Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Cư dân Việt trên địa bàn huyện Phong Điền
Quá trình tụ cư
Trong bối cảnh hoà bình, một số làng Việt sớm nhất của Phong Điền đã được thành lập. Qua văn bản “Khám cấp Ma Nê xứ điền” ([1]) của Ty thừa tuyên sứ tán trị xứ Thuận Hóa cấp cho làng Đa Cảm (Mỹ Xuyên) năm 1451 và kết hợp với gia phả họ Lê làng này, có thể ghi nhận rằng: vào đầu thế kỷ XV, làng Đa Cảm đã được một nhóm cư dân thành lập, người khai canh là ông Lê Văn Cá. Đến giữa thế kỷ XV, một người con trai của ông là Lê Cạnh làm xã trưởng cùng một tập thể dân làng thuộc nhiều họ đã xin khai phá thêm xứ ruộng Ma Nê. Việc xác định ranh giới của xứ ruộng này cũng nêu lên được một số làng lân cận đã thành lập trước đó, như làng Đàm Bổng (Ưu Điềm), An Triền (Hòa Viện), Bể Thu (Phú Nông). Từ thực tế của các làng này, có thể xét đoán rằng các làng lân cận như Vĩnh Cố (Vĩnh An), Phò Trạch, Đường Long (Chí Long), Chánh Lộ (Chánh Lộc), Lương Mai đã được hình thành trong giai đoạn tương đương.
Như vậy, dọc theo bờ Nam sông Ô Lâu, một số quần thể di dân từ Thanh Nghệ đã tụ cư lập làng ngay từ đầu thế kỷ XV. Tương ứng như vậy, ở bờ Bắc phá Tam Giang, dọc theo vùng cát và ruộng đồng ven phá, các làng Trung Tuyền (Trung Đồng), Vĩnh Áng (Vĩnh Xương), Hương Triền (Thanh Hương) và Thế Chí cũng được hình thành.
Trong khi đó, ở địa bàn phía Nam huyện, tại bờ Bắc sông Bồ cũng có một số làng được thành lập sớm, tiêu biểu là Hoa Lang (Hiền Lương), An Lỗ, Bồ Điền, Phò Đái (Phò Ninh), Hiền Sĩ, Đông Dã và Cổ Bi.
Như vậy, vùng đất tụ cư ban đầu của cư dân Việt trên địa bàn huyện Phong Điền là những vùng đất phù sa ven hai con sông lớn của huyện: sông Ô Lâu, sông Bồ và cả ven đầm phá Tam Giang, những nơi thuận lợi có thể phục hóa hoặc khai hoang tạo thành đồng ruộng, vườn tược. Tuy nhiên, lúc này vẫn còn những vùng đất lổ đổ chưa khai phá, mãi đến những năm sau chiến thắng Đồ Bàn 1471 dưới triều vua Lê Thánh Tông, công cuộc di dân mới bổ sung. Hầu hết những vị khai canh lập ấp giai đoạn này là quan binh trong quân đội Đại Việt. Sau chiến thắng đã vâng lệnh vua, tìm đất hoang tại Thuận Hoá để thành lập làng xã. Tiêu biểu trong đợt này là làng Cảm Quyết (Phước Tích), Sơn Tùng, Kế Môn, Đông Lâm, Thượng Lộ (Thượng An).
Như vậy, cho đến cuối thế kỷ XV, trên địa bàn huyện Phong Điền đã có 24 làng Việt định cư và xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa. Sau những chiến công đánh thắng quân Mạc ở Ái Tử, quân Trịnh ở Do Linh, Hải Lăng, ông đã tăng cường binh dân khai phá đất hoang hóa thành lập các đơn vị dân cư mới. Trong trường hợp đó, các làng Vân Lô (Vân Trình), Siêu Loại (Siêu Quần), Trạch Phổ, Cao Ban, Cao Xá Thượng, Cao Xá Hạ, Da Viên, Lai Xá, Chính Hòa, Đại Lộc được thành lập. Khoảng cuối thế kỷ XVII, hai phường tứ chính An Thị và khách hộ Phú Xuân cũng được thành hình.
Từ đầu thế kỷ XVIII đã có các hộ gia đình lên khai hoang, lập nương rẫy trên vùng đất trung du phía Tây huyện; đến giữa thế kỷ XVIII, các phường Huỳnh Liên, Tân Lộc đã ra đời, phụ thuộc vào các làng gốc. Với nhịp điệu khai hoang diễn tiến, vào nửa sau thế kỷ XIX các thôn ấp mới đã ra đời như Thượng Nguyên, Xuân Lộc, Sơn Quả, Điền Xuân, Cổ Xuân, Lương Sĩ và Thanh Tân ở vùng đồi núi trung du, và Mỹ Hoà, Hoà Xuân ở ven phá Tam Giang.
Vào đầu thế kỷ XX, việc khai hoang tự phát vẫn tiếp tục, người dân định cư ở vùng trung du càng nhiều, tiến lên xây dựng thành những thôn ấp mới như Khúc Lý, Hưng Thái, Lưu Phước, Hòa Mỹ, Hiền An. Tại vùng cát ven biển cũng có những điểm định cư mới như Hải Nhuận, Tân Hội. bên cạnh đó, cũng có những vùng đất mới khai phá, nhưng vẫn lệ thuộc vào làng cũ như Công Thành, Triều Dương, Vịnh Nẩy, Đông Lái, Tây Lái.
Đặc biệt là sau ngày thống nhất đất nước, hưởng ứng chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở trung du, miền núi, nhân dân các địa bàn hạ bạn ở trong huyện Hương Điền (huyện mới thành lập do sáp nhập 3 huyện cũ: Phong Điền, Hương Điền, Quảng Điền), đã rời làng cũ lên xây dựng những vùng cư trú mới ở phía Tây, dần dần thành lập các thôn mới thuộc xã Phong Xuân như Vinh Ngạn 1, Vinh Ngạn 2, Vinh Phú, Xuân Phú, Xuân Lập, Phong Hòa, Bình An, Lộc Lợi, Tân Lập của xã Phong Xuân và Tân Mỹ, Quảng Phước, Quảng Thọ, Thái Mỹ, Đông Mỹ, Phong Thu ở xã Phong Mỹ.
Về bộ phận cư dân Pa Hy, trước khi vào cư trú tại địa bàn Phong Điền, họ đã từng sinh sống tại châu Thuận Bình ở đầu nguồn sông Thạch Hãn, huyện Hải Lăng liên tục trong nhiều thế kỷ. Những năm giữa thế kỷ XX, do chiến tranh, họ đã đi dần vào Nam cư trú đầu nguồn sông Ô Lâu và sau giải phóng, hưởng ứng chủ trương định canh, định cư, họ đã ổn định việc cư trú tại các thôn bản khe Trăn, Hạ Long, khe Trai.
Như vậy, phải trải qua ngót 600 năm từ khi những làng Việt đầu tiên định cư trên đất Phong Điền cho đến nay, việc phân bố dân cư trên địa bàn huyện, từ triền núi phía Tây giáp ranh huyện A Lưới đến ven biển phía Đông và từ phía Nam sông Ô Lâu đến phía Bắc sông Bồ mới tỏa ra khắp địa bàn.
ĐẶC ĐIỂM QUẦN CƯ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ THEO TỪNG THỜI KỲ
Đặc điểm quần cư và phân bố dân cư của huyện Phong Điền phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên lãnh thổ, vào lịch sử phát triển đất nước từ khi hai châu Ô-Lý được sáp nhập vào Đại Việt đầu thế kỷ XIV đến nay. Trong thời gian đó, sự hình thành các địa bàn dân cư trên huyện Phong Điền có thể hình dung theo ba thời kỳ.
1. Thời kỳ trước năm 1558
Đây là thời kỳ đầu có sự thay đổi về thành phần, số lượng dân cư và hình thành phát triển phần lớn các thôn ấp làng xã người Việt trên đất Hoá châu nói chung, huyện Phong Điền nói riêng. Lúc đầu khi hai châu Ô-Lý là bộ phận của nước Đại Việt, người Chăm Pa còn đông đúc, nhưng sau đó họ lùi dần vào phương Nam. Ngược lại, người Việt lúc đầu còn thưa thớt nhưng về sau ngày càng đông do các cuộc di cư của cư dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ Tĩnh vào trên đất Phong Điền. Có nhiều tư liệu cho thấy người Việt đã vào định cư từ sớm. Cho đến nay, những gì đã biết được, chứng tỏ từ nửa đầu thế kỷ XV vào thời Lê Sơ, trên dải đồng bằng ven sông Ô Lâu, sông Bồ đã có mặt dân cư người Việt đến làm ăn sinh sống. Đó là các văn bản Thỉ Thiên tự của ông Bùi Trành ông tổ họ Bùi làng Câu Nhi chép lại từ văn bản gốc có niên đại Thuận Thiên thứ 21 thời vua Lê Thái Tổ (1429), văn bản thứ hai lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Văn ở làng Mỹ Xuyên ghi năm Đại Hoà thứ 9 thời vua Lê Nhân Tông (1451), xác định quyền khai canh và sở hữu ruộng đất của 24 người thuộc 8 dòng họ của làng Mỹ Xuyên (hồi ấy còn gọi làng Đa Cảm) đối với vùng ruộng đồng Ma Nê mà họ đã khẩn hoang để canh tác. Đó là các gia phả của các dòng họ làng Phước Tích, làng Ưu Điềm ghi các ngài thỉ tổ của họ đã có mặt ở đây vào cuối nửa đầu thế kỷ XV. Ở phía Nam huyện có nhiều ý kiến cho rằng làng Cổ Bi là một trong những làng cổ nhất ở đất Hoá châu. Làng Hiền Lương chưa biết chính xác thành lập từ bao giờ nhưng trong Hiền Lương chí lược có ghi “Trước đây dưới thời nhà Mạc (1527-1595) làng này mang tên là làng Hoa Lang thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá” ([2]). Như vậy, trên đất Phong Điền, người Việt từ miền Bắc đã có mặt sớm so với thời gian ra đời của tác phẩm Ô châu cận lục của Dương Văn An trên 100 năm. Vấn đề không gian phân bố dân cư cũng như đặc điểm quần cư bị chi phối bởi các mối quan hệ chung giống như dân cư bất cứ nơi nào trên đất nước ta là quan hệ giữa con người với thiên nhiên và quan hệ cộng đồng làng xã, họ tộc. Quan hệ giữa con người với thiên nhiên đòi hỏi phải chọn nơi có các điều kiện định canh, định cư thuận lợi. Trên lãnh thổ Phong Điền đó là các đồng bằng phù sa ven sông Ô Lâu, sông Bồ, ven phá Tam Giang, nơi có đất đai phì nhiêu, nguồn nước phong phú, điều kiện giao thông đi lại dễ dàng, nhất là đối với cư dân nông nghiệp chuyên sống bằng nghề nông. Vì vậy, các làng xã đầu tiên đều hình thành ven sông, ven đầm phá: Phước Tích, Mỹ Xuyên, Ưu Điềm về đến Thanh Hương, Đại Lược ở phía Bắc và ở phía Nam là làng Hiền Lương ngược lên Cổ Bi, Hiền Sĩ đều nằm ở đồng bằng ven sông.
Về quan hệ cộng đồng làng xã cũng là một nhu cầu không thể thiếu. Dù vùng đất mới không phải vô chủ nhưng xa lạ và gặp nhiều khó khăn, một mình không dễ gì khắc phục. Phải hợp tác, cộng đồng với nhau dưới hình thức từ thấp đến cao và làng xã ra đời. Hơn nữa, làng xã vốn là tổ chức truyền thống ở quê hương cũ. Vì vậy quần cư của dân cư được tổ chức theo kiểu nông thôn làng xã là tổ chức cơ sở của nhà nước trung ương, nhưng cũng để đáp ứng nhu cầu ở địa phương. Tuy nhiên mỗi làng đều bao gồm một số họ, trong đó con cháu sống quây quần bên nhau, có nhà thờ tổ tiên, giữa các thành viên, các thế hệ khác nhau có sự gắn bó máu thịt. Một số vị tổ trở thành những người khai canh khai khẩn, có công dựng làng, mở đất, được làng thờ phụng, tế lễ chu đáo ở các đình làng hàng năm. Về số lượng dân cư khó có thể xác định, nhưng có điều chắc chắn là còn rất thưa thớt. Đến đầu thế kỷ XV cả phủ Thuận Hoá có 79 xã, 1.470 gia đình, 5.663 người. Theo Nguyễn Văn Đăng, dân số Thừa Thiên Huế năm 1555, nghĩa là 3 năm trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn phủ xứ Thuận Hoá là 191 xã, 21.010 hộ và số người ước tính là 84.040 ([3]). Theo sách Ô châu cận lụcvào thời điểm ấy, trên đất Phong Điền đã có 24 làng. Từ đó có thể tính trung bình dân số Phong Điền ước chừng 10.000 người.
Như vậy trên đất Phong Điền hiện nay vào thời kỳ nói trên, quần cư theo kiểu nông thôn làng xã tương tự các làng xã Đại Việt và phân bố dân cư còn rất thưa thớt là nét nổi bật. Tuy nhiên tình hình kinh tế xã hội cũng đã có bước phát triển đáng kể được Dương Văn An đề cập trong tác phẩm Ô châu cận lục (1555).
2. Thời kỳ từ năm 1558 đến năm 1975
Sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, làn sóng di dân vào phía Nam đất nước diễn ra đặc biệt mạnh mẽ. Làng cũ tiếp nhận thêm nguồn lao động mới để khai phá, mở mang lãnh thổ. Bên cạnh các đồng bằng phì nhiêu ven sông, gần các trục giao thông thuận lợi đã được tận dụng, những vùng đất hoang tiềm năng còn dồi dào nhưng chưa có cư dân được đẩy mạnh khai thác, nhiều công trình thuỷ lợi để tưới tiêu, ngăn mặn được xây dựng, hệ thống đường sá được mở mang sửa chữa. Ngoài nông nghiệp, các ngành nghề thủ công truyền thống được tạo điều kiện phát triển. Chợ búa cũng hình thành, đẩy mạnh giao lưu buôn bán.
Trong bối cảnh chung đó của vùng đất Thuận Hoá, tình hình dân cư Phong Điền cũng thay đổi. Không gian phân bố mở rộng lên vùng đồi núi phía Tây dọc các thung lũng, các bãi đất bằng nơi đất đai màu mỡ, gần sông, hói, ao hồ. Hiện tượng phổ biến xảy ra trong quá trình mở rộng địa bàn sinh sống là các làng được thành lập sớm ven sông Ô Lâu, sông Bồ đều có xu hướng khai phá, tạo lập thêm các phường, ấp, làng xã nằm ngoài không gian làng khá xa nhưng vẫn mang tên làng cũ. Làng Hiền Lương từ thế kỷ XVII - XVIII mở thêm các phường trong đó có phường cách xa làng đến 15 cây số lên tận vùng núi thấp Trường Sơn. Các làng Mỹ Xuyên, Ưu Điềm, Phò Trạch, Vĩnh An, Hoà Viện, Phước Tích, Vân Trình đều có các thôn, phường ấp cách xa làng gốc từ 5 đến 10 cây số hoặc xa hơn. Ví dụ Phò Trạch làng - Phò Trạch phường, làng Ưu Điềm - làng Ưu Thượng. Phế tích Chăm Pa trên ngọn đồi ven bờ sông Ô Lâu mang địa danh Vân Trạch Hoà vì năm trên đất Vân Trình, Phò Trạch và Hoà Viện trong lúc 3 làng gốc đều nằm ven bờ Ô Lâu rất xa làng mới. Một số xóm phường cũng được hình thành trong thời kỳ này trên vùng cát nội đồng như xóm Phú An, Đức Tích của Phong Hoà, phường Triều Dương của Phong Hiền. Trong lúc đó, tại các làng xã cũ diện tích cũng được mở rộng dần đồng thời với sự định hình những thôn xóm mới. Quần cư nông thôn làng xã vẫn là kiểu quần cư chủ yếu. Nhưng làng đã được phát triển về mọi mặt từ khi Phú Xuân là thủ phủ của đất Đàng Trong và nhất là từ thế kỷ XIX trở thành kinh đô của cả nước. Kinh tế được mở mang. Bên cạnh nghề nông vẫn là nghề chủ yếu, nhiều ngành nghề đã có từ trước tiếp tục phát triển như gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, rèn Hiền Lương, đệm bàng Phò Trạch, kim hoàn Kế Môn, nhiều ngành nghề mới ra đời. Nhiều chợ đầu mối trở thành nơi buôn bán đông đúc như như chợ Phò Ninh, chợ Phò Trạch, chợ Ưu Điềm. Nhiều cửa hàng nối nhau trên một trục đường với mọi sinh hoạt kiểu thị dân. Như vậy có thêm kiểu quần cư đô thị giữa các vùng nông thôn rộng lớn. Chức năng quản lý của chính quyền làng xã được phát huy, tuân thủ nghiêm ngặt mọi phép nước, lệ làng. Sự học hành, thi cử để vươn lên giai tầng, đẳng cấp trên trong xã hội được khuyến khích. Các làng đều có các thầy đồ, nho sinh theo học. Sinh hoạt văn hoá trong các làng mang hơi hướng của văn hoá cung đình khá rõ nét. Tế đình, hội làng với các nghi thức cầu kỳ, tôn nghiêm, trọng thể. Từ lễ nghi đến tiệc tùng, đình đám, đảm bảo tôn ti trật tự rõ ràng, phản ánh ảnh hưởng rõ rệt tư tưởng phong kiến đương thời.
Nói tóm lại, trong thời kỳ này, địa bàn định cư, định canh được mở rộng, nhiều phường xã, thôn ấp xuất hiện. Bên cạnh kiểu quần cư nông thôn làng xã, đã hình thành kiểu quần cư đô thị tuy chưa rõ nét. Làng xã đã có sự thay đổi về chất, trở thành tổ chức cơ sở vững mạnh của triều đình nhà Nguyễn.
https://www.facebook.com/nguyendinhtan.1952/posts/795627447290778