Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015





Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế

Làng Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) cách TP Huế khoảng 40km, nơi đây nổi bật bởi dải rừng lộc vừng xanh mướt, hàng trăm năm tuổi.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng là ba bậc cao niên nằm trong Hội đồng làng Siêu Quần. Kể về lịch sử của rừng lộc vừng, các cụ cho biết, làng Siêu Quần khi xưa thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, vốn là điểm cuối của vùng đất mà vua Chăm dâng Đại Việt, được lập ra vào năm 1306.
Những bậc tiền hiền của làng đã trồng cây lộc vừng tổ trên đất chùa của làng. Sau khi đắp đê ngăn mặn, nhận thấy cây lộc vừng có những đặc tính hợp với thổ nhưỡng, họ đã quyết định chọn giống cây này trồng đại trà trên những con đê để giữ đất, chắn sóng.
Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 1

Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 2
Rừng lộc vừng 500 năm tuổi trải dài bao bọc chở che ngôi làng
Để khuyến khích người dân trồng lộc vừng, "Ngài Khai Canh" (Người lập làng - PV) lúc bấy giờ đã đưa ra quy ước, ai trồng càng nhiều lộc vừng sẽ được thưởng càng nhiều gạo và áo. Người dân sau khi trồng lộc vừng được thưởng gạo nhưng không thấy thưởng áo đã đem lòng thắc mắc. Tuy nhiên, khi lộc vừng tốt tươi, trải qua bao trận bão lũ thiên tai, làng Siêu Quần vẫn bình yên vô sự nhờ sự chở che của những dải lộc vừng trồng trên bờ đê, họ mới ngộ ra tấm áo mà Ngài Khai Canh nói đến chính là những cây lộc vừng do chính mình trồng.
Trong ký ức của các cụ cao niên, hình ảnh những cây lộc vừng đã gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ với những trưa hè chăn trâu cắt cỏ nằm ngủ, chơi đùa dưới tán cây. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, rừng lộc vừng đã như “tấm áo giáp” chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích.

Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 3
Trước ngõ mỗi nhà dân ở làng Siêu Quần đều trồng cây lộc vừng
Không chỉ vậy, rừng lộc vừng còn cứu đói cho cả dân làng trong những ngày đói kém, không thể sản xuất. Nhớ về những ngày đó, một cụ ông trong làng chia sẻ: "Ngày ấy, chiến tranh loạn lạc, người dân trồng trọt luôn bị mất mùa, không có gạo, sắn ăn. Để sống qua ngày, cha mẹ chúng tôi thường hái ngọn lộc vừng ăn. Thứ nấu canh, thứ ăn sống kẹp với con rạm nấu. Món đó, vừa có sẵn, vừa ngon mà cũng rất bổ dưỡng".
Đến nay, rừng lộc vừng không ngừng phát triển với diện tích khoảng 20ha, chiếm 1/5 diện tích làng.

Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 4
Những cây lộc vừng lâu năm bị phủ bởi rêu phong và những giò lan rừng
Để giữ được rừng lộc vừng cho đến ngày hôm nay là nhờ hương ước của làng. Trong đó, hương ước làng có quy định, ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt 500.000 đồng, nêu tên trên loa phát thanh xã, đồng thời phải có mâm trau cầu, rượu đưa ra đình làng tạ lỗi với dân làng.
"Những năm trước, cây lộc vừng được giá. Nhiều kẻ xấu về đào trộm lộc vừng. Dân làng chúng tôi phải thành lập một đội bảo vệ canh gác thường xuyên để giữ áo cho làng", một bô lão khác cho hay.
Đến làng Siêu Quần, hàng cây lộc vừng có lẽ là hình ảnh được bắt gặp nhiều nhất. Nhà nhà ai cũng có cây lộc vừng trước ngõ. Những ngày này, những nhánh hoa lộc vừng bắt đầu chớm nụ, có những dải hoa đã bắt đầu trổ hoa, tạo thành dải màu đỏ rực nổi bật trên nền lá màu xanh trông rất đẹp mắt.

Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 5
Cây lộc vừng tổ trồng trên đất của chùa làng
Làng hiện nay có 5 hàng lộc vừng được đặt theo những tên gọi từ xưa do cha ông đặt: bàu Rộng, bàu Tranh, duồng (hàng) Na, duồng Nọ, duồng Bạn. Về số lượng cây lộc vừng, theo thống kê thì lên đến hàng ngàn. Trong đó, có khoảng 1000 cây có tuổi đời trên 500 năm tuổi. Những cây nhỏ vài chục năm tuổi thì nhiều vô kể.
Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 6

Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 7


Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế - Ảnh 8
Những dải hoa lộc vừng nở rộ đỏ rực khoe sắc
Nổi bật và tự hào nhất vẫn là cây lộc vừng tổ được trồng trên đất chùa của làng. Cây này được trồng từ thời vua Trần Anh Tông ( khoảng năm 1306) khi lập làng. Được biết, hiện nay làng Siêu Quần đang lập hồ sơ gửi VACNE (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đề nghị vinh danh cây lộc vừng tổ này và một số cổ thụ khác của làng là cây Di sản Việt nam.
                                                                                                             LÊ KÔNG



Chuyện ít biết về làng giữ “Áo Quan cho”

“Áo Quan cho” là một chuỗi gồm hàng nghìn cây cổ thụ quý hiếm như lộc vừng, ma kê, bội... có tuổi thọ trên một trăm năm, cao cả chục mét, được trồng trên phần đất đào đắp cao khoảng 3m, rộng từ 8- 9m ở các làng cổ Phò Trạch, Siêu Quần và Vân Trình thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở làng Phò Trạch, “Áo Quan cho” có chiều dài hơn 6km, làng Siêu Quần khoảng hơn 3km và một phần ở làng Vân Trình. Không những vậy, công trình độc đáo này còn có giá trị lớn về mặt môi trường, văn hóa và tâm linh.
Ly kỳ một truyền thuyết
Không ai rõ công trình “Áo Quan cho” được thi công vào năm nào? Để tìm hiểu sự ra đời của “Áo Quan cho”, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Thanh Quang, 58 tuổi ở làng Phò Trạch. Từ nhỏ, ông Quang đã thấy “Áo Quan cho” hiện hữu như ngày nay. Thuở niên thiếu, ông Quang đã được các cụ cao niên trong làng kể cho nghe: “Áo Quan cho” có từ thời vua Tự Đức trị vì, từ năm 1847 đến 1883. Thời đó, làng Phò Trạch có người con gái được vào trong Kinh thành làm vợ một vị quan trong triều đình. Một lần, vị quan này về làng “vi hành”. Đi quanh làng tìm hiểu một vòng, vị quan này nói như thúc giục: “Dân làng cùng nhau đoàn kết lại để đào đất đắp đường đê bao quanh làng rồi trồng cây lên đó. Làm xong công việc, quan sẽ thưởng cho cơm gạo để ăn và cho áo để mặc”. Vị quan này còn căn dặn thêm “dân làng nhớ làm cho xong việc ta giao, ta sẽ thưởng như đã hứa”. Nói xong, vị quan có vẻ đắc ý với phong thái ung dung rồi rời làng.
                                                                                     Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần.
 Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần.
                                                                              Cây lộc vừng có kiểu dáng đẹp như thế này được giới cây cảnh trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng làng kiên quyết không bán.
Cây lộc vừng có kiểu dáng đẹp như thế này được giới cây cảnh trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng làng  Siêu Quần kiên quyết không bán.
Một đoạn “Áo Quan cho” ở làng Phò Trạch

Dân làng tin tưởng, phấn khởi và làm theo lời vị quan kia để mong sớm nhận được “lộc quan” hứa cho. Sau một thời gian, công trình hoàn thành nhưng dân làng chỉ nhận được gạo để ăn. Còn áo để mặc mà vị quan kia hứa cho thì chờ mãi không thấy đâu cả. Thời gian thấm thoắt trôi qua, dân làng cũng dần quên chuyện vị quan kia hứa cho áo để mặc. Nhiều năm sau, cây cối đã mọc xanh tốt trên đoạn đường mà dân làng khổ công đào đắp. Rồi dân làng nhận thấy, cây cối phát triển sẽ che chắn được gió từ biển thổi vào khiến mùa đông không còn lạnh như trước nữa. Trâu bò và kể cả người dân không còn bị chết vì rét.

Làng mới sực phát hiện ra “cái áo” vị quan kia hứa cho chính là rặng cây trồng trên một con đê bao bọc quanh làng, để giúp làng tránh khỏi sự tàn phá của thiên nhiên. Nhớ ơn vị quan kia đã có cái “nhìn xa trông rộng” nhưng không biết tên để cảm tạ, dân làng đã đặt tên công trình này là “Áo Quan cho” hay còn gọi là “Đường Quan” để ghi nhớ công ơn.

Công trình “Độc nhất vô nhị”

Theo cụ Phạm Bá Diện, 91 tuổi ở làng Phò Trạch, thì “Áo Quan cho” là công trình “độc nhất vô nhị”, không nơi nào có được và có giá trị lớn về nhiều mặt. Cụ Diện cho rằng, “Áo Quan cho” ngăn cản được sức tàn phá của nước lũ, cản được gió mạnh rít giật từ đầm phá, từ biển thổi vào làng và làm mùa đông bớt đi lạnh giá.

Mùa hè thì không đâu tìm được không khí trong lành và mát mẻ như ở đây. Mùa lũ thì giảm được thiệt hại đáng kể về người và của. Cụ Diện lấy dẫn chứng, đợt bão lớn năm 1973, nhờ có “Áo Quan cho” mà làng không bị xóa sổ. Lũ lụt lịch sử năm 1999, nhờ “Áo Quan cho” cản nước lũ chảy xiết mà dân làng sơ tán kịp thời. Hơn nữa, về mặt quân sự, “Áo Quan cho” như một chiến lũy bảo vệ làng thực thụ, khi cần có thể thực hiện chiến thuật “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. “Áo Quan cho” cũng tái hiện văn hóa của một làng quê thuần Việt khép kín, yên bình và tính cộng đồng cao. Mặt khác, “Áo Quan cho” còn có ý nghĩa về mặt tâm linh vì được dân làng coi như một công trình để tưởng nhớ đến ông cha đã khai phá để làng tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Công dụng của “Áo Quan cho” là vậy, song “Áo Quan cho” vẫn là một công trình đặc biệt và kỳ bí. Đặc biệt ở chỗ, hiếm nơi nào gìn giữ, bảo tồn được hàng nghìn cây cổ thụ quý hiếm như thế. Kỳ bí vì nó là một công trình có thật và có nhiều công dụng trong thực tế nhưng nguồn gốc ra đời thì nhuốm màu truyền thuyết.

Ông Nguyễn Văn Cận cán bộ địa chính xã Phong Bình cho biết: Chủ sở hữu của chiếc “Áo Quan cho” chính là làng. Làng ra quy ước bảo vệ nghiêm ngặt “Áo Quan cho” như nghiêm cấm vào lấy củi; bán, khai thác cây... Việc bảo vệ “Áo Quan cho” được đưa vào tiêu chí để đánh giá gia đình văn hóa. Làng còn bố trí người thay phiên nhau canh giữ, bảo vệ… vì đã nhiều lần kẻ xấu muốn bứng những cây cổ thụ từ “Áo Quan cho”.

“Áo Quan cho” cũng được không ít du khách biết đến. Trong đó, có nhiều người là dân chơi “đi săn" cây cảnh hiếm. Có dân chơi cây cảnh hiếm đã ra giá cả trăm triệu đồng để mua cây cổ thụ ở công trình “Áo Quan cho” nhưng làng kiên quyết không bán và cũng không ai được bán vì đó là tài sản vô giá của ông cha để lại. “Áo Quan cho” gắn với sự sinh tồn của làng như quy ước ghi: “Áo Quan cho” còn thì làng còn, “Áo Quan cho” mất thì làng mất.

Rừng lộc vừng cổ thụ trước miếu Bà.
Người làng Siêu Quần xác nhận một hiện tượng lạ: những cây lộc vừng cổ thụ thường được cây xanh mộc cuộn lấy, như muốn giữ cho cây thêm vững chãi.

Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần.


Nguyên Lý

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương là gì?

(PetroTimes) - Một trong những kết quả trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là hai nước bày tỏ sự quyết tâm hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm nay. Thời gian gần đây, hiệp định này được nhắc nhiều trên truyền thông bởi Mỹ đang rốt ráo thúc giục các nước nhanh chóng tham gia đàm phán ký kết. Vậy TPP là gì và Việt Nam được lợi gì khi gia nhập liên minh này?
Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng ngày 25/7, Tổng thống Obama phát biểu: “Chúng tôi cam kết hoàn tất hiệp định này trước cuối năm nay vì chúng tôi biết rằng, nó có thể tạo thêm công ăn việc làm và tăng đầu tư trong khu vực cũng như cho cả hai quốc gia”.
Mỹ và Việt Nam là hai trong số 11 nước hiện đang tham gia đàm phán TPP trong vòng 3 năm qua. Nhật Bản cũng vừa trở thành thành viên thứ 12 vào ngày 23/7 vừa qua.
Đây là hiệp định của thế kỷ XXI, giúp tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy các mục tiêu phát triển và giúp tạo việc làm ở Việt Nam, Mỹ và các nước thành viên TPP khác, trong khi tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên trong khuôn khổ một thỏa thuận cân bằng và toàn diện.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/7
Tại diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2011, lãnh đạo các nước Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã công bố phác thảo chung của TPP mà các bên mong muốn hoàn thành trong năm 2012. Khi có hiệu lực, TPP sẽ loại bỏ 11.000 dòng thuế của các bên, 26 chương đang đàm phán và có khả năng sẽ đóng vai trò như một khuôn mẫu cho các điều ước mậu dịch trong tương lai của các nước thuộc APEC. Trong cuộc gặp, lãnh đạo các nước Nhật, Canada và Mexico đã bày tò mong muốn thảo luận với các nước đối tác hướng tới việc tham gia vào các cuộc đàm phán.
TTP do Singapore, New Zealand và Chile xây dựng lần đầu vào năm 2003 như một lộ trình tự do hóa thương mại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Brunei tham gia đàm phán năm 2005 và TTP có hiệu lực từ năm 2006. Tháng 3/2008, Mỹ tham gia đàm phán nhằm ban hành các quy định về đầu tư và dịch vụ tài chính. Mỹ đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với các thành viên TPP là Singapore, Chile và với các bên tham gia đàm phán TPP là Australia và Peru. Tổng thống Bush đã thông báo với Quốc hội Mỹ ý định đàm phán với các thành viên TPP hiện hữu vào ngày 22/9/2008 và với các thành viên tiềm năng khác là Australia, Peru và Việt Nam ngày 30/12/2008. Nhóm 8 nước này đã trải qua 3 cuộc đàm phán trong năm 2010. Malaysia là đối tác đàm phán thứ 9 được gia nhập năm 2010 và nước này đã tham gia vòng đàm phán thứ tư vào tháng 12/2010 tại New Zealand.
Ngày 14/11/2009, Tổng thống Obama cam kết cho Mỹ tham gia với các nước thuộc TPP “với mục tiêu định hình một thỏa thuận khu vực rộng mở với tiêu chuẩn xứng tầm một hiệp định thương mại của thế kỷ XXI”.
Các nhà phân tích tin rằng, việc kết nạp Mỹ có vai trò thúc đẩy sự gia nhập của các nước Châu Á - Thái Bình Dương khác. Bằng cách này, TPP được xem như một nền tảng để xây dựng một khu vực mậu dịch tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) lớn hơn. Bước đi có nhiều ý nghĩa ở chỗ nó sẽ được xem như một chính sách của Mỹ đáp lại sự tiến triển nhanh chóng các liên kết chiến lược và kinh tế giữa các nước châu Á, một vài nước trong số đó đã loại bỏ Mỹ và các nước châu Mỹ những năm gần đây. Tại phiên đàm phán đầu tiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Tim Groser lập luận rằng, Mỹ sẽ dùng TTP “như một phương tiện chủ yếu để đưa Mỹ vào cuộc chơi của khối Châu Á - Thái Bình Dương”. Ông cũng nói thêm rằng, giá trị gia tăng của TPP với Mỹ là nhằm mở rộng với các nước khác “nên điều đó chỉ có ý nghĩa về phương diện của siêu cường kinh tế số một thế giới nếu nó thực sự là một nền tảng tạo một cái gì đó to lớn hơn”.
Một số quan sát viên tin tưởng việc gia nhập TTP sẽ mở rộng thương mại của Mỹ với châu Á đồng thời củng cố các mối quan hệ của Mỹ trong khu vực. Mỹ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nước châu Á. Dù vậy, vai trò của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại của nhiều nước châu Á đang giảm sút. Sự lo lắng trong các chính sách của Mỹ và của các nhà phân tích thương mại là Mỹ có nguy cơ bị cô lập vì không có phản ứng với sự gia tăng đột biến về số lượng các hiệp định thương mại phát sinh ở châu Á những năm gần đây, đóng vai trò như một nhân tố then chốt đằng sau các quyết định nhằm thu hút thêm nhiều sự chú ý của các mô hình thuộc khu vực châu Á, trong đó có TPP. Nhờ tham gia TPP mà Mỹ đã bắt đầu thay đổi cơ cấu hoạt động này bằng cách cố gắng gia nhập khối thương mại mới này, đồng thời định hình nó phù hợp với nước Mỹ hiện tại.
Một bức tranh tương đối toàn diện về “được, mất” của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP đã được thể hiện tại hội thảo ngày 26/3/2013 tại Hà Nội do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Công Thương tổ chức. Trong đó, ý kiến của GS Peter Petri, Đại học Brandeis cho rằng, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 đối tác đàm phán TPP dường như không lấn át được những rủi ro mà các chuyên gia Việt Nam nêu lên tại hội thảo.
Ông Petri tới Việt Nam với tư cách là cố vấn cao cấp của Dự án Hỗ trợ Thi hành Pháp luật về Hội nhập Kinh tế (USAID/STAR Project), tính toán khi TPP đi vào hiện thực, Việt Nam sẽ tăng thu GDP thêm khoảng 26,2 tỉ USD nếu chưa tính Nhật Bản và là 25,7 tỉ nếu gồm cả thành viên thứ 12 này.
Tuy nhiên, “miếng bánh” TPP theo ý kiến các chuyên gia Việt Nam lại không ngọt ngào như vậy. Bà Phùng Thị Lan Phương, Ban Thư ký Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ trong TPP cao và phức tạp trong khi nguyên liệu hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt những ngành như may mặc, giày dép, lại chủ yếu phải nhập từ các nước ngoài TPP. Tính bảo hộ sở hữu trí tuệ cao mà Mỹ đặc biệt nhấn mạnh cũng gây ra những lo ngại tới khả năng tiếp cận thuốc chữa bệnh cho người dân Việt Nam cũng như cơ hội tiếp cận tri thức, khoa học, tài sản văn hóa, tinh thần…
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng lo ngại nguyên tắc “chỉ tiến không lùi”, hay “bước chân đi cấm kỳ trở lại” trong TPP là một nguyên tắc khó cho Việt Nam. Ông Khanh lấy ví dụ: Nếu cơ quan hoạch định chính sách thử cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 51% cổ phần nhưng sau một thời gian thấy chính sách đó không ổn thì không thể quay đầu lại nữa, đòi hỏi cơ quan quản lý và hoạch định chính sách phải có trách nhiệm và thận trọng hơn.
Ông Khanh cho biết, bên cạnh một số lo ngại thì Việt Nam cũng kỳ vọng TPP sẽ là cú hích cho xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải cách.
Giải thích lý do vắng mặt của Trung Quốc trong sân chơi TPP, học giả Trung Quốc Zhu Wenhui cho rằng TPP như một “mạng lưới quyền lực mềm mà Mỹ đang phủ quanh Trung Quốc”.
Theo học giả này, với vị thế là đối tác lớn nhất trong hiệp định, Mỹ đang phát triển TPP thành một tổ chức có sức ảnh hưởng cao trong khu vực; đồng thời chịu sự chi phối lớn từ phía Mỹ. Qua đó, học giả này đưa ra lời cảnh báo, những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế khu vực sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và sẽ bị kìm hãm trên nhiều lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc và luật chơi do Mỹ đặt ra.

H.Phan (Tổng hợp)

Những ảnh hưởng của TPP




Hầu hết chúng ta chỉ biết TPP - Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương như là một hiệp định thương mại sẽ thúc đẩy và mở rộng thị trường quốc tế của các nước thành viên. Tuy vậy, còn hơn thế nữa, TPP sẽ đặt ra các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao và xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21.

Các vấn đề đó là gì ? Sau đây là những vấn đề điển hình mà TPP sẽ đề cập và thay đổi trong nền kinh tế, xã hội và chính sách luật pháp của toàn bộ 12 nước thành viên:



THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA 

TPP sẽ xoá bỏ thuế quan và giúp cho các sản phẩm của một nước thành viên có thể dễ dàng xuất khẩu sang các nước TPP khác.

Các hàng rào hạn chế khác (như: yêu cầu về giấy phép nhập khẩu) cũng sẽ được xóa bỏ.



DỆT MAY

Dệt may đang là một trong những vấn đề nổi bật nhất tại các vòng gặp mặt giữa các thành viên TPP

Có khả năng cao TPP sẽ áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi”, đòi hỏi các sản phẩm dệt may phải được sản xuất từ các loại sợi và vải của các quốc gia TPP  để đảm bảo lợi ích của hiệp định TPP, và đảm bảo rằng hàng dệt may không đủ tiêu chuẩn từ các nước ngoài TPP không được hưởng những ưu đãi dành riêng cho các nước thành viên TPP;



DỊCH VỤ

TPP sẽ mang lại quyền tiếp cận tự do hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vưc dịch vụ (kể cả dịch vụ tài chính) để họ được đối xử tốt hơn hoặc bình đẳng tại sân chơi chung giữa các nước thành viên.

TPP có thể sẽ có các điều khoản cho phép các nhà cung cấp dịch vụ được cung cấp dịch vụ mà không cần thành lập văn phòng ở mỗi nước TPP;



ĐẦU TƯ

TPP sẽ tự do hoá thị trường đầu tư các nước TPP, áp dụng các quy định không phân biệt đối xử và giảm hoặc xoá bỏ các rào cản đối với việc thành lập và thực hiện các khoản đầu tư ở các nước TPP.

Ngoài ra, TPP sẽ giới hạn những quyền lợi của các công ty nhà nước trong lĩnh vực đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài còn có thể kiện chính phủ các nước thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP



LAO ĐỘNG

Yêu cầu tuân thủ đối với các quyền lao động cơ bản được công nhận bởi Tổ chức lao động quốc tế cũng như các điều kiện lao động có thể chấp nhận được.



MÔI TRƯỜNG

TPP sẽ đưa ra các quy định mới điều chỉnh buôn bán động vật hoang dã; khai thác gỗ bất hợp pháp và đánh bắt trái phép.



THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ  VÀ VIỄN THÔNG

Các nước thành viên sẽ cam kết không áp thuế hải quan, và phân biệt đối xử đối với các sản phẩm số (ví dụ: phần mềm, âm nhạc, video, sách điện tử).

TPP sẽ hỗ trợ một mạng Internet toàn cầu, duy nhất bao gồm đảm bảo thông suốt dữ liệu qua biên giới, phù hợp với lợi ích chính đáng của các chính phủ trong việc bảo vệ quyền riêng tư.

Ngoài ra, TPP sẽ có các điều khoản khuyến khích sự lựa chọn công nghệ và giải pháp thay thế mang tính cạnh tranh nhằm giải quyết vấn đề chi phí cao của việc chuyển vùng điện thoại quốc tế.



CHÍNH SÁCH CẠNH TRANH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

TPP sẽ đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo những tính toán thương mại và cạnh tranh một cách bình đẳng mà không có sự ưu đãi quá mức nào từ chính phủ, trong khi vẫn cho phép chính phủ được hỗ trợ và cho những doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công ở trong nước.



QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

TPP sẽ bảo vệ mạnh mẽ các bằng sáng chế,nhãn hiệu,vản quyền và bí mật thương mại, bao gồm cả các biện pháp tự vệ chống lấy trộm qua mạng các bí mật thương mại.



HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI VÀ CÁC BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT

Các nước thành viên sẽ có các cam kết tăng cường tính minh bạch,giảm chi phí thử nghiệm và chứng nhận không cần thiết,mở rộng hơn nữa việc xây dựng các tiêu chuẩn.



MINH BẠCH HÓA ,CHỐNG THAM NHŨNG VÀ GẮN KẾT MÔI TRƯỜNG CHÍCH SÁCH

TPP sẽ lập ra các cam kết về những thông lệ tốt trong xây dựng chính sách, và các cam kết ngăn cản tham nhũng và thiết lập những quy tắc ứng xử đê nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức của công thức.



HẢI QUAN,THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI VÀ CÁC QUY TẮC XUẤT XỨ

TPP sẽ đảm bảo việc giải phóng hàng nhanh,thủ tục giải quyết nhanh cho các lô hàng chuyển phát nhanh,xác nhận trước,và các quy định hải quan minh bạch,dễ dự đoán;

Ngoài ra, TPP sẽ đưa ra được một quy tắc xuất xứ chặt và thông dụng để đảm bảo chỉ dành những lợi ích của TPP cho các nước TPP



MUA SẮM CHÍNH PHỦ

TPP sẽ đưa ra được các cam kết tự do hóa các thị trường mua sắm chính phủ của các nước TPP.



GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

TPP sẽ thiết lập một cơ chế, tòa án đặc biệt giải quyết tranh chấp công bằng và minh bạch để áp dụng xuyên suốt hiệp định.

Ngoài những vấn đề trên, TPP sẽ còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, yếu tố khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng của toàn bộ thành viên TPP. Khi TPP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có những cơ hội to lớn hơn bao giờ hết để tham gia vào nền thương mại toàn cầu.

Nguồn thạm khảo gốc và chính:
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ
Trung tâm WTO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam