“Tôi đã làm theo tiếng gọi của Tổ quốc”
TTO - Không có phát pháo hiệu nào được bắn lên bầu trời kinh đô Huế vào lúc 1g sáng 4-5-1916 để mở màn cho cuộc nổi dậy đồng loạt ở các tỉnh Trung kỳ như kế hoạch.
Vua Duy Tân trong những ngày ở đảo Réunion - Ảnh tư liệu |
Cuộc khởi nghĩa bất thành và sau đó bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Vua Duy Tân bị bắt đi đày biệt xứ. Qua 100 năm, những mờ khuất của sự kiện lịch sử này đã sáng tỏ dần.
Tên phản bội
Quý độc giả chắc hẳn còn nhớ nhân vật Trần Quang Trứ - người đã đến gặp vua Duy Tân ở sở chỉ huy khởi nghĩa ngay sau khi vua xuất cung mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài trước. Ông Trứ làm phán sự ở tòa công sứ Thừa Thiên (cơ quan của Pháp cai quản tỉnh Thừa Thiên).
Thời điểm trước khởi nghĩa, ông Trứ đã đăng lính và được biên chế vào tiểu đoàn lính chiến Đông Dương số 16 đóng trong đồn Mang Cá, chuẩn bị đưa sang chiến trường Pháp ngày 15-5-1916. Vì vậy, bộ chỉ huy khởi nghĩa mới giao cho ông Trứ việc vận động đội quân này tham gia khởi nghĩa.
Lúc đó vào khoảng 10g đêm 3-5-1916, vua Duy Tân vừa xuất cung rồi theo một chiếc đò đến sở chỉ huy khởi nghĩa (đặt ở bến đò ga Huế).
Ông Trứ tìm cách gặp được vua, nắm được thông tin bí mật về kế hoạch sắp diễn ra, rồi đưa tay thề sẽ đem hết mình phục vụ cho đại nghĩa. Thế nhưng, thay vì trở về lại vị trí chiến đấu ở đồn Mang Cá thì ông Trứ đã chạy đến tòa công sứ Thừa Thiên và báo cáo toàn bộ sự việc.
Theo lệnh của công sứ Carlotti, ông Trứ đã dẫn ngay một nhóm lính khố xanh quay trở lại để ngăn chặn nhà vua, nhưng chiếc đò chở vua đã xuôi về phía hạ lưu sông Lợi Nông.
Công sứ Carlotti lập tức điện khẩn cấp đến tòa khâm sứ Trung kỳ báo cáo về việc vua Duy Tân đã rời cung và có “một cuộc nổi loạn” sắp nổ ra lúc 1g sáng. Bức điện khẩn này được gửi đi lúc 23g30 ngày 3-5-1916, hơn một tiếng trước giờ G khởi nghĩa.
Khâm sứ Charles liền cử chánh văn phòng tòa khâm sứ Le Fol và chánh mật thám Trung kỳ Sogny cùng thượng thư bộ lễ Huỳnh Côn vào ngay hoàng cung để kiểm tra thì thấy phòng ngủ của vua lạnh ngắt. Khâm sứ liền huy động lực lượng truy đuổi nhà vua và đoàn tùy tùng. Đồng thời triển khai các biện pháp để chặn đứng ngay “cuộc nổi loạn”.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm (xuất bản năm 1960) và Lê Ước (xuất bản năm 1968), tòa khâm sứ đã ra lệnh giới nghiêm, thu hết vũ khí của lính trong đồn Mang Cá, cho quân đội dưới sự chỉ huy của lính Pháp triển khai tuần tiễu ráo riết trên các đường phố.
Kinh thành Huế cũng được kiểm soát chặt chẽ. Cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt ngay trước giờ nổ súng.
Những thông tin trên đây được thể hiện rất chi tiết trong bản báo cáo ngày 5-5-1916 (một ngày sau) của chính “kẻ nội gián” Trần Quang Trứ gửi tiểu đoàn trưởng lính chiến số 16 của Pháp, cùng với những bức điện khẩn của công sứ Thừa Thiên, khâm sứ Trung kỳ, phân đội hiến binh Trung Bắc kỳ... Tất cả đều đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp).
“Không, vì ta đã thất bại!”
Khi biết rằng việc lớn không thành, vua Duy Tân lánh về làng Hà Trung (cách kinh thành Huế khoảng 20km về phía đông nam) trong ngày 4-5.
Vua và đoàn tùy tùng nghỉ lại tại nhà của ông Cứu Trứ - một hội viên của Việt Nam Quang Phục Hội. Sau khi bàn bạc với Trần Cao Vân, vua quyết định sẽ men theo vùng đồi núi phía tây Huế để di chuyển vào Bà Nà (Quảng Nam) và lập căn cứ kháng chiến ở đó.
Ngay trong đêm 4-5, vua và đoàn tùy tùng tìm đường đi lên phía núi, ngủ lại ở làng Ngũ Tây - một ngôi làng nằm phía tây nam Huế. Vào khoảng 6g sáng 6-5, vua vào nghỉ ở nhà một lính thị vệ tên Võ Đình Cơ (Đội Cơ), nằm cạnh chùa Thuyền Tôn và núi Ngũ Phong. Các sách và tài liệu lâu nay đều ghi rằng Đội Cơ và em trai là Trùm Tồn đã lén lút báo cho tòa khâm sứ biết vua đang ở nhà mình.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết theo lời khai tại tài liệu số 12, hồ sơ 65530 lưu trữ tại Pháp, thị vệ Dương Đức Tuyên (người đang theo bảo vệ vua) thú nhận chính ông đã bảo Đội Cơ đi tìm các vị thượng thư triều đình đến đón vua.
Ngay trong buổi sáng hôm đó 6-5-1916, quân Pháp và triều đình đã tức tốc đến làng Ngũ Tây để “đón đức vua”. Đoàn “hộ giá” có đổng lý văn phòng tòa khâm sứ Le Fol, chánh mật thám Sogny, một số vị quan thượng thư, tháp tùng là lính Pháp, lính triều đình và kẻ nội gián Trần Quang Trứ.
Toán đầu tiên giáp mặt vua liền hỏi: “Ngài làm gì ở đây, thưa bệ hạ?”. “Ta đang đi dạo”. Quân lính xúm vào bắt Trần Cao Vân cùng các tùy tùng của vua.
Trần Quang Trứ hỏi vua: “Bệ hạ có nhận ra bề tôi của ngài không?”. “Có chứ. Ta nhận ra ngươi. Bây giờ thì ta đã hiểu tấm lòng và lời nói của ngươi!”. Trứ liền trách cứ nhà vua đã bội ơn nhà nước bảo hộ (Pháp) đã mất công mất của để giáo dục ngài.
Vua tức giận đập tay và mắng to: “Ngươi không biết dòng máu đang chảy trong huyết quản của ta đâu!”. Quân Pháp yêu cầu vua vén áo để kiểm tra vũ khí, vua liền phản ứng: “Nếu có súng ta đã bắn hạ các ngươi rồi”.
Lúc 11g trưa, vua bị áp tải về đến tòa khâm sứ Trung kỳ. Viên quan khâm sứ Charles đón chào vua bằng câu hỏi đầy mỉa mai: “Ngài có hài lòng với cuộc du ngoạn của mình không, thưa ngài?”.
“Không, vì ta đã thất bại!”. Cuộc chạm trán đầy kịch tính như trên giữa vị vua trẻ tuổi ương ngạnh với các quan tây bảo hộ được Sogny - chánh mật thám Trung kỳ - tường thuật tại tài liệu số 66, hồ sơ 65530, Nguyễn Trương Đàn dịch.
Vứt bỏ ngôi báu như chiếc giày rách
Quân Pháp đưa vua Duy Tân sang quản thúc ở đồn Mang Cá để khai thác thông tin về cuộc khởi nghĩa. Toàn quyền Đông Dương Ernest Roume từ Hà Nội lập tức vào Huế và trực tiếp “thẩm vấn” nhà vua.
“Tôi yêu cầu ông ta nói rõ hơn nguyên nhân thúc đẩy ông thực hiện việc vừa qua. Ông ta trả lời chẳng có gì để nói thêm nữa vì ông ta hành động chỉ vì lợi ích xứ sở An Nam... Ngay khi bị bắt, ông ta đã đợi bị bắn... Ông ta chỉ tiếc một việc là cuộc nổi dậy đã không thành”.
Đó là báo cáo của toàn quyền Đông Dương Roume gửi về Bộ trưởng Thuộc địa của nước Pháp (tài liệu số 68, hồ sơ 65530).
Quân Pháp còn đưa cả hai bà hoàng thái hậu và hoàng quý phi (vợ vua) Mai Thị Vàng đến thuyết phục vua thay đổi thái độ để trở về ngôi báu, nhưng vua cự tuyệt (theo Phạm Khắc Hòe).
Trong lá thư gửi cho thầy giáo Ébérhard của mình một ngày sau khi bị bắt (7-5), vua viết: “Tôi đã làm theo tiếng gọi của Tổ quốc mà không gì có thể cưỡng lại”.
Toàn quyền Đông Dương Ernest Roume đã thốt lên lời bất lực: “Chúng ta đã chứng kiến trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử xứ An Nam, một ông vua nổi dậy chống lại chính quyền của chính mình” (theo biên bản cuộc họp ngày 10-5-1916). Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên của triều Nguyễn đã ghi hành động của vua là “vứt bỏ ngôi báu như chiếc giày rách, bôn ba gió bụi”.
Ngày 3-11-1916, cựu hoàng Duy Tân cùng với thân phụ là cựu hoàng Thành Thái, thân mẫu, hoàng phi Mai Thị Vàng và gia đình xuống tàu ở bến Ô Cấp (Vũng Tàu) để bắt đầu sống kiếp lưu đày ở đảo Réunion, một hòn đảo thuộc địa của Pháp nằm trên Ấn Độ Dương, phía đông châu Phi.
Năm đó nhà vua mới 16 tuổi. Tại nơi đất khách này, ông đã sống một cuộc đời đầy sóng gió, cho đến năm 45 tuổi thì tử nạn trong một vụ rơi máy bay mà đến nay cái chết bí ẩn của vị cựu hoàng này vẫn chưa được làm rõ.
Sáng 17-5-1916, hội đồng xét xử của triều đình đã đưa ra xử những người tham gia “cuộc nổi loạn” ở Huế. Sau khi luận tội các can phạm, tòa tuyên án xử trảm bốn kẻ cầm đầu là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề và thi hành án ngay lập tức.
Những người còn lại tội nhẹ hơn sẽ tiếp tục điều tra, xét xử sau. Ngay chiều hôm đó, lúc 4g30 ngày 17-5-1916, bốn nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa, bị hành quyết chém đầu ngay tại pháp trường ở phía bắc kinh thành Huế, nơi mà sau này dân gian gọi tên là Cống Chém (nay thuộc phường An Hòa, TP Huế).
Một ngày sau, 18-5-1916, hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định.
|
___
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160618/toi-da-lam-theo-tieng-goi-cua-to-quoc/1120420.html
Kỳ tới: “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”
MINH TỰ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét