Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015


Trung Quốc điên cuồng xây dựng thêm 2 sân bay trái phép ở Trường Sa

The Diplomat ngày 25/4 đưa tin, tốc độ, quy mô và cường độ xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc hiện nay ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là chưa từng có. Hoạt động xây dựng điên cuồng của Trung Quốc là một minh chứng về ý đồ bành trướng trên Biển Đông cũng như năng lực theo đuổi các dự án lớn thực hiện tham vọng (phi pháp) của họ.

Kết quả hoạt động này sẽ là sự mở rộng đáng kể lực lượng quân sự (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông mà The Diplomat cho rằng có thể "nhấn chìm" các quốc gia yêu sách nhỏ hơn. Hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao chụp ngày 17/4/2015 cho thấy, trong khoảng 10 tuần qua Trung Quốc đã xây dựng gần xong hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa.

Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 17/4/2015 đảo nhân tạo và đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


Kích thước và hình dạng của hòn đảo nhân tạo đang được tiến hành tương thích với một đường băng dài khoảng 3.300 mét, tương tự như chiều dài đường băng nước này đã xây dựng (bất hợp pháp) trên đá Chữ Thập trước đó. Theo các nhà phân tích quân sự, đường băng mới ở Xu Bi có thể hỗ trợ hầu hết các loại chiến đấu cơ của không quân trong hải quân và không quân Trung Quốc.

Gần đây nhất, ngày 6/2/2015 ở khu vực bãi đá Xu Bi chỉ có 2 vị trí nhỏ Trung Quốc nạo vét, đắp đất được phát hiện. Nhưng chỉ tính đến ngày 17/4/2015 Trung Quốc đã tạo ra được một diện tích bồi lấp 2,27 km vuông, tương đương với đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Chữ Thập.
Ảnh chụp vệ tinh ngày 13/4/2015 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


Một sự khác biệt đáng chú ý giữa sự tích tụ quân sự của Trung Quốc ở đá Chữ Thập so với đá Xu Bi là Chữ Thập có một cổng mới khá lớn và một đường băng, nhưng không có cầu cảng hải quân tàm cỡ như được nhìn thấy trong hình ảnh mới ở Xu Bi. Tại bãi đá Xu Bi, mép rặng san hô phía Nam bãi đá này đang được mở rộng và quây lại gần hoàn tất tạo thành vòng cung bảo vệ đúng nghĩa của nó.


Ngoài ra hoạt động bồi lấp vẫn tiếp tục mở rộng trên điểm cực Nam của bãi đá Xu Bi có thể nhằm mục tiêu hình thành cảng biển. Sân bay thứ 3 cũng đang manh nha hình thành trên đá Vành Khăn phía Đông quần đảo Trường Sa cũng đang được bồi lấp nhanh chóng với diện tích 2,42 km vuông tính đến ngày 13/4/2015 từ chỗ hầu như không có vị trí nào nhô lên mặt nước cách đây vài tháng.

Tàu thuyền Trung Quốc đang bơm cát bồi lấp phi pháp ngoài đá Vành Khăn, ảnh chụp ngày 13/4/2015.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất có 23 tàu hút bùn hoạt động ở đá Vành Khăn tính đến 13/4 cùng ít nhất hai chục tàu xây dựng trong đầm phá hình thành bởi rặng san hô vòng cung bãi Vành Khăn. 28 xe trộn bê tông và xe tải cũng có thể được nhìn thấy ngoài hàng chục xe tải lớn và hàng chục xe ủi.

Như vậy đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn là 3 trong 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988, 1995 đến nay đã và đang bị Trung Quốc cải tạo phục vụ cho các mục đích quân sự và hình thành sân bay. 

Hình ảnh chụp từ vệ tinh đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam 2 thời điểm, ngày 17/2/2015 và 13/4/2015.
Theo nguồn : giaoduc.net.vn

Tâm thư thủ khoa gửi Bộ trưởng Giáo dục về sự 'thay đổi luẩn quẩn'

Đỗ Duy Hiếu (sinh năm 1987) được biết đến với câu chuyện đời như cổ tích. Anh vươn lên từ đôi nạng gỗ, trở thành thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2013.

Duy Hiếu từng được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia 2013, Giải nhất tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2013. Hiện anh làm việc tại Viện Toán học.

Ngày 23/4, chàng trai này viết tâm thư với những ý kiến, đề xuất thẳng thắn gửi Bộ trưởng GD&ĐT về hàng loạt thay đổi trong thời gian qua. Chia sẻ của anh trên Facebook cá nhân hút hơn 1.000 lượt like (thích) và hàng trăm bình luận.

Không thể chịu nổi

Mở đầu thư, Duy Hiếu đặt câu hỏi: "Đến hôm nay, cháu cũng như rất nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh hầu như không thể chịu nổi vì có quá nhiều cải cách. Thay đổi liệu có cần thiết hay không? Liệu có giúp cho giáo dục nước nhà tốt lên hay không?".

Anh cho rằng, thông tin từ năm 2018 sẽ áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới như giọt nước tràn ly. Điều đó khiến anh có động lực viết thư vì không thể làm ngơ trước tình trạng thường xuyên đổi mới như hiện nay.

Duy Hiếu tâm sự: "Đã gần 9 năm cuộc đời xô đẩy cháu trở thành giáo viên luyện thi đại học. Năm nào, cháu, phụ huynh và học sinh cũng luôn thấp thỏm lo âu vì có quá nhiều thay đổi. Năm nay sẽ tuyển sinh như thế nào? Liệu có thi đại học nữa không?".

Đỗ Duy Hiếu được Bộ trưởng GD&ĐT tặng hoa khen ngợi.

Cụ thể, chàng thủ khoa đã chỉ ra hàng loạt những thay đổi về hình thức thi trong hơn 10 năm qua.

"Năm 2001 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng. Năm 2002, phương án tuyển chung. Năm 2013 lại phương án tuyển riêng. Sự thay đổi là vòng luẩn quẩn khi sau đó lại về vạch xuất phát. Vậy thay đổi để làm gì?"

"Năm 2006 trở về trước thi tự luận. Năm 2007 thi trắc nghiệm. Cháu đã xây dựng nhiều công thức giải nhanh Vật lý, Hóa học để đối phó cách thi mới đến nỗi nhiều học sinh không hiểu gì, học như vẹt vẫn thi được 7 điểm Vật lý".

"Mới năm ngoái, có quá nhiều thay đổi khi thi liên thông phải chung với đại học. Vậy mà năm nay, thi liên thông lại tách riêng. Có lẽ, khả năng của cháu có hạn. Cháu không thể cập nhật nhanh và thấu đáo những thay đổi đó. Cho đến tận thời điểm này, cháu vẫn chưa hiểu được hình thức thi đại học và xét tuyển như thế nào"..

Thay đổi sách giáo khoa

Bên cạnh sự thay đổi về hình thức thi, sách giáo khoa là vấn đề được chàng trai quan tâm. "Mấy năm trước, bộ sách cũ lại được thay đổi, thêm – bớt một vài phần, thay đổi ký hiệu. Theo cháu, điều đó không thể khiến nền giáo dục nước nhà tốt hơn. Mới đây, cháu lại nghe tin chúng ta bỏ ra một đống tiền để đổi bộ sách mới".

Từ đây, Đỗ Duy Hiếu cho rằng, nguồn gốc của vấn đề không nằm ở quyển sách giáo khoa. Điều quan trọng là chất lượng giáo viên.

Anh kể lại câu chuyện: "Mỗi lần bạn bè cháu được đi dạy, câu đầu tiên trước khi chúc mừng là hết bao nhiêu tiền?. Sự tiêu cực này dẫn đến việc bộ sách giáo khoa có thay đổi trăm, nghìn lần đi nữa vẫn không làm cho nền giáo dục tiến bộ".

Cấm thi vào lớp 6

Trước vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 đang "nóng", Duy Hiếu không phản đối, cũng không đồng tình. Tuy nhiên, anh cho biết, lý do Bộ GD&ĐT đưa ra để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học là không hợp lý.

"Chỉ có 5 - 10% học sinh học thêm để thi vào trường chuyên, lớp chọn. Vậy bác cấm thi chỉ để giải quyết 5 - 10% của vấn đề? Phần lớn phụ huynh cho con học thêm bậc tiểu học vì muốn có cơ hội phát triển khả năng thông qua giáo viên tốt hơn ở trường. Nguyên nhân ở đây là do cách tuyển giáo viên. Nếu trường nào cũng có nhiều giáo viên dạy giỏi, nổi tiếng như trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, thì bác cho tiền học sinh cũng không đi học thêm", thủ khoa này viết.

Cuối thư, chàng trai đề xuất: "Tại sao bác không có chính sách thu hút nhân tài? Những sinh viên sư phạm là thủ khoa, có giải quốc gia, quốc tế nếu có khả năng sư phạm tốt nên tuyển thẳng. Theo cháu, nếu làm điều đó thì 10 năm nữa, nền giáo dục Việt Nam sẽ tự đi lên".

Nội dung bức thư  chàng thủ khoa gửi bộ trưởng bộ giáo dục : 

Bác... kính mến!

Đến hôm nay, cháu cũng như rất nhiều giáo viên, phụ Huynh, học sinh đã gần như không thể chịu nổi vì có quá nhiều cải cách, có quá nhiều thay đổi mà cháu tự hỏi liệu thay đổi đó có cần thiết hay không? Liệu nó có thể giúp cho giáo dục nước nhà tốt lên được hay không?

Hôm nay đọc được quyết định đổi mới bộ sách giáo khoa (SGK), cũng như giọt nước cuối cùng để tràn ly bác ạ, cháu không thể làm ngơ trước tình trạng thường xuyên đổi mới hiện nay được nữa. Dẫu biết rằng cháu có nói bác cũng chẳng nghe thấy đâu, nhưng vì là một người còn yêu nước, cháu không thể không nói.

Đã gần 9 năm cuộc đời xô đẩy, cháu trở thành một giáo viên luyện thi Đại học bất đắc dĩ, nhưng năm nào cũng vậy, cháu, Phụ Huynh và học sinh luôn thấp thỏm lo âu vì có quá nhiều thay đổi, không biết năm nay sẽ thi thế nào? Liệu có thi Đại học nữa hay không?

Năm 2002 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng, từ 2002 phương án tuyển chung, rồi 2013 lại phương án tuyển riêng, cứ như 1 vòng luẩn quẩn bác ạ. Thay đổi mấy năm lại quay trở lại vạch xuất phát thì thay đổi để làm gì?

Năm 2006 trở về trước đang thi tự luận, rồi từ năm 2007 quay sang trắc nghiệm làm cháu phải tự xây dựng một đống công thức giải nhanh Vật lý, học một loạt các phương pháp giải nhanh Hóa học để đối phó với cách thi mới, đến nỗi nhiều học sinh không hiểu cái gì, cứ đọc như một "con vẹt" mà vẫn thi được 7 điểm Lý. Thậm chí năm ngoái cháu có nhiều học sinh kém quá, cháu chỉ dạy có 1 câu “khẩu quyết” cũng có thể khiến nhiều học sinh đậu các trường top trung bình.

Mới năm ngoái thôi, thi Đại học có thay đổi khá nhiều, thi liên thông phải thi chung với kì thi Đại học. Vậy mà năm nay lại thay đổi, cháu nghe nói liên thông năm nay lại không phải thi chung nữa. Nói chung, có lẽ khả năng của cháu có hạn, nên cháu không thể nào cập nhật nhanh và cập nhật hết những thay đổi và thay đổi đó bác ạ. Cho đến năm nay thì đến tận thời điểm này cháu vẫn chưa hiểu được hình thức thi Đại học và xét tuyển thế nào.

Mấy năm trước, các giáo viên đang dạy theo bộ sách cũ, lại phải thay đổi, thêm một vài phần, bớt một vài phần, thay đổi kí hiệu mà theo cháu việc đó không thể làm cho nền giáo dục nước mình tốt hơn bác ạ. Ấy vậy mà bộ SGK ấy mới thay đổi đồng loạt, bộ sách lớp 12 mới sử dụng được 7 lần. Hôm nay, cháu lại nghe tin bác bỏ ra một đống tiền để đổi bộ sách mới.

Có những năm, cháu còn lo sợ các Mẹ Việt Nam Anh Hùng đến xin học thì cháu không biết có nên nhận không, vì các cụ tuổi đã cao, mắt đã mờ, lại sinh vào cái thời kì cơm chưa có mà ăn (1/1/1945) thì làm sao mà học chữ được. Các cụ đến xin học mà không nhận dạy cũng dở, mà nhận dạy thì không biết phải dạy như thế nào. Cháu rơi vào tình trạng đó cũng vì bác đã ưu tiên cho các mẹ những 2 điểm thi Đại học, thế rồi may sao quyết định đó bác cũng bỏ sớm.

Thôi, cháu nói quá nhiều rồi, nếu mà ngồi đây liệt kê các vấn đề thì có lẽ không biết đến bao giờ mới xong. Vì vậy cháu sẽ đi đến 2 vấn đề chính:

Thứ 1, thay bộ sách giáo khoa: Không hiểu các bác không biết, hay cố tình không hiểu. Gốc rễ của vấn đề đâu nằm ở quyển SGK. Vấn đề nằm ở chất lượng giáo viên mà các bác tuyển. Cứ mỗi lần có đứa bạn nào của cháu được đi dạy, câu đầu tiên trước khi chúc mừng nó là câu "Hết bao nhiêu?". Các bác có biết giáo dục Việt Nam hiện này đã tiêu cực đến tận cùng ngõ ngách rồi không? Với tình trạng như vậy, thì cho dù bác có thay đổi hàng trăm, hàng nghìn lần SGK thì chất lượng giáo dục vẫn kém.

Thứ 2, cấm thi lớp 6: Cháu không phản đối, cũng không đồng tình với việc cấm thi lớp 6, bởi theo cháu thi hay không thi đều có thể đưa ra được lý do không tồi. Tuy nhiên, lý do mà các bác đưa ra để cấm thi thì quá không hợp lý.

Với lý do để xử lý vấn đề học thêm thì trên cương vị là một giáo viên chuyên dạy thêm cháu khẳng định với bác có đến 90% học sinh đi học thêm không phải vì thi trường chuyên, lớp chọn, mà số học sinh học để thi trường chuyên chỉ chiếm 5%-10% thôi.

Như vậy nếu bác cấm thi thì mới giải quyết được 5%-10% của vấn đề. Phần lớn Phụ huynh muốn cho con đi học thêm ở Tiểu học vì muốn con mình có thêm cơ hội phát triển khả năng thông qua các giáo viên tốt hơn ở trường bác ạ. Vậy nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân lại là do cách tuyển giáo viên thôi bác ạ. Nếu trường nào giáo viên cũng giỏi như những giáo viên dạy thêm nổi tiếng, trường nào giáo viên cũng như trường Amsterdam, thì khi đó bác có cho tiền học thêm thì học sinh cũng sẽ không đi học thêm nữa.

Nhiều lúc cháu luôn tự hỏi, tại sao các bác không có chính sách thu hút nhân tài. Ví dụ: Những sinh viên sư phạm là Thủ Khoa, có giải quốc gia, quốc tế… nếu có khả năng sư phạm tốt thì các bác cứ tuyển thẳng thì có lẽ không tốn một đồng nào thì 10 năm nữa giáo dục Việt Nam tự đi lên thôi