Đã có 2 Bệnh viện tuyến Trung
ương mua số thuốc này với số lượng hơn một tỷ đồng mỗi bệnh viện, chưa
kể các Sở Y tế và các bệnh viện địa phương khác.
Những ngày qua, dư luận rất “nóng” trước
vụ án Công ty CP VN Pharma nhập lậu một lượng lớn thuốc chữa ung thư
H-Capita 500mg Caplet không rõ nguồn gốc.
- TP.HCM – Cần Thơ: Chỉ 45 phút đi tàu?
- Lật tẩy thủ đoạn chủ nhà trọ dùng “hợp đồng ma” lừa tiền đặt cọc của sinh viên ở Sài Gòn
Tuy nhiên, nhiều người quên rằng, ngoài
số thuốc chữa ung thư bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) rút số đăng ký, còn
có 7 loại thuốc khác đều của VN Pharma cũng bị Cục Quản lý Dược rút khỏi
danh sách lưu hành tại Việt Nam từ ngày 19/9/2014. Đó là thuốc H2K
Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch
với các hàm lượng khác nhau.
Điều rất đáng lưu ý là, 7 loại thuốc này
cũng đều do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất và cũng
bị rút đăng ký vì cung cấp hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng
với thực tế sản phẩm.
Vấn đề đặt ra ở đây là, trong vụ án nhập
lậu thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg Caplet, cơ quan điều tra đã xác
định ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario Canada M3H1S9, Canada mà
VN Pharma khai trong hồ sở gửi Cục Quản lý Dược là trụ sở của công ty
sản xuất thuốc H-Capita, không hề có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc.
Cơ quan Công an cũng đã xác định toàn bộ thuốc cũng như giấy tờ liên quan đều là giả.
Khi Canada không có công ty dược nào là
Helix Pharmaceuticals, mà cả 7 loại thuốc trên đều do “Công ty ma” này
sản xuất thì rõ ràng các loại thuốc này khó có thể là thuốc thật.
Đáng lo ngại là, với những gì thể hiện
trên hồ sơ kết quả trúng thầu của riêng năm 2013, thì chỉ một loại thuốc
H2K Levofloxacin do Canada sản xuất đã trúng thầu ở nhiều bệnh viện
(BV), trong đó, có 2 BV tuyến Trung ương mua với số lượng hơn một tỷ
đồng mỗi BV, chưa kể các Sở Y tế và các BV địa phương khác.
Theo các chuyên gia, H2K Ciprofloxacin và
H2K Levofloxacin là hai loại thuốc kháng sinh tổng hợp. Trong đó, H2K
Ciprofloxacin được điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc
kháng sinh thông thường không tác dụng, như viêm đường tiết niệu, viêm
tuyến tiền liệt, viêm xương – tủy, các bệnh về đường ruột.
Còn H2K Levofloxacin được sử dụng trong
điều trị cho các bệnh nhân viêm xoang cấp, viêm phế quản mãn, viêm phổi
cộng đồng, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm
khuẩn da, bệnh than…
Như vậy, có thể thấy cả 2 loại thuốc
kháng sinh trên đều có vai trò rất quan trọng trong điều trị, đặc biệt
là trong cấp cứu. Thế nhưng, nếu sử dụng phải thuốc giả, chắc chắn sẽ
ảnh hưởng rất xấu đến kết quả điều trị. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng –
nguyên Trưởng Khoa Nhi của BV Bạch Mai cho biết, nếu điều trị bằng thuốc
kháng sinh giả sẽ gây những hậu quả khôn lường.
Trước hết là bệnh sẽ không thể khỏi, còn
nếu nồng độ thuốc thật không có hoặc có ít sẽ làm tăng việc kháng thuốc
kháng sinh. Nếu trong thuốc giả mà có tá dược không đủ tiêu chuẩn có thể
sẽ gây tác dụng phụ và nếu tỉ lệ dị ứng nhiều dễ dẫn đến tử vong cho
bệnh nhân.
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt
Đức, cũng cho hay dùng phải kháng sinh giả trong điều trị là vô cùng
nguy hiểm vì sẽ làm cho bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong nhanh, nhất
là trong những trường hợp bệnh nhân cấp cứu!
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Duy, Phó khoa cấp
cứu (BV Nhi Trung ương), sử dụng phải kháng sinh giả chắc chắn không có
hiệu quả trong điều trị, bệnh sẽ không khỏi và nếu bệnh nghiêm trọng dễ
dẫn đến tử vong.
Kháng sinh thường sử dụng trong điều trị
các bệnh cấp tính, vì thế, sử dụng phải kháng sinh giả còn nguy hiểm hơn
cả thuốc giả dùng trong điều trị ung thư. Vì có nhiều bệnh nhiễm trùng
nặng cần dùng kháng sinh cấp cứu như nhiễm trùng huyết do não mô cầu,
viêm màng não mủ do não mô cầu đều đòi hỏi thuốc phải có tác dụng ngay,
mà lại là kháng sinh giả thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Duy Hiển
– nguyên Phó giám đốc BV K, cho biết nếu bệnh viêm phổi mà dùng kháng
sinh giả thì bệnh dù nhẹ cũng trở nên viêm nặng, thậm chí bệnh nhân có
thể tử vong.
Với bệnh ung thư, nếu dùng thuốc giả thì
một vài ngày chưa thấy rõ tác dụng, nhưng với kháng sinh chuyên dụng,
chỉ cần dùng kháng sinh giả hai ngày là bệnh nhân có thể tử vong.
Đến nay, con số chính thức về số lượng
các loại thuốc này của VN Pharma trúng thầu vào các BV kể từ khi VN
Pharma được đăng ký nhập khẩu (năm 2010) chưa được công bố, để người dân
có thể lường được sự nguy hại từ các loại thuốc do VN Pharma nhập khẩu ở
mức độ nào.
Ngày 28/8, ông Phạm Lương Sơn – Phó tổng
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho biết ngay khi Bộ Y tế rút
đăng ký 7 loại thuốc của VN Pharma vào ngày 19/9/2014, BHXHVN đã chỉ
đạo BHXH các địa phương không thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho 7 loại
thuốc trên.
Ngày 28/8/2017, BHXHVN tiếp tục chỉ đạo
BHXH các tỉnh, thành kiểm tra để báo cáo số lượng 7 loại thuốc của VN
Pharma đã bị rút đăng ký sử dụng tại các BV ra sao và nếu đã thanh toán
rồi thì phải xuất toán. Dự kiến trong tuần này, BHXHVN sẽ có con số đầy
đủ về 7 loại thuốc trên sử dụng cho bệnh nhân BHYT ở các BV.
7 loại thuốc do Helix Pharmaceuticals sản
xuất và được VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký gồm: H2K
Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml); H2K
Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400mg/200ml); H2K
Levofloxacin 250 (hoạt chất 250mg/100ml); H2K Levofloxacin 500
(Levofloxacin 500mg/100ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin
750mg/100ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200mg/100ml) và
H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500mg/100ml).
Sau khi Bộ Y tế rút đăng ký 7 loại thuốc
của VN Pharma, Sở Y tế TP.HCM cũng rút 2 mặt hàng thuốc của Công ty CP
VN Pharma đã trúng thầu tại Sở từ tháng 5/2014, do chỉ có giấy phép nhập
chuyến, không được phép tham gia đấu thầu.
Đó là thuốc BIPANDO (trúng thầu gần 1,5
triệu viên với giá gần 10 tỷ đồng) và thuốc PEPTAN 40mg dạng tiêm truyền
do Liên doanh Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (đơn vị thành viên của VN
Pharma) và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I trúng thầu gần 182.000 lọ
với giá gần 6 tỷ đồng.
Thanh Hằng/congan.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét