Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Trang Đầu » tham nhũng

 Quốc hội nên điều tra, chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Tiến

Nếu Bộ trưởng Bộ Y tế không trả lời nghi vấn em chồng của bà có phải là Phó giám đốc đối ngoại của VN Pharma trong thời gian công ty này “thắng thầu” nhiều lô thuốc nhất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên lập một ủy ban điều tra độc lập, làm rõ điều đó và tìm thêm những dấu hiệu liệu VN Pharma có phải là “sân sau” của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hay không.
Là Bộ trưởng, bà Tiến không chỉ phải đối diện với các cáo buộc pháp lý mà còn phải đối diện với các áp lực chính trị. Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội nên tổ chức sớm phiên điều trần để nghe báo cáo của Ủy ban điều tra này và quyết định có đưa bà Tiến ra Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Vụ VN Pharma đồng thời cũng cho thấy cần phải bổ sung rất nhiều điều kiện nhằm tránh tối đa khả năng xung đột lợi ích. Ví dụ: Phải cấm bổ nhiệm một người giữ các trọng trách hay đứng đầu một ngành mà trong đó, cả khu vực công lẫn khu vực tư, “nhung nhúc” thân bằng, quyến thuộc.

1. Những câu hỏi sau phiên tòa xử vụ buôn lậu thuốc ung thư

Tâm Lụa
TTO – Vụ án buôn lậu thuốc ung thư “kém chất lượng” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma đã tạm khép lại với mức án dành cho các bị cáo.
Thế nhưng có những câu hỏi, những vấn đề đặt ra trong vụ án kéo dài từ giai đoạn điều tra, truy tố và đến nay đã xét xử xong vẫn chưa được trả lời.
Chính vì vậy, ngay trong bản án ngày hôm qua (25-8), hội đồng xét xử TAND TP. HCM đã phải kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao làm rõ hai vấn đề: Ai là người đã nhận hoa hồng để những lô thuốc kém chất lượng của Công ty VN Pharma được bán trong bệnh viện, được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân?
Trách nhiệm của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) tới đâu trong việc cấp phép nhập khẩu lô thuốc H- Capita chữa ung thư kém chất lượng?
Những ngày qua, hai câu hỏi lớn, nhức nhối nêu trên đều đã được dư luận đặt ra. Kèm theo đó là rất nhiều ý kiến trái chiều về Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước áp lực của dư luận, Bộ Y tế đã phát đi thông cáo báo chí cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng.
Đồng thời Bộ “hứa” sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật và không bao che đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm sau khi bản án vụ VN Pharma được tuyên. Vậy sắp tới, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ thực hiện ra sao lời hứa của mình hay tiếp tục hứa để cho qua?
Chuyện “hoa hồng” và những sai phạm của các cán bộ Cục quản lý Dược không phải đến ngày hôm nay mới được tòa án kiến nghị.
Vụ án tại VN Pharma được phát hiện vào năm 2014. Trong tháng 1-2016, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế để kiến nghị xử lý những sơ sở, thiếu sót trong công tác kinh doanh dược phẩm, xử lý việc chi “hoa hồng” trong vụ án VN Pharma.
Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Y tế vẫn không công khai việc xử lý thiếu sót của cán bộ thuộc thẩm quyền. Hay vì lý do “tế nhị nào đó” mà lãnh đạo Bộ Y tế chưa thể xử lý vụ việc theo kiến nghị của Bộ Công an dù đã hơn một năm trôi qua?
Xin đừng nói rằng lô thuốc H-Capita được phát hiện, niêm phong kịp thời và chưa bán ra thị trường, vì vậy hậu quả chưa xảy ra.
Trước đó Cục quản lý Dược Bộ Y tế đã cấp phép cho nhập khẩu đối với 7 loại thuốc của VN Pharma. Trong đó có nhiều lô thuốc đã được bán ra thị trường.
Tháng 12-2013, sau 1,5 tháng thẩm định, tổ thẩm định của Cục quản lý Dược đã đề nghị duyệt nhập đối với lô thuốc H- Capita trị ung thư mặc dù tên thuốc, thành phần tá dược, hạn dùng và nhiệt độ bảo quản… có những nội dung không thống nhất.
Chỉ đến khi sai phạm với lô thuốc H-Capita bị phát hiện, Cục Quản lý Dược mới rút sổ đăng ký với 7 loại thuốc đã cấp.
Không biết có bao nhiêu bệnh nhân đã uống phải những loại thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc ấy? Và dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi liệu ngoài VN Pharma, Cục Quản lý Dược còn có sai sót trong việc cấp phép cho lô thuốc nào khác, của công ty dược nào khác?
Ngoài ra, với những biên nhận về việc chi 7,5 tỉ đồng tiền hoa hồng, để chi phí cho bác sỹ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc đã được nộp cho cơ quan điều tra.
Với các dữ liệu thông tin này, Bộ Y tế hoàn toàn có thể làm rõ được xem cá nhân, đơn vị nào đã nhận “hoa hồng” từ VN Pharma.
Vậy lãnh đạo Bộ Y tế có tiến hành làm rõ không? Công khai việc xử lý tình trạng nhận “hoa hồng”, xử lý kỷ luật đối với các cán bộ Cục quản lý Dược có sai phạm, chấn chỉnh việc kinh doanh dược phẩm là việc mà Bộ Y tế phải làm ngay lúc này.
Đó cũng là những câu hỏi, những vấn đề mà dư luận và người dân đặt ra để lãnh đạo Bộ Y tế phải trả lời, thực hiện.
T.L.

2. Thuốc ung thư giả: Án quá nhẹ, làm rõ trách nhiệm Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

Thế Dũng
Công lý trong chế độ lưu manh giả danh CS này không bằng đôi dép rách. Chắc có chuyện mua bán ở đây, hoặc bọn trên định hướng để cứu đồng bọn và tạo tiền lệ để khi chúng bị ra toà sẽ không phải nhận mức án đúng với tội của chúng. Những việc tày trời thế này chưa bao giờ thấy đám đầu sỏ mở mồm ra chấn chỉnh hay chỉ đạo, chỉ suốt ngày lo đánh đấm kẻ thù quá khứ bằng sự kiên định dai dẳng của tiểu nhân, chẳng giúp gì thiết thực và cụ thể cho dân, cho nước & cho thế giới.
(NLĐO)- ĐBQH, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mức án 12 năm tù đối với Nguyễn Minh Hùng là quá nhẹ, là xử sai tội vì đây là bán thuốc ung thư giả có thể chịu mức hình phạt tử hình và cần làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
clip_image001
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Ảnh: Văn Duẩn
Trước sự việc Công ty CP VN Pharma (viết tắt VN Pharma) bán thuốc ung thư giả vừa được Tòa án nhân dân TP HCM (TAND) đưa ra xét xử, Đại biểu Quốc hội TP HCM (ĐBQH), nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Phạm Khánh Phong Lan nói thẳng bà không đồng tình với mức án được tuyên đối với các bị cáo tại phiên toà.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án các bị cáo trong vụ VN Pharma nhập lậu 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư giả, trong đó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng chịu mức án 12 năm tù là quá nhẹ, là xử sai tội và sẽ tạo tiền lệ rất bất lợi cho các vụ bán thuốc giả sau này.
“Các bị cáo của VN Pharma trong đó có ông Nguyễn Minh Hùng đã vị phạm Bộ luật hình sự với tội kinh doanh thuốc giả chứ không phải tội buôn lậu. Hình phạt cao nhất cho tôi kinh doanh thuốc giả là tử hình và cần phải xử nghiêm các bị cáo để răn đe hành vi vô nhân đạo này tái diễn” – bà Lan nói.
Bà Lan cho hay không chỉ thuốc chữa bệnh ung thư mà bất cứ bệnh nào cũng cần uống thuốc đạt chất lượng, thuốc thật để góp phần ngăn chặn bệnh, còn uống thuốc giả thì không những không ngăn chặn được bệnh tình kịp thời mà dẫn đến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí là tử vong. Chưa kể trong thuốc giả còn có độc chất…
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đối với hành vi vi phạm pháp luật của VN Pharma, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Phạm Khánh Phong Lan nói thẳng: “Trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý Dược là quá nặng, không thể nói là không chịu trách nhiệm, hoặc trách nhiệm một phần nhỏ trong sai phạm của VN Pharma”.
Nữ ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phân tích việc cấp phép nhập khẩu thuốc hiện nay đều căn cứ trên hồ sơ nên nếu thấy nghi ngờ từ đầu thì phải dừng lại không cấp, tại sao vẫn đồng ý cho doanh nghiệp nhập về?
“Từng làm Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM phụ trách mảng dược tôi biết rất nhiều doanh nghiệp “kêu” để được cấp một số đăng ký thuốc không dễ dàng, nhiều doanh nghiệp đã nộp đầy đủ hồ sơ mà vẫn phải mất rất nhiều thời gian mới được cấp, thậm chí bị ngăn chặn lại vì thấy nghi ngờ. Thế nên việc VN Pharma được cấp phép nhập khẩu lô thuốc ung thư giả nói trên trong thời gian nhanh chóng như vậy làm cho công luận, người dân và cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về sự trong sáng của cơ quan chức năng Bộ Y tế” – bà Lan đặt vấn đề.
Cũng theo bà Lan từ việc theo dõi vụ xét xử VN Pharma cho thấy Cục Quản lý Dược lý luận rằng sau khi cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg cho VN Pharma rồi, trong quá trình kiểm tra mới phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ nên đã cấp báo cho cơ quan công an.
Điều này hết sức mâu thuẫn vì chính Cục Quản lý Dược cho biết lô thuốc này khi nhập về vẫn bị giữ trong kho chưa đưa ra thị trường, vậy thì lấy đâu mà kiểm tra, với nghi ngờ?
Trên thực tế đa số vụ nghi ngờ chất lượng thuốc tương tự như vậy đều do cơ quan chức năng ở các địa phương tiến hành kiểm tra trên thị trường, khi phát hiện nghi ngờ thì báo về Bộ Y tế, chứ rất hiếm khi thấy cơ quan chức năng của Bộ Y tế mà trực tiếp là Cục Quản lý Dược phát hiện. Vì Bộ chủ yếu chỉ cấp phép còn địa phương mới trực tiếp “cọ xát” với các loại thuộc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
“Mặt khác, nếu nói khi cấp phép không biết thuốc này là thuốc giả là vô lý. Công ty nước ngoài cung cấp thuốc là công ty ma như thế, chỉ cần lên mạng tìm cái tên thuốc H-Capita là ra ngay có công ty nào phân phối hay không, làm sao có thể dễ dàng qua mặt Cục Quản lý Dược như vậy được. Tôi nghi ngờ có sự bao che ở đây? Đáng lo nữa là có 7 mặt hàng khác do VN Pharma nhập về đã bán hết rồi” – bà Lan nghi vấn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay trước khi sự việc vỡ lở (tháng 9-2014), chính bà và 1 ĐBQH khác đã chất vấn Bộ Y tế về vụ việc này tại kỳ họp Quốc hội nhưng Bộ Y tế lúc đó trả lời là “không có chuyện gì” và cũng không có biện pháp xử lý cán bộ liên quan.
Điều đáng nói về một số lãnh đạo, cán bộ của Cục Quản lý Dược vẫn được thăng chức khi để cho VN Pharma sai phạm tày đình, rất vô lương tâm, bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói: “Ngay cả lãnh đạo Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm trong giai đoạn này còn lên chức được thì tôi cũng không hiểu nổi và muốn được làm rõ có sự bao che hay không? Tôi đồng tình với việc tòa cũng kiến nghị làm rõ hành vi của các đối tượng là cán bộ Cục Quản lý Dược”.
clip_image002
Các bị cáo tại phiên toà – Ảnh; Quốc Chiến
Sáng nay 25-8, phiên tòa xét xử vụ án “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức” xảy ra tại VN Pharma đã kết thúc.
Căn cứ vào các tài liệu và lời khai của các bị cáo trong suốt phiên tòa, TAND quyết định tuyên phạt 2 bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Các bị cáo đồng phạm lãnh từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù về các tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của những cá nhân liên quan thuộc Cục Quản lý Dược; đồng thời làm rõ hành vi chi phí hoa hồng, nếu đủ tài liệu, chứng cứ sẽ xử lý sau.
T.D.

3. Bộ trưởng Y tế nói gì về vụ VN Pharma?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi làm rõ các vấn đề dư luận đặt ra đối với trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trưởng trong vụ VN Pharma.
Gần đây, dư luận xôn xao trước một số thông tin về việc người thân Bộ trưởng Y tế tham gia công ty VN Pharma, Bộ trưởng Y tế nhận biệt thự trị giá 60 tỉ đồng để can thiệp cho công ty này trúng đấu thầu thuốc ở các bệnh viện, việc VN Pharma nhập thuốc ung thư giả qua mặt Cục Quản lý dược.
Để rộng đường dư luận, PV đã trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
“Đất mua 20 năm rồi, nhà đã ở 10 năm”
Thưa Bộ trưởng, trước đó, ngày 24/8, trao đổi với PV, Bộ trưởng nói bị bịa đặt, vu khống, dựng chuyện khi mạng xã hội lan truyền thông tin: Em chồng, con trai Bộ trưởng tham gia ban lãnh đạo Công ty VN Pharma. Vậy còn thông tin bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc VN Pharma) mua cho gia đình Bộ trưởng một biệt thự rộng 500 m2 trị giá gần 60 tỉ đồng tại khu biệt thự Thảo Điền, quận 2. Thực hư việc này thế nào?
Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào đến khi vụ việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý Dược báo cáo và Bộ đã chủ động đề nghị với cơ quan có thẩm quyền ở Bộ Công an làm rõ.
Còn thông tin tôi được tặng căn biệt thự liền kề phía sau nhà tôi là dựng chuyện vu khống cho tôi và gia đình tôi. Bởi phía sau nhà tôi không có căn nhà nào như mạng tung tin cả. Nhiều nơi chụp ảnh căn nhà tôi đang ở rồi nói bị cáo mua tặng là không đúng.
Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng gia đình tôi mua đất đã 20 năm trước và cất nhà ở gần 10 năm nay rồi. Thông tin tôi được bị cáo Hùng tặng biệt thự trị giá 60 tỉ đồng là rất hoang đường, vớ vẩn, bịa đặt. Thông tin này trên mạng cũng đã dựng chuyện vu khống tôi trước đây rồi, giờ nhân vụ xét xử họ lại tiếp tục loan truyền để gây mất niềm tin, có ác ý… Thật là tôi không hiểu vì sao người ta có thể bịa đặt như vậy mãi như thế được.
Dù chỉ là một công ty nhỏ trong ngành dược theo lời Bộ trưởng, thế nhưng VN Pharma đã trúng thầu cung cấp thuốc tại nhiều bệnh viện trung ương và địa phương (nhiều nhất là ở TP.HCM) với hơn 476 tỉ đồng năm 2014. Có thông tin đặt nghi vấn Bộ trưởng nhận hoa hồng “khủng” từ các thương vụ này. Bộ trưởng nói gì về các thông tin này?
Tôi không can thiệp hay có bất cứ tác động, có quyền lợi gì trong đấu thầu thuốc. Bộ Y tế có hàng chục đơn vị sự nghiệp… VN Pharma trúng đấu thầu chủ yếu ở nhiều địa phương; theo phân cấp thì Sở Y tế ở địa phương đánh giá hồ sơ và các thủ tục khi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ không can thiệp vào việc đấu thầu thuốc ở các tỉnh, thành.
Ngay tại TP.HCM, một công ty nhỏ như VN Pharma thì tôi làm sao biết được, mà tôi cũng không có thẩm quyền để can thiệp vào như thế. Công việc quản lý ở Bộ rất nhiều, các đơn vị trực thuộc cũng phải được phân cấp quản lý, có người phụ trách chứ tôi làm sao quản lý xuể, huống chi một công ty tư nhân không thương hiệu gì trong ngành dược.
Như vậy VN Pharma không phải là sân sau hay có lợi ích liên quan gì đến Bộ trưởng và gia đình?
Tôi khẳng định là công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi. Tôi cũng không can thiệp, ưu ái trong đấu thầu như trên mạng thêu dệt.
Tất cả những thông tin này đều xuất phát từ nước ngoài, họ muốn xuyên tạc, làm xấu hình ảnh và tình hình trong nước nói chung và Bộ Y tế nói riêng. Thậm chí người ta còn lập ra hẳn cả trang mạng bêu xấu tôi.
Nhưng sự thật chỉ có một thôi, tôi làm gì sai tôi chịu trách nhiệm. Đằng này họ cứ tung tin, bịa đặt, dựng chuyện gây rối ngành y tế suốt là có động cơ quấy phá rõ ràng.
Còn lời khai chi hoa hồng nhiều tỉ đồng cho các bác sĩ để bán thuốc vào bệnh viện, quan điểm của Bộ trưởng thế nào?
Tôi đã yêu cầu làm rõ sự việc này, đây là việc làm sai trái, thất đức, gây gánh nặng chi phí cho bệnh nhân. Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm y đức, liên quan đến hoa hồng.
Đây cũng là điều tôi rất trăn trở và Bộ sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý nghiêm những người nhân danh ngành y để trục lợi, làm việc vi phạm y đức, trái pháp luật.
clip_image003
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay căn nhà gia đình bà đang ở, gia đình đã mua đất 20 năm trước và xây nhà ở 10 năm nay
“Bộ sẽ xử lý nghiêm khi có kết luận cuối cùng”
Đến nay Bộ Y tế đã có hình thức xử lý như thế nào các cán bộ ở Cục Quản lý Dược trong tổ thẩm định khi tại phiên xử ngày 25/8, HĐXX đã đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, Trưởng phòng Pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) – là những người trong tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của VN Pharma. Bởi các cán bộ trên đã không phát hiện Công ty Austin (Hong Kong) – đơn vị bán thuốc cho VN Pharma đã hết hạn giấy phép hoạt động?
Phải nói cho rõ hơn là chính Cục Quản lý Dược phát hiện vụ nhập thuốc ung thư dỏm của VN Pharma. Sau khi cấp phép cho nhập khẩu đã thấy có nhiều nghi vấn hồ sơ, giấy tờ giả nên kiểm tra, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế để niêm phong toàn bộ số thuốc chữa ung thư này chờ làm rõ. Vì Cục Quản lý Dược đã kịp thời phát hiện, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế để niêm phong lô thuốc này, không cho phép bán ra thị trường, Bộ đã chủ động đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ lô hàng thuốc chữa ung thư này.
Cán bộ liên quan ở Cục Quản lý Dược báo cáo do thấy giá thuốc thấp nên nghi ngờ và kiểm tra hồ sơ, gửi hồ sơ đi xác minh mới phát hiện vụ việc làm giả hồ sơ nguồn gốc thuốc.
Bộ cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định, làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân có liên quan ở Cục Quản lý Dược khi cấp phép cho lô thuốc nhập khẩu. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh doanh thuốc.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, ngay khi được báo cáo vụ việc về lô thuốc nói trên, tôi đã yêu cầu các cán bộ có liên quan, lãnh đạo Cục Quản lý Dược báo cáo, kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm liên quan. Nhiều cán bộ đã bị luân chuyển sang vị trí khác để chờ xử lý.
Sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, Bộ sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến vụ việc khi có đủ căn cứ kết luận sai phạm.
Thế còn lãnh đạo Cục Quản lý Dược mà cụ thể là vị Thứ trưởng Trương Quốc Cường kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Dược, tới đây Bộ Y tế có xem xét trách nhiệm liên quan đến lô thuốc chữa ung thư giả mà Thủ tướng yêu cầu Bộ báo cáo, thưa Bộ trưởng?
Tôi đã nói rồi, chờ phán quyết cuối cùng của tòa án và cơ quan tố tụng liên quan, Bộ sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan, nếu có đầy đủ căn cứ sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Tôi nhấn mạnh rằng: Người nào làm sai thì người đó chịu trách nhiệm với sai phạm cụ thể đã gây ra.
Còn thông tin Bộ trưởng gửi đơn cho Thủ tướng xin từ chức?
Đó là thông tin vớ vẩn, bịa đặt, dựng chuyện. Việc tôi từ chức trước đây cũng có nhiều thông tin như vậy rồi. Tôi rất phẫn nộ và ray rứt trong vụ việc VN Pharma. Tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý thuốc, đấu thầu thuốc và sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm… để đảm bảo ngành y tế đáp ứng nhu cầu, phục vụ tốt nhất cho sức khỏe mọi người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét