Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 1996

Việt Nam sử lược

Chương V: Bắc thuộc lần thứ ba (603-939)

I. Nhà Tùy (589-617)

Nhà Tuỳ làm vua bên Tàu được 28 năm thì mất. Trong bấy nhiêu năm thì sử không chép chuyện gì lạ, chỉ nói rằng năm Ất Sửu (605), vua nhà Tuỳ nghe nói ở Lâm Ấp có nhiều của, bèn sai tướng là Lưu Phương đem quân đi đánh.
Vua Lâm Ấp lúc bấy giờ là Phạm Phạm Chí đem quân ra giữ những chỗ hiểm yếu, ở bên này sông Đồ Lê (?) để chống cự với quân Tàu. Nhưng chẳng bao lâu quân Lâm Ấp phải thua bỏ chạy. Lưu Phương thừa thế tiến quân sang sông đuổi đánh, gặp đại binh Lâm Ấp kéo đến, có nhiều voi, thế rất mạnh. Lưu Phương bèn dùng mưu: sai quân đào hố lấy cỏ phủ lên, rồi sai quân ra đánh nhử, giả tảng bại trận. Quân Lâm Ấp đuổi theo được một quãng, voi sa xuống hố, quân sĩ loạn cả. Khi bấy giờ quân Tàu mới quay trở lại lấy cung nỏ bắn, voi khiếp sợ xéo cả lên quân Lâm Ấp mà chạy. Lưu Phương cũng phát bệnh về đến nửa đường thì chết.

II. Nhà Đường (618-907)

1. Chính trị nhà Đường
Năm Mậu Dần (618) nhà Tuỳ mất nước, nhà Đường kế nghiệp làm vua nước Tàu. Đến năm Tân Tị (621) vua Cao Tổ nhà Đường sai Khâu Hoà làm Đại tổng quản sang cai trị Giao Châu.
Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai trị là nghiệt hơn cả. Nhưng sử chép lược quá: thường hai ba năm mới chép một việc, chắc là những nhà làm sử nước ta sau cứ theo sử Tàu mà chép lại, cho nên mới sơ lược như vậy.
2. An Nam đô hộ phủ
Năm Kỷ Mão (679) vua Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện, và đặt An Nam đô hộ phủ (Nhà Đường lúc đó chia nhiều tỉnh bên Tàu ra làm Đô hộ phủ như Tứ Xuyên Đô hộ phủ...Vậy Đô hộ phủ là một chức quan chứ không phải là một chính thể cai trị các thuộc địa như ta hiểu bây giờ).
Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ đấy.
Mười hai châu nhà Đường là những châu này:
1. Giao Châu: có 8 huyện (Hà Nội, Nam Định v.v…)
2. Lục Châu: có 3 huyện (Quảng Yên, Lạng Sơn)
3. Phúc Lộc Châu: có 3 huyện (Sơn Tây)
4. Phong Châu: có 3 huyện (Sơn Tây)
5. Thang Châu: có 3 huyện (?)
6. Trường Châu: có 4 huyện (?)
7. Chi Châu: có 7 huyện (?)
8. Võ Nga Châu: có 7 huyện (?)
9. Võ An Châu: có 7 huyện (?)
10. Ái Châu: có 6 huyện (Thanh Hoá)
11. Hoan Châu: có 4 huyện (Nghệ An)
12. Diễn Châu: có 7 huyện (Nghệ An)
Ở về phía tây bắc đất Giao Châu lại đặt một châu nữa, gọi là Man Châu, gồm cả những mường ở mạn ấy, lệ cứ hàng năm phải triều cống vua nhà Đường.
Ấy là đại để cách chính trị nhà Đường như vậy. Còn thường thì cũng loạn lạc luôn: Khi thì người trong nước nổi lên đánh phá như Mai Hắc Đế và Bố Cái Đại Vương: khi thì những nước ở ngoài xâm phạm, như nước Hoàn Vương và nước Nam Chiếu.
3. Mai Hắc Đế (722)
Năm Nhâm Tuất (722) là năm Khai nguyên thứ 10 về đời vua Huyền Tông nhà Đường, ở Hoan Châu có một người tên là Mai Thúc Loan nổi lên chống cự với quân nhà Đường.
Mai Thúc Loan là người huyện Thiên Lộc, tức là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì, sức vóc khoẻ mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn bạo, dân gian khổ sở, lại nhân lúc bấy giờ lắm giặc giã, ông ấy bèn chiêu mộ những người nghĩa dũng, rồi chiếm giữ lấy một chỗ ở đất Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An) rồi xây thành đắp luỹ. Xưng hoàng đế, tục gọi là Hắc Đế.
Mai Hắc Đế lại kết hiếu với nước Lâm Ấp và nước Chân Lạp để làm ngoại viện.
Vua nhà Đường sai quan Nội thị là Dương Tư Húc đem quân sang cùng với quan Đô hộ là Quang Sở Khách đi đánh Mai Hắc Đế. Hắc Đế thế yếu chống không nổi phải thua chạy, được ít lâu thì mất.
Nay ở núi Vệ Sơn, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An, còn có di tích thành cũ của vua Hắc Đế, và ở xã Hương Lãm, huyện Nam Đường còn có đền thờ.
4. Giặc bể
Năm Đinh vị (767) là năm Đại Lịch thứ 2, đời vua Đại Tông nhà Đường, sử chép rằng có quân Côn Lôn và quân Bồ Đà là quân ở những đảo ngoài bể vào cướp phá ở đất Giao Châu, lên vây các châu thành.
Quan Kinh lược sứ là Trương Bá Nghi cùng với quan Đô uý là Cao Chính Bình đem quân đánh phá được lũ giặc ấy. Trương Bá Nghi bèn đắp La thành để phòng giữ phủ trị. La thành khởi đầu từ đấy.
5. Bố Cái Đại Vương (791)
Năm Tân Tị (791) quan Đô hộ là Cao Chính Bình bắt dân đóng sưu thuế nặng quá, lòng người oán giận. Khi bấy giờ ở quận Đường Lâm (bây giờ là làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) có người tên là Phùng Hưng nổi lên đem quân về phá phủ đô hộ. Cao Chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ thành, được mấy tháng thì mất. Quân sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An lên nối nghiệp. Dân ái mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn tên là Bố Cái Đại Vương, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
Tháng 7 năm Tân Tị ấy, vua nhà Đường sai Triệu Xương sang làm Đô hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng.
6. Việc đánh nước Hoàn Vương
Nước Lâm Ấp từ khi bị tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương sang đánh, rồi quốc vương là Phạm Phạm Chí dâng biểu tạ tội và xin triều cống như cũ. Đến quãng năm Trinh Quan đời vua Thái Tông nhà Đường, vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê mất, con là Phạm Trấn Long cũng bị người giết, dân trong ấp mới lập người con của bà cô Phạm Đầu Lê, tên là Chư Cát Địa lên làm vua.
Chư Cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn Vương quốc. Từ đó về sau thường thường người nước Hoàn Vương lại sang quấy nhiễu ở Giao Châu, và chiếm giữ lấy Châu Hoan và Châu Ái.
Năm Mậu Tí (808) đời vua Hiến Tông, Quan Đô hộ là Trương Chu đem binh thuyền đi đánh, giết hại quân Hoàn Vương rất nhiều. Vua nước ấy bèn lui về ở phía Nam (ở vào quãng tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ) và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành.
7. Nam Chiêu cướp phá Giao Châu
Về cuối đời nhà Đường, quan lại Tàu lắm người chỉ vì tư lợi, ức hiếp nhân dân như Đô hộ Lý Trác cứ vào những chợ ở chỗ Mường Mán mua trâu, mua ngựa, mỗi con chỉ trả có một đấu muối, rồi lại giết tù trưởng Mán là Đỗ Tồn Thành. Vì thế cho nên người Mường Mán tức giận bèn dụ người Nam Chiếu sang cướp phá, làm cho dân Giao Châu khổ sở trong 10 năm trời.
Ở phía tây bắc đất Giao Châu, tức là ở phía tây tỉnh Vân Nam bây giờ có một xứ người nòi Thái ở. Người xứ ấy gọi vua là chiếu. Trước có 6 chiếu là Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng, Mông Xá, Chiếu Mông Xá ở về phía nam cho nên gọi là Nam Chiếu.
Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan Tiết độ sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho và đặt tên là Quy Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn (Tây Tạng) rồi rời đô lên đóng ở thành Thái Hoà (thành Đại Lý bây giờ).
Năm Bính Dần (846) quân Nam Chiếu sang cướp ở Giao Châu, quan Kinh lược sứ là Bùi Nguyên Dụ đem quân đánh đuổi đi.
Năm Mậu Dần (858), nhà Đường sai Vương Thức sang làm Kinh lược sứ. Vương Thức là người có tài lược, trị dân có phép tắc, cho nên những giặc giã đều dẹp yên được cả, mà quân Mường và quân Nam Chiếu cũng không dám sang quấy nhiễu.
Năm Canh thìn (860), nhà Đường gọi Vương Thức về làm quan Sát sứ ở Tích Đông và sai Lý Hộ sang làm Đô hộ.
Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng là đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông rồi lại đổi là Đại Lễ. Lý Hộ giết người tù trưởng là Đỗ Thủ Trừng, người Mường lại đi dụ quân Nam Chiếu sang đánh lấy mất phủ thành. Lý Hộ phải bỏ chạy về Tàu. Vương Khoan đem binh sang cứu, quân Nam Chiếu bỏ thành rút về.
Năm Nhâm Ngọ (862), quân Nam Chiếu đánh Giao Châu, nhà Đường sai Thái Tập đem ba vạn quân sang chống giữ. Quân Nam Chiếu thấy quân nhà Đường nhiều lại rút về. Bấy giờ có quan Tiết độ sứ Lĩnh Nam là Thái Kinh, sợ Thái Tập lập được công to bèn mật tâu với vua nhà Đường rằng ở Giao Châu đã yên, thì nên rút quân về. Thái Tập xin để lại 5.000 quân cũng không được.
Tháng Giêng năm Quý Mùi (863), Nam Chiếu đem 50.000 quân sang đánh phủ thành. Thái Tập cầu cứu không kịp, thế bức quá phải tự tử. Trận ấy có tướng nhà Đường là Nguyên Duy Đức đem hơn 400 quân Kinh Nam chạy ra đến bờ sông, thuyền bè không có, Nguyên Duy Đức bảo chúng rằng chạy xuống nước cũng chết, bất nhược trở lại đánh nhau với giặc, một người đổi lấy hai người chẳng lợi hơn sao. Nói đoạn quay trở lại giết được hơn 2000 người, nhưng đêm đến tướng Nam Chiếu là Dương Tư Tấn đem binh đến đánh, bọn Nguyên Duy Đức chết cả.
Quân Nam Chiếu vào thành giết hại nhiều người. Sử chép rằng Nam Chiếu hai lần sang đánh phủ thành, giết người Giao Châu hơn 15 vạn.
Vua Nam Chiếu là Mông Thế Long cho Dương Tư Tấn quản lĩnh 20.000 quân và cho Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ ở lại giữ Giao Châu.
Vua nhà Đường hạ chỉ đem An Nam Đô hộ phủ về đóng ở Hải Môn (?), rồi lấy quân các đạo về ở Lĩnh Nam và đóng thuyền lớn để tải lương thực, đợi ngày tiến binh.
Mùa thu năm Giáp Thân (864) vua nhà Đường sai tướng là Cao Biền sang đánh quân Nam Chiếu ở Giao Châu.
8. Cao Biền bình giặc Nam Chiêu
Cao Biền là người tướng giỏi nhà Đường, vốn dòng võ tướng môn, tính ham văn học, quân sĩ đều có lòng mến phục.
Năm Ất Dậu (865), Cao Biền cùng với quan Giám quân là Lý Duy Chu đưa quân ra đóng ở Hải Môn. Nhưng Lý Duy Chu không ưa Cao Biền, muốn tìm mưu làm hại. Hai người bàn định tiến quân. Cao Biền dẫn 5000 quân đi trước, Lý Duy không phát binh tiếp ứng.
Tháng 9 năm ấy quân rợ đang gặt lúa ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), Cao Biền đến đánh lén một trận, giết được nhiều người, rồi lấy thóc gạo nuôi quân lính.
Đến tháng 4 năm sau (866), Nam Chiếu cho bọn Dương Tập, Phạm Nê Ta, Triệu Nặc Mi sang giúp Đoàn Tù Thiên để giữ Giao Châu. Khi bấy giờ có tướng nhà Đường là Lý Trọng Tể đem 7000 quân mới sang, Cao Biền nhân dịp đó mới phát binh được mấy trận, cho người đưa tin thắng trận về kinh, nhưng đi đến Hải Môn, Lý Duy Chu giữ lại, không cho triều đình biết.
Trong triều mãi không thấy tin tức gì, cho hỏi han thì Lý Duy Chu tâu dối rằng Cao Biền đóng quân ở Phong Châu không chịu đánh giặc. Vua nghe tin ấy, nổi giận sai Vương Án Quyền ra thay, và đòi Cao Biền về hỏi tội. Ngay tháng ấy Cao Biền phá quân Nam Chiếu và vây thành La Thành đã được hơn 10 ngày rồi, chỉ nay mai là lấy được, bỗng chốc được tin Vương Án Quyền và Lý Duy Chu sang thay. Cao Biền liền giao binh quyền cho Vi Trọng Tể, rồi cùng mấy người thủ hạ về Bắc. Nhưng trước Cao Biền đã cho người đi lẻn về kinh dâng biểu tâu rõ tình trạng. Vua Đường biết rõ sự tình, mừng lắm, lại cho Cao Biền thăng trật và sai trở sang cầm quân đánh Nam Chiếu.
Bọn Vương Án Quyền và Lý Duy Chu lười biếng không vây đánh gì cả, đến khi Cao Biền trở sang mới đốc quân binh đánh thành, giết được Đoàn Tù Thiên và người Thổ làm hướng đạo là Chu Cổ Đạo. Còn những động Mán Thổ ở các nơi xin về hàng rất nhiều.
Đất Giao Châu bị Nam Chiếu phá hại vừa 10 năm, đến bấy giờ Cao Biền lại lấy lại, đem về nội thuộc nhà Đường như cũ.
9. Công việc của Cao Biền
Vua nhà Đường đổi An Nam thành Tĩnh Hải, phong cho Cao Biền làm Tiết độ sứ. Cao Biền chỉnh đốn mọi công việc, lập đồn ải ở mạn biên thuỳ để phòng giữ giặc giã, làm sổ sưu thuế để chi dụng việc công (có người bảo rằng người Việt Nam ta phải đóng sưu thuế khởi đầu từ Cao Biền).
Cao Biền đắp lại thành Đại La ở bờ sông Tô Lịch. Thành ấy bốn mặt dài hơn 1982 trượng linh 5 thước, cao 2 trượng linh 6 thước, đắp một đường đê bao bọc ở ngoài dài hơn 2125 trượng linh 8 thước, cao một trượng rưỡi, dày 2 trượng. Trong thành cho dân sự làm nhà hơn 40 vạn nóc (?).
Sử chép rằng Cao Biền dùng phép phù thủy khiến thiên lôi phá những thác ghềnh ở các sông để cho thuyền bè đi được. Thiên lôi ấy có lẽ là Cao Biền dùng thuốc súng chăng?
Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao Châu ta lắm đất đế vương, thường cứ cưỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn thủy đẹp, và hại mất nhiều long mạch.
Năm Ất Tỵ (875) vua Đường sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ ở Tây Xuyên (Tứ Xuyên). Biền dâng người cháu họ là Cao Tầm làm Tiết độ sứ ở Giao Châu.
Nhà Đường tuy lấy lại được đất Giao Châu nhưng bên Tàu lại sắp loạn, giặc cướp dần dần nổi lên, ngôi nhà vua cũng dần dần sắp đổ, nước Tàu lại chia rẽ làm mấy nước, cho nên ở xứ Giao Châu cũng có sự biến cải.
10. Sự trị loạn của nước Tàu
Xét chuyện nước Tàu từ đời nhà Hán cho đến đời bấy giờ, cứ mỗi nhà lên cầm quyền chính trị được vài ba trăm năm, rồi trong nước lại biến loạn, nam bắc phân tranh độ chừng năm bảy mươi năm, khi ấy có một nhà đứng lên dẹp loạn yên nước, lập nên cơ nghiệp một nhà khác.
Phàm sự trị loạn thay đổi trong một xã hội là thường lý, nhưng chỉ lạ có một điều mấy lần bên Tàu loạn cũng tương tự như nhau cả. Xem như khi nhà Hán suy, thì nước Tàu phải cái loạn Tam quốc; hết Tam quốc thì có nhà Tấn thống nhất. Đến khi nhà Tấn suy, thì có Nam Bắc triều; hết Nam Bắc triều thì có nhà Đường nhất thống. Nay nhà Đường suy lại phải cái loạn đời Ngũ Quý. Cái cơ hội trị loạn bên Tàu giống nhau như thế là cũng có lẽ tại cái phong tục và cái xã hội của Tàu. Sự giáo dục không thay đổi, nhân quần trong nước không tiến bộ, cách tư tưởng không khai hoá, cho nên nước tuy lâu đời, mà trình độ xã hội vẫn đứng nguyên một chỗ. Khi có biến loạn là chỉ có mấy người có quyền thế tranh cạnh với nhau, chứ dân trong nước thì hễ thấy bên nào mạnh là làm tôi bên ấy. Nhà Hán làm vua là dân nhà Hán, nhà Đường làm vùa là dân nhà Đường, việc gì cũng đổ cho thiên mệnh, làm dân chỉ biết thuận thụ một bề mà thôi.
Xứ Giao Châu mình tự đời nhà Hán cho đến đời Ngũ Quý vẫn là đất nội thuộc của Tàu, cho nên sự trị loạn bên Tàu cũng ảnh hưởng đến nước mình. Nhờ khi bên Tàu loạn lạc, người Tàu phải bận việc nước, thì bên Giao Châu cũng rục rịch tự lập được năm ba năm. Nhưng chỉ vì nước thì nhỏ, người thì ít, cho nên không thành công được.

III. Đời Ngũ Quý (907-959)

1. Tình thế nước Tàu
Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ Quý hay là Ngũ Đại.
2. Họ Khúc dấy nghiệp: Khúc Thừa Dụ (906-907)
Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Tàu loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy quyền nhà vua không ra đến ngoài, thế lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở Giao Châu, lúc bấy giờ có một người họ là Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng Châu (thuộc địa hạt Bình Giang và Ninh Giang ở Hải Dương). Khúc Thừa Dụ vốn là một người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hoà, hay thương người, cho nên nhiều người kính phục. Năm Bính Dần (906) đời vua Chiêu Tuyên nhà Đường, nhân khi trong châu có loạn, dân chúng cử ông ấy lên làm Tiết độ sứ để cai trị Giao Châu. Nhà Đường bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ và gia phong Đồng bình chương sự.
Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải, có ý để lấy lại Giao Châu.
Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ được non một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo.
3. Khúc Họa (907-917)
Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết độ sứ, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan lại, sửa sang việc thuế má, việc sưu dịch và lại cho con là Khúc Thừa Mỹ sang sứ bên Quảng Châu, tiếng là kết hiếu với nhau, nhưng cốt để dò thám mọi việc hư thực.
Lưu Ẩn ở Quảng Châu đóng phủ trị ở Phiên Ngưng được 4 năm thì mất. Em là Lưu Cung (trước gọi là Lưu Nham) lên thay. Được ít lâu, nhân có việc bất bình với nhà Hậu Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại Việt. Đến năm Đinh Sửu (947) cải quốc hiệu là Nam Hán.
4. Khúc Thừa Mỹ (917-923)
Năm Đinh Sửu (917) Khúc Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết độ sứ của nhà Lương, chứ không thần phục nhà Nam Hán. Vua nước Nam Hán lấy sự ấy làm hiềm, đến năm Quý Mùi (923) sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến sang làm Thứ sử cùng với Lý Khắc Chính giữ Giao Châu.
5. Dương Diên Nghệ và Kiều Công Tiện (931-938)
Năm Tân Mão (931), Dương Diên Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị người nha tướng là Kiều Công Tiện giết đi mà cướp lấy quyền.
6. Ngô Quyền phá quân Nam Hán
Khi ấy có người tướng của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền cử binh đánh Kiều Công Tiện để báo thù cho chúa. Ngô Quyền là người làng Đường Lâm, cùng một làng với Phùng Hưng ngày trước (huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) làm quan với Dương Diên Nghệ. Dương Diên Nghệ thấy người có tài trí mới gả con gái cho, và phong cho vào giữ Ái Châu (Thanh Hóa). Khi được tin Kiều Công Tiện đã giết mất Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền liền đem quân ra đánh.
Kiều Công Tiện cho sang cầu cứu ở bên Nam Hán, Hán chủ nhân dịp cho thái tử là Hoằng Tháo đưa quân đi trước, mình tự dẫn quân đi tiếp ứng.
Khi quân Hoằng Tháo vào gần đến sông Bạch Đằng, thì bên này Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiện (938), rồi một mặt truyền lệnh cho quân sĩ phải hết sức phòng bị, một mặt thì sai người lấy gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông Bạch Đằng, xong rồi chờ đến lúc nước thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến; quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc nước xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh ập lại, quân Nam Hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào cọc gỗ thủng nát mất cả, người chết quá nửa. Hoằng Tháo bị Ngô Quyền bắt được, đem về giết đi.
Hán chủ được tin ấy, òa khóc lên, rồi đem quân về Phiên Ngung, không dám sang quấy nhiễu nữa.
Ngô Quyền trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn được nước, thật là một người trung nghĩa lưu danh thiên cổ, mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được cái ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau này được tự chủ ở cõi Nam vậy.