Môn lịch sử bị khai tử bằng cuộc cưỡng duyên kì lạ?
Tại Hội thảo khoa học về môn lịch sử vào ngày 15-11, giới chuyên môn đã đanh thép chỉ trích Bộ GD-ĐT đang “khai tử môn lịch sử” khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Mặc cho những lý giải của Bộ GD-ĐT cho quan điểm “không coi nhẹ môn lịch sử”, nhưng tại Hội thảo này, giới chuyên môn đã dẫn chứng ngược lại.
"Dù Bộ GD-ĐT có giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử”, đã xóa bỏ môn Lịch sử. Khi một ít kiến thức lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn học khác thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó".
|
GS Phan Huy Lê |
GS Nguyễn Quang Ngọc, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN đã gọi việc Bộ GD-ĐT tích hợp môn lịch sử với môn học khác là “một cuộc cưỡng duyên kì lạ”.
Hạ thấp vai trò môn lịch sử
GS Ngọc cho rằng sở dĩ môn lịch sử trong chương trình hiện hành bị héo hắt, lụi tàn là do nhiều năm qua bị xem là môn học phụ, không nằm trong nhóm môn học bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT nên nhiều học sinh không học, hoặc chỉ học đối phó.
Trong hoàn cảnh khốn khó đó, Bộ GD-ĐT chẳng những không nhận ra việc đặt nhầm vị trí môn lịch sử mà lại thiết kế chương trình giáo dục phổ thông đưa nội dung môn lịch sử tích hợp trong môn học khác.
“Nền giáo dục nước ta liệu có còn dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, dân tộc, có tôn trọng truyền thống đạo lý của VN nữa hay không”, GS Ngọc phản biện gay gắt.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh |
PGS TS Kiều Thế Hưng, Khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn giải thích của Bộ GD-ĐT: “Giáo dục lịch sử không phải trách nhiệm độc tôn của bộ môn lịch sử và người ta có thể giáo dục lịch sử bằng nhiều cách, nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau, không thể coi giáo dục lịch sử chỉ là việc dạy sử”. Và ông nhận xét giải thích này giống như hành động “hạ thấp vai trò của bộ môn lịch sử”.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều chỉ trích Bộ GD-ĐT đã khai tử, đã xóa bỏ, vùi dập môn lịch sử và hệ lụy của điều này là những thế hệ học sinh không hiểu lịch sử, không biết đến cội nguồn. Thậm chí nhiều nhà sử học đã đặt ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như việc Bộ GD-ĐT đang làm đi ngược với mục tiêu bảo vệ an ninh, chủ quyền dân tộc…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đáp lại những ý kiến chỉ trích, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT tha thiết mong các chuyên gia, nhà sử học hãy đọc kỹ tài liệu mà Bộ GD- ĐT cung cấp để hiểu rằng những ý kiến chỉ trích trên là “nói oan cho ngành GD-ĐT”.
Đại diện Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định với cách làm mới, Bộ GD-ĐT kỳ vọng các thế hệ trẻ sẽ hiểu biết và yêu lịch sử hơn.
“Có thể việc chúng tôi định hướng còn cần điều chỉnh và điều chúng tôi mong ở các chuyên gia, nhà sử học là góp ý thiện chí cho chúng tôi về cách làm, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng, có cơ sở khoa học, thực tiễn, chứ không nên chỉ trích Bộ GD-ĐT là "xóa bỏ môn Lịch sử”, nói như thế là hoàn toàn không đúng” - ông Hiển chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Ninh, phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, thường trực ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông cho rằng cách bố trí trên chỉ là thay đổi cách thực hiện nhằm mục đích giáo dục lịch sử hiệu quả hơn, chứ không loại bỏ môn lịch sử.
Đã có tiền lệ thì không thể gọi là đổi mới!
Tại hội thảo, ý kiến được coi là “đúng hướng cần bàn” hơn cả là của GS Trần Thị Vinh, khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bà Vinh cho rằng việc xây dựng môn học Công dân với Tổ quốc bao gồm ba phân môn giáo dục đạo đức, lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh là không có tính khả thi. Đây là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học do ba phân môn trên có đối tượng, mục tiêu, phương pháp giảng dạy khác nhau.
“Ai là người giảng dạy môn học lắp ghép nhiều kiến thức tổng hợp như thế. Và việc biên soạn chương trình SGK cho môn học lắp ghép này cũng rất khó khăn. Nếu người nào làm được, chúng tôi phải cắp sách đến học”, bà Vinh nói.
GS Trần Thị Vinh cũng cho rằng một môn học có tên Công dân với Tổ quốc chưa từng thấy nước nào có, chưa có tiền lệ nào cho việc hình thành một môn học có tính “lắp ghép” này.
GS.TS Trần Thị Vinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Phản biện lại ý kiến cụ thể của bà Vinh, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng “Có thể điều chúng tôi đặt ra chưa phải chắc chắn đúng, nhưng không có nghĩa cứ phải có tiền lệ mới làm, như thế thì không thể gọi là đổi mới”.
Ông Hiển cũng khẳng định môn Công dân với Tổ quốc chắc chắn không phải môn lắp ghép cơ học.
Ông Hiển cũng cho rằng “tích hợp không thể hiểu là giảm bớt môn học, ghép nhiều môn học vào một môn mà là cách để lược bỏ những nội dung trùng lặp, phối hợp, hỗ trợ giữa các nội dung khác nhau để thực hiện hiệu quả mục đích giáo dục”.
VĨNH HÀ TTO