Thăm rừng lộc vừng 500 năm tuổi ở xứ Huế
| Đăng ngày : 11/12/2015
Làng Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) cách TP Huế khoảng 40km, nơi đây nổi bật bởi dải rừng lộc vừng xanh mướt, hàng trăm năm tuổi.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng là ba bậc cao niên nằm trong Hội đồng làng Siêu Quần. Kể về lịch sử của rừng lộc vừng, các cụ cho biết, làng Siêu Quần khi xưa thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, vốn là điểm cuối của vùng đất mà vuaChăm dâng Đại Việt, được lập ra vào năm 1306.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng là ba bậc cao niên nằm trong Hội đồng làng Siêu Quần. Kể về lịch sử của rừng lộc vừng, các cụ cho biết, làng Siêu Quần khi xưa thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, vốn là điểm cuối của vùng đất mà vuaChăm dâng Đại Việt, được lập ra vào năm 1306.
Những bậc tiền hiền của làng đã trồng cây lộc vừng tổ trên đất chùa của làng. Sau khi đắp đê ngăn mặn, nhận thấy cây lộc vừng có những đặc tính hợp với thổ nhưỡng, họ đã quyết định chọn giống cây này trồng đại trà trên những con đê để giữ đất, chắn sóng.
Rừng lộc vừng 500 năm tuổi trải dài bao bọc chở che ngôi làng
Để khuyến khích người dân trồng lộc vừng, “Ngài Khai Canh” (Người lập làng – PV) lúc bấy giờ đã đưa ra quy ước, ai trồng càng nhiều lộc vừng sẽ được thưởng càng nhiều gạo và áo. Người dân sau khi trồng lộc vừng được thưởng gạo nhưng không thấy thưởng áo đã đem lòng thắc mắc. Tuy nhiên, khi lộc vừng tốt tươi, trải qua bao trận bão lũ thiên tai, làng Siêu Quần vẫn bình yên vô sự nhờ sự chở che của những dải lộc vừng trồng trên bờ đê, họ mới ngộ ra tấm áo mà Ngài Khai Canh nói đến chính là những cây lộc vừng do chính mình trồng.
Trong ký ức của các cụ cao niên, hình ảnh những cây lộc vừng đã gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ với những trưa hè chăn trâu cắt cỏ nằm ngủ, chơi đùa dưới tán cây. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, rừng lộc vừng đã như “tấm áo giáp” chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích.
Trước ngõ mỗi nhà dân ở làng Siêu Quần đều trồng cây lộc vừng
Không chỉ vậy, rừng lộc vừng còn cứu đói cho cả dân làng trong những ngày đói kém, không thể sản xuất. Nhớ về những ngày đó, một cụ ông trong làng chia sẻ: “Ngày ấy, chiến tranh loạn lạc, người dân trồng trọt luôn bị mất mùa, không có gạo, sắn ăn. Để sống qua ngày, cha mẹ chúng tôi thường hái ngọn lộc vừng ăn. Thứ nấu canh, thứ ăn sống kẹp với con rạm nấu. Món đó, vừa có sẵn, vừa ngon mà cũng rất bổ dưỡng”.
Đến nay, rừng lộc vừng không ngừng phát triển với diện tích khoảng 20ha, chiếm 1/5 diện tích làng.
Những cây lộc vừng lâu năm bị phủ bởi rêu phong và những giò lan rừng
Để giữ được rừng lộc vừng cho đến ngày hôm nay là nhờ hương ước của làng. Trong đó, hương ước làng có quy định, ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt 500.000 đồng, nêu tên trên loa phát thanh xã, đồng thời phải có mâm trau cầu, rượu đưa ra đình làng tạ lỗi với dân làng.
“Những năm trước, cây lộc vừng được giá. Nhiều kẻ xấu về đào trộm lộc vừng. Dân làng chúng tôi phải thành lập một đội bảo vệ canh gác thường xuyên để giữ áo cho làng”, một bô lão khác cho hay.
Đến làng Siêu Quần, hàng cây lộc vừng có lẽ là hình ảnh được bắt gặp nhiều nhất. Nhà nhà ai cũng có cây lộc vừng trước ngõ. Những ngày này, những nhánh hoa lộc vừng bắt đầu chớm nụ, có những dải hoa đã bắt đầu trổ hoa, tạo thành dải màu đỏ rực nổi bật trên nền lá màu xanh trông rất đẹp mắt.
Cây lộc vừng tổ trồng trên đất của chùa làng
Làng hiện nay có 5 hàng lộc vừng được đặt theo những tên gọi từ xưa do cha ông đặt: bàu Rộng, bàu Tranh, duồng (hàng) Na, duồng Nọ, duồng Bạn. Về số lượng cây lộc vừng, theo thống kê thì lên đến hàng ngàn. Trong đó, có khoảng 1000 cây có tuổi đời trên 500 năm tuổi. Những cây nhỏ vài chục năm tuổi thì nhiều vô kể.
Những dải hoa lộc vừng nở rộ đỏ rực khoe sắc
Nổi bật và tự hào nhất vẫn là cây lộc vừng tổ được trồng trên đất chùa của làng. Cây này được trồng từ thời vua Trần Anh Tông ( khoảng năm 1306) khi lập làng. Được biết, hiện nay làng Siêu Quần đang lập hồ sơ gửi VACNE (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đề nghị vinh danh cây lộc vừng tổ này và một số cổ thụ khác của làng là cây Di sản Việt nam.
LÊ KÔNG
LÊ KÔNG
http://tintuchue.net/du-lich-hue/tham-rung-loc-vung-500-nam-tuoi-o-xu-hue.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét