Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

HỌP MẶT ĐỒNG HƯƠNG LÀNG PHÒ TRẠCH TẠI TP.HCM - 2016

HỌP MẶT ĐỒNG HƯƠNG LÀNG PHÒ TRẠCH
TẠI TP.HCM - 2016

Sáng ngày 2/9/2016, hội Đồng hương Làng Phò Trạch tại TP.HCM và vùng phụ cận đã tổ chức họp mặt thường niên. Buổi họp mặt diễn ra tại mặt bằng rộng lớn của công ty “Thanh Thanh”, là doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của ông Phạm Bá Thu, chủ tịch hội, tọa lạc tại số 26/3A ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, Tp. HCM.
.
Tham dự có đông đủ bà con xa quê làng Phò Trạch đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn và vùng phụ cận. Đặc biệt có sư trụ trì chùa Trúc Lâm Huế, cũng là người con của quê hương Phò Trạch, nhân tiện ghé thăm Tp.HCM. Về phía khách mời có các đại biểu đến từ hội đồng hương huyện Phong Điền, các hội đồng hương làng xã bạn, đại diện chính quyền xã Xuân Thới Đông và câu lạc bộ Tuổi Vàng Phong Điền.
.
Nội dung buổi họp mặt bao gồm báo cáo công tác đồng hương hằng năm của chủ tịch, ông Phạm Bá Thu, phát biểu chào mừng của chính quyền xã sở tại, đóng góp ý kiến xây dựng của sư trụ trì chùa Trúc Lâm và của chủ tịch hội hồng hương Phong Điền tại thành phố. Sau đó là lễ mừng thọ quý cụ cao niên của làng, phát thưởng khuyến học cho con em học giỏi của hội. Cuối cùng là liên hoan lồng ghép chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” hào hứng và đặc sắc.
.
 
Toàn cảnh sân khấu


Phút mặc niệm hướng về tổ tiên


Chủ tịch HĐH huyện tặng lẵng hoa

Quan khách chụp hình lưu niệm
Làng Phò Trạch thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một ngôi làng cổ được hình thành từ giữa thế kỷ XV thời Lê sơ. Cũng là một làng nông nghiệp chuyên nghề trồng lúa nước. Nhưng vì ruộng ít và nghề nông vốn vất vả, người Phò Trạch xưa đã tận dụng một sản phẩm tự nhiên từ các trằm bàu tại chỗ là cây bàng (còn gọi là cói) để tạo nên nghề đan lát mà qua thời gian đã trở thành một nghề truyền thống của làng. Đó là nghề đan đệm nổi tiếng (nên làng còn có biệt danh là Phò Trạch Đệm).

Ngày nay, nghề đan lát các mặt hàng cho nhu cầu cũ (như đệm, chẹ, buồm, bao bì nông, lâm, hải sản…) đã không còn hợp thời. Người thợ Phò Trạch đang phải chuyển sang đan lát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới. Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều sản phẩm hiện đại, với những chất liệu bền hơn, đẹp hơn, thị trường tiêu dùng của sản phẩm đệm bàng ngày càng bị thu hẹp. Và nghề đan lát thủ công mỹ nghệ từ cây bàng của Phò Trạch đang có nguy cơ mai một.

Ngoài nghề đan đệm, người Phò Trạch còn nổi tiếng trong văn hóa dân gian với lễ hội “hát trò”. Đây là bộ môn hát kịch dân gian được tổ chức theo định kỳ 24 năm một lần vào dịp đầu Xuân và các dịp hoan hỷ đặc biệt khác. Lễ hội thường diễn ra ở Bến Trò, nơi có trời nước giao hòa. Trò diễn thường xoay quanh chủ đề “tứ dân” như: sĩ, nông, công, thương – ngư, tiều, canh, mục…Và diễn viên chủ yếu là nam giới. Ngoài ra, Phò Trạch xưa còn nổi tiếng, và là cái nôi của các trò chơi dân gian “bịt mắt” như bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, bịt mắt đập đôộc…

Hiện nay, tại quê nhà, do tiến trình phát triển sản xuất không theo kịp với đà phát triển của dân số, người Phò Trạch - cũng đồng cảnh như bao ngôi làng nhỏ khác của Phong Điền, Thừa Thiên Huế - đã phải tìm kế mưu sinh ở các địa phương khác, với nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn là tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nghề mộc gia dụng. Riêng tại Tp.HCM, bà con xa quê Phò Trạch đã quy tụ lại, thành lập nên hội đồng hương với mục đích “tương thân tương ái”, và với tinh thần “ly hương bất ly tổ”.


*Bài & Ảnh: Thao Mạnh