Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Buổi Mít-tinh của Tổng Đoàn Công Chức chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim ngày 17 tháng 8 năm 1945.
Có lẽ đa số các bạn đều đã được giáo dục rằng biến cố lịch sử với tên gọi “Cách mạng tháng Tám” (CMT8) là một “mốc son đánh dấu nước ta thoát khỏi ách đô hộ của Pháp và gông xiềng Nhật”. Cuộc “cách mạng” này đã dẫn tới sự kiện mà ngày nay chúng ta gọi là “Quốc khánh” – mồng 2/9. Thêm nữa, năm 1945 đánh dấu nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử Việt Nam, thảm cảnh 2 triệu đồng bào chết đói đã trở thành nổi ám ảnh qua nhiều thế hệ gia đình Bắc Việt Nam.

Thế nhưng, lịch sử thì luôn phức tạp hơn những gì mà chúng ta vẫn được tuyên truyền. Và tuy nhiều bạn đã nắm rõ sự thật về cuộc nội chiến kéo dài 21 năm sau biến cố đó, song về sự kiện diễn ra vào ngày này cách đây 72 năm thì vẫn rất mơ hồ. Vậy rốt cục thì chuyện gì đã xảy ra vào quãng thời gian này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dưới một góc nhìn khác.

1. Trước CMT8, Việt Nam tồn tại mấy thế lực ?

Có thể nói rằng tại Việt Nam thời kỳ đó tồn tại rất nhiều thế lực chính trị khác nhau: Pháp có, Nhật có, cũng như một chính phủ độc lập về mặt chính trị song vẫn phụ thuộc vào quân sự của Nhật với tên gọi “Đế quốc Việt Nam”. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự xuất hiện thầm lặng tới tưởng chừng như vô hình của Mỹ và hiển nhiên là phe cánh Việt Minh.
Điều đáng chú ý nhất ở đây là về chính phủ Đế quốc Việt Nam của Trần Trọng Kim - một trong những thể chế Dân chủ đầu tiên, được triều đình phong kiến ủng hộ và là nền móng quan trọng cho sự hình thành của Việt Nam Cộng Hoà sau này, dù chỉ tồn tại trong vòng 4 tháng (17-04-1945 đến 19-08-1945).

+ Chính phủ Trần Trọng Kim :

Chính phủ Trần Trọng Kim có thể nói là một tai nạn lịch sử, vì sao nói là một tai nạn lịch sử? Điều này đã được ông thừa nhận trong hồi ký của mình. Lúc ấy ông giáo gần lục tuần đã phải ngồi vào bàn cờ chính trị, đối mặt với một đất nước nghèo đói. Sau này trong hồi ký của ông, vị thủ tướng bất đắc dĩ này đã kể lại rằng sau gần mười ngày chờ đợi và cứ cách ba bốn hôm ông lại đến gặp cố vấn tối cao Nhật - Yuichi Tsuchihashi để hỏi tin tức về ông Diệm để được trả lời là “chưa biết ông Diệm ở đâu” sau là “ông Diệm đau chưa về được”, rồi vì vua Bảo Đại “sốt ruột, triệu tôi vào bảo chịu khó lập chính phủ mới”. Tâm sự của hai người đã được giãi bày qua lời kể lại sau đây.

“Ngài (vua Bảo Đại) nói:”Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.Tôi thấy vua Bảo Đại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng:- Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong Ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin Ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại.”

Đến thời điểm này ta đã thấy cụ Diệm đã là một người có tiếng nói trên chính trường, sau thời gian du học tại Pháp và biến cố tháng 8 đã ngăn cản ông quay về tiếp quản Quốc gia, trong nước ông Nhu - em của cụ Diệm đã thành lập một đảng riêng hoạt động bí mật dưới con mắt dè chừng của Pháp tại chính tư dinh ở Đà Lạt sau khi vua Bảo Đại thoái vị về đây sinh sống. Tiếp nữa, ông đã mở rộng hoạt động xuống đến tận sài Gòn chờ ngày anh trai về nước nhậm chức Tổng thống Quốc gia đa nguyên đầu tiên trong lịch sử nước nhà mang tên gọi Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955 - dưới sự chấp thuận của vua Bảo Đại, lúc này đã lưu vong sang Pháp, trở thành kẻ tội nghiệp cho chính những điều mình không gây ra.

Vì mới thành lập quân đội của Đế quốc Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào quân Nhật, kẻ thua cuộc sau Thế Chiến II, đã đầu hàng và khát vọng duy nhất của Nhật không còn là lợi ích kinh tế và quân sự mà là làm sao khôi phục lại tầm ảnh hưởng bằng hình thức "Khối Đại Đông Á" của mình, tư tưởng này đã được ông Chương - tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam, cha đẻ của bà Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân bảo rằng "Ít ra Nhật không đánh giá sự ưu việt qua màu da như Pháp". CP Quốc gia Việt Nam đã thi hành nhiều cải cách dưới bàn tay hậu thuẫn của cựu hoàng Bảo Đại : Ủy Ban dư thảo Hiếp Pháp do gồm 15 thành viên ; Ủy ban cải cách cai trị, tư pháp và tài chánh ; Ủy ban cải cách giáo dục ; cuối cùng ngày 1-7-1945 vua Bảo Đại ban hành bô luật thành lập Hội đồng tư vấn Quốc gia gồm cả ba ủy ban cải cách trên).

Và Trần Trọng Kim đã thành lập được một chính phủ với danh sách các bộ trưởng được đệ trình lên nhà vua vào sáng ngày 17 tháng 4 năm 1945. Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập này gồm có một thủ tướng với danh xưng nội các tổng trưởng và mười bộ trưởng với hai người là giáo sư, bốn người là y sĩ, bốn người là luật sư và một người là kỹ sư. Đây là lần đầu danh xưng bộ trưởng đã dùng thay cho danh xưng thượng thư, cùng với sự xuất hiện của nhiều bộ mới như ngoại giao, thanh niên, y tế, tiếp tế… nhằm đáp ứng nhu cầu của thời cuộc, thay vì chỉ có lục bộ như thời trước. Trong số các bộ, không bộ quốc phòng. Trần Trọng Kim trong hồi ký của ông có giải thích điều này bằng nhiều lý lẽ, nhưng sự thiếu vắng bộ quốc phòng đã gây ra cho chính phủ của ông nhiều trở ngại khi tình thế thay đổi và nhất là khi quân Nhật bị giải giáp và Việt Minh cướp chính quyền.

Tìm hiểu về con người Trần Trọng Kim, với bản chất là một nhà giáo, một tác giả của bộ sách Giáo Khoa Thư cho đến hiện tại người ta vẫn còn in lại và vẫn còn ưa đọc và viết nhiều về nó, với bản chất là một nhà nghiên cứu về lịch sử, triết học, một dịch giả của thơ Đường, đặc biệt là Việt Nam Sử Lược, một tác phẩm vừa là giáo khoa, vừa là nghiên cứu phổ thông cho đến những ngày hiện tại vẫn còn được nhiều người tin cậy và cẩn trọng giữ gìn.

Là một nhà giáo và một nhà nghiên cứu không đảng phái, không bè đảng, không có sẵn người, "nhà chính trị bất đắc dĩ " đã dựa theo tiêu chuẩn phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục. Về giáo dục, chính phủ chủ trương dùng quốc ngữ giảng dạy thay chữ Pháp, và rất chú trọng đến ngành giáo dục kỹ thuật. Cầm quyền chưa được hai tháng, vào ngày 8- 6-1945, chính phủ quy định rằng từ đây, chữ quốc ngữ và tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở các công sở và trường học. Trong trường học, Pháp văn được giảng dạy như một ngoại ngữ. Kỳ thi tiểu học năm nay là kỳ thi đầu tiên bằng quốc ngữ, và dự định sẽ dùng quốc ngữ trong các kỳ thi cao hơn. Chương trình trung tiểu học được Việt Nam hóa, do bộ trưởng bộ Giáo dục Hoàng Xuân Hãn đưa ra. Chương trình này là nền tảng căn bản cho chương trình giáo dục của các chính phủ trong chính thể Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa sau này.

Vượt qua tất cả mọi khó khăn, Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông đã vạch ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể và thực tế, từ những việc làm có tính các tương trưng như đổi quốc hiệu thành Việt Nam, đổi quốc kỳ, duyệt lại quốc ca… đến cứu đói, thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, bắt các quan ở các tỉnh phải trực tiếp liên lạc với chính phủ Việt Nam và cấm họ liên lạc trực tiếp với người Nhật như họ vẫn liên lạc với người Pháp trước kia, Việt Nam hóa nền giáo dục, cải tổ thuế má, tư pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần chúng nói chung tham gia sinh hoạt chánh trị, xã hội, lập các hội đồng tư vấn địa phương và vận dụng mọi khả năng để thực hiện.

Các đoàn thanh niên này góp phần đắc lực trong việc vận động cứu đói đồng bào Bắc Bộ. Từ đó ý thức xã hội và tinh thần dân tộc quật khởi mạnh mẽ trong giới thanh niên. Phong trào thanh niên đang hăng say hoạt động, thì chính phủ Trần Trọng Kim từ chức sau khi Nhật bại trận.

Điều này khẳng định không riêng Trần Trọng Kim mà luôn cả Bảo Đại “không phải là “bù nhìn” của Nhật và nền độc lập của Việt Nam, dù chưa hoàn toàn, vẫn là một thưc tại chứ không phải “bánh vẽ”, nhất là so với những điều kiện của một “quốc gia tự do” và viễn tượng thống nhất mơ hồ như trong hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba 1946 mà Hồ Chí Minh phải ký kết với Cao Ủy Bollaert”.

Sự thành lập của chính phủ Trần Trọng Kim đã đánh dấu việc đầu tiên nước ta chính thức mang quốc hiệu "Việt Nam" - và sẽ còn giá trị đến mãi sau này .

+ Còn về thế lực của Mỹ? Điều này nghe có vẻ bất ngờ nhưng hóa ra lại không vì từ năm 1932 OSS (tiền thân của CIA) đã ngấm ngầm can thiệp bảo vệ Nguyễn Ái Quốc khỏi bị tử hình tại Trung Quốc. Vào sự kiện ngày 2/9/1945 diễn ra ở Quảng trường Ba Đình, một đội đặc nhiệm mang tên "Nai Vàng" đã ầm thầm theo bảo vệ lãnh đạo của Việt Minh. Nhưng vì ông ta là một con người của Công Sản III với mục tiêu: ''Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng, làm thất bại các chính phủ trong chiến tranh'', nghĩa là đi tìm kiếm sự độc tôn đảng phái bằng con đường bạo lực vũ trang, thà hy sinh máu của đồng bào chứ không chịu chấp nhận một nền dân chủ được Mỹ hậu thuẫn như VNCH đã làm sau này.

2. Về nạn đói Năm Ất Dậu 1945

+ Nạn đói xảy xa có phải hoàn toàn do Nhật và Pháp?


Trước nạn đói năm ấy, ngay từ khoảng đầu Thế chiến thứ hai, các gia đình miền Bắc đã phải sống dưới khẩu phần cho một người, và cơn đói luôn âm ỉ đâu đó trong lòng đồng bào. Ta có thể thấy qua một số tác phẩm đương thời như “Tắt Đèn” (Ngô Tất Tố), “Một bữa no” hay “Lão Hạc” (Nam Cao). Nạn đói bùng lên từ ngọn lửa âm ỉ đó vào năm Ất Dậu cùng với những thất bát về mùa vụ chỉ vô tình tô đậm bức tranh xơ xác thêm một mảng màu đen.

+ Nhà nước non trẻ của Trần Trọng Kim đã có động thái gì ?

Một trong những chương trình hành động khẩn cấp của chính phủ Trần Trọng Kim là giải quyết nạn đói ở Bắc bộ. Nạn đói bắt đầu từ mùa đông năm 1944, lúc đó còn Pháp thuộc. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương.

Khi chính phủ mới được thành lập (17-4-1945), chính phủ Trần Trọng Kim ra lệnh bãi bỏ việc bắt buộc nông gia bán lúa gạo cho nhà nước, và để cho dân chúng tự do buôn bán gạo. Điều nầy có nghĩa là những quy định trước đây về số lượng lúa gạo phải bán cho nhà nước theo diện tích canh tác cũng bị bãi bỏ. Người dân được tự do vận chuyển buôn bán gạo dưới 50 kí lô mà không cần phải có giấy phép của chính quyền.

Ở các tỉnh, những ngân hàng nông nghiệp sẽ phụ trách mua gạo cho nhu cầu quân sự hay nhu cầu thực phẩm của chính quyền dưới sự kiểm soát của tỉnh trưởng. Những người nghèo đói còn sống sót và những người vô gia cư được chính phủ tập trung vào những nhà nuôi dưỡng đặc biệt để phục hồi dần dần.

Vua Bảo Đại ra sắc chỉ ngày 23-5-1945 hủy bỏ nợ nần do các tiểu nông vay tiền nhà nước trước đây. Chính phủ cho hạ thấp mức thuế nông dân phải đóng góp. Bộ trưởng bộ Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí đến Sài Gòn vào đầu tháng 6-1945 để thương thuyết với người Nhật nhằm thay đổi phương cách chở gạo từ Nam ra Bắc.

Để tránh bị phi cơ Đồng minh oanh tạc, gạo sẽ được chở bằng các đoàn thuyền buồm thuê của thường dân. Bộ trưởng Nguyễn Hữu Thí còn đề nghị đưa 1,000,000 dân từ Bắc bộ và Trung bộ vào định cư ở Nam bộ. Những chuyến xe hay những chiếc ghe chở gạo từ Nam ra Bắc, khi quay trở về, thì chở di dân vào Nam lập nghiệp

Ngày 30-6-1945, chính phủ Trần Trọng Kim cho đánh thuế du hý (vui chơi, giải trí) để lấy tiền tài trợ cho những hoạt động cứu đói ở Bắc bộ. Chính phủ mở chiến dịch báo chí thông tin về những bất hạnh của đồng bào Bắc Bộ để kêu gọi dân chúng tiếp tay cứu trợ. Những cuộc lạc quyên được tổ chức trên toàn quốc. Chiến dịch này đã đem đến nhiều thành quả tích cực.

Tại Hà Nội, vào tháng 5-1945, Tổng hội Cứu tế quyên được 782,403 đồng. Với số tiền này, Tổng hội đã mua được từ kho nhà nước 1,476 tấn gạo phát chẩn cứu đói. Ủy ban Cứu tế Trung ương giúp đỡ Bắc bộ tại Huế và Ủy ban tương trợ giúp đỡ những nạn nhân Bắc bộ tại Sài Gòn, được thành lập. Số tiền quyên góp được dùng mua gạo chở ra giúp đỡ đồng bào đất Bắc.

Tại Nam Bộ, chỉ nội trong tháng 5-1945, hơn 20 hội chẩn tế ra đời, và trong vòng một tháng đã quyên được 1,677,886 đồng, kể cả 481,570 đồng mua và chuyên chở 1,592 tấn gạo ra Bắc giúp cứu đói.

Nổi bật hơn cả và cao đẹp là hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương gỡ bỏ trang sức trên người quyên góp cho Hội, hình ảnh đẹp này đã diễn ra dưới thời kỳ Quốc Gia Việt Nam chứ không phải là chế độ VNDCCH như chúng ta vẫn được tuyên truyền.

Đây là lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam thực sự bắt tay vào hoạt động xã hội. Những biện pháp của chính phủ cùng sự tiếp tay của đồng bào toàn quốc, đã làm cho tình hình Bắc Bộ nhanh chóng trở lại bình thường. Vẫn còn một vài nơi người nghèo sắp hàng trước các điểm phân phối thực phẩm miễn phí, nhưng nói chung tình hình khá ổn định vào tháng 6-1945.

Nạn đói tưởng đã qua đi. Mặc dầu "Ủy ban Bảo vệ và Giám sát đê điều" được thành lập để lo việc giữ đê, ngăn ngừa nước dâng lên gây lụt lội, nhưng bất ngờ những cơn mưa như thác đổ vào tháng 8-1945 đã tràn ngập tất cả các cánh đồng các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Nạn mất mùa trở lại. Vài nơi thiếu gạo, dân chúng đã phải ăn cả lúa giống để dành làm vụ mùa sau.

+ Cộng Sản quấy rối:

Theo những gì chúng ta biết, khi nạn đói xảy ra năm 1945, đảng Cộng Sản Đông Dương và Việt Minh lên án Pháp và Nhật là tác nhân gây ra nạn đói, và chống việc trưng mua lúa gạo.

Việt Minh (VM) đả kích chính phủ Trần Trọng Kim, kích động dân chúng lăng nhục những viên chức chính quyền lo việc cứu tế. Khi biết được Đức rồi Nhật sắp đầu hàng Đồng minh, một mặt VM xúi giục dân chúng đánh phá các kho lúa. Một mặt khác, VM đứng ra tổ chức cướp các kho gạo.

Việt Minh còn âm thầm chận bắt những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi VM đem tiếp tế cho những mật khu của họ. Điều này giải thích vì sao trong nạn đói Lãnh đạo và quân đội của VM được mở rộng dù phải sống xa lánh dư luận chính thống của chính quyền đương thời

Việt Minh hợp tác và cung cấp tin tức cho phe Đồng minh, chính là cho Hoa Kỳ, dùng máy bay bắn phá các trục giao thông, khiến việc tiếp tế thực phẩm rất khó khăn. Ngày 23-7-1945, bác sĩ Vũ Ngọc Anh, bộ trưởng bộ Y tế, trên đường đi công tác, từ Thái Bình trở về Hà Nội, đến gần Bần Yên Nhân thì bị máy bay Đồng minh bắn chết. Sự đi lại khó khăn đến nỗi chính phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển công văn.

Từ đó, nạn đói trầm trọng trở lại. Nạn đói càng trầm trọng thì VM càng dễ tuyên truyền, vừa phản đối chính quyền, vừa chiêu dụ dân chúng bằng cách dùng gạo cướp được để cứu đói những ai chịu theo VM. Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) đã tự nhận trong hồi bút "Tại sao tôi viết Tiến Quân Ca - ngày 7-7-1946, rằng ông theo VM vì bản thân và gia đình quá đói. Sau được đăng trong cuốn "Thiên Thai" tuyển tập nhạc Văn Cao, từ ngà đó ông liên tục đấu tranh cho "Nhân văn giai phẩm" cùng các nhạc sĩ lỗi lạc như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên...nhằm phản đói chính quyền CS ép buộc các nhạc sĩ viết nhạc tuyên truyền chiến tranh, đi ngược lại cốt cách của người làm nghệ thuật. Năm 1954, hai người bạn đồng môn của Văn Cao chạy thoát vào Nam, người bạn già này bèn ngậm ngùi với những tác phẩm thơ mộng như "Mùa xuân đầu tiên" của ông bị cấm lưu hành cho đến năm 1992.

+ Năm lần đàm phán với Việt Minh. Lần thứ hai là quan trọng hơn cả vì nó có sự góp mặt của Tổng thống Kim cùng các nội các giáp mặt với một thành viên phe VM. Xin trích nguyên văn hồi ký "Một cơn gió bụi" của ông :

“Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính Bảo An ở các nơi, phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Nhân dân bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả, công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh nói họ đã có các nước đồng minh giúp đỡ cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói như thế, ai nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do Bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngả về Việt Minh.

“Tôi thấy tình thế ấy, tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói ‘chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không?

“Người ấy nói: – Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trì nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.

– Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.

– Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.

– Theo như ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.

– Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.

“Rồi người ấy đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.

“Tôi nói: – Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?

– Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho cả nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.

– Các ông chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các ông không?

– Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.

– Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử”.

Vâng, lịch sử dân tộc luôn công bằng nhưng liệu thứ lịch sử được kẻ chiến thắng làm méo mó có còn công bằng được hay không? Nó sẽ nảy sinh những chiều tranh luận! Lịch sử không chỉ kể về quá khứ, mà nó còn có giá trị đến hiện tại và tương lai, chính hành động của nhà cầm quyền đương thời sẽ chứng minh cho luận điệu nào là đúng và phù hợp lòng dân nhất. Lịch sử không chỉ kể về quá khứ, mà nó còn có giá trị đến hiện tại và tương lai.

3. Nói về bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh:

Bản tuyên ngôn này thực chất là hoàn toàn không cần thiết, vì từ ngày 11/3 trước đó, Hoàng Đế Bảo Đại, với tư cách nguyên thủ quốc gia và là người kế vị vua Tự Đức đã tuyên bố hủy bỏ hết các hòa ước bảo hộ mà Tự Đức đã kết với người Pháp rồi. Thế nên việc làm của Hồ Chí Minh chỉ là thừa thãi, vô nghĩa.

+ Ngày 13-7-1945, đích thân Trần Trọng Kim ra Hà Nội thương thuyết. Toàn quyền Nhật Bản Yuichi Tsuchihashi chịu trả ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, vốn là nhượng địa của Việt Nam cho Pháp từ năm 1888.

+ Nam Kỳ (cũ) nay là Nam Bộ vốn là thuộc địa của Pháp, theo quy chế riêng. Vì vậy, lúc đầu người Nhật trì hoãn việc trả Nam Bộ, nhưng sau người Nhật chịu giao Nam Bộ lại cho Việt Nam từ ngày 8-8-1945.

+ Nhưng vì nguyên nhân khách quan Nhật hoàng đầu hàng quân đồng minh ngày 14-8 sau khi liên tục nhận hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, trong thế hỗn mang, Nhật chưa kịp trao trả Nam Bộ cho Quốc gia Việt Nam, thì đã bị Việt Minh đảo chính.

+ Ngày 20-8-1945, Trần Trọng Kim từ bỏ ý định tiếp tục cầm quyền và tuyên bố đã hoàn thành hai sứ mệnh lịch sử là thống nhất lãnh thổ và đặt định nền tảng hành chánh căn bản cho đất nước. Chính phủ của ông họp phiên cuối cùng ngày 23-8-1945 rồi tự giải tán. Về phía vua Bảo Đại, hai ngày sau, 25-8-1945, nhà vua tuyên chiếu thoái vị.

Đi sâu hơn vào chi tiết, người ta thấy Bảo Đại và những vị thượng thư của ông đã tỏ ra rất thận trọng và cân nhắc từng câu, từng chữ để chỉ nói lên những gì cần phải nói và nói một cách rõ ràng, còn bản tuyên ngôn tại Ba Đình ngày 2/9 của Hồ Chí Minh thì dài lòng dòng, mang nặng tính cách xách động quần chúng. Ngay cả những tư tưởng chủ chốt liên hệ tới độc lập, tự do cũng phải đi vay mượn của người Mỹ hay người Pháp.

Mỹ đến thời điểm đó hầu như là một đồng minh của họ Hồ, như đã nói ở trên, ít người biết Mỹ đã cho quân nhảy dù xuống Ba Đình hôm đó để bảo vệ và xa hơn năm 1932, OSS (tiền thân CIA) đã can thiệp để cứu Hồ từ HongKong. Điều đó giải thích vì sao trong “Tuyên ngôn độc lập” của mình, ông ta chỉ công khai chỉ trích duy nhất Pháp, dù có trích dẫn từ cả hai nước đồng minh.

Như đã nói phía trên, là một con người mang nặng tư tưởng Cộng Sản, Hồ Chí Minh sẽ không dễ gì thuận theo người Mỹ thành lập một chính quyền minh bạch. Và sự thật là sau “Tuần lễ vàng” và xa hơn là hai cuộc “Cải cách ruộng đất” đẫm máu, bộ mặt của một tổ chức cộng sản càng rõ ràng hơn, khiến nước Mỹ từ ủng hộ Hồ Chí Minh sang cổ vũ hết mình cho cụ Ngô Đình Diệm. Với cùng một hệ tư tưởng, người tự xưng là “cha già dân tộc” này đã giao cho quân đội Mao Trạch Đông quyền kiểm sát thay thế nhằm tránh phải đối mặt với sự quay lại của người Pháp vốn đã được thoả thuận trong các hiệp định mà các bên có liên quan đã ký kết. Đó là một quyết định không những sai lầm mà đem lại tác dụng ngược với những mong đợi của ông ta. Bằng những viện trợ nhỏ giọt từ một Trung Quốc tiêu điều sau Thế Chiến II, nạn đói không những không được đẩy lùi, nó còn gia tăng hơn về mức độ, cướp đi mạng sống của gần 2 triệu con người.

Sau khi người Pháp thất bại trong việc bảo vệ thuộc địa của mình vào năm 1954 và phải ký kết hiệp định Geneva, hơn 1 triệu người tị nạn gốc Bắc (đã tìm đường tháo chạy trong lúc Nam - Bắc tạm thời tự do mở cửa biên giới, và rất có thể số người tị nạn sẽ còn nhiều hơn bội phần nếu hệ thống thông tin thời kỳ đó không bị hạn chế hoặc là thời gian cho cuộc tị nạn dài hơn. Không có lửa thì sẽ không có khói, và qua bài viết này, chúng tôi hy vọng những bạn đã nhận ra đâu phe chính nghĩa sẽ hiểu thêm về cái thứ được gọi là “độc lập” mà quân Việt Minh đã giành lấy từ việc cướp chính quyền hợp pháp của Trần Trọng Kim vào ngày này 72 năm trước. Thứ “độc lập” đó không có ý nghĩa gì ngoại trừ việc đăt nước ta dưới ách cai trị lớn hơn của quân Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, hơn cả là đặt hàng triệu người con miền Bắc dưới tư tưởng "bạo động và tuyên truyền cướp chính quyền" của Việt Minh hay chính là Đảng Cộng sản về sau này. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới cuộc nội chiến 21 năm sau đó, và rồi là hàng chục năm tăm tối chưa có hồi kết khi mà nền dân chủ cuối cùng trên đất Việt bị xoá sổ...
Posted by