Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P4: Chiêm Thành quy thuận, Cao Miên dâng đất
Trần Hưng
•
Thứ Hai, 08/10/2018 • 15.6k Lượt Xem
Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Tần mất. Nguyễn Phúc Thái lên ngôi, thời kỳ này lãnh thổ Đàng Trong không có gì thay đổi. Năm 1691, Nguyễn Phúc Chu lên ngôi nối tiếp các đời chúa Nguyễn trước đó, mở rộng lãnh thổ hơn về phương Nam.
Nguyễn Phúc Chu sinh vào tháng 5 (âm lịch) năm Ất Mão 1675, ông là con cả của Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái và bà Tống Thị Lĩnh (người ở Tống Sơn, Thanh Hóa).
Sách Đại Nam thực lục có ghi chép rằng:
“Trước kia, năm Giáp dần, mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm Thánh. Năm sau chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà”.
Cũng theo sách Đại Nam thực lục thì thuở nhỏ Nguyễn Phúc Chu không chỉ say mê đèn sách mà còn chăm chỉ luyện võ thuật, lớn lên không chỉ văn hay mà võ cũng rất giỏi.
Dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, xã hội cực thịnh
Khi lên ngôi Nguyễn Phúc Chu mới 16 tuổi. Ngay năm đó ông cho giảm một nửa thuế ruộng cho dân. Người thời bấy giờ gọi ông là Quốc Chúa.
Mới lên ngôi Quốc Chúa đã chiêu hiền đãi sĩ, loại bỏ nịnh thần, dùng người có chí khí, nghe lời người ngay thẳng bãi bỏ thói xa hoa lãng phí.
Là nguời mộ đạo, chúa Nguyễn Phúc Chu chủ trương hồng dương Phật Pháp. Ông cho xây dựng một loạt chùa miếu; mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, Mỹ Am; phát tiền gạo cho người nghèo.
Quốc Chúa dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã tắc ổn định, người dân có cuộc sống sung túc. Đây cũng là nền tảng giúp cho các cuộc Nam tiến, mở rộng lãnh thổ thành công.
Năm 1710, nhân ngày Phật đản, Chúa cho đúc chuông chùa Thiên Mụ nặng 2.021 kg, cao 2,5 m, đường kính 1,2 m. Tiếng vang của chuông bao phủ khắp kinh thành, tiếng chuông cũng đánh dấu giai đoạn phát triển đến cực thịnh ở Đàng Trong, vì một xã hội có niềm tin tín ngưỡng thì sẽ ổn định, người người đều quy thuận.
Sáp nhập Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Tiên, đảo Phú Quốc vào lãnh thổ
Từ năm 1690 đến 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh thường cho quân vượt biên giới đến đốt phá giết hại dân Việt ở hai Phủ Thái Khang và Diên Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh.
Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại quân Chiêm Thành, đuổi theo tận đến kinh thành nước Chiêm, bắt được vua Chiêm giải về Phú Xuân.
Chúa Nguyễn cho sáp nhập đất Chiêm Thành vào lãnh thổ (nay là tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận), đặt tên là trấn Thuận Thành, lập ra phủ Bình Thuận.