Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt
Sáng gã cùng GS Tương Lai, nhà thơ Nguyễn Duy, tiến sĩ Trương Đình Hiển ra Nghĩa trang Thành phố. 8 năm rồi thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi.
Hàng đầu là những ngôi mộ của những lãnh đạo cao cấp của đảng và quốc gia như Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Trần Chí... Trên bia mộ vị nào cũng đề rất nhiều chức tước đã kinh qua trong đảng, uỷ viên bộ chính trị, bí thư trung ương. Duy trên bia mộ của ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Văn Trà chỉ ghi vỏn vẹn: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Mai Chí Thọ, Thượng tướng Trần Văn Trà.
Đặc biệt hơn là trên bia mộ của ông Kiệt bên cạnh tấm hình của ông còn có tấm hình của bà Trần Kim Anh, người vợ đầu yêu thương của ông đã bị chết mất xác vì bom Mỹ trong chiến tranh. Có lẽ đây là tấm bia mộ lãnh đạo quốc gia VN duy nhất có hình vợ chồng song đôi như vậy.
Thắp nhang cho ông Kiệt xong gã thắp thêm cây nhang cho bà Nguyễn Thị Định. Gã thương bà Định thủ lĩnh đội quân tóc dài, cả cuộc đời vá áo cho lính nhưng chưa một lần được vá áo cho cậu con trai duy nhất, và rồi giữa chiến trường sôi việc nước phải nhận tin con trai chết chỉ vì chuyện chả liên quan tới việc nước.
Nguyễn Duy kể cái suất mộ kia của ông Kiệt ông Kiệt tuyên bố nhường cho nhà văn Nguyễn Khải. Chuyện là thế này, khi nhà văn Nguyễn Khải, tác giả của “Đi tìm cái tôi đã mất” mất, Nguyễn Duy đại diện Hội Nhà văn VN lên Thành uỷ TP. HCM xin một suất đất để nhà văn yên nghỉ tại Nghĩa trang TP. Người ta trả lời đất chật quá rồi, ông nhà văn không đủ tiêu chuẩn chôn ở đây.
Chạy vạy các cửa đều không được, Nguyễn Duy bèn nhớ tới ông Kiệt. Ông Kiệt bảo tiêu chuẩn của nhà văn là tác phẩm chứ đâu phải là chức tước hay cách mạng tiền khởi nghĩa. Ông điện cho ông Ba Đua lúc ấy là phó bí thư Thành uỷ yêu cầu lấy suất của ông chôn ở nghĩa trang TP cho nhà văn Nguyễn Khải. Đương nhiên anh Ba Đua kia đâu dám làm như thế. Và thế là nhà văn Nguyễn Khải đỡ phải ra tận nghĩa trang ở Củ Chi xa xôi để chiêm nghiệm “cái tôi” khi mất thật thì tìm lại bằng cách nào?
Phái đoàn của gã tới nhà Hiếu Dân, con gái ông Kiệt để dự đám giỗ sớm thứ nhì. Sớm nhất là đoàn của tỉnh Vĩnh Long quê hương ông Kiệt do ông bí thư và chủ tịch dẫn đầu. Tại bàn thờ của vợ chồng ông Kiệt có vòng hoa của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Trần Đại Quang, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân... bên vòng hoa của những người nông dân Nam Bộ.
GS Tương Lai chọn chỗ ngồi khá thuận lợi cho việc quan sát. Và cái bàn của GS Tương Lai ngồi toàn trí thức thành phần cộm cán được gọi là “thoái hoá tư tưởng” đòi đa nguyên. Gã cứ nói toẹt ra theo ngôn ngữ của những người được phân công thường xuyên bám sát để mắt theo dõi từng chuyển dịch của họ là thành phần... “phản động”. Này nhé Huỳnh Kim Báu chủ nhiệm câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, này nhé Lê Công Giàu, này nhé Huỳnh Tấn Mẫm.
Riêng Nguyễn Duy và gã giản đơn chỉ là “tay chơi văn nghệ” mà bản tính của “tay chơi văn nghệ” là tự kiêu ngạo ta đây cho mình cái quyền đứng ngoài các ... phe phái. Nói riêng cho chính xác là Nguyễn Duy và gã chơi với bất cứ ai dù là “phản động” hay vững chắc “lập trường cộng sản” đối chọi nhau bôm bốp, miễn là mình... thích. Trường phái này dân gian gọi là trường phái “tuy là”. Đại loại, đồng chí ấy hay tay ấy tuy là... nhưng mà ... tốt.
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang xuất hiện. Ông được Hiếu Dân dẫn vào ngồi bàn quan khách bên dưới bức ảnh rất lớn của ông Kiệt mà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đang ngồi uống trà. Ông Sang đang chuyện trò với bí thư, chủ tịch Vĩnh Long thì nhận ra bàn phía ngoài rìa có nhóm trí thức chủ xướng của nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và chủ xướng nhiều kiến nghị thay đổi cho đất nước, ông lập tức đứng dậy rồi đi rất nhanh tới.
Ông lần lượt bắt tay Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Tương Lai, Nguyễn Duy, Trương Đình Hiển và đương nhiên cả gã. (Xin mở ngoặc, gã chỉ là người do ngồi cùng bàn nên là người duy nhất được bắt tay ăn theo thôi).
Nhìn điệu bộ của ông gã tin chắc ông không thể nhớ gã đã từng đối chất với ông về hợp tác hoá nông nghiệp khi ông là bí thư huyện uỷ huyện Bình Chánh. Nhưng nếu gã chỉ cần nói tôi là người đề nghị ông bỏ lá cờ “thành tích hợp tác hoá nông nghiệp hàng đầu” xuống vì đó là một sai lầm ấu trĩ về kinh tế tập thể bao cấp thì thể nào ông sẽ “à” lên một cái và nhớ gã là ai. Ông sẽ nhớ vì lúc đó chính ông đã làm cho gã rất thích thú khi nói “Để tôi bàn với thường vụ huyện uỷ gỡ xuống” mà không hề tỏ ra bực tức gì, để rồi ông nhận được lời tiên đoán của gã rằng “sau này ông sẽ lên to lắm” làm mắt ông lim dim như tủm tỉm cười.
Nhưng rồi sau này gã có nghe được một nguồn tin rằng, sau khi gã vừa biến thì ông đã mắng một anh cán bộ tuyên huấn huyện: Thằng nào kêu tay nhà báo ăn nói lung tung ấy tới vậy?
Thực ra theo tường thuật của nguồn tin gã chưa trực tiếp kiểm chứng kia là ông còn kèm theo một câu chửi thề nữa. Gã chả trách ông vì thời đó những năm tám mươi của thế kỷ trước hợp tác hoá nông nghiệp vẫn là một phong trào thi đua yêu nước mà cả nước đang tích cực theo. Nếu ông có chửi gã và cho rằng gã ăn nói lung tung là rất đúng.
Bây giờ sau gần 30 năm ông trước mặt gã và bắt tay gã. Công nhận bàn tay ông ấm và cái bắt tay chặt.
Khi ông bắt tay Nguyễn Duy ông nhắc đi nhắc lại câu: Tái hồi Kim Trọng nha, Nguyễn Duy!
Ông trở về bàn khách trung tâm rất nhiều quan chức chính phủ và quan chức Sài Gòn đã có mặt. Ngồi chuyện trò với các quan chức trên một lúc, gã thấy ông nhòm đồng hồ rồi đứng dậy. Và trong chiếc sơ mi màu mỡ gà ông lại đi rất nhanh đến bàn rìa này. Ông đứng sau lưng Lê Công Giàu nắm chặt tay Lê Công Gìau rồi nói giọng trầm hẳn chân thành chứ không hề mang tính hài hước.
- Tên là Giàu mà lại nghèo.
Ông có ý chia sẻ với nhà cách mạng từng bị tù Côn Đảo này sống trong sạch nên nghèo. Ông cũng biết trong đám giỗ của ông Võ Văn Kiệt có rất nhiều ánh mắt với những quan điểm, tư tưởng khác nhau, thậm chí đối chọi nhau - bảo thủ, hà khắc, nguyên tắc, lập trường cứng ngắc, hay tiến bộ, thông thoáng... đang dòm ngó từng cử chỉ của người mới mấy tháng trước đây là nguyên thủ quốc gia để xem ông có thái độ thế nào với đám nổi tiếng... chống đối. Ông đưa thêm một bàn tay nữa ấp lên bàn tay gầy guộc, xanh xao của Lê Công Giàu. Gã thấy ông rơm rớm nước mắt.
Gã độp hỏi ông:
-Vậy tên anh là Sang anh có sang không?
Ông hơi sững lại trước câu hỏi bất ngờ đầy hàm ý của gã rồi đáp:
-Cũng chả sang gì...
Ông nở nụ cười chả rõ thật hay... diễn.
-Tôi xin phép có việc phải về trước. Và không quên nói với Nguyễn Duy một lần nữa: Nhớ tái hồi Kim Trọng nha!
Không biết khi ra xe ông có lẩm bẩm chửi gã - thằng cha hỏi móc lò dễ ghét, không ?
***
Gã hỏi Nguyễn Duy “Tái hồi Kim Trọng” là thế nào? Nguyễn Duy bảo: Trước đây cứ tết là ông Tư Sang đều mời nhiều trí thức văn nghệ sĩ trong đó có tôi tới ăn tết với ông. Nhưng 3 năm nay tôi không thấy hứng nên tôi không tới... Ông nghĩ chắc tôi có điều gì không hài lòng về ông.
Từ phía ngoài gã thấy một người đàn ông cao lớn mặc áo sơ mi xanh da trời xuất hiện. Bây giờ thì gã đã hiểu lý do vì sao ông Tư Sang muốn về sớm rồi.
Người đàn ông cao lớn kia chân khập khiễng rất khác với hình ảnh của ông trên các thảm đỏ nhiều quốc gia với bước đi bành bạnh ngang tàng.
Ông là ai?
Ngày mai gã sẽ kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét