mình nên ông mới làm được điều đó.
Do đó điều tôi đang quan tâm trăn trở hiện nay là:
Thứ nhất, tầm nhìn của lãnh đạo. Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp.
Thứ hai, người lãnh đạo phải đại diện cho lương tri cộng đồng.
Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác.
Nhà báo Lan Anh:Một vị lãnh đạo đã nói rằng nếu chúng ta cứ sống mãi trong qúa khứ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ tương lai và chúng ta phải dám quên những thắng lợi của quá khứ thì chúng ta mới bước ra thế giới được. Các vị có chia sẻ gì?
GS Trần Ngọc Vương: Quá khứ không nên quên nhưng ta cũng không nên bị ám ảnh và càng không nên để nó chi phối tương lai. Nếu quên quá khứ có nghĩa là ta đã quên mất một mệnh đề của đạo lí. Ta nên khai thác phương diện lành mạnh của quá khứ để tiếp tục phát triển.
Giống như khi người ta chuyển nhà, cũng phải để lại một số thứ vẫn còn hữu ích, huống hồ chúng ta tiến  hành một cuộc viễn chinh với một hành trình rất xa. Không ai có thể vứt bỏ di sản, có điều phải sử dụng nó một cách thông minh, đúng nghĩa là di sản để nhìn lại, để đối chiếu, để học hỏi.
GS Vũ Minh Giang: Hạ Tăng Hựu, một nhà sử học có tiếng ở Trung Quốc từng nói: Người trí thức không có gì vĩ đại hơn là biết được tương lai, nhưng tương lai chưa xảy ra, làm sao biết được. Chẳng qua tất cả mọi chuyện đều dựa vào cái đã xảy ra mà dự đoán (cứ vãng dĩ suy) đấy thôi.Vì vậy, không nên đặt vấn đề phải biết quên quá khứ. Vì quá khứ không phải chỉ là chuyện của ngày đã qua mà còn có giá trị để hiểu hiện tại và dự báo tương lai.
đổi mới, tư duy, cải cách, nghiên cứu, bẫy thu nhập, độc lập, chủ quyền, khủng hoảng, tầm nhìn, lãnh đạo
"Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện". Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Tuy nhiên, đúng là vẫn còn cách tư duy không nghiên cứu phân tích toàn diện, khách quan mà chỉ thích “nhấm nháp” những vinh quang trong quá khứ theo kiểu “ăn mày dĩ vãng”. Đây là thói quen cần phải loại bỏ.
Trong kinh tế học hiện đại, người ta đưa ra khái niệm “nhân tố phượng hoàng” (phoenix factor) để chỉ những hiểu biết có được nhờ phân tích thất bại. Theo truyền thuyết châu Âu có hình ảnh con chim phượng hoàng đẹp đẽ bay lên từ đống tro tàn. Hình ảnh ấy được các nhà kinh tế học mượn để ví với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ việc phân tích những thất bại trong quá khứ. Đó chính là cách mở đường để đi lên.
Thời buổi bây giờ chỉ khoe khoang thành tích trong quá khứ thì sẽ ngủ quên trong hào quang quá khứ và sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. “Ăn mày dĩ vãng” không phải là con đường đưa đất nước đi lên và  chắc chắn đó không phải là điều chúng ta mong đợi.
Nhà báo Lan AnhThực tiễn đất nước đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới. Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng, cần một cuộc đổi mới 2, người thì bảo phải làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ, quyết đoán như hồi năm 1986…. ý kiến của các các vị thế nào? Chúng ta cần phải làm gì trong tình thế hiện nay?
GS Vũ Minh Giang: Tôi không ủng hộ quan điểm cần phải có cuộc đổi mới này hay cuộc đổi mới khác.
Liên quan đến sự phát triển của một quốc gia, trong thời đại ngày nay người ta thường khái quát bằng ba chữ R.
Review, nghĩa là luôn luôn phải xem xét lại những việc đã qua. Chúng ta thường xuyên nhìn lại chứ đừng để đến lúc nó trì trệ rồi mới tiến hành đổi mới. Có một thời kì mà chúng ta đã rất lúng túng trong việc xử lí các vấn đề. Luôn để những tư duy cũ đem bám và bản thân bị trói buộc bởi những hệ thống lý luận cũ kĩ.
Research, nghĩa là nghiên cứu. Khi đề ra một quyết sách cần có cơ sở khoa học và luận chứng đàng hoàng.
Reform, nghĩa là cải cách. Ta đừng để nó tích tụ rồi mới giải quyết. Tính đổi mới thường xuyên liên tục dựa trên cơ sở nghiên cứu và tìm ra căn nguyên để giải quyết phù hợp. Phải cải cách liên tục.
Nhiều người coi ngành sử học như “gương chiếu hậu”. Nhưng như các bạn thấy đấy, ngay cả chiếc xe hơi đắt tiền nhất cũng cần phải có gương chiếu hậu, thậm chí còn có cả camera sau xe.
Dẫn ví dụ thế để thấy, nếu ai đó nói rằng cần phải có một cuộc đổi mới lần thứ hai thì cũng là một cách diễn đạt. Nhưng theo tôi cái trước nhất ta cần làm lúc này là ta phải có một tổng kết nghiêm túc về chặng đường chúng ta đã đi kể từ lúc chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới,
Tôi nghĩ hơi khác giáo sư Vương một chút. Nếu nói Đổi mới chỉ là trả lại cái vốn có của nó thì cũng không hẳn đúng. Bên cạnh việc “cởi trói”, nghĩa là để cho kinh tế phát triển tương đối tự nhiên thông qua điều tiết của thị trường, công cuộc đổi mới thực sự có nhiều yếu tố mới, nhất là việc mở cửa tiếp nhận những giá trị nhân loại trong thời đại toàn cầu. Trên phương diện này nhiều bước phát triển nhờ Đổi mới, đất nước đã vượt xa những gì ta có trong giá trị truyền thống.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, ba cái chữ R mà tôi vừa nhắc tới phải là thường trực, luôn luôn phải xem xét lại những gì đã qua, tiên lượng được tương lai sẽ tới, để từ đó liên tục đổi mới, làm mới mình thì mới bắt kịp tiến trình phát triển của nhân loại.
Tuần Việt Nam