Giá như ông cha ta đừng 'cứng đầu’
- 20 tháng 6 2015
Mới đây Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong một bài diễn văn gần bốn ngàn từ được truyền thông nhà nước Việt Nam loan tải, nói: “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Tôi không tin rằng có lẽ vì ban thư ký của ông phải chuẩn bị một văn bản dài dòng đã bỏ sót ba từ quan trọng như trong câu sau: Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất về độ 'thiếu dũng khí' trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thực thế, tôi cho rằng đọc lại sử Việt qua suốt các đời Ngô, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… ai là người Việt Nam mà lại không thấy xúc động, không tự hào cho cái tinh thần bất khuất của cha ông tổ tiên chúng ta?
Ừ thì cho rằng “không thể chọn láng giềng”. Cha ông chúng ta cũng cho như thế. Ừ thì cho rằng “Trung quốc quá lớn, quá mạnh”. Thời cha ông chúng ta cũng như thế. Ừ thì cho rằng “hoà hiếu là điều nên làm, chiến tranh chỉ khổ dân”, Cha ông chúng ta cũng biết rằng vậy.
Không chịu tin
Thế nhưng, bài diễn văn và quan điểm của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải chăng muốn để người dân Việt Nam tin tưởng và liên hệ tới những điều sau đây.
Rằng nhờ bài viết của ông, ta mới thấy ‘tiếc làm sao’ cho cái thời xa xưa, bởi vì giá như Ngô Quyền đừng làm khổ dân, đánh trận Bạch Đằng chống nhà Hán. Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt đừng đánh bại nhà Tống, Trần Hưng Đạo đừng 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, Lê Lợi đừng khởi nghĩa chống lại nhà Minh… thì bây giờ đất nước chúng ta đã chẳng trải dài 'từ mũi Cà mau lên đến Hắc Long Giang' giáp giới với nước Nga? Ta sẽ sánh vai cùng Tây tạng, Tân cương, Đài Loan... chung một mái nhà?
Hay nhờ quan điểm của ông Trọng mà ta ‘vỡ ra rằng’ ôi ‘giá như ông cha ta đừng cứng đầu’ thì 'hay' biết bao? Rồi giá gì ‘đừng có’ một Trần Quốc Tuấn với câu “Bệ hạ muốn hàng thì xin hãy chém đầu tôi trước đã ", hoặc ‘đừng có’ một Trần Bình Trọng “ta thà làm ma nước Nam, còn hơn làm Vương đất Bắc” thì nay có lẽ dân tộc ta cùng đứng chung hàng với quốc gia “tàu lạ” thứ hai thế giới, đang ganh đua với Mỹ?
Song ai nói gì thì nói, chứ có thể ‘tôi nhất quyết’ bưng mắt, bịt tai không nghe theo những dư luận khi họ nói rằng: “Thời đại Hồ Chí Minh đã để lại một di sản, đã sản sinh ra một giai cấp thống trị thiếu dũng khí trước kẻ cường quyền Bắc Triều, một sự ‘hèn yếu, sợ sệt’ đến độ không tả nổi.
“Rằng khi người anh em cùng trứng cùng bọc trước đây (Việt Nam Cộng Hòa) bị kẻ thù ấy cướp mất Hoàng Sa trong tay, thì chế độ ấy lại viết văn tự như thể muốn bàn giao, hợp thức hoá cho kẻ cướp. Rồi thì hiện nay, khi ngư dân liên tiếp bị đánh đắm, đâm thủng tàu, cầm tù… thì nhà nước ấy, đảng ấy, quân đội ấy, truyền thông nhà nước xứ ấy lại không dám gọi mặt chỉ tên, chỉ thỏ thẻ “tàu lạ”.
“Rằng khi nước “lạ” đưa giàn khoan vào nhà mình, thay vì hưởng ứng cái tinh thần Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng của người dân để chống lại, để tạo thái độ với kẻ xâm lấn, chế độ này lại bắt bớ, đánh đập, tù đày chính người dân mình, ra sức bịt miệng họ.”
Đại tướng quân
Không! Tôi cũng sẽ ‘nhất quyết chưa nghe’ những lời phê phán ấy trong quần chúng, dư luận Việt Nam trong và ngoài nước đâu, nhất là khi có những luồng quan điểm trên dư luận tiếp tục chỉ ra như sau rằng:
"Ông Trọng đã thiếu dũng khí, khi vào những lúc đất nước gặp nguy nan, kẻ thù kéo dàn khoan vào lãnh hải, dương đông, kích tây, chiếm đảo, xây căn cứ, chèn ép ngư dân Việt Nam, thì chính ông Tổng bí thư, người đại diện cao nhất của ‘thời đại rực rỡ, hoàng kim’ nhất của dân tộc lại khăn gói sang nước “bạn” để tiếp tục nâng niu 16 chữ vàng, "duy trì đại cục".
“Hay khi ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh năm nay ôm bình quý từ người đồng nhiệm Trung Quốc, kẻ đang cử các lực lượng hung hăng, lấn lướt hiếp đáp dân ta trên Biển.
"Phải chăng nhận cái bình ấy vì chính ông từ lâu đã nhất trí rằng sẽ không ném ‘chuột’ vì sợ vỡ bình?
"Mà hình như cái bình ấy có cả vị thế quyền lực, chức quyền, kinh tài của chính những nhóm lợi ích nào đó đang theo đóm (Trung Quốc) ăn tàn?”
"Làm sao mà một Đại tướng quân thống lãnh thiên binh, vạn mã của cả quốc gia mà lại coi kẻ thù xâm chiếm, đe nẹt đất nước, bức hại dân mình với 'dã tâm không suy suyển' như thế làm người ‘anh em, hàng xóm’ tốt và 'môi hở răng lạnh' được? Mà 'đại cục vẫn tốt' như ông Thanh tuyên bố ở Shangri-La năm ngoái tại Singpore là đại cục nào, vẫn những dòng dư luận đặt câu hỏi."
Thế nhưng ai nói gì, chê bai ông Phùng Quang Thanh tới đâu, tôi cũng 'nhất mực không tin đâu nhé'.
Tể tướng đầu triều
Khi Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Bồ Đào Nha mới đây, ông cũng ‘ra lời kêu gọi’ cộng đồng quốc tế chống lại (ai đó) trên biển Đông? Đọc toàn văn bài báo tường thuật lời kêu gọi của ông, ta không tìm thấy tên của Trung quốc dù chỉ một lần:
Như ông nói: “Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục có tiếng nói công lý mạnh mẽ yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp… (ba chấm lửng)” Ta đặt câu hỏi ở đây “yêu cầu là yêu cầu ai chấm dứt? Yêu cầu... (lại ba chấm lửng nữa) biển Đông là thế nào?
Sao Tể tướng đầu Triều mà lại không dám gọi thẳng tên kẻ thù mà người dân thường, từ phụ lão đầu bạc, tới trẻ lên ba ở trong nước cũng biết rõ mồn một ra?
Và ta có thể liên hệ lập trường này để nhìn sang Phi-luật-tân, sang Mã Lai xem họ ứng xử, nói năng thế nào? Hóa ra họ rất thẳng thắn, mạnh mẽ. Họ không chỉ chỉ mặt, gọi tên kẻ thù, mà còn dám kiện chúng nữa.
Mà họ có vẻ cũng là ‘những nước nhỏ’, thậm chí, nếu không nhầm, thì chưa hề một lần đánh thắng Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử, làm sao như cha ông chúng ta (Việt Nam).
Và dư luận đặt vấn đề vậy mà họ (Philippines) dám đưa Trung quốc ra tòa án quốc tế bất chấp mọi phản đối, đe dọa từ Bắc Kinh. Họ không ngần ngại chỉ thẳng tên cường quốc bá quyền này mỗi khi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải hay đe dọa biển đảo của họ.
Nhưng kể cả khi ấy, khi dư luận có chê trách ông Thủ tướng như thế đi nữa, thì tôi cũng 'chưa chắc đã thông', làm sao mà một Thủ tướng quyền cao, chức trọng, đường đường là một trong các lãnh đạo hàng đầu quốc gia lại vừa 'sợ giặc’, mà lại vẫn có thể được ‘toàn đảng, toàn dân’ ủng hộ, tín nhiệm cho ngồi trên ghế Tể tướng lâu đến thế được?
Giao lưu, kinh nghiệm?
Lại nữa, khi ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đi sứ ở Bắc Kinh trong tháng Sáu này, cũng vẫn diễn ra cái màn 'đấu dịu':
“Hai bên nhất trí duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức tốt một số hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân và Thanh niên hai nước trong năm 2015”.
Sao ông Minh không gợi ý với Trung Quốc là nên chăng có cuộc 'giao hữu' về 'bóng đá nước hay đua thuyền' giữa ngư dân Việt Nam và lực lượng hải giám Trung quốc cho nó thêm phần đặc sắc?
Rồi khi lãnh đạo bộ Công an Việt Nam họp với đại diện Ban An Ninh Trung quốc tại Việt Nam cũng trong tháng này, báo chí Việt Nam loan tin nói:
“Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Trung Quốc cần phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được; tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực hợp tác an ninh, chia sẻ kinh nghiệm công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên lĩnh vực an ninh quốc gia như phòng, chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh tôn giáo, dân tộc”.
‘Kinh nghiệm gì’ nếu không là trao đổi kinh nghiệm ‘đàn áp và khống chế’ sự ‘phản kháng’ của người dân? Hay là để báo cáo với người anh cả về chiến thuật mới dùng ‘công an giả dạng côn đồ’ tấn công thường dân để dập tắt những người đối lập, mà lâu nay ‘đảng em’ đã học được từ ‘đảng anh’?
Và khi ông Đinh Thế Huynh, trưởng ban Tuyên Giáo tuần này đi Thượng Hải dự “Hội thảo Lý luận lần thứ 11 giữa Đảng CSVN và Đảng CS Trung Quốc với chủ đề “Quản lý, phát triển xã hội - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc" và "giao lưu giữa hai ban Tuyên giáo và Tuyên truyền Trung ương hai Đảng”, dư luận đặt thêm dấu hỏi.
Họ hỏi rằng hai đảng này bàn bạc cái gì nếu không phải là hợp tác tuyên truyền ‘kinh nghiệm của dư luận viên’, của ‘trói tay báo chí, truyền thông’, của ‘đàn áp, bắt bớ, cầm tù’ những ngòi bút, tiếng nói vì dân, vì nước và phản kháng chống lại ‘cường hào, ác bá, gian tế’?
‘Trách cứ Tổ tiên’
Dư luận tháng này cũng theo dõi kỹ khi Quốc hội Việt Nam, cơ quan lập pháp của một nước, dù có người bảo là Quốc hội ‘bù nhìn’, muốn thảo luận, chất vấn chính phủ về tình hình Biển Đông thì người ta đã phải họp kín, không dám công khai cho toàn dân hay.
Thực thế, khi Đại biểu Quốc hội Lê Nam hỏi, tại sao hiện nay Trung quốc xâm hại biển Đông còn nguy hiểm hơn vụ giàn khoan 981, mà báo cáo của Phó thủ tướng trước Quốc hội lại không đề cập?
Thì ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp: “Về biển Đông, Chính phủ đã có báo cáo đầy đủ với Quốc hội, tôi xin không nêu lại vấn đề này.”
Rồi vừa đây, tỉnh như Vĩnh Phúc đã dựa vào ‘tiền cứu đói’ của chính phủ vì 'tỉnh còn nhiều hộ dân nghèo', lại không ngần ngại bỏ hàng trăm tỷ xây đền thờ Khổng tử, quảng bá văn hóa Trung hoa trong lúc nhiều trường học, bệnh viện, mọi dịch vụ công cộng đều thiếu, trẻ em có nơi phải đu dây qua suối... như chính truyền thông trong nước nói.
Rồi khi sự tồn vong của cả một dân tộc được đem ra đánh đổi cho sự tồn vong của một chế độ, của một đảng phái, khi sự 'hèn nhát, luồn cúi' đã được thể hiện từ ngay những cấp cao nhất, từ những người đứng đầu guồng máy cai trị, thì chúng ta, những hậu sinh của cha ông, tổ tiên Lạc Hồng, không chịu khuất phục ngoại bang xưa kia trong suốt hơn ngàn năm chống đối kẻ xâm lâm phương Bắc, phải đặt câu hỏi "sự hy sinh của các người có ý nghĩa gì?”
Trở lại với bài phát biểu bốn nghìn từ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, chắc ông muốn người dân đọc xong, nghe xong thì sẽ ‘quay mặt lại với tiền nhân’ để chê trách tổ tiên anh hùng của chúng ta rằng: “Nếu không có các vị, chúng tôi bây giờ hẳn đã hãnh diện làm công dân TQ và sẽ tự hào ra sao về những mẫu hạm Liêu Ninh, về tên lửa Đông Phong, về bác Mao, bác Đặng, bác Tập bất diệt?"
“Ôi dào, giá như ông cha ta đừng cứng đầu!”
Nhưng, lại nhưng, dù ai, dù dư luận có những bình phẩm như thế nào đi chăng nữa về các vị lãnh đạo sáng suốt của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, thì tôi vẫn sẽ 'một mực, nhất quyết' không nghe, không tin' đâu nhé!
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả đang sinh sống và làm việc tại Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét