Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

g Quốc và ‘kịch bản’ đáp trả phán quyết biển Đông

Trung Quốc và ‘kịch bản’ đáp trả phán quyết biển Đông

21.06.2016

Máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc bay ngang qua biển Hoa Đông giữa năm 2014.
Máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc bay ngang qua biển Hoa Đông giữa năm 2014.
Dư luận ở Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ vụ kiện của Philippines, trong khi Hoa Kỳ phô trương sức mạnh nhằm trấn an đồng minh.
Giả thuyết này được nêu ra hôm 20/6 trong cuộc thảo luận tại một trung tâm nghiên cứu có tiếng ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo của Việt Nam từng phát biểu, về các bước đi của mọi bên, nhất là Trung Quốc và Mỹ, sau quyết định sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Tòa đặt tại La Haye, Hà Lan, dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 7/7 về vụ kiện “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông do Philippines khởi xướng.
Bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng bất luận phán quyết như thế nào, biển Đông sẽ “dậy sóng”.
Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm.
Chuyên gia về an ninh châu Á này nói thêm: “Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm. Trung Quốc đã nói rõ sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết này. Trung Quốc cũng đã khai mào cuộc chiến ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của một số nước như Afghanistan, Gambia, Niger…”
Bà Searight nhận định tiếp rằng Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ lên tiếng nhấn mạnh về tính cưỡng hành về mặt pháp lý của phán quyết đó đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc, đồng thời Washington sẽ phối hợp với các bên cùng quan điểm như Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu hay Ấn Độ để củng cố tuyên bố đó.
Nhưng nhà nghiên cứu này cho rằng điểm mấu chốt vẫn là ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và đây là sẽ “phép thử đối với sức mạnh và sự đoàn kết” của khối này.
Mới đây, ASEAN rút lại một tuyên bố cứng rắn về biển Đông sau khi vấp phải điều các nhà quan sát nói là “áp lực ngoại giao” từ Trung Quốc sau cuộc đối thoại với Bắc Kinh ở tỉnh Vân Nam.
Thi hành tuyên bố ADIZ
Lính hải quân Trung Quốc trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh khi tàu sân bay này trên Biển Hoa Đông.
Lính hải quân Trung Quốc trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh khi tàu sân bay này trên Biển Hoa Đông.
Những người tổ chức hội thảo ở CSIS cũng tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của người tham dự về 5 khả năng Trung Quốc có thể thực hiện ở biển Đông trong vòng một năm tới, như xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm từ Philippines; triển khai chiến đấu cơ tới Trường Sa, hoặc lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Đông.
Hơn 53% số người tham dự nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng ADIZ ở biển Đông.
Về điều này, ông Gregory B. Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nhận định thêm: “Năm 2013, Trung Quốc đã áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Hoa Đông [nơi Bắc Kinh tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku, hay còn gọi là Điếu Ngư, theo tiếng Hoa]. Mọi tuyên bố chính thức của Trung Quốc từ đó tới nay đều nói rằng họ có quyền làm điều tương tự ở biển Đông. Tôi nghĩ điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra".
Chuyên gia này nói tiếp: "Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể buộc các nước phải tuân thủ điều này không. Trung Quốc gần như hoàn tất đường băng họ xây dựng ở Trường Sa. Có sự khác biệt giữa việc một số máy bay có thể đáp xuống đó với chuyện thi hành tuyên bố ADIZ, nhất là với Mỹ, Nhật, và Ấn Độ”.
Ông Poling còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có hành động cả trên đất liền lẫn trên biển nhằm chứng tỏ không tuân thủ phán quyết đồng thời nhằm trừng phạt Philippines vì đã đâm đơn kiện.
Cuộc chiến ngoại giao
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis hôm 18/6 đã tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis hôm 18/6 đã tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Bắc Kinh thời gian qua tăng cường mưu tìm hậu thuẫn của nhiều nước trong vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sau đó hoan nghênh phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, nói thêm rằng “bất cứ ai quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông nên hỗ trợ Trung Quốc và các nước liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó nhấn mạnh rằng đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương.
Ông Bình nói rằng còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
Trong một động thái nhằm trấn an các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết, hải quân Mỹ hôm 18/6 đã triển khai hai hàng không mẫu hạm cùng nhiều tàu chiến tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Hai nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan bao gồm hơn 12 nghìn thủy thủ, 140 máy bay và sáu tàu chiến khác.
Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng chiến lược xoay trục sang châu Á cũng như việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông không nhằm “khống chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc.

    Chiến tranh Biển Đông đã bắt đầu?


    Bùi Quang Vơm


    Không thể để mất đảo, mất biển, vì nếu mất đảo, mất biển vào tay Trung Quốc, Đảng Cộng sản sẽ không gánh nổi trách nhiệm. Dân sẽ nổi dậy, chế độ cộng sản sẽ biến mất. Một Chính phủ mới lâm thời sẽ được lập ra ngay tức khắc, ký Hiệp định yêu cầu Mỹ, Nhật, Liên Hiệp Quốc, thậm chí cả NATO can thiệp. Đây là thông điệp mà chúng ta muốn chuyển tới những kẻ đang cầm quyền tại Hà Nội”.
    clip_image002
    Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Nguồn: internet
    Trung Quốc không còn lựa chọn
    Phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế La Haye PCA, dự kiến sẽ công bố vào ngày 7/7/2016. Khả năng Toà sẽ bác bỏ chủ quyền đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý đặt ra. Âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đối mặt với nguy cơ phá sản. Sau phán xét, nếu tiếp tục gây hấn, chiếm đọat các hòn đảo đá còn lại, Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng cố tình vi phạm luật pháp quốc tế. Không chỉ thể diện, hình ảnh của Trung Quốc bị tổn thương, uy tín quốc tế về mặt ngọai giao bị giảm sút, mà có khả năng Trung Quốc đối diện với một lệnh cấm vận quốc tế toàn diện.
    Cuộc cấm vận do nhóm G7 và Liên hiệp châu Âu trừng phạt việc sáp nhập phi pháp bán đảo Crimé, đã làm cho nền kinh tế của Nga điêu đứng. “Các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) hôm 7/6/2016 tiếp tục duy trì trừng phạt đến khi nào Tổng thống Nga Vladimir Putin và phe ly khai tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hòa bình Minsk”. Đây là ý chí duy trì luật pháp quốc tế của nhóm quốc gia đại diện cho Hành tinh. Cũng là một quyết tâm ngăn chặn một tiền lệ sử dụng sức mạnh cho tham vọng chủ quyền. Trừng phạt Nga, nhưng trên thực tế là một cảnh báo trực diện đối với các toan tính của Trung Quốc.
    Với một nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hoá, sản lượng công nghiệp chiếm 42,6% tổng GDP và 24 triệu lao động, trong khi 70% nguyên liệu nhập từ nước ngoài, nếu chịu một cuộc cấm vận toàn diện, Trung Quốc khó tránh khỏi sụp đổ. Chỉ cần giảm 50% sản xuất công nghiệp, 12 triệu người rơi vào thất nghiệp sẽ là một đe dọa bạo loạn xã hội.
    Vì vậy, trước khi Trọng tài Quốc tế PCA phán xét, Trung Quốc buộc phải tìm mọi cách để thực hiện xong chương trình chiếm đoạt hoàn toàn biển Đông để tạo thành thế đã rồi. Bất kể PCA phán xét như thế nào, khi Trung Quốc đã chiếm được Trường Sa, thì việc lật lại tình thế là không thể. Kinh nghiệm đã cho thấy như vậy cho đến thời điểm hiện tại. Phản ứng của Mỹ và thế giới dù gay gắt, quá trình bành trướng của Trung Quốc chỉ dừng, rồi tiếp tục, chứ chưa bao giờ lùi lại.
    Mục tiêu chiếm đoạt sẽ là Scarborough của Philippines và toàn bộ các hòn đảo, đá của Trường Sa đang trong tay Việt Nam. Trường Sa và Scarborough chiếm được, sẽ cùng Hoàng Sa tạo ra tam giác lõi của biển Đông, kiểm soát trên thực tế hoàn toàn vùng biển bên trong đường lưỡi bò, biến phán quyết của Toà trọng tài PCA thành vô hiệu. Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trực tiếp với TQ, trong khi Việt Nam, dù đang nỗ lực sáp gần Mỹ, vẫn còn đơn độc, chưa liên kết được với Nhật và với Mỹ bằng một Hiệp định phòng thủ chung, vì vậy, Trường Sa của Việt Nam phải được chiếm trước khi việc này trở thành phi pháp sau phán xét của Trọng tài và trước khi một liên minh phòng thủ với Mỹ Nhật được hình thành.
    Từ sau Shangri-la 15, và sau hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh, dù có sự phản bội công khai của Cămpuchia, Trung Quốc thấy rõ tình thế bất lợi. Trung Quốc đang bị cô lập. ASEAN đa số đứng về phe Mỹ và Nhật, bảo vệ luật pháp quốc tế.
    Bất kể bà Hillary hay ông Trump trúng cử, sau bầu cử Tổng thống tháng 11/2016, chính sách của Mỹ chống lại mưu toan bành trướng của Trung Quốc sẽ cương quyết và gay gắt hơn rất nhiều. Bà cũng không hề giấu giếm thái độ không nhân nhượng, trong khi Trump không ngại dùng vũ lực.
    Cơ hội rõ ràng đang mất dần. Thời gian không ủng hộ Trung Quốc. Tham vọng chiếm đọat biển Đông hoặc phá sản, hoặc phải trả giá rất đắt.
    Trung Quốc cần một lý do để phát động một cuộc chiến trừng phạt, giống như từng “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979. Và như mọi cuộc chiến tranh, Trung Quốc cần một sự kiện, giống sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964.
    Thủ phạm là Trung Quốc?
    Tờ Quân giải phóng Trung Quốc ngày 17/6 đưa tin, “ngày 13/6 một biên đội chiến hạm hạm đội Nam Hải đã triển khai tập trận bắn đạn thật 4 ngày đêm liên tục ở Biển Đông. Lực lượng này đã diễn tập các nội dung tấn công tàu ngầm, phòng ngự phòng không, bắn đạn thật”. Cùng một lúc với lệnh huy động tái ngũ các quân nhân hải quân có kinh nghiệm và tinh thông kỹ thuật.
    Ngày 15/06, có vẻ như thấy được điều gì đó, Mỹ lập tức điều 4 máy bay tấn công điện tử cùng với 120 sĩ quan tới Philippines. Scarborough của Philippines đã được đề phòng.
    Sáng ngày 14/06/2016, chiếc máy bay SU-30KM2 cất cánh lúc 6h30 và đến 7H29 thì mất liên lạc, bị rơi sau “một tiếng nổ lớn trong khoang lái” theo lời kể của Thiếu tá Cường, khi chỉ còn cách mục tiêu tập luyện 15 km, và cách bờ chỉ khoảng 20 km. Cả hai phi công đều kịp bung dù và rơi xuống biển. Sau đó thông tin xác minh SU-30KM2 bị vỡ thành nhiều mảng vụn.
    3h30’ sáng ngày 15/06, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được một ngư dân Lê Văn Cương phát hiện và đưa vào bờ. Nguyễn Hữu Cường sức khoẻ tốt, chỉ xước tay do dây dù.
    9h30’ ngày 16/06 chiếc máy bay thứ hai CASA 212 cất cánh từ Gia Lâm bay ra đảo Bạch Long Vĩ, tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải, khi “phát hiện một vật giống phao bơi, xin phép hạ độ cao, bay vòng xuống thì mất liên lạc, rơi xuống biển vào lúc 12h30’”.
    Trên máy bay có 9 người, do Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 điều khiển. Sau đó, trong hai ngày tiếp theo, người ta tìm thấy rất nhiều mảnh vụn của CASA 212.
    “Theo nguồn tin của Thanh niên, trong tối qua 16.6, các tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện một số mảnh vỡ nghi là của máy bay CASA 212 gặp sự cố mất liên lạc với sở chỉ huy lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày, khi đang làm nhiệm vụ bay tìm kiếm phi công của máy bay Su-30MK2. Máy bay CASA 212 được cho là đã rơi xuống biển gần với đảo Bạch Long Vĩ và nằm ở độ sâu khoảng 58 m về phía đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong đêm ngày 15.6, Bộ Quốc phòng đã giao cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) và Quân chủng Hải quân lập kế hoạch và lên phương án chi tiết để trục vớt máy bay CASA 212. Trong đêm qua, khoảng hơn 10 tàu của các lực lượng tìm kiếm túc trực xung quanh vùng biển nói trên để bảo vệ và phong toả hiện trường. Các nguồn tin từ chối bình luận các thông tin liên quan đến tính mạng của 9 cán bộ, chiến sĩ trên CASA 212 khi máy bay này gặp sự cố và rơi xuống biển”.
    Báo Thanh niên ngày 17/06/2016: “Đã xác định chính xác vị trí Su-30MK2 rơi – Chuẩn bị phương án trục vớt.
    Cho đến sáng nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã xác định tương đối chính xác vị trí máy bay Su-30MK2 trên vùng biển Nghệ An”.
    Nhưng ngày 20/06, cũng báo Thanh niên lại đưa tin: “Lúc 8 giờ 15 sáng qua (19.6), tàu CSB-4039 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 phát hiện nhiều dấu hiệu nghi là của máy bay CASA212 số hiệu 8983”.
    Ngay từ đầu, người ta đã nghi vấn hai chiếc máy bay này đều cùng bị bắn, nhưng đuổi theo thông tin chính thống thì mất hướng.
    Bình luận với BBC hôm 17/6/2016, trước hết ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng chiếc CASA-212 ‘chắc chắn đã bị một va đập rất mạnh’ khi rơi xuống biển qua những thông tin mà ông biết được, trong đó có các hình ảnh về các mảnh xác của phi cơ tìm kiếm, cứu hộ của Cảnh sát biển Việt Nam.
    Dựa trên những hình ảnh nhận được, ông Nguyễn Thành Trung nói, «có thể khẳng định được là chiếc phi cơ CASA-212 đã bị tai nạn khiến vỡ ra».
    “Nếu chủ động được thì đã có thể hạ cánh trên biển, và tôi nghĩ là phi cơ đã không vỡ như thế. Còn với các mảnh vỡ như thế thì chắc chắn đã có những va chạm rất mạnh của máy bay với mặt nước”(?!), không loại trừ nguyên nhân ‘thời tiết thay đổi đột ngột’, tuy rằng ông nói “khu vực Bạch Long Vĩ là một khu vực bay ‘bình thường’ như nhiều địa điểm khác dọc bờ biển Việt Nam”.
    Không do thời tiết, máy bay đang hoạt động bình thường, ở độ cao thấp, “Cùng tham gia tìm kiếm với tổ bay Casa-212, còn có 5 tổ bay khác gồm hai chiếc DHC-6 của Không quân Hải quân, một chiếc Mi171 của Sư đoàn Không quân 371 và hai chiếc AN-26 của Lữ đoàn 918. Trong khi DHC-6 bay ở độ cao 500m thì Casa-212 bay ở độ cao 150m để quan sát mục tiêu” phát hiện vật giống phao bơi và đang quay vòng hạ độ cao, thì rơi xuống và “vỡ do va đập mạnh với nước”?! “Cụ thể, vị trí máy bay được xác định ở phía Đông đường phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc”, nghĩa là thuộc lãnh hải và không phận của Trung Quốc.
    Tại sao ngay tối 16/06 đã xác định điạ điểm CASA 212 rơi và nằm ở độ sâu 58 m, bộ chỉ huy đã họp để bàn kế hoạch trục vớt, và bố trí hàng chục tàu phong toả bảo vệ, sau đó lại tiếp tục tìm kiếm và vẫn chưa tìm thấy? Theo báo Thanh niên, “Lúc 8 giờ 15 sáng qua (19.6), tàu CSB-4039 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 phát hiện nhiều dấu hiệu nghi là của máy bay CASA212 số hiệu 8983”.
    Tại sao khi đã biết Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ngoài biển Đông mà còn cho máy bay chiến đấu tập trên biển, thậm chí vi phạm vùng trời thuộc không phận Trung Quốc? Lệnh xuất kích bay tập vào thời điểm như vậy, có mục đích gì?
    Vị trí rơi đã xác định được ngay từ đầu “Ngày14/06/2016, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết vị trí cuối cùng mà chiếc máy bay Su-30MK2 mất liên lạc ở phía Đông, cách đảo Hòn Mắt khoảng 6-7km, cách đất liền khoảng hơn 26 hải lý.
    Theo báo Thanh niên, “Ngư dân Lê Văn Cương đang đánh bắt cá trên biển cho biết, lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày, ngư dân phát hiện 1 máy bay rơi tại vùng biển khoảng 18-19 độ vĩ bắc, 106,4 độ kinh đông, cách đảo Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) về phía đông khoảng 4-6 hải lý“. Nhưng mặc dù huy động mọi phương tiện, đến “ngày hôm nay 20/06, vẫn chưa xác định được vị trí rơi của SU-30KM2”?!
    Tại sao Thiếu tá Nguyễn Huy Cường, “tôi sức khoẻ tốt chỉ bị xước tay do cọ xát dây dù” mà phải nhập Viện Quân y 108, với lý do để kiểm tra sức khoẻ, nhưng đến nay vẫn chưa được về nhà, phải chịu bỏ lễ tang Đại tá Trần Quang Khải và không được tiếp xúc với giới truyền thông? Chỉ cần gặp hỏi Nguyễn Hữu Cường có thể xác định ngay nguyên nhân SU-30 KM2 bị nạn, nhưng Trung tướng Phan Văn Giang nói “nguyên nhân tai nạn phải tìm được máy bay mới xác định được”. Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường có khả năng sẽ điều trị lâu dài, và có nguy cơ bị mất trí nhớ. Trong nhiều giờ trên thuyền cùng ngư dân Lê Văn Cương, chắc chắn đã vô tình tiết lộ. Chắc chắn ông Lê Văn Cương sẽ bị chính quyền thẩm vấn, và nếu ông này biết được điều gì, thì nhất định ông này cũng sẽ bị đưa đi biệt tăm, hoặc bị bệnh cấm khẩu.
    Sẽ có người nói, người viết theo thuyết âm nưu. Đúng, chúng ta rất khó để tránh được một ngộ nhận về thuyết âm mưu, vì diễn biến chính trường Việt Nam thực chất là diễn biến của những âm mưu, âm mưu chiếm đoạt của Trung Quốc, và âm mưu kéo dài sự tồn tại của chế độ cộng sản, được xếp đặt, chế biến thông tin truyền thông bằng những âm mưu của Ban Tuyên giáo. Không có cách nào khác là phải mò mẫm đoán nhận sự thật sau những chồng chéo âm mưu đó. Nguyên tắc của chúng ta là lợi ích dân tộc trên hết, cho dù có thể đúng, có t̉hể sai.
    Thái độ của Việt Nam
    Tối ngày 16/06/2016, lúc 17h30′, tại bộ Trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch triệu tập họp thường vụ Quân uỷ Trung ương, yêu cầu tập trung trước hết vào việc ổn định tư tưởng bộ đội. Lúc 21h30′, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, Thường vụ Quân uỷ bao gồm:
    – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương
    – Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia
    – Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia
    – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương
    – Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Thượng tướng Lương Cường.
    – Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Phan Văn Giang
    – Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, phụ trách đối ngoại và phát ngôn,Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
    Xét thành phần họp khẩn cấp này, người ta liên tưởng tới một quyết định liên quan tới vấn đề chiến tranh và hoà bình của đất nước. Một quyết định có thể được đưa ra, và lựa chọn là tránh một xung đột, tạo ngòi chiến tranh với Trung Quốc.
    Lúc 21h30′, Thượng tướng Vịnh gặp Đại sứ Trung Quốc đề nghị phía Trung Quốc cho phép phương tiện Việt Nam đi lại trong hải phận phía Đông đường phân giới vịnh Bắc Bộ và đề nghị Trung Quốc hỗ trợ tàu thuyền tìm kiếm tai nạn.
    Gặp Đại sứ vào lúc 21h30′ tại Trụ sở Bộ Quốc phòng phải có lệnh triệu tập của Chính phủ. Nếu chỉ để xin phép sử dụng lãnh hải và không phận, và nhờ hỗ trợ tìm kiếm, có thể triệu tập khẩn đại diện ngoại giao của một nước không?
    Nếu chỉ do tại nạn, có hệ trọng tới mức triệu tập khẩn cấp họp Thường vụ Quân uỷ, vào lúc cuối buổi chiều không?
    Sáng ngày 17/06, Đại sứ Mỹ Ted Osius thông báo “Hôm nay, nước Mỹ cùng sát cánh đoàn kết với Việt Nam khi các bạn tìm kiếm một phi công bị mất tích, Thượng tá Trần Quang Khải, và những con người dũng cảm trong đội tìm kiếm và cứu nạn trên máy bay CASA 212 8983. Nước Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các bạn bằng bất cứ cách nào mà chúng tôi có thể” . Nhưng Chính phủ Việt Nam không có phản hồi. Không hề có tiết lộ gì về thái độ của Việt Nam với lời gợ̣i ý của Mỹ. Đại sứ Mỹ sử dụng kênh Facebook để gửi thông điệp cho thấy, Mỹ muốn chuyển thiện ý của Mỹ tới người dân Việt Nam, và thông điệp ông gửi phải hiểu thế này: “chúng tôi biết cả rồi, chúng tôi sẵn sàng, nhưng chúng tôi tôn trọng quyền quyết định của các bạn”.
    Tuy nhiên, lực lượng của hải quân Mỹ vẫn được huy động với tư thế sẵn sàng, đã sẵn sàng.
    Ngày 20/06/2016, báo Petrotimes đưa tin “Mỹ điều một lúc hai binh đội hải quân, dẫn đầu bởi hai tàu sân bay hạt nhân John C. Stennis và Ronald Reagan đến vùng biển phía Nam của Philippines, nhằm ngăn cản những hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông, tờ báo Nhật Bản Asahi dẫn nguồn tin từ Bộ chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ”. “Để tăng áp lực lên Trung Quốc, theo Asahi, trong tháng này Mỹ cũng đã triển khai tại căn cứ quân sự Clark Field ở Philippines bốn máy bay tác chiến điện tử. Nhiệm vụ của chúng là gây nhiễu các radar mà Bắc Kinh triển khai trên những hòn đảo nhân tạo”.
    Những sự việc liên tiếp, ban đầu đơn giản và dễ dàng phán đoán, càng về sau càng trở nên rắc rối có vẻ như cố tình sắp đặt và chuyển hướng dư luận.
    – Rõ ràng, hai chiếc máy bay của Việt Nam đều do tên lửa thuộc lực lượng hải quân Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật tại biển Đông bắn hạ. Sự cố đều xảy ra đột ngột trong lúc đang hoạt động bình thường và thời tiết tốt. Xác của chúng vỡ thành những mảnh vụn, rơi từ một độ cao thấp và phía bên trong hải không phận của Việt Nam.
    – Việt Nam đã có đủ căn cứ để khẳng định, nhưng Việt Nam quyết định không tạo cớ cho Trung Quốc lợi dụng tạo thành xung đột. Kéo Trung Quốc vào chiến dịch tìm kiếm, trong khi thực chất đã tìm được là “tương kế, tưụ kế”.
    – Không nhờ Mỹ và không để Mỹ tham gia tìm kiếm là để tránh đổ thêm dầu vào lửa.
    – Xác hai chiếc máy bay đang được tiếp tục trục vớt, có thể xác 9 nạn nhân CASA 212 đã được vớt, nhưng chưa được phép công bố. Và cả hai máy bay này sẽ bị rơi trên hải phận của Trung Quốc, để nếu không giấu được nguyên nhân do tên lửa Trung Quốc bắn hạ thì lỗi do phía Việt Nam.
    – Việc hoá giải âm mưu gây chiến của Trung Quốc, nếu đúng như dự đoán của chúng ta, là quyết định đúng, “cao tay”, nhưng chỉ đúng với tình huống. Nguyên nhân của sự kiện vẫn còn nguyên.
    – Thời gian còn lại trước phán quyết của PCA không còn nhiều. Sẽ có những sự kiện khác. Sẽ tiếp tục có các cuộc tập trận bắn đạn thật. Sẽ có tàu Hải quân Việt Nam bị bắn chìm do nhầm lẫn vi phạm hải phận. Sẽ có tàu thuyền Trung Quốc bị Cảnh sát biển Việt nam bắt giữ, sẽ có binh lính hải quân Trung Quốc bị bắn chết tại biển của Trường Sa lớn, hay Song Tử Tây, v.v… Nếu không kịp trước thì sự cố sẽ xảy ra ngay sau công bố của PCA, tức là sau 07/07/2016. Bằng mọi cách, đảo Trường Sa lớn của Việt Nam sẽ phải bị tiêu diệt, và Trung Quốc sẽ đổ bộ xuống toàn bộ những hòn đảo, đá đang hiện diện của quản lý Việt Nam. Lính hải quân và dân cư trên những hòn đảo nhỏ này, khó tránh thoát những biến cố tới đây.
    – Thể diện và uy tín quốc tế của Trung Quốc là không thể giữ được. Trung Quốc nhất định đổi nó bằng lợi ích chiến lược lâu dài. Chiếm đoạt chủ quyền toàn bộ biển Đông, những lợi ích của nó cho phép Trung Quốc chiếm lại ngôi vị bá chủ chia đôi Thái Bình Dương, sẽ biến những mất mát tình huống thành vô nghĩa.
    Giải pháp nào?
    Với Việt Nam, hiển nhiên biển Đông là toàn bộ sự sống còn của quốc gia dân tộc. Chế độ có thể đến rồi đi, thể chế chính trị có thể có rồi hoán đổi. Nhưng đất nước, dân tộc không thể mất. Lựa chọn đất nước thay cho chế độ là lựa chọn bắt buộc.
    Cuộc chiến tranh trên biển sẽ kết thúc chóng vánh, vì Việt Nam chưa có một Hiệp định an ninh chung với Mỹ, chưa có một Hiệp định đồng minh với Nhật. Nếu Mỹ, Nhật không có căn cứ pháp lý để can thiệp thì Trường Sa của Việt Nam chỉ một đêm là về tay Trung Quốc. Và một khi đã lọt vào tay Trung Quốc, thì Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, v.v… sẽ trở thành Đá Chữ thập, Gạc Ma, thành Vành khăn, thành Hoàng Sa, không bao giờ còn trở về với Việt Nam được nữa, nếu không có một cuộc chiến tranh chính thức và kết thúc bằng sự đầu hàng vô điều kiện của Trung Quốc.
    Bao giờ và lúc nào, Việt Nam đủ sức đơn phương chiến tranh với Trung Quốc? Sẽ đến lúc nào đó, con cháu Việt giàu có và mạnh hơn Trung Quốc! Nhật bản đang mạnh hơn Trung Quốc về kinh tế và trình độ phát triển, nhưng một cuộc chiến, thì Nhật đơn phương không phải là đối thủ.
    Một cuộc chiến, dù chỉ trên biển Đông, và dù có thể kết thúc trong vài giờ, nhưng nguy cơ lây lan không thể tránh, và nguy cơ mất nước không thể không tính đến. Người Việt có thói quen dọn dẹp nhà cửa trước khi đón khách. Trước khi đối phó kẻ địch đến từ bên ngoài, phải dọn dẹp kẻ địch bên trong.
    Phải đóng cửa biên giới, phải phong toả tất cả những nơi có người Trung Quốc. Trước khi có chiến tranh 1979, Lê Duẩn và Nguyễn Đức Tâm đã dọn sạch người Hoa tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhưng làm những việc này, sẽ gây ra những thiệt hại mà nền kinh tế Việt Nam không thể chịu nổi. Và không còn kịp được nữa. Trước khi dọn xong, thì nhà chắc đã mất.
    Phải vô hiệu hoá tay chân, gián điệp Trung Quốc nằm trong bộ máy đảng và chính phủ. Nhưng bọn này đang có mặt mọi nơi, ngay trong Bộ chính trị, ngay trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, dọn được lũ này, liệu chế độ còn không.
    Cần gấp một cơ chế để Mỹ có quyền can thiệp trong bất kỳ một tình huống khẩn cấp nào. Bởi vì nguyên tắc bất di bất dịch của Trung Quốc là bằng mọi giá tránh chiến tranh trực tiếp với Mỹ. Trung Quốc sẽ dừng lại ngay trước khi Mỹ tham chiến, dàn xếp tay đôi với Mỹ, nếu không bị ràng buộc bằng một hiệp định, Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đều có thể không thoát được nguyên lý, “nếu không mua được bằng lợi ích thì sẽ mua được bằng rất nhiều lợi ích”. Trong khi Mỹ rất cần một lý do đủ quan trọng để có thể áp dụng lệnh cấm vận toàn diện với Trung Quốc, bằng cách đó làm cho Trung Quốc suy sụp, không còn sức để tham vọng bá chủ. Nếu không có một Hiệp định để công khai trấn áp Trung Quốc, Mỹ sẽ không can thiệp để sau đó lấy cớ trừng phạt. Kẻ thua thiệt là Việt Nam.
    Không thể để mất đảo, mất biển, vì nếu mất đảo, mất biển vào tay Trung Quốc, Đảng Cộng sản sẽ không gánh nổi trách nhiệm. Dân sẽ nổi dậy, chế độ cộng sản sẽ biến mất. Một Chính phủ mới lâm thời sẽ được lập ra ngay tức khắc ký Hiệp định yêu cầu Mỹ, Nhật, Liên Hiệp Quốc, thậm chí cả NATO can thiệp.
    Đây là thông điệp mà chúng ta muốn chuyển tới những kẻ đang cầm quyền tại Hà Nội.
    Paris ngày 21/06/2016
    B.Q.V.

    CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA VỊ VUA KỲ LẠ - KỲ 1: Nước bẩn lấy máu mà rửa!

    CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA VỊ VUA KỲ LẠ - KỲ 1:

    Nước bẩn lấy máu mà rửa!

    15/06/2016 11:18 GMT+7
    TTO - Những ngày đầu mùa hè 1916 tại Huế và các tỉnh Trung kỳ, đã diễn ra một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do vua Duy Tân lãnh đạo cùng hai vị thủ lĩnh là Trần Cao Vân và Thái Phiên.
    Nước bẩn lấy máu mà rửa!
    Vua Duy Tân lên ngôi
    ""
    100 năm qua, đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về “trường hợp đặc biệt của lịch sử Việt Nam” này. 
    Thế nhưng mới đây, một nhóm nghiên cứu lịch sử do Nguyễn Trương Đàn chủ trì, đã tiếp cận được một bộ tư liệu lưu trữ ở Pháp với những thông tin mới mẻ, khác hẳn với những gì sách sử lâu nay viết về cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ 1916.
    Có rất nhiều câu chuyện của cuộc khởi nghĩa này đến nay vẫn chưa được nhiều người Việt biết đến...
    Ông vua 8 tuổi
    Tháng 7-1885, kinh đô Huế thất thủ, quyền hành của triều Nguyễn mất hết vào tay thực dân Pháp. Tháng 9-1886, Pháp ép triều Nguyễn tách Bắc kỳ nhập vào nước Pháp như Nam kỳ trước đó. Nước An Nam của vua Nguyễn chỉ còn ở Trung kỳ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).
    Tháng 7-1887, vua Đồng Khánh buộc phải chấp nhận Nam triều trở thành cơ quan thừa hành mệnh lệnh của Pháp. Pháp lập ra quan khâm sứ Trung kỳ - một chức vụ như đại sứ của nước Pháp nhưng lại điều hành các hoạt động của triều đình An Nam.
    Từ năm 1897, dưới thời vua Thành Thái, các văn bản của vua đều phải được quan khâm sứ Trung kỳ hoặc quan toàn quyền Đông Dương của Pháp chuẩn y mới được ban hành. Đến năm 1898, người Pháp kiểm soát luôn cả tài chính và trả lương tháng cho vua quan triều Nguyễn như viên chức làm thuê cho họ.
    Những thông tin này được tham khảo từ sách Việt Nam thời Pháp đô hộ của nhà sử học Nguyễn Thế Anh (giáo sư Đại học Sorbonne, Pháp). Phẫn uất với sự toàn quyền này, vua Thành Thái tỏ thái độ phản đối và tìm cách chống lại Pháp. Vì vậy, người Pháp cho rằng vua bị bệnh điên rồi quản thúc vua ở ngay trong Tử cấm thành - nơi vua sống và làm việc, đồng thời tìm người thay thế vua.
    Triều đình đề nghị nên chọn hoàng tử trưởng của vua Thành Thái để kế vị nhưng người Pháp không thích chọn một vị vua đã trưởng thành, sẽ khó sai bảo, mà chỉ muốn tìm một người theo “tiêu chuẩn riêng” của họ: ngốc nghếch, đần độn. Lần lượt các hoàng tử khác được đưa ra đều bị quan toàn quyền Đông Dương và khâm sứ Trung kỳ bác bỏ vì “các trẻ thừa kế đều mang tật xấu của cha (tức vua Thành Thái)”.
    Các quan tây rà soát lại danh sách thì thấy còn thiếu hoàng tử Vĩnh San, liền cho người đi tìm. Vĩnh San lúc đó mới 7 tuổi, đang nghịch đất cát lấm lem mặt mày, được các thị vệ đưa ngay vào cho các quan tây coi mặt.
    Thoạt nhìn đứa bé con nhút nhát và sợ người tây, các quan Pháp ưng ý ngay. Vĩnh San lên ngôi vua ngay ngày hôm đó 5-9-1907 khi chỉ mới 7 tuổi. Triều đình phải tăng thêm một tuổi nên các sách sử sau đó đều ghi là 8 tuổi. Những thông tin này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - tác giả sáchNhững bí ẩn về cựu hoàng Duy Tân cung cấp.
    Sự thay đổi sững sờ
    PGS.TS Hoàng Văn Hiển (Trường đại học Khoa học Huế), tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về vua Duy Tân, cho biết ngay trong buổi chiều diễn ra lễ đăng quang, Vĩnh San đã trở thành một con người khác hẳn. Ông vua trẻ con không còn một sự nhút nhát nào mà thay vào đó là một thái độ chững chạc như người lớn.
    “Một ngày trên ngai vàng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một cậu bé lên 8!” - một nhà báo Pháp đã thốt lên như thế. Những ngày sau đó, vị vua 8 tuổi này đã nói chuyện với quan toàn quyền và khâm sứ bằng tiếng Pháp lưu loát, đôi khi còn đưa ra những câu nói với giọng điệu trịch thượng, đúng khẩu khí của một vị quân vương.
    Theo nhà báo Pháp Roland Dorgelès, sự thay đổi kỳ lạ của vị hoàng đế 8 tuổi này như thể “một linh hồn khác đã nhập vào thể xác nhỏ bé ấy”.
    Điều đáng nói là ông vua 8 tuổi này lại chọn niên hiệu cho mình là Duy Tân, có nghĩa là canh tân, đổi mới. Trong lúc này ở Trung kỳ và Bắc kỳ đang có phong trào Duy Tân do các sĩ phu và trí thức yêu nước phát động rầm rộ nhằm khai trí cho dân Việt. Điều đó càng khiến người Pháp rất lấy làm tiếc vì đã “chọn nhầm người”.
    Theo PGS.TS Hoàng Văn Hiển, người Pháp đã “sửa sai” bằng cách thành lập Phủ phụ chính của triều đình với sáu ông quan đại thần nhưng lại do quan khâm sứ Trung kỳ (người Pháp) chủ tọa.
    Họ đưa ông thầy người Pháp (gốc Đức) là tiến sĩ Ébérhard đến dạy học cho vua, để uốn nắn vua theo Pháp và kiểm soát mọi suy nghĩ, hành động của vua. Đồng thời cho xây dựng một nhà an dưỡng (gọi là hành cung Thừa lương) tại bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị), rồi đưa vua ra đó để học hành và vui chơi nhằm cách ly vua với triều đình.
    “Tính xấu” của vua: chống Pháp!
    Tình hình ngày càng căng thẳng khi ông vua trẻ mỗi ngày mỗi “cứng đầu” trong khi người Pháp lại lộng quyền hơn. Sau vụ đào bới tìm kho báu ở lăng Tự Đức vào cuối năm 1912, vua Duy Tân lúc đó mới 12 tuổi đã phản ứng mạnh mẽ khiến toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut phải yêu cầu dừng lại. Thế nhưng sau đó, người Pháp vẫn tiếp tục làm tiếp hai cuộc đào bới khác trong năm 1915.
    Ngày 16-8-1915, khâm sứ Trung kỳ Charles cho khai quật để tìm kho báu ngay trong hoàng cung khi vua Duy Tân đang ở Cửa Tùng. Vua rất tức giận và quở mắng các vị quan thượng thư đã không dám can ngăn việc này. Nhưng đến ngày 7-10-1915, khâm sứ Charles vẫn tiếp tục cho đào tìm kho báu ở lăng vua Tự Đức, ngay khi vua Duy Tân đang ở hoàng cung. Nhà vua phản ứng gay gắt với khâm sứ Charles rằng đó là một việc làm điên rồ.
    “Ông ta nói rằng mình sinh ra là để chỉ huy chứ không để phục tùng” - khâm sứ Trung kỳ Charles báo cáo với toàn quyền Đông Dương. Những thông tin này, theo Nguyễn Trương Đàn, được ghi trong một tài liệu đánh số 209 (14) thuộc bộ hồ sơ số 9588 trong thư mục Toàn quyền Đông Dương nói trên.
    Cũng theo Nguyễn Trương Đàn, vào tháng 11-1915, nhà vua đã triệu tập các quan đại thần yêu cầu xem xét lại hiệp ước mà triều đình đã ký với Pháp năm Giáp Thân 1884 (còn gọi là hiệp ước Patenôtre), và buộc các quan phải ký vào văn bản đòi sửa đổi hiệp ước gửi cho Tòa khâm sứ Trung kỳ. Các vị thượng thư hoảng sợ và không thực hiện yêu cầu này. Từ đó, vua lạnh nhạt với cả triều thần.
    Vào mùa hè, vua Duy Tân ra biển Cửa Tùng nghỉ mát. Một hôm, ông vua thiếu niên từ bãi tắm chạy lên với hai bàn tay lấm lem đất cát. Quan thị vệ mang thau nước đến cho vua rửa tay. Vua hỏi: tay bẩn thì lấy nước để rửa, rứa nước bẩn lấy chi mà rửa? Ông quan thị vệ hoảng hốt, không biết trả lời thế nào. Vua liền nhấn giọng: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!”.
    Tư liệu mới
    Thông qua giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh và PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đang dạy học ở Pháp, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn (hiện sống tại Đà Nẵng) đã nhận được bản sao lục các tài liệu liên quan đến vua Duy Tân và “cuộc biến loạn ở Trung kỳ 1916” đang cất giữ ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp).
    Ông Đàn cho biết đó là ba hộp hồ sơ với hơn 260 tài liệu, thuộc thư mục Toàn quyền Đông Dương, chép đầy đủ diễn biến của vua Duy Tân, triều đình An Nam và hoạt động của người Pháp tại Trung kỳ thời kỳ này.
    Các ghi chép của người Pháp trong tài liệu cho thấy vị vua thiếu niên này mạnh mẽ khác hẳn với người bình thường cùng lứa tuổi. “Ông ta muốn giữ vai trò người chủ, người lãnh đạo điều hành” - tiến sĩ Ébérhard, ông thầy dạy học kiêm theo dõi vua, đã báo cáo với các quan trên như thế. Quan khâm sứ Trung kỳ thì báo cáo với toàn quyền Đông Dương rằng: “Chúng tôi cũng đã phát hiện ở ông vua trẻ này những tính xấu đáng tiếc của vua cha (tức vua Thành Thái)”. “Tính xấu” đó của vị vua trẻ này chính là: chống Pháp!
    __________
    http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160615/nuoc-ban-lay-mau-ma-rua/1118443.html
    Kỳ tới: Cuộc gặp gỡ lịch sử
    MINH TỰ