Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Chuyện tình bi thảm ít người biết của một vị công chúa triều Trần

Hồi năm 2012, tôi đã có bài đề cập đến chuyện này, chưa được chi tiết lắm, nhưng không hiểu sao hiện không còn tồn tại trên trang nhà. Nay bổ sung cho đầy đủ hơn và đưa lên, cũng là để giữ lại làm tư liệu.
Người đó là công chúa Trần Quỳnh Trân, con vua Trần Thánh Tông, chị ruột vua Trần Nhân Tông, còn có biệt danh là Thiên Thụy công chúa. Sử sách ít chép về bà mặc dù đây là nhân vật rất đặc biệt, có lẽ do ngại đụng chạm đến tầm vóc của nhà Trần.
 
Mỗi lần về quê, tôi đều ghé thăm đền Mõ (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) nơi thờ bà công chúa Quỳnh Trân và nghe nhiều sự tích về bà.

Trần Quỳnh Trân (? – 1308) là con vua Trần Thánh Tông và cung phi Vũ Thị Ngọc Lan. Bà cũng là chị ruột của vua Trần Nhân Tông. Do được phong là Thiên Thụy công chúa nên sử chép về bà đều chép là Thiên Thụy.

Chuyện kể rằng Quỳnh Trân xinh đẹp hiền dịu, rất được vua cha yêu quý. Bấy giờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là một viên tướng kiêu dũng trí lược nổi danh trong triều. Năm 1257 khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, viên tướng trẻ Trần Khánh Dư đã lập mưu đánh bại một cánh quân của giặc, được vua Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua), phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, một chức vụ mà đương thời, nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Là con nuôi vua, Nhân Huệ vương Khánh Dư thường tự do ra vào nơi cung cấm. Trước vẻ ung dung tự tại của vị tướng trẻ tài giỏi, Quỳnh Trân vô cùng ngưỡng mộ, rồi không biết từ lúc nào đôi trai tài gái sắc đó đã yêu nhau say đắm.


Song thật trớ trêu, Hưng Vũ vương Nghiễn - con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng say mê Quỳnh Trân. Hưng Đạo vương dù biết công chúa yêu Trần Khánh Dư nhưng vẫn lấy uy thế của mình cứ một mực dạm hỏi xin cưới Quỳnh Trân cho Hưng Vũ vương. Không dám từ chối một người đang là trụ cột triều đình như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vua Trần Thánh Tông đành phải hứa gả. Không thể cưỡng lệnh cha, Quỳnh Trân về với Hưng Vũ vương.

Nhưng không dứt được tình, Trần Khánh Dư và công chúa Quỳnh Trân vẫn gặp nhau, rồi chuyện tình lén lút của hai người bị phát giác. Sự kiện tày trời đồn khắp trong ngoài, cha con Hưng Đạo vương rất tức giận. Bấy giờ vua Nhân Tông đã lên nối ngôi cha, sợ phật ý Hưng Đạo vương, nhưng lại thương chị gái, tiếc người tài, nên đức vua vờ ban lệnh cho đánh chết Khánh Dư rồi ngầm dặn không được đánh chết, sau đó xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản của Khánh Dư không để lại cho một chút gì. Khánh Dư phải lui về Chí Linh là thái ấp của phụ thân, ngày ngày đội nón lá mặc áo ngắn đi bán than. Còn Quỳnh Trân bị trả về sống tại cung riêng, không còn quan hệ gì với cha con Nghiễn nữa.

Năm 1282, quân Nguyên lăm le xâm lược Đại Việt lần thứ hai, vua Trần mở hội nghị Bình Than bàn kế chống giặc. Tại bến Bình Than, nhà vua bất chợt trông thấy Khánh Dư chèo chiếc thuyền lớn chở đầy than củi lướt qua. Đang cần tướng giỏi để cầm quân chống giặc, ngài mừng rỡ sai người dùng khinh thuyền đuổi theo triệu Khánh Dư đến, rồi cho theo xa giá về lại triều và phong ngay làm Phó đô tướng quân quản lãnh một cánh quân mạnh chuẩn bị chặn giặc.

Về lại Thăng Long, Khánh Dư và Quỳnh Trân lại có cơ hội gặp nhau. Tình cũ chưa nguôi, họ lại quấn quýt không rời, đến nỗi chính sử phải chép: “Rút cuộc Khánh Dư cũng không sửa được lỗi lầm cũ”. Mối tình của hai người chắc hẳn phải ầm ĩ lắm nên sử mới chép kỹ đến như vậy.

Sau đó, do để giữ thể diện cho hoàng gia, vua Nhân Tông buộc lòng phải lệnh cho chị mình, công chúa Quỳnh Trân xuất gia. Không còn cách nào khác, đầu năm 1284, công chúa Quỳnh Trân giã từ lầu son gác tía, đến với mảnh đất ven sông Văn Úc hoang sơ chọn một gò đất cao lập am tu hành.

Tại nơi tu hành, bà lập điền trang trồng cấy lương thực, mở chợ cho dân buôn bán, quy tụ dân trong vùng đến làm ăn sinh sống, hình thành nên trang Nghi Dương (nay là xã Ngũ Phúc, H.Kiến Thụy, Hải Phòng). Cái am nhỏ dần được bà dựng thành chùa, đêm ngày bà chuyên tâm gõ mõ tụng kinh niệm Phật, dân quanh vùng quen với tiếng mõ của bà, từ đó gọi ngôi chùa với cái tên mộc mạc là chùa Mõ. Trong thời gian tu hành, bà thường  cứu cấp chẩn bần, đem kiến thức của mình giáo hóa nhân dân, khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, phát triển nông tang, lập thêm làng xóm. Có năm bị thiên tai mất mùa, bà xin vua miễn thuế cho năm xã trong vùng, dân rất nhớ ơn. Sau bà trở thành ni sư nổi tiếng, được tôn gọi là Thiền Đức đại ni.
Đền Mõ nổi tiếng linh thiêng ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, nơi thờ bà công chúa Quỳnh Trân   

Cuối năm 1284, quân Nguyên do Trấn nam vương Thoát Hoan chỉ huy tiến sang xâm lược nước ta. Năm 1285, tướng giặc là Ô Mã Nhi tiến đánh Vân Đồn, Vạn Kiếp, phòng tuyến bị phá vỡ. Trước thế giặc hung hãn, nhiều tôn thất nhà Trần và một số tướng soái đã hoảng sợ đầu hàng, vua tôi Trần Nhân Tông phải rút chạy vào Nghệ An. Thoát Hoan dồn binh lực đuổi theo. Trong tình thế vô cùng nguy cấp, triều đình buộc phải họp bàn tìm kế hoãn binh. Kế hoạch cử người sang gặp Thoát Hoan để cầu hòa được đa số tán đồng. Ngoài các lễ vật quý giá đưa sang làm quà tặng, triều đình quyết định chọn một công chúa có nhan sắc dâng cho Thoát Hoan để cầu thân. Người đầu tiên được triều đình bàn tới là công chúa Quỳnh Trân. Quỳnh Trân được đón về triều, song trước sự phản đối kiên quyết của bà, nhà vua đành để bà trở về am cũ. Từ đó Quỳnh Trân một lòng quy Phật, mối tình với Khánh Dư bà mãi mãi chôn chặt trong lòng.

Theo sách Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, tháng 10.1308, bà ốm nặng, Thượng hoàng Nhân Tông bấy giờ là Trúc Lâm đại sĩ, đang tu trên núi Yên Tử hạ sơn đến thăm chị gái. Trước lúc ra về, ngài ngậm ngùi cầm tay bà nói: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, Âm phủ có hỏi thì bảo rằng, xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”. Về điều này, sách Nam ông mộng lục ghi cụ thể rằng: “Đại sĩ tại Tử Tiêu, văn tỉ bệnh cức, nãi hạ sơn vãng thị, vị Thiên Thụy viết "tỉ nhược thời chí, tự khứ, kiến minh gian vấn sự tắc ứng viết: nguyện thiếu đãi, ngã đệ Trúc Lâm đại sĩ thả chí". Ngôn bất hoàn sơn. Sổ nhật chí am, phân phó đệ tử hậu sự, yểm nhiên tọa hóa. Thiên Thụy diệc dĩ thị nhật tốt” (Đại sĩ ở Tử Tiêu, nghe tin chị hấp hối, bèn xuống núi lại thăm, nói với Thiên Thụy "nếu chị đến lúc rồi thì cứ đi, dưới âm phủ có hỏi chuyện thì nhớ trả lời: xin đợi một chút, em ta là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến". Nói xong về núi. Đi mấy ngày đến am, dặn dò đồ đệ hậu sự, bỗng nhiên ngài ngồi hóa. Thiên Thụy cũng ngày hôm đó qua đời). Ngày mùng 3 tháng 11.1308 bà mất. Quả nhiên cùng ngày hôm đó Thượng hoàng Nhân Tông cũng băng hà. Nhân Tông là em ruột, lại là người chứng kiến cũng như xử lý toàn bộ chuyện tình ngang trái của công chúa Quỳnh Trân nên đã rất hiểu và vô cùng thương người chị gái đa đoan của mình. 
Bia đá bên gốc gạo 700 tuổi ghi lại sự tích đền Mõ và cuộc đời bà công chúa Quỳnh Trân 
Sau khi bà viên tịch, dân trong vùng cảm công đức của bà đã lập đền thờ ngay tại nơi bà tu hành, tôn bà làm phúc thần, ngôi đền cũng được gọi bằng cái tên rất dân gian là đền Mõ.

                                                            N.THÔNG - K ANH

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phản đối cuộc hôn nhân của Khánh Ly

Chiều 14/6, nữ danh ca Khánh Ly đã có cuộc giao lưu với độc giả TP.HCM về tản bút vừa được ra mắt của bà có tên gọi "Đằng sau những nụ cười".

Giống như không khí của cuộc giao lưu tại Hà Nội (12/6) và Huế (13/6), gần như không còn một chỗ trống nào tại khán phòng nơi Khánh Ly xuất hiện. Tại nhà sách Phương Nam, lần đầu tiên công chúng TP.HCM mới thật sự gặp lại nữ danh ca, được trò chuyện và nghe bà hát một vài câu. Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng làm nhiều người không thể quên được.
Cuộc giao lưu diễn ra từ 16h nhưng trước đó những hàng ghế đã không còn chỗ trống. Công chúng ai cũng cầm sẵn cuốn sách và những đĩa nhạc vừa ra mắt của Khánh Ly, chờ bà xuất hiện để xin chữ ký của bà.
Nghệ sĩ kịch nói Thanh Thủy (trái), nhà báo Nguyễn Thế Thanh và nghệ sỹ Hồng Vân đến tham dự buổi giao lưu của Khánh Ly tại TP.HCM.
Nghệ sĩ kịch nói Thanh Thủy (trái), nhà báo Nguyễn Thế Thanh và nghệ sỹ Hồng Vân đến tham dự buổi giao lưu của Khánh Ly tại TP.HCM.
Cũng có rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đến tham dự. Họ là bạn bè, người thân và cả người hâm mộ Khánh Ly bấy lâu. Nam danh ca Elvis Phương, bạn thân của Khánh Ly suốt nửa thế kỷ qua, dù đã trải qua rất nhiều kỷ niệm với bà nhưng ông vẫn cho rằng, lần gặp mặt tại TP.HCM này là một kỷ niệm rất khó quên. “Những người bạn của tôi đã về và giờ Khánh Ly là người cuối cùng trong số đó”, nam danh ca thổ lộ.
Nữ danh ca Khánh Ly.
Nữ danh ca Khánh Ly.
Nếu như Hà Nội là nơi Khánh Ly sinh ra, Huế là nơi sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và trở thành người đã thay đổi cuộc đời Khánh Ly thì Sài Gòn lại là nơi đưa bà trở thành một tên tuổi. Khánh Ly có quá nhiều kỷ niệm ở đây và công chúng cũng hy vọng sẽ thấy lại điều ấy trong cuốn sách vừa xuất bản của bà.
Về cuốn sách, nữ danh ca này cho biết nó là tự sự lo lắng của bản thân. “Tôi nghĩ một ngày nào đó, chúng tôi, người trước, người sau cũng sẽ rời xa. Và những cuốn sách như cuốn sách nhỏ này sẽ là câu chuyện của chúng tôi. Đằng sau những nụ cười là gì?”.
Cho dù biết nhà thơ Đỗ Trung Quân từ lâu nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên Khánh Ly gặp ông. Bà kể lại đã từng khóc suốt 1000 cây số lúc đi xe từ  Melbourne tới Sydney khi người tài xế mở bài Quê hương phổ thơ của ông.
Cho dù biết nhà thơ Đỗ Trung Quân từ lâu nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên Khánh Ly gặp ông. Bà kể lại đã từng khóc suốt 1000 cây số lúc đi xe từ  Melbourne tới Sydney khi người tài xế mở bài "Quê hương" phổ thơ của ông.
Bà cũng nói rằng chính vì quá yêu hát mà “tôi mới được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn và tôi cảm thấy mình quá may mắn”. Công chúng nhiều người cũng đã vỗ tay tán đồng khi Khánh Ly nói rằng: “Tôi lúc nào cũng quan niệm, trong cuộc đời nếu có nhạc thì đời sẽ hạnh phúc hơn”. Chính âm nhạc đã thay đổi cuộc đời bà và đến giờ “tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc ca hát”.
Với những người bạn thân thiết, nam ca sĩ Elvis Phương (trái) và nghệ sỹ Kim Cương.
Với những người bạn thân thiết, nam ca sĩ Elvis Phương (trái) và nghệ sỹ Kim Cương.
“Tôi mê hát từ nhỏ khi mới chỉ 4,5 tuổi. Mỗi chiều thứ 6 được mẹ đón trở về nhà ở 106 Hàng Bông thì tôi hay chạy dọc con đường đó và lắng nghe những bài hát văng vẳng từ nhiệm tiệm ở hai bên đường. Lúc đó tôi đã biết nhạc sĩ Phạm Duy, đã biết Vợ chồng quê, Em bé quê, Bà mẹ quê…, biết tài tử Ngọc Bảo, cô Ái Liên. Nhưng lúc ấy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy cuộc đời mình chẳng làm được chuyện gì ngoài chuyện hát. Tôi không có bằng tiểu học, không có bằng cấp nào, kể cả bằng lái xe. Cho tới giờ này tôi cũng chưa có bằng lái xe”.
Rất đông công chúng TPHCM đã đến tham dự buổi giao lưu với danh ca Khánh Ly.
Rất đông công chúng TPHCM đã đến tham dự buổi giao lưu với danh ca Khánh Ly.
Âm nhạc và gia đình là tình yêu của Khánh Ly. Khi người chồng vừa qua đời, bà nghĩ rằng mình sẽ không thể gượng dậy được nhưng âm nhạc đã đưa bà trở lại. “Lấy chồng theo chồng. Không còn chồng thì theo con. Không có con, tôi theo khán giả”, nhiều người đã đứng dậy vỗ tay cho câu tâm sự này của Khánh Ly.
Với người bạn thân, nghệ sỹ Hồng Vân.
Danh ca Khánh Ly và người bạn thân, nghệ sỹ Hồng Vân.
Khánh Ly cũng chẳng giấu diếm chuyện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phản đối cuộc hôn nhân của bà và người chồng vừa qua đời cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Hoàng Đoan. “Ông Trịnh Công Sơn là người biết rõ cuộc sống gia đình của tôi hơn ai hết. Khi chúng tôi về làm bạn với nhau ông có viết một lá thư cho tôi rằng: “Mai à, bộ hết người lấy rồi hay sao mà lấy Nguyễn Hoàng Đoan?”. Tôi đưa cho nhà tôi đọc lá thư đó và nhiều năm sau (1992), khi gặp nhau ở Canada, nhà tôi đã hỏi lại ông Sơn câu ấy, ông Sơn đã cười và nói rằng “Tại vì toi (tôi) không có biết moi (anh), chỉ nghe người ta nói thôi nhưng tại toi thương cái Mai, nó khổ nhiều rồi nhưng bây giờ thì toi biết Đoan có thể lo được cho Mai rồi”.
Nữ danh ca quan niệm trong cuộc đời nếu có nhạc thì đời sẽ hạnh phúc hơn.
Nữ danh ca quan niệm "trong cuộc đời nếu có nhạc thì đời sẽ hạnh phúc hơn".
Khánh Ly cũng thổ lộ câu chuyện giữa bà và Trịnh Công Sơn còn rất nhiều tình nghĩa mà không phải ai cũng biết được. Bà kể lại những năm tháng đi hát cùng ông qua những giảng đường, một đĩa cơm ăn chung, nghèo khổ nhưng rồi khi đi qua được tất cả những hành trình trong đời, bà mới hiểu được “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” hơn là tiền bạc. Đó là sự tử tế mà con người đối xử với nhau. Có tử tế, cuộc đời sẽ hạnh phúc, bà nói.
Sau cuộc giao lưu tại TP.HCM, ngày 15/6, nữ danh ca Khánh Ly sẽ có cuộc giao lưu cuối tại Cần Thơ và sau đó bà sẽ về Mỹ để chuẩn bị cho một đêm nhạc sẽ diễn ra tại đây.
          N.M 

Đằng sau bức ảnh cây xanh đổ rạp còn nguyên vỏ bầu bọc nilon ở Hà Nội

Trận mưa giông dị thường quét qua Hà Nội chiều tối 13/6 không chỉ mang đến tai ương thảm khốc cho Hà Nội, mà còn “gây bão” trong lòng người khi một vài bức ảnh được công bố…
Tranh cãi nảy lửa
Được đăng tải trên một diễn đàn mạng uy tín vào tối 13/6, lập tức, những bức ảnh ghi lại hiện trường cây đổ trên một vài tuyến phố nội thành đã gây sốc cho những người theo dõi.
Những bức ảnh này chụp một hàng cây mới trồng bị đổ vẫn còn nguyên vỏ bầu bọc phía ngoài gốc, được cho là tại phố Lê Duẩn và một vài con phố khác của Hà Nội.
Theo tác giả bức ảnh, anh đưa bức ảnh lên diễn đàn đơn giản chỉ để thắc mắc về kỹ thuật trồng cây. Bản thân anh cũng không biết trồng như thế là đúng hay sai.
“Thời tiểu học, em được dạy là phải bỏ cái túi nilon bọc rễ rồi mới trồng cây xuống đất.
Suốt bao năm qua em vẫn nghĩ và dạy con em làm theo như thế cho đến tận khi chứng kiến cảnh tượng này. Em hoang mang quá…!”, tác giả bức ảnh viết.
Vỏ bầu bằng nilon bị lộ ra sau khi cây này bị đổ bởi trận gió lốc
Vỏ bầu bằng nilon bị lộ ra sau khi cây này bị đổ bởi trận gió lốc. (Ảnh: Facebook Sa Phi)
Sau đó, một cuộc tranh luận sôi nổi khác nổi lên xung quanh những bức ảnh. Nhiều ngôn từ khó nghe cũng đã được thốt ra, phần lớn hướng đến những người chịu trách nhiệm trồng hàng cây này.
Những ý kiến giận dữ cho rằng, việc trồng cây thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của bộ phận người trồng. Bởi chính lớp nilon kia đã cản trở việc đâm rễ của cây sang lớp đất xung quanh, tách biệt cây với đất, khiến cây càng dễ bị đổ gẫy.
“Nhiều tháng đã trôi qua kể từ vụ thay cây nhưng nhìn bức ảnh này thì như thể cái cây chỉ được thả xuống hố rồi vùi đất tạm bợ, dường như không có bất cứ sự liên kết nào giữa cây và đất”, anh Nguyễn Hữu Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) nói.
Bên cạnh những ý kiến giận dữ là những ý kiến trái chiều, cho rằng việc không gỡ bỏ vỏ bầu cũng không ảnh hưởng gì đến quá trình sinh trưởng của cây mà còn giúp cây sống tốt hơn.
Cuộc tranh luận của hàng ngàn người với hàng trăm ý kiến có nguy cơ trở thành cuộc “mạt sát quy mô lớn”, khiến người đưa bức ảnh lên diễn đàn phải quyết định hạ bức ảnh xuống.
Tuy nhiên, dư âm của cuộc tranh luận đã không thể đóng lại như mong muốn của tác giả bức ảnh. Trên mạng xã hội, những tấm ảnh biết nói lan rộng trên các fanpage và group facebook.
Tại mỗi nơi tấm ảnh được đăng tải, vẫn là các cuộc tranh luận nảy lửa.
Hình ảnh được lan rộng trên mạng xã hội facebook.
Hình ảnh được lan rộng trên mạng xã hội facebook.
“Trồng như thế thì đừng trồng”
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Xuân – nguyên Viện phó Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Lâm Nghiệp TW.
Theo ông Xuân, việc trồng cây mà để nguyên vỏ bầu bằng chất liệu không tự phân hủy như vậy là phản khoa học.
Thông thường, sau khi đánh cây để mang đi trồng ở địa điểm mới thì công nhân  thường quấn vỏ bọc bầu đất cho cây để giữ độ ẩm và giữ cho bầu đất được chắc chắn không bị vỡ.
Lúc tiến hành trồng cây, nếu là vỏ bầu tự phân hủy thì để vậy trồng sẽ không ảnh hưởng tới việc ra rễ non và sinh trưởng của cây xanh.
Tuy nhiên, nếu là các chất liệu khác thì khi trồng cây xuống thực địa phải tiến hành tháo dỡ vỏ bầu rồi mới đem trồng.
Cả hàng cây đổ lộ ra vỏ bầu bằng nilon chưa được bóc gỡ
Cả hàng cây đổ lộ ra vỏ bầu bằng nilon chưa được bóc gỡ. (Ảnh: Facebook Sa Phi)
Sau khi quan sát những bức ảnh đang là tâm điểm của những tranh luận gay gắt trên các trang mạng xã hội, vị chuyên gia hàng đầu về giống cây khá bất ngờ.
Ông khẳng định, lớp vỏ bọc dưới các gốc cây trong ảnh là túi nilon – chất liệu không những không tự phân hủy mà còn mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy được.
Là một người có nhiều năm công tác trong ngành lâm nghiệp nên khi thấy những hình ảnh trong bức ảnh, ông tỏ ra vô cùng gay gắt.
“Nếu không phải bọc tự hủy mà là một chất liệu khác, khi trồng không tiến hành tháo bỏ là hoàn toàn sai quy trình trồng mới một cây xanh.
Để cây đạt tỉ lệ sống và phát triển nhanh khi đưa ra trồng ở nơi khác thì cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về trồng cây xanh bóng mát. Nếu trồng mà không bóc vỏ bầu thì tỉ lệ cây sống được là rất thấp.
Mà nếu có sống được thì cây cũng chậm bén rễ và phát triển chậm chạp. Trồng cây như vậy là một sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm theo kiểu đối phó cho qua chuyện”, vị này bức xúc.
Cũng theo ông Xuân, nếu cây trồng mà không được gỡ vỏ bọc bầu đất thì nước sẽ không thấm được vào bầu đất khiến cho cây lâu ra rễ non.
Do mắc vỏ bọc nên cây sẽ khó có thể hút được nước và các chất hữu cơ có trong đất.
Không gỡ bỏ lớp vỏ bầu đất thì việc tưới nước cho cây cũng là vô ích và nếu tình trạng này kéo dài cây sẽ khô héo dần và chết.
Với những cây xanh trồng lấy bóng mát, ông Xuân nhấn mạnh rằng, người trồng phải chú ý đến chất liệu của lớp vỏ bầu đất.
Nếu chất liệu bền quá thì rễ không thể đâm xuyên qua để ăn sâu vào lòng đất vì vậy cây không thể đứng vững được.
Hầu hết các cây mới trồng đều là rễ non nên tỉ lệ đâm xuyên qua vỏ bọc bầu đất là rất thấp. Hơn nữa, rễ cọc khi gặp vật cản sẽ bị uốn cong và vô tình tác dụng của nó trở thành rễ ngang.
Nếu như vậy thì cây rất dễ bị ngã đổ mỗi khi gió to.
Vị chuyên gia này đau đáu nhìn vào những tấm ảnh được lan truyền rồi nói lớn: “Trồng cây mà trồng theo kiểu như vậy thì đừng trồng!”.
Không những thế, trong việc trồng cây, nhiều người đã có những nhận định rằng, việc để vỏ bọc bầu đất như vậy sẽ giúp cây có điều kiện dần làm quen với thổ nhưỡng mới chứ không phải một cách đột ngột.
Trước những nhận định này, ông Xuân khẳng định: “Làm như thế, vô tình chúng ta lại cản trở sự phát triển một cách tự nhiên của cây. Cây xanh sẽ tự thích nghi với môi trường nếu như điều kiện đó phù hợp với nó lúc mới trồng”.
Theo ghi nhận của PV, trong đợt lốc vừa xảy ra tại Hà Nội, có nhiều cây lâu năm xanh tốt, có bộ rễ khỏe vẫn bị bật gốc. Lý giải trước thắc mắc này, ông Xuân cho rằng, do tán cây quá dày vô tình tạo thành một chiếc ô hứng gió.
“Để hạn chế cây bị đổ thì cần tường xuyên cắt tỉa bớt cành để tạo độ thoáng gió cho cây như vậy, cây sẽ ít bị bật gốc mỗi khi mưa to gió lớn” – ông Xuân nói.
Cùng trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Vương Thị Mai Hương – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh (đơn vị đã tham gia chiến dịch xã hội hóa trồng cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ đô) cũng cho rằng, việc trồng cây như thế sai hoàn toàn với quy trình. Theo bà Hương, việc trồng cây mới mà không loại bỏ lớp vỏ bọc không tự phân hủy sẽ ảnh hưởng tới sự sống và phát triển của cây
                  Long Nhất