Dự án sân bay Long Thành: Đất của dân, tiền của dân, dân phải biết!
Chủ Nhật, ngày 29/10/2017 12:11 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, khẳng định: Tuyệt đối không để xảy ra các hành vị lợi dụng, lạm dụng để trục lợi bất chính khi triển khai sân bay quốc tế Long Thành. Trước đó, có đại biểu nói thẳng là những nhà đầu cơ đã mua đất trước rồi, dân cố cựu không còn bao nhiêu.
Phóng viên: Dự án "thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành" được nhiều đoàn đại biểu quan tâm thảo luận. Phải chăng các đại biểu còn băn khoăn gì về chủ trương?
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Về chủ trương thì không có gì phải băn khoăn vì Quốc hội đã thông qua nghị quyết. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) thì các đại biểu quan tâm nhiều, vì sẽ phải ra nghị quyết thông qua báo cáo này.
Một dự án phải thu hồi hơn 5.500 hecta đất, xáo trộn cuộc sống của hơn 4.800 hộ gia đình với hơn 15.500 nhân khẩu, đòi hỏi một số vốn đầu tư dự kiến hơn 23.000 tỉ đồng, mà đó chỉ là một thành phần của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Việc phê chuẩn dự án thuộc trách nhiệm của Quốc hội nên sự quan tâm của đại biểu là dễ hiểu.
Theo ông, các ý kiến thảo luận cho thấy những mối quan tâm nào?
Chúng ta đã có nhiều bài học rút ra từ nhiều dự án khác quy mô nhỏ hơn nhiều. Đó là: chủ trương đúng nhưng khi thực hiện thì xảy ra nhiều sai lầm, vướng mắc, làm chậm trễ, thậm chí xảy ra những xung đột xã hội gay gắt, dai dẳng. Đó là do những sai lầm, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện mà nhiều khi nguyên nhân ở các BCNCKT thực hiện vội vàng, sơ lược, lại được thông qua một cách hình thức, xuê xoa.
Bác Hồ có câu: "Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi". Dự án này tác động mạnh, trực tiếp và dài hạn đến nhiều người dân như thế, cần nhiều đất đai và ngân sách đến thế, có ảnh hưởng lớn như thế đến sự phát triển trung hạn và dài hạn của đất nước, nên dù BCNCKT dài hơn 600 trang, nhiều đại biểu vẫn cảm thấy chưa yên tâm.
Đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát tại khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn của dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) Ảnh: XUÂN HOÀNG
Cụ thể, chúng ta cần những làm những gì thưa ông?
Trước hết là sự minh bạch, công khai. Mục đích của Dự án là thu hồi đất sạch để xây sân bay, cho nên chẳng có gì phải giấu giếm, cả trong bộ máy nhà nước lẫn đối với nhân dân và nhất là đối với nhân dân. Đó cũng là một nguyên tắc của Hiến pháp và luật pháp. Đất của dân, tiền của dân, mục đích của dự án là lợi ích của đất nước và nhân dân vậy thì nhân dân, và các đại biểu dân cử, phải được thông tin đầy đủ, kịp thời và trung thực: vì sao phải làm, vì sao phải cần đến chừng ấy đất, chừng ấy tiền, di dời chừng ấy thôn xóm.
Và phải nói sao làm vậy: đất quốc phòng phải phục vụ cho quốc phòng, đất sân bay phải dành cho sân bay, đất kinh doanh phải nói rõ là để kinh doanh. Dân càng biết rõ và đầy đủ, càng có điều kiện kiểm tra, giám sát thì càng tin tưởng và ủng hộ, dự án càng thuận lợi.
Thứ hai, phải xử lý hài hòa các lợi ích của người dân và của doanh nghiệp, của cả nước và của địa phương, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên và trước. Người dân trong vùng phải được tổ chức để sống tốt hơn trước khi giải tỏa.
Thâm hụt ngân sách, nợ công ngày càng tăng và kéo dài, dành ra hơn 23.000 đồng cho Dự án là một thách thức rất lớn. Số vốn này phải được sử dụng một cách tối ưu và tiết kiệm tối đa. Cũng có nghĩa là, tuyệt đối không để xảy ra các hành vi lợi dụng, lạm dụng để trục lợi bất chính.
Có ý kiến đề nghị phải có chính sách bồi thường riêng cho người dân thực sự mất đất, mất nhà và cho nhà đầu cơ hưởng lợi từ giá đất lên bởi dự án của nhà nước và bởi chính họ tạo ra. Việc cho thuê ngắn hạn đất trống khi chờ triển khai dự án cũng phải tính kỹ với mục đích là tiết kiệm kinh phí cho dự án chớ không phải để cho doanh nghiệp hay nhóm lợi ích kiếm thêm lợi nhuận.
Thứ ba, con người luôn luôn là yếu tố quyết định thành bại. Vì vậy phải chọn lựa những cán bộ có đạo đức tốt, có chuyên môn cao để chỉ đạo và thực hiện dự án. Những dự án lớn của đất nước trước đây, một trong những nguyên nhân thành công là do người tổng chỉ huy đã từng lãnh đạo trong chiến tranh, dám dấn thân, chịu trách nhiệm, làm vì lợi ích dài hạn của đất nước, không vì cái ghế cao hơn của nhiệm kỳ tới, không vì lợi ích của người thân, phe cánh. Việc ban hành và thực hiện những quy định về tổ chức và cán bộ, về bổ nhiệm và bãi miễn, khen thưởng và kỷ luật phải là một phần công việc thường xuyên của dự án.
Những yêu cầu trên cần phải được cụ thể hóa thành những quy định mang tính nguyên tắc và thể hiện rõ trong các nghị quyết của Quốc hội, như một đạo luật thu nhỏ phải tuân thủ trong suốt quá trình triển khai dự án và xây dựng sân bay Long Thành.
Nếu BCNCKT được phê chuẩn thì vai trò tiếp theo của Quốc hội là gì?
Nếu có thông qua, Quốc hội sẽ có những yêu cầu chỉnh sửa hay bổ sung BCNCKT và phải giám sát công việc này. Ngoài ra, Quốc hội sẽ phải yêu cầu Chính phủ báo cáo cũng như tổ chức giám sát định kỳ hay đột xuất việc thực hiện nghị quyết.
Dự án càng lớn, càng quan trọng thì càng phải giám sát chặt chẽ. Xét cho cùng, đại biểu Quốc hội cũng phải cùng chịu trách nhiệm về thành bại, tốt xấu của những dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình. Đây mới chỉ là dự án tạo quỹ đất cho sân bay. Còn rất nhiều việc lớn hơn và khó khăn hơn chờ đợi trong những năm tới.
Sân bay Long Thành và những con số:
-Nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Cách sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) 43 km
Hơn 5.500 hecta đất phải thu hồi
Hơn 4.800 hộ với hơn 15.500 nhân khẩu bị xáo trộn cuộc sống
Hơn 23.000 tỉ đồng là tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng
Chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác.
|