Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Thứ Tư, 19/11/2014 - 11:45
Cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài xây khu nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân:

Vị trí chiến lược, sao lại lơ là!

Tới khi TP.Đà Nẵng lên tiếng về “2 công trình xây dựng trái phép tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân, giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế”, dư luận mới hay vị trí trọng yếu về quốc phòng này đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho các Cty nước ngoài xây dựng các khu nghỉ dưỡng với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.

Phối cảnh Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế được cấp phép trên đèo Hải Vân.
Phối cảnh Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế được cấp phép trên đèo Hải Vân.
“Đúng quy trình”
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cấp gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân (nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của Chính phủ) cho Cty CP Thế Diệu (thuộc Cty TNHH World Shine Hong Kong, TQ) thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế.
Dự kiến, khi hoàn thành, ở khu vực mũi Cửa Khẻm sẽ có một khu nghỉ mát cao cấp. Ngoài một khách sạn đạt chuẩn 5 sao với 450 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ, nơi này sẽ hiện diện 350 biệt thự, 220 căn hộ cao cấp với đầy đủ các loại hình giải trí như: Sân golf mini, bãi tắm… với tổng mức đầu tư lên đến 250 triệu USD.
Để đến nơi Cty CP Thế Diệu triển khai dự án trên, phải vượt qua đèo dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở lên gần tới đỉnh đèo Hải Vân (thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ngay cạnh QL1A trên đèo, chủ đầu tư đã trưng panô ghi giấy phép đầu tư, mặt sau in phối cảnh khu du lịch nghỉ dưỡng hoành tráng. Cạnh đó, có một con đường thảm nhựa hơn 5km theo hướng đông ra biển dẫn đến khu vực tới đây sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Mặc dù đã triển khai được 1 năm, nhưng Cty CP Thế Diệu vẫn đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư và thực hiện rà phá bom mìn, đo vẽ bản đồ địa chính. Riêng ở khu vực ngã ba Bãi Chuối (sát trạm bảo vệ rừng 251 của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân), chủ đầu tư đã xây dựng nhà điều hành 2 tầng.
Ông Nguyễn Quê - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết, tỉnh đã đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty này với thời hạn 50 năm. “Chúng tôi cấp theo đúng quy trình đầu tư, Luật Đầu tư” - ông Quê khẳng định.
Trước khi cấp phép cho Cty này, các sở, ban, ngành và cả quân đội đã họp và thống nhất chủ trương chứ không phải muốn cấp cho ai là cấp. Sát phần đất đã cấp cho Cty CP Thế Diệu, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã cấp phép cho một Cty nước ngoài xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng có mức đầu tư 100 triệu USD vào năm 2009.
Không nên vì lợi ích trước mắt
Theo đại tá Trần Đình Phòng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - khu vực cấp cho dự án World Shine - Huế không ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng và phòng thủ bờ biển của tỉnh. Toàn bộ các cao điểm ở đây đều được lực lượng quân sự của tỉnh và Quân khu 4 khống chế, có thể kiểm soát được các tình huống xấu xảy ra.
Nhà điều hành Cty CP Thế Diệu xây dựng tại khu vực ngã ba Bãi Chuối.
Nhà điều hành Cty CP Thế Diệu xây dựng tại khu vực ngã ba Bãi Chuối.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu tại Huế đều nhấn mạnh yếu tố trọng yếu của đèo Hải Vân. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nói: “Trong tình hình hiện nay, việc cấp phép hàng trăm hécta đất dọc bờ biển từ Bắc vào Nam với thời hạn sử dụng nhiều chục năm cho các doanh nghiệp nước ngoài làm các dự án phải cân nhắc, không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi các yếu tố quốc phòng an ninh. Đặc biệt, ở khu vực đèo Hải Vân lại càng phải cẩn trọng hơn nữa”. 
Ông Phan dẫn chứng rằng, Hải Vân là vị trí chiến lược đã tồn tại qua nhiều thế kỷ từ thời Trần, thời Pháp lẫn thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đó là bình phong vững chắc để chống chia cắt đất nước.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hoa - nhà nghiên cứu có uy tín ở Huế, từng có nhiều năm lãnh đạo, quản lý về văn hóa, du lịch xứ Huế - cho rằng, toàn bộ khu vực đèo Hải Vân là một địa điểm quốc phòng. “Huế hay Đà Nẵng đều không nên phát triển du lịch ở đó, đặc biệt là du lịch lưu trú. Điều đó không dừng lại ở dự án của Huế đang triển khai, mà dự án làng Vân ở Đà Nẵng cũng vậy” - ông Hoa nói.
 
Theo Đăng Khoa - Hưng Thơ
Lao động

Dự án của chủ đầu tư Trung Quốc ở đèo Hải Vân: Cần dừng ngay dự án

VOV.V
Nhiều độc giả cho rằng, vấn đề an ninh quốc phòng luôn phải đặt lên hàng đầu, phát triển kinh tế phải đặt vào hàng thứ yếu...
Ngày 24/10/2013, BQL Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam nằm trong khu vực Cửa Khẻm, nơi được coi là mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân.
Sau  khi VOV.VN đăng các bài viết về vấn đề này, đã có rất nhiều độc giả có ý kiến phản đối việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam”.
Thừa Thiên Huế xây dựng hẳn đường công vụ vào khu vực dự án.
Bạn đọc Lyngo đề nghị các cơ quan chức năng phải thu hồi ngay giấy phép khu du lịch nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân. “Vấn đề trước mắt an ninh quốc phòng luôn phải đặt lên hàng đầu, phát triển kinh tế phải đặt vào hàng thứ yếu. Nếu để mất nước thì còn gì để mà phát triển?”- Bạn Lyngo viết.
Độc giả Đăng An băn khoăn, người dân còn thấy được giá trị an ninh quốc phòng quan trọng hơn rất nhiều so với lợi ích kinh tế, vậy mà những người có trách nhiệm sao không nhận ra điều này, hay còn có một lý do nào khác?
Cũng không đồng tình về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam” độc giả Nguyễn Đức Bản cho rằng, không riêng về khu vực đèo Hải Vân mà tất cả các khu đất vàng ở các tỉnh và thành phố nên có chỉ đạo dứt khoát không cấp phép cho bất kỳ đối tác nước ngoài nào. “Trước mắt họ nói làm khu du lịch 20-30 năm, sau biết đó còn là khu du lịch hay là căn cứ quân sự trọng yếu của họ, bới khi đã giao cho họ thì họ được toàn quyền kiểm soát mà không thể nào quản lý được việc họ làm”.
Trong ý kiến gửi VOV.VN, độc giả Hoa Xương Rồng bày tỏ, “Tôi thấy vấn đề ở đây đang có những bất cập đáng kể, vì lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế không thể tự ý ra quyết định cấp phép xây dựng dự án này được, nhất là dự án này lại liên kết với công ty vốn nước ngoài mà lại là người Trung Quốc. Trước khi ra quyết định không thể lãnh đạo các cấp có thẩm quyền chủ quan đến mức bỏ qua an ninh quốc gia?”.
Việc cần làm là dừng ngay dự án
Cũng như nhiều độc giả, bạn đọc Hanh Thanh cho rằng, đèo Hải Vân là của Tổ quốc, không phải chỉ là của riêng Thừa Thiên Huế và càng không phải của riêng ai. Chỉ có bảo vệ Tổ quốc  là đúng nhất và duy nhất đúng. Mong những người có trách nhiệm nên đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Nhiều bạn đọc đề xuất nên giao đất này cho người dân sản xuất bình thường hoặc cũng có thể liên kết với doanh nghiệp và tổ chức cá nhân trong nước để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội. Tuyệt đối không nên liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, vì đây là vị trí quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng.
Bức xúc trước việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam”, bạn đọc Hoàng Thanh đề nghị, Đảng Nhà nước, Chính phủ phải có biện pháp ngăn chặn ngay tình trạng cho thuê 50 năm. “Theo tôi phải xem xet lại, không thể để như thế này được vì đây là điểm trọng yếu trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Cho thuê 50 năm, chẳng khác gì cho họ kiểm soát vị trí quan trọng này của đất nước. Khi không giữ được an ninh quốc phòng, liệu phát triển kinh tế còn có ý nghĩa gì?”.
Độc giả Hoàng Nghệ cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam” là hành động làm phương hại lợi ích quốc gia ngàn năm sau. “Mong các cấp chính quyền vì tương lai dân tộc mà tính toán. Tại sao khi chuẩn bị cho dự án không có phản biện xã hội trước khi quyết định một vấn đề hệ trọng như vậy?”.
“Cần nhất bây giờ là hãy dừng ngay dự án này lại, không vì lợi ích trước mắt mà quên đi những hậu quả nó để lại thật khó lường”- độc giả Quang Trường viết.
Cùng với quan điểm này, bạn đọc Trịnh Kim Nghệ cho rằng, sự an ninh Tổ quốc, sự toàn vẹn lãnh thổ không thể bị đánh đổi bởi những đồng đô la, những đồng nhân dân tệ. Đề nghị phải có quyết sách và tầm nhìn xa hơn không thể để các địa phương chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi lợi ích quốc phòng./.
Phạm Hà/VOV.VN