Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

MƯNG & LỘC VỪNG

 MƯNG & LỘC VỪNG
                                                         Thứ năm, 01/10/2015
           “Làng tôi nay thiếu bóng tre
    Thiếu con đường đất, thiếu ve gọi sầu
                                    Quanh làng đã sạch bóng trâu
     Sạch hàng mưng rợp Ô Lâu bợt rào…”

Đó là bốn câu thơ đầu trong bài “Nhớ làng” của TNG mới đây đăng trên các facebook. Theo đó, “tre và đường đất” thì chỉ “thiếu”, nghĩa là vẫn còn, nhưng “trâu và mưng” thì hầu như đã “sạch”, nghĩa là không còn nữa. Tại sao vậy? Có phải chỉ do đơn thuần là đã “hiện đại hóa” bờ sông bằng con đê kiên cố nên không cần hàng mưng bảo vệ nữa chăng?
 
Hoa lộc vừng (ảnh sưu tầm) 

§  Lộc vừng ở Làng Kế Môn

Trở về với năm, sáu chục năm  trước, ở làng Kế Môn, thậm chí là cả Thừa Thiên Huế, nói đến cây “lộc vừng” hẵn là không ai biết đó là cây gì. Chỉ biết bên bờ sông Ô Lâu, phía tả ngạn từ Vĩnh Xương về đến Bến Đồng Dạ, có hàng cây rậm trồng để giữ đất mà dân địa phương thường gọi là cây “mưng”. Thời ấy, trong khung cảnh hòa bình tạm bợ và khó khăn vất vả của nghề nông, chẳng ai để ý đến loài mưng này có hoa  như thế nào và có mầu gì. Kể cả bọn trẻ con chúng tôi thường leo lên các cành mưng bổ hẵn ra sông chỉ để buông câu hoặc nhảy ùm xuống sông mà tắm.

Chỉ biết là hàng mưng ven sông rậm rạp đã mang lại bóng mát tuyệt vời trong những ngày hè oi bức của cái xứ gió Lào khô cháy miền Trung này. Người nông dân Kế Môn xưa, có lẽ không ai là không một lần ngồi nghỉ chân hay cơm trưa dưới những hàng mưng râm mát đó. Còn đối với đám trẻ con chúng tôi, thì “giai thoại về những con ma-rà ngồi dưới gốc mưng” cũng đã từng khiến chúng tôi rỡn tóc gáy, mỗi khi ra tắm sông hay câu rào.

Và rồi cho đến ngày đất nước hòa bình năm 1975, nhất là khi kinh tế nói chung bắt đầu khá lên vào khoảng từ thập niên 1990’s, thì sau “cái ăn cái mặc”, người ta bắt đầu nghĩ tới cái “chơi” – trong đó có chơi các loại cây cảnh - thì loài mưng, như một người từ quê lên tỉnh, bắt đầu …đổi đời một cách ngoạn mục! Danh từ “lộc vừng” cũng từ đó  theo chân người miền Bắc tiến vào Nam nói chung và vào Làng Kế Môn nói riêng. Và hiện tại, dù đã qua đi “cao trào kiểng lộc vừng” những năm đầu thiên niên kỷ, nhưng nếu có dịp về làng, vào sân các nóc gia có điều kiện, bạn sẽ thấy các chậu lộc vừng đủ cỡ, to có nhỏ có, được chăm sóc, uốn nắn thật chu đáo, sành điệu của dân chơi kiểng.

Thật ra, lộc vừng, ngoài cái tên quen gọi là “mưng” ở Thừa Thiên Huế, ở vài địa phương khác còn có tên là cây “chiếc” - có tên khoa học là barringtonia acutangula – là loài cây có các đặc tính phù hợp để làm cây cảnh, do có gốc và thân đẹp, dễ uốn nắn, đặc biệt có hoa màu đỏ dáng rũ đẹp, nom tợ như hoa liễu, khi nở lại có hương thơm. Người ta còn đồn thổi rằng, chơi lộc vừng hợp với “phong thủy”, sẽ mang “lộc” đến cho gia chủ. Vậy nên dân chơi cây cảnh đã xếp lộc vừng vào một trong bốn loại cây cảnh quý  là “sanh, sung, tùng, lộc” cũng không phải là không có lý do. Ở thời điểm cao trào,  mỗi cây lộc vừng cao chừng 2 mét trở lên, dáng đẹp, có giá hằng chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Như vậy, hàng mưng xanh rậm bên bờ sông Ô Lâu, với hàng trăm cây từ Vĩnh Xương tới hết Làng Kế Môn thuở nào, ở thời điểm cao trào chơi cây cảnh ấy, liệu có bao nhiêu cây có gốc, có dáng đẹp. Và khi “giải tỏa” để làm bờ kè, có tận dụng được để đem bán “làm quỹ” cho làng xã không? Về câu hỏi này thì có lẽ, người phương xa sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời, vả chăng chuyện cũng đã lâu, chẳng ai còn coi chuyện ấy là quan trọng nữa.
.

Trái lộc vừng

§  Lộc vừng ở Làng Siêu Quần

Đó là nói về câu chuyện lộc vừng ở Làng Kế Môn. Nhưng ở Thừa Thiên Huế thì không chỉ Kế Môn, Vĩnh Xương mới có các hàng mưng, có lộc vừng. Mà hầu như làng xã duyên hải nào có sông nước, thì ở đó có lộc vừng - vì giống cây này thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất  ẩm.  Ngay trên địa bàn xã Phong Bình của huyện Phong Điền, bên kia hữu ngạn sông Ô Lâu,  có ngôi làng nổi tiếng bao bọc bởi hằng nghìn gốc mưng cổ thụ, đó là Làng Siêu Quần - mà một thời từng gây nhiều tranh cãi, khi có thương lái tới đòi mua với giá khủng lên đến hàng trăm tỷ, nhưng dân làng đã không chịu bán.

Theo cụ trưởng làng Nguyễn Văn Tám, năm nay ở tuổi 72, thì  ngài khai canh và các bậc tiền bối của làng đã trồng loại cây mưng này từ thuở ban sơ khi mới thành lập làng vào thời Lê sơ, ở vị trí cặp bờ đê xung quanh làng - vốn là một cái cồn nổi nằm giữa một vùng đất trũng, đầm lầy (nên làng này còn có biệt danh là làng Cồn). Và cây mưng, với lợi thế cành lá rậm rạp, tuổi thọ cao, lại dẽo dai, chịu nước, sẽ hình thành như một bức tường chắn sóng, chắn gió, bảo vệ ngôi làng khi gặp sự cố lũ, bão. Trong thực tế, “bức tường mưng” này đã “phát huy tác dụng” trong khá nhiều tình huống thiên tai, mà trận bão khủng khiếp năm 1985 và trận lũ lụt lịch sử năm 1999 là hai ví dụ điển hình: trong lúc các làng kế cận xung quanh bị thiệt hại nặng nề thì Siêu Quần lại không hề hấn gì.

Rừng lộc vừng ở Làng Siêu Quần   (ảnh Văn Nguyễn - Vnexpress)

Một trong những cây lộc vừng cổ thụ của Làng Siêu Quần  (nt)

Đó là chưa kể những giai thoại trong lịch sử về cứu đói từ cây mưng của làng Siêu Quần trước đây, khi tới mùa giáp hạt, thiếu lương thực. Người dân làng đã quen hái lá lộc vừng non – xem như một loại rau - về ăn cùng với đam, rạm, vừa đỡ đói,  lại vừa ngon, bổ. Bởi vậy mà từ xưa tới nay, dân làng Siêu Quần đã có truyền thống bảo vệ cây lộc vừng quanh làng với những hương ước và luật lệ khá chặt chẻ, nghiêm ngặt. Tuyệt đối cấm chặt phá cây cành dù nhỏ cũng bị án phạt rất nặng.

Tóm lại, do truyền thống từ thời cha ông tổ tiên để lại, do nhìn thấy cái lợi sâu xa, về lâu về dài của làng mà người dân Siêu Quần - đại diện là hội đồng làng - đã không màng tới cái lợi trước mắt, nhất quyết không chịu bán số lộc vừng, dù nếu bán sẽ thu về một số tiền không nhỏ. Về điều này, có người tiếc rẻ, cho là uổng phí, là đánh mất cơ hội tạo cho làng một số vốn để xây dựng và phát triển, nhất là khi Siêu Quần hiện đang là một làng nghèo. Có thể bán bớt, không cần phải bán tất. Điều đó cũng có lý. Nhưng nếu người dân Siêu Quần đã xem những cây mưng, những cây lộc vừng cổ thụ kia là linh hồn của làng, là báu vật của cha ông để lại, thì việc mang ra bán buôn, dù chỉ một số, cũng là điều vong ân bội nghĩa với tổ tiên. Bởi vì nếu cứ túng quẩn lại đem bán, thì ai bảo đảm rằng chỉ bán lần này rồi lần sau, lần sau nữa lại không? Và rồi cuối cùng, giàn lộc vừng, bức tường thành bảo vệ làng sẽ còn lại gì cho các thế hệ mai sau?


Lá lộc vừng non (ảnh Văn Nguyễn - Vnexpress)

§  Lộc vừng và động cát

Đem sự kiện lộc vừng này của Làng Siêu Quần so sánh với hàng mưng bên bờ sông Ô Lâu của Làng Kế Môn và Vĩnh Xương e rằng cũng có phần khập khiểng, vì quy mô và hình dáng hai bên có khác nhau. Nhưng nếu đem so “bức tường lộc vừng” của Siêu Quần với “bức tường động cát” chắn sóng, chắn bão của Điền Môn chắc là không khác gì nhau mấy. Có điều một bên thì cố bảo tồn, bảo vệ, còn bên kia thì vô tư bào mòn đến độ san bằng như hiện nay.

Rõ ràng là trong xã hội ta thời hiện đại, những con người, những tập thể có suy nghĩ và hành xử như Siêu Quần quả là rất hiếm. Người ta chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà không hề thấy được cái hại về lâu về dài. Cũng có thể là họ không thiển cận, có tầm nhìn, nhưng do cái lợi của riêng mình sai khiến mà họ phải làm ngược lại. Và nếu ai cũng hành xử theo “tầm ngắn”, theo “tư duy nhiệm kỳ” như vậy cả, thì chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường cho các thế hệ mai sau.
  
NGUYÊN THANH – 2015 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét