Formosa Hà Tĩnh 'tạm hoãn khánh thành'
- 4 phút trước
Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh nói "vẫn hoạt động bình thường" và chỉ tạm hoãn khánh thành sản xuất một thời gian ngắn.
Tập đoàn Formosa Plastics (FPG) công bố ngày khánh thành đưa vào hoạt động nhà máy thép ở Việt Nam đã bị hoãn, và chưa đưa ra thời gian khánh thành mới, tờ Taipei Times tường thuật.
Trả lời phóng viên Cindy Sui của BBC News từ Đài Bắc sáng 16/6, Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Chang Fu-ning cho biết:"Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho phép của chính phủ [Việt Nam]."
"Chúng tôi đang nộp hồ sơ xin phép đây. Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thép cuối tháng Sáu, nhưng giờ chúng tôi cần nói chuyện với chính phủ. Có thể việc tạm hoãn này sẽ kéo dài 2 -3 tháng nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đi vào sản xuất. Nhà máy đã xây xong rồi, sao lại không được vận hành? Chúng tôi cần phải đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường. Việc này không liên quan gì đến chuyện cá chết cả.", ông Chang nói với BBC.
Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty con của FPG, đã và đang được dư luận và truyền thông trong nước và quốc tế chú ý nhiều trước cáo buộc liên quan tới thảm họa cá chết hàng loạt ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung.
Ông Chang Fu-ning được dẫn lời nói tổ hợp lò cao số một của nhà máy thép ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh sẽ không đi vào hoạt động vào thứ Bảy tuần tới 25/6 theo kế hoạch.
Tin được xác nhận sau khi truyền thông Đài Loan tường thuật FPG bị buộc phải tạm hoãn thời gian khởi động nhà máy sản xuất thép vì chính quyền Việt Nam đòi hỏi tập đoàn phải trả 70 triệu đôla Mỹ tiền thuế còn thiếu.
Tin cho biết việc tạm hoãn đưa nhà máy đi vào hoạt động vì chính quyền Việt Nam cần thêm thời gian để xử lý hồ sơ mà FPG nộp xin bắt đầu sản xuất.
Taipei Times nói các nguồn tin từ Việt Nam cho biết động thái truy thu thuế với FPG có "những lý do chính trị không được nêu ra".
Ông Chang nói với tờ Taipei Times FPG đã liên lạc với Bộ tài chính Việt Nam về cáo buộc trốn thuế.
Hôm 25/5, báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam đưa tin trong hai năm, công ty Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu, truy hoàn 2.000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó truy hoàn 1.554 tỷ do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Việt Nam dẫn lời một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết "lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã biết được thông tin nêu trên và đang có những cuộc làm việc cần thiết với bên đối tác và Bộ Tài chính để phối hợp xử lý các thông tin liên quan".
Ngoài Taipei Times, các hãng tin khác của Đài Loan như Focus Taiwan, Chinapost cũng đã đưa thông tin này.
'Tùy vào quốc gia đặt nhà máy'
Vào sáng hôm nay 16/06 vào lúc 9:30 giờ Đài Loan đã có một cuộc họp báo tại Quốc hội Đài Loan về công ty Formosa Hà Tĩnh.
Cuộc họp báo được tổ chức bởi văn phòng của ba dân biểu lập pháp Quốc hội Đài Loan với sự tham dự của các tổ chức phi chính phủ, các nhóm bảo vệ môi trường và các luật sư.
Cindy Sui, phóng viên BBC tại Đài Bắc nói rằng đây có thể là bước ngoặt trong cuộc điều tra của Chính phủ Việt Nam trước cáo buộc Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc vốn chưa có kết luận rõ ràng sau nhiều tuần.
"Bằng cách hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam và gây áp lực tới chính phủ Đài Loan để điều tra Formosa, có thể đây là động thái để có được một số câu trả lời cho những gì thực sự đã xảy ra," phóng viên BBC nhận định.
Phóng viên Cindy Sui cho biết trong cuộc họp có sự tham gia của Ủy ban Đầu tư Đài Loan. Cơ quan này đánh giá các đơn xin đầu tư nước ngoài của các tập đoàn, và có thể cho phép hoặc không cấp phép dựa trên việc các đầu tư này có gây ra vấn đề môi trường, vi phạm quyền lao động, nhân quyền hay làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Đài Loan hay không.
Tất cả đầu tư trên 50 triệu đôla Mỹ đều phải xin phép, giống như dự án của Formosa ở Việt Nam.
Chow Ching-sway, chuyên viên cao cấp từ Ủy ban Đầu tư, Bộ Kinh Tế Đài Loan nói tại họp báo: "Nếu họ [Formosa] vi phạm các luật đó, chúng tôi sẽ không thông qua đơn xin đầu tư... nhưng hiện giờ chúng ta không có luật xử lý đầu tư của công ty sau khi nó được thông qua bởi Chính phủ Đài Loan. Quốc gia nhận đầu tư sẽ phải xử lý với họ nếu họ vi phạm luật. Nếu người dân muốn Chính phủ Đài Loan điều tra các công ty đã được cho phép đầu tư, vậy thì chúng ta phải có luật mới."
Cindy Sui của BBC bình luận: "Cơ bản là ủy ban cho phép thông qua cũng dựa vào các thông tin mà FPG cung cấp. Họ không đến quốc gia đặt nhà máy để làm kiểm tra. Nếu có sự cố gì xảy ra, đó là do chính phủ của quốc gia đặt nhà máy tự xử lý với sự cố đó. "
Một công nhân nhập cư người Việt Nam tại Đài Loan có tham gia cuộc họp báo cho biết ông và gia đình sống bên cạnh nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, và thậm chí ngay từ tháng 3/2016 số lượng cá đánh bắt được cũng đã giảm, buộc ông phải đi Đài Loan tìm việc.
Và sau đó đầu tháng Tư, vợ ông gọi và nói ông rất nhiều tấn cá đã chết - chuyện gì đó chưa từng có đang xảy ra ở làng của họ. Thợ lặn trong khu vực, trong đó có cả một người họ hàng của ông, lặn xuống khu vực xả thải của nhà máy, nhưng khi tới gần họ không thở được và phải bơi đi ngay. Từ đó trở đi, mọi người trong tỉnh không thể kiếm sống vì cá đánh bắt ở đây bị cho là không an toàn.
BBC đã liên lạc với ông Đặng Quốc Khánh, chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và ông Đặng Ngọc Sơn phó chủ tịch Hà Tĩnh để hỏi về thông tin tạm hoãn khánh thành nhà máy Formosa nhưng cả hai đều cúp máy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét