Hồ sơ chiến tranh Việt Nam: Người Mỹ đã nghĩ gì?
Vì sao Mỹ đột ngột nhảy vào cản trở thống nhất Việt Nam sau hiệp định Genève, 20 năm sau lại đột ngột bỏ mặc đồng minh của mình?
Việt Nam – quân bài “Domino” của Mỹ
Sau chiến tranh thế giới thứ II, hàng loạt quốc gia được Hồng quân Liên Xô giải phóng đã ra đời và đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Lo sợ điều đó, người Mỹ tự cho mình là lãnh đạo “thế giới tự do” xác định phải có “trách nhiệm” ngăn cản làn sóng Cộng sản.
Thập niên 1950, Tổng thống Eisenhower đưa ra học thuyết Domino đại ý cho rằng: “Nếu để những người Cộng sản chiếm cứ Nam Việt Nam thì đó sẽ là quân bài domino chìa khóa cho Lào, Campuchia, Thái Lan… sụp đổ vào tay cộng sản và sẽ tạo lợi thế lớn cho các phong trào cộng sản tại châu Á đe dọa khu vực sống còn còn lại của thế giới tự do”.
Với học thuyết ấy, ngay khi Hiệp định Genève vừa ký kết thì người Mỹ cũng ráo riết bắt tay hành động ở Nam Việt Nam. Đầu tiên, người Mỹ lập kế hoạch mang tên “Memphis” với nội dung cơ bản của nó là “Biến vĩ tuyến 17 thành một phòng tuyến ngăn chặn (chủ nghĩa cộng sản) không thể xoá bỏ được”.
Ngày 13/12/1954, Mỹ điều đình để thay Pháp huấn luyện quân đội quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên, nhận thấy Bảo Đại có xu hướng thân Pháp, người Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng và đến tháng 10/1955 thì giúp ông Diệm bày ra trò trưng cầu dân ý để phế truất Bảo Đại rồi lên làm Tổng thống chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam.
Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam để làm tiền đồn chống cộng sản, Mỹ đã tích cực viện trợ để xây dựng quân đội cho Diệm. Từ 1954 - 1960, 80% ngân sách quân sự của Diệm do Mỹ trả. Cùng thời gian này, Mỹ đã dùng 800 chuyến tàu chở vũ khí và phương tiện quân sự sang cho chính quyền Sài Gòn.
Cùng với học thuyết Domino, Nam Việt Nam còn được Mỹ coi là một nơi để phô diễn sức mạnh quân sự của mình với thế giới. Điều đó được Kennedy tuyên bố đầu năm 1961 khi ông ta đắc cử Tổng thống. Ông nói: “Bây giờ đây, chúng ta có một vấn đề là phải làm cho thế giới tin vào sức mạnh của chúng ta, mà Việt Nam chính là nơi để thực hiện điều đó”.
Trong thời kỳ đầu của sự dính líu vào Việt Nam, chính quyền Mỹ luôn tuyên truyền rằng, sự tồn tại của một nước Việt Nam cộng sản là mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ. Điều đó được James G. Zumwalts viết trong cuốn Chân trần chí thép: “Cũng cần nhận thức rõ ràng rằng, một Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, khác với luận điệu mà các quan chức Mỹ luôn rao giảng trong suốt cuộc chiến, không bao giờ là một mối đe dọa đối với nước Mỹ”.
Cái giá để mặc cả với Liên Xô
Sau 8 năm chiến đấu với số lượng lính Mỹ lúc cao nhất lên tới hơn nửa triệu người và áp dụng những công nghệ chiến tranh hiện đại nhất, người Mỹ vẫn cảm thấy việc chiến thắng đối phương bằng quân sự là xa vời.
Dưới áp lực của gánh nặng chiến tranh cùng phong trào phản chiến lan rộng, chính quyền Mỹ bắt đầu muốn rút khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định Paris đã kéo dài suốt 4 năm trời với hàng ngàn cuộc họp vô bổ, có khi chỉ để sửa chữa những tiểu tiết không cần thiết.
Kỳ thực, hậu trường cuộc đàm phán này, người Mỹ cũng tính toán thiệt hơn nhiều lẽ. Họ dùng ngay xương máu người Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc để phục vụ việc ngoại giao của mình.
Nhà sử học Mỹ - Gabriel Kolko trong cuốn Giải phẫu một cuộc chiến tranh viết: “Nixon tin rằng, Việt Nam là một quốc gia độc lập với những mục tiêu cứng chắc cho nên không thể giao thiệp trực tiếp với họ, trừ phi tranh thủ những người ủng hộ Liên Xô và Trung Quốc của họ cùng với Mỹ gây sức ép… Chính quyền mới nhanh chóng đưa ra những đề nghị cụ thể với Liên Xô nhằm "liên kết" cuộc chiến tranh với tất cả các mặt của mối quan hệ Xô - Mỹ, từ SALT đến Trung Đông và vấn đề buôn bán. Liên kết các sự kiện lại với nhau, tạo ra những điều khích lệ hoặc những sức ép ở nơi này của thế giới để ảnh hưởng đến những sự kiện ở nơi khác, đã trở thành nguyên tắc ngoại giao chủ yếu của Washington”.
Bộ mặt thật
Viết về giai đoạn Mỹ và Việt Nam đàm phán ở Paris, trong cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy, ông Nguyễn Tiến Hưng, một phụ tá thân cận của Nguyễn Văn Thiệu đã trích dẫn nhiều tài liệu mật của Dinh Độc Lập. Thông qua đó, tác giả đã chứng minh rằng khi cần thiết, người Mỹ sẵn sàng hy sinh những kẻ đồng minh nhỏ bé để bảo toàn lợi ích của họ.
Điểm nổi bật nhất là trong việc người Mỹ ép ông Thiệu ký Hiệp định Paris. Đối với việc thống nhất nước Việt Nam, hiệp định này là mấu chốt, tuy nhiên, ở quan điểm những người đồng minh với Mỹ như phe ông Thiệu, rõ ràng đây là một sự trở mặt. Ông Hưng dẫn ra rằng, từ tháng 8/1972, Tổng thống Nixon liên tục gửi thư thúc ép ông Thiệu ký Hiệp định. Trong đó, có những lúc Nixon đã bóng gió đe dọa đảo chính lật đổ ông Thiệu.
Trong bức thư đề ngày 6/10/1972, Nixon viết: “Tôi yêu cầu Ngài áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968”. Những biến cố mà Nixon nhắc tới ở đây là sự kiện đảo chính năm 1963 và vụ chính quyền Johnson định lật đổ Thiệu năm 1968.
Cùng với đe dọa lật đổ, Nixon cũng hứa cam kết viện trợ đầy đủ để duy trì chế độ Sài Gòn sau khi ký. Nhưng thực tế, sau khi Hiệp định được ký kết, người Mỹ coi đó là kết thúc, trách nhiệm với đồng minh đã chấm dứt.
Tác giả Nguyễn Tiến Hưng lý giải rõ điều này: “Thế nhưng, Mỹ muốn phải có một Hiệp định đình chiến và do cả bốn bên (Bắc Việt, Nam Việt, Mặt trận giải phóng, và Mỹ) đều cùng ký vào.
Có ba cái lợi: thứ nhất, Hiệp định giúp cho việc Mỹ rút quân khỏi miền Nam được danh chính ngôn thuận trước công luận quốc tế: chính VNCH ký vào Hiệp định, như vậy là đồng ý cho Mỹ rút đi, chứ không phải là Mỹ tự ý rút và bỏ rơi Đồng minh; thứ hai: Nixon-Kissinger có thể tuyên bố đã giữ lời hứa là mang lại cho Miền Nam cả hoà bình lẫn danh dự (chiến tranh đã ngưng rồi và Chính phủ VNCH vẫn còn nguyên, không bị truất phế); và thứ ba, Hiệp định giúp Mỹ mang được tù binh về. Trước đó, có lần Nixon đã cho trực thăng đổ bộ vào tận trại giam ở Sơn Tây để cứu tù binh mà cũng hoàn toàn thất bại”.
Tác giả cũng đi sâu thêm khi tự đặt câu hỏi và lý giải tại sao không có một Hiệp định như Genève để chia đôi miền Nam. Câu trả lời là vì Mỹ sợ mất mặt vì khi họ vào miền Nam có 4 quân khu, chiến đấu 10 năm với trên nửa triệu quân, lúc ra đi lại chỉ còn có 2 quân khu thì nước Mỹ còn mặt mũi nào là siêu cường nữa.
Còn ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên trợ lý của Thiệu đã rút ra nhận xét về người đồng minh: “Vào thế kỷ 19, người Pháp nhân danh khai hóa để khai thác tài nguyên thuộc địa, nay người Mỹ nhân danh dân chủ để khai thác xương máu người Việt trong việc thiết lập một "tiền đồn chống Cộng" tại Đông Nam Á. Người Mỹ đến Việt Nam không vì quyền lợi người Việt Nam mà vì quyền lợi người Mỹ. Nền dân chủ mà người Mỹ tán dương khi can thiệp vào Việt Nam là nền dân chủ được định nghĩa trong quyền lợi của Mỹ, một thứ phó sản được dùng làm bình phong để thực hiện chính sách chia để trị, thiết lập đạo quân thứ năm, khuyến khích tình trạng vô chính phủ, nội loạn…".
VŨ TIẾN ĐỨC (KIẾN THỨC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét