Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Cách Mạng Dân Chủ: Thành Công Và Thất Bại

Cách Mạng Dân Chủ: Thành Công Và Thất Bại
Cách Mạng Dân Chủ: Thành Công Và Thất Bại (1) Đoàn Hưng Quốc
21/09/201600:00:00
Rất nhiều các cuộc cách mạng đã xảy ra kể từ sau Chiến Tranh Lạnh với những kết quả rất trái ngược: nền dân chủ của Nam Hàn và Đài Loan trở nên vững chắc; tại Miến Điện, Tunesia, Brazil, Argentina, Ukraine còn bấp bênh; Ai Cập thất bại trong khi Syrie và Lybia thành hai tấm thảm kịch nhân loại. Mỗi quốc gia đều có hoàn cảnh chính trị và lịch sử khác nhau nhưng thiết tưởng chúng ta cũng cần rút tỉa các bài học chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi tại Việt Nam trong tương lai.

Hai nhà nghiên cứu Juan J. Linz và Alfred Stepan [1] đưa ra nhận xét rằng dân chủ là một mô hình nhà nước cho nên chỉ tồn tại trong một quốc gia. Ý tưởng tuy đơn giản nhưng mang áp dụng vào trường hợp hiện thời của Syrie khi hai cánh Hồi Giáo Sunni, Shiite và sắc dân Kurd đều muốn vẽ lại làn ranh giới khu vực thì không thể nào xây dựng thành công một nhà nước dân chủ.

Một khi đã có sự thống nhất về quốc gia thì vấn đề kế tiếp là dùng tiêu chuẩn nào để kết luận một cuộc cách mạng dân chủ thành công hay thất bại? Hai tác giả đưa ra câu trả lời rằng tiến trình dân chủ được xem như thành công một khi mọi thành phần trong xả hội đều đồng thuận với quan điểm dùng nghị trường dân chủ làm phương thức duy nhất để giải quyết mâu thuẫn.

Trong môi trường đó nhà nước không còn sợ bị lật đổ bằng bạo lực. Đại đa số quần chúng chấp nhận rằng mọi thay đổi dù nghiêm trọng thế nào đều phải được giải quyết thông qua tranh luận và lá phiếu. Xã hội xây dựng được nề nếp và cơ chế để giải quyết tranh chấp trên nền tảng hiến pháp và luật pháp. Nói một cách khác, ý thức dân chủ trở nên bình thường như hơi thở của người dân và trong giới cầm quyền.

Linz-Stepan đưa ra năm điều kiện cần thiết và hổ tương để nền dân chủ được hình thành và củng cố:

1. Môi trường thuận tiện cho sự phát triển của xã hội dân sự

2. Môi trường lành mạnh cho các sinh hoạt chính trị

3. Luật pháp được tôn trọng

4. Nền hành chánh hiệu quả

5. Kinh tế phát triển

Xã hội dân sự là tiếng nói quần chúng nhằm thay đổi chính sách và nhà nước. Các hội đoàn dân sự thể hiện nguyện vọng, huy động và tổ chức đám đông nên không thể thiếu vắng trong tiến trình dân chủ. Những nhà cầm quyền độc tài đều muốn kiểm soát, đàn áp hay giết chết xã hội dân sự (như phong trào sinh viên ở Hồng Kông 2014 và Thiên An Môn 1998), nhưng cũng có lúc sẽ chùn tay (như tại Ba Lan Công Đoàn Đoàn Kết 1988, hay Ai Cập năm 2011) một khi phong trào dân sự được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo quần chúng kể cả đa số thầm lặng vốn gồm những người không thuộc một hội đoàn nào.

Sinh hoạt chính trị trở nên lành mạnh khi có sự tham dự của nhiều đảng phái; quyền ứng cử và vận động tranh cử được tôn trọng; liên minh giữa các đảng phái được thành hình trong và ngoài nghị trường; quyền bày tỏ chính kiến, quyền biểu tình được bảo đảm. Mục tiêu nhằm tạo ra điều kiện để dân chúng bầu chọn và giám sát nhà nước. Cần lưu ý rằng trong chế độ độc tài xã hội dân sự nắm vai trò chống đối nhà cầm quyền, nhưng qua tiến trình dân chủ thì xã hội dân sự phải góp phần xây dựng nhà nước bằng cách trao và tạo tính chính đáng cho những đảng phái chính trị. Xã hội dân sự phải thoát ra khỏi quan niệm tuyệt đối xem thỏa hiệp là xấu như trong thời kỳ đấu tranh để tập quen dần với tương nhượng giữa các khối lợi ích và những khuynh hướng chính trị vì đây chính là nền tảng của dân chủ.

Để củng cố nền dân chủ, phát huy xã hội dân sự và những sinh hoạt chính trị lành mạnh thì luật pháp phải được tôn trọng. Nền Pháp Trị không dựa vào đám đông mà đặt trên nền tảng Hiến Định, cho nên chỉ sửa đổi Hiến Pháp trong các hoàn cảnh hết sức đặc biệt và thông qua đa số tuyệt đối. Pháp luật còn phải được hổ trợ bởi ngành Tư pháp độc lập, các pháp lệ (legal norms) và ý thức trong quần chúng.

Thể chế dân chủ một khi đã thành hình và muốn ổn định phải xây đựng được bộ máy công quyền và an ninh hiệu quả. Vấn đề này đặt biệt nghiêm trọng tại các nước cộng sản khi nền hành chánh, công an và quân đội đều trở thành công cụ của đảng Cộng sản nên lúc xảy ra cuộc cách mạng thì bị chống đối, giải tán hay tự rã. Mọi chính quyền dù độc tài hay dân chủ vẫn cần đến guồng máy hành chánh để thu thuế và phân phối các lợi tức đến từ thuế khoá như y tế, giáo dục, hưu trí cho dân chúng. Nhà nước dân chủ phải điều hành được giới công chức và an ninh một cách hiệu quả thì mới thực thi được các lời hứa hẹn và không mất dần hậu thuẫn trong quần chúng.

Điều kiện sau cùng cho nền dân chủ được củng cố là kinh tế phải tăng trưởng. Dân chúng có thể chấp nhận tình trạng đời sống khó khăn sau cách mạng nhưng họ phải tin rằng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay. Quyền sở hữu đất đai và hợp đồng thương mại phải được tôn trọng; nhà nước phải ngăn chận được các khối lợi ích độc quyền đầu cơ kinh tế và đầu cơ chính trị. Bởi vì kinh tế khủng hoảng hay trì trệ kéo dài sẽ xoi mòn tính chính đáng của nhà nước, đánh mất niềm tin trong dân chúng khiến tiến trình cải cách chính trị và kinh tế chậm lại.

[1] Problems of Democratic Transition and Consolidation: Southern Europe, South America, and Post-Communist Europe, Aug 8, 1996 by Juan J. Linz and Alfred Stepan
Cách Mạng Dân Chủ: thành công và thất bại (2)  Đoàn Hưng Quốc
25/09/201616:13:00
Trong phần 1 của loạt bài này người viết đúc kết ý kiến của hai nhà nghiên cứu Juan J. Linz và Alfred Stepan [1] về năm điều kiện cần thiết và hỗ tương để một nền dân chủ vừa mới hình thành được củng cố:
1. Môi trường thuận tiện cho sự phát triển của xã hội dân sự
2. Môi trường lành mạnh cho các sinh hoạt chính trị
3. Luật pháp được tôn trọng
4. Nền hành chánh hiệu quả
5. Kinh tế phát triển
  
Kỳ này người viết đúc kết bài viết của Abraham F. Lowenthal và Sergio Bitar [2]. Hai nhà nghiên cứu nói trên đã phỏng vấn nhiều vị lảnh đạo quốc gia và lãnh tụ cách mạng ở Ba Tây, Mễ Tây Cơ, Nam Dương, Phi Luật Tân, Ba Lan, Nam Phi, v.v.., nhằm rút tỉa kinh nghiệm từ tiến trình dân chủ tại những nước này. Nhiều bài học tuy còn quá sớm để áp dụng tại Việt Nam nhưng là hành trang cho các nhà dân chủ.
  
Kinh nghiệm đầu tiên là những cá nhân và đoàn thể tranh đấu cần phải khắc phục các bất đồng về mục tiêu, lãnh đạo, chiến lược và chiến thuật. Mâu thuẫn trong phe dân chủ có thể do nhà cầm quyền khích động nhưng cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý cá nhân hay bè phái, nhất là trong hoàn cảnh xã hội dân sự bị đàn áp liên tục nên không xây dựng được truyền thống sinh hoạt chung. Một khi mầm mống chia rẽ trở nên sâu sắc thì triển vọng dân chủ trở nên mờ nhạt cho dù một cuộc cách mạng có xảy ra và nền độc tài bị lật đổ đi chăng nữa. Thí dụ điển hình như tại Ukraine, khi cuộc Cách mạng Cam năm 2004-05 đã xoá bỏ được kết quả bầu cử gian lận nhưng sau đó các phe nhóm đối lập lại tranh giành với nhau tạo cơ hội cho những tập đoàn thế lực thao túng và lũng đoạn xã hội. Từ đó khung cảnh chính trị bất ổn tại Ukraine kéo dài cho đến lúc bị Nga xâm lăng một thập niên sau.
  
Nhưng đoàn kết vẫn chưa đủ, lực lượng tranh đấu cần khai thác mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền và bắc nhịp cầu với những người từng tham gia nhà nước độc tài nhưng nay sẵn sàng ủng hộ phong trào dân chủ. Để đạt được mục tiêu này các nhà tranh đấu phải có thái độ cởi mở khoan dung thay vì hẹp hòi cổ võ cho lòng thù hận. Nếu được, những người thay đổi quan điểm cần được bảo đảm rằng sau này họ sẽ không bị trả thù và tịch thu tài sản. Phong trào dân chủ phải tự cách ly ra khỏi bạo lực và cực đoan. Riêng thành phần cấp tiến trong giới cầm quyền vẫn nên tiếp tục cũng cố thế lực và ảnh hưởng nội bộ cho dù đang liên lạc với lực lượng đấu tranh, vì thế các buổi gặp gỡ ban đầu có thể được tổ chức trong vòng kín đáo.
  
Qua quá trình thương thuyết thì phong trào dân chủ phải đòi hỏi nhượng bộ liên tục từ phía cầm quyền cho dù kết quả có nhỏ nhoi hay chậm chạp đi chăng nữa. Ngược lại lực lượng tranh đấu phải hoà hoãn trên vài khía cạnh, dù việc này khiến những người ủng hộ tức giận hay trở nên bất mãn. Thái độ nóng nảy và cực đoan không có chổ đứng trong tiến trình dân chủ.
  
Một khi nhà cầm quyền toàn trị bị lật đổ, nhiệm vụ cấp bách nhất là phải đặt bộ máy công quyền vào khuôn khổ luật pháp, tái lập an ninh và ngăn cản bạo loạn. Phong trào dân chủ cần cưỡng lại ý muốn xóa bỏ mọi vết tích của chế độ độc tài cho dù điều này rất hợp tình tại các nước hậu cộng sản khi mà nền hành chánh và an ninh là công cụ của đảng nên bị dân chúng khinh miệt và thù ghét. Công an cảnh sát phải được chấn chỉnh trong tinh thần phục vụ xã hội và bảo vệ trật tự chớ không nhằm sách nhiễu hay đe dọa quần chúng. Quân đội cần phải tách rời ra khỏi ngành an ninh và đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự. Các cấp chỉ huy có dính líu với khủng bố và tra tấn phải bị loại trừ. Sĩ quan trong quân đội không được quyền tham gia sinh hoạt chính trị. Bài học tại Miến Điện, Thái Lan và Ai Cập đều cho thấy nếu quân đội nắm giữ địa vị “siêu quyền lực” thì tiến trình dân chủ hoá sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
  
Việc soạn thảo bản tân Hiến pháp là một quá trình lâu dài cần có sự đóng góp của mọi thành phần xã hội nên tạm thời tránh đưa ra các mục tiêu quá cao vọng nhưng lại kéo dài thời gian tranh luận. Nội dung bản Hiến pháp tuy quan trọng nhưng thời điểm, phương thức và sự tham gia của quần chúng khi soạn thảo Hiến pháp có tầm ảnh hưởng không kém. Các điều khoản về tu chính không nên quá khắt khe hay quá dễ dãi. Cần có sự tham gia của thành phần cấp tiến trong giới cầm quyền cũ để các nhân sự còn lại của chế độ độc tài tin rằng họ sẽ không bị trả thù mà sẽ được xét xử trong khuôn khổ pháp luật.
  
Các chính quyền dân chủ tân lập thường bị phê phán do kinh tế suy thoái hay vì không thực hiện các lời hứa hẹn về dân chủ, một mặt do quần chúng kỳ vọng quá nhiều trong khi nhà nước phải thừa hưởng một guồng máy hành chánh và an ninh đã băng hoại. Nhiều người trước đây sát cánh đấu tranh chống độc tài nay trở mặt công kích lẫn nhau do lập trường quá khích, tình trạng bè phái hay bị quyền lực cám dỗ. Sự hình thành của cánh đối lập mới song song với sự ra đời của chính quyền mới rất cần thiết cho nền dân chủ, nhưng đồng thời lại mang đến hiểm hoạ đầu độc bầu không khí chính trị, cho nên cần có một ngành tư pháp độc lập để giám sát tiến trình dân chủ diễn ra trong khuôn khổ luật định.
Các cơ quan quốc tế (World Bank, NGO,…) có thể cố vấn để xây dựng cơ chế nhà nước; đầu tư và những khoản viện trợ nước ngoài sẽ giúp để phát triển nên kinh tế. Nhưng phần chủ lực vẫn nằm trong ý thức và sự sáng suốt của người trong nước.
  
[1] Problems of Democratic Transition and Consolidation: Southern Europe, South America, and Post-Communist Europe. Aug 8, 1996
[2] Getting to Democracy. Foreign Affairs Jan/Feb 2016
Cách Mạng Dân Chủ: thành công và thất bại - Phần 3 Đoàn Hưng Quốc
01/10/201619:07:00
Trong phần 3 của loạt bài này người viết xin tóm tắt về những diễn biến dân chủ tại các quốc gia trong vòng 20 năm nay với những kết quả thành công hay thất bại vô cùng khác biệt. Xin lưu ý rằng bài viết chỉ nêu lên vài gợi ý chớ không phải là công việc nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ nên không khỏi thiếu sót, mục tiêu chỉ nhằm đưa ra một số nhận xét tổng quát và chủ quan mà tránh không bị che phủ bởi quá nhiều chi tiết dày đặc.
Cuộc khủng hoảng tài chánh tại Á Châu năm 1997 đã thúc đẩy những bước tiến dân chủ tại Nam Hàn và Đài Loan vốn đã bắt đầu từ thập niên 70-80. Quân đội và đảng cầm quyền lâu đời ở hai nước này bị đánh bại qua lần Tổng tuyển cử. Tiến trình dân chủ đã thành tựu, nền dân chủ trở nên vững chắc và sinh động trong hai quốc gia nói trên.
 
Cuộc khủng hoảng Á Châu năm 1997 cũng đã khiến hai nhà độc tài Suharto và Marcos tại Nam Dương và Phi Luật Tân bị lật đổ. Khủng hoảng sau đó lan sang Nam Mỹ và góp phần để hai nền quân phiệt ở Brazil và Argentina bị thay thế bởi chính quyền dân sự. Tuy vậy, các nền dân chủ những nơi đây vẫn còn mong manh, và hiện thời khung cảnh chính trị tại Phi, Brazil và Argentina đang trải qua rất nhiều sóng gió mang theo các thể hiện phản dân chủ.
Cách mạng Cam năm 2004-05 xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử gian lận tại Ukraine. Nhưng rồi các đoàn thể đấu tranh chia rẽ tạo cơ hội cho đám tài phiệt và các tập đoàn lợi ích thao túng dẫn đến bất ổn chính trị. Tham nhũng tràn lan, tình trạng chia rẽ giữa hai miền Đông (thân Nga) và Tây (thân Tây phương) không được giải quyết. Cách mạng Maidan sau đó lật đổ Tổng thống Yanukovich thuộc cánh theo phe Mạc Tư Khoa, nhưng sau đó Ukraine bị Nga chiếm mất bán đảo Crimea và tách ly thành hai khu vực Đông-Tây từ năm 2014 cho đến ngày nay.
  
Quá trình chuyển đổi từ nhà cầm quyền quân phiệt sang dân sự tại Miến Điện từ năm 2011 được tán thưởng như mẫu mực cho phong trào cách mạng ôn hòa, tuy nhiên nền dân chủ non trẻ tại Miến vẫn còn rất mong manh.
Cách mạng hoa Nhài tại Trung Đông từ năm 2010 đến nay đem lại bức tranh vô cùng u ám: nền chính trị tại Tunesia, Ai Cập vô cùng bấp bênh còn Syrie và Lybia là hai tấm thảm kịch nhân loại.
  
Từ những diễn biến nói trên người viết xin đưa ra vài gợi ý dưới đây:
1. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng là một trong các chất xúc tác cho cách mạng.
2. Nhưng cách mạng xảy ra không hẳn sẽ dẫn đến dân chủ; bầu cử tự do cũng không bảo đảm sẽ có dân chủ.
3. Nam Hàn và Đài Loan đã vượt ngưỡng cửa của những nước có lợi tức trung bình nên ý thức quần chúng cùng các cơ chế kinh tế và luật pháp đã đưa tiến trình dân chủ đến thành công.
4. Cách mạng phải cải thiện đời sống dân chúng. Hai chính quyền dân sự tại Brazil và Argentina quản lý kinh tế tồi tệ, ở Phi Luật Tân băng đảng ma túy hoành hành là những nguyên nhân khiến các nhà cầm quyền dân sự mất dần tính chính đáng.
5. Các thế lực phản dân chủ (ngoại quốc, quân đội, tài phiệt, khối lợi ích, vây cánh của nhà nước độc tài) lúc nào cũng rình rập để phá hỏng tiến trình dân chủ.
6. Trước muôn vàn khó khăn nhưng nội bộ các đoàn thể tranh đấu chia rẽ dù là vì tôn giáo, sắc tộc, vùng miền hay do bất đồng chính kiến thì cách mạng sẽ thất bại.
Đ.H.Q.
Cách Mạng Dân Chủ: thành công và thất bại - Phần 4
Đoàn Hưng Quốc
03/10/201614:09:00
Phần 3 của loạt bài này đã tóm tắt về tiến trình dân chủ ở nhiều quốc gia trong vòng 20 năm gần đây. Phần 4 sẽ so sánh xem mô hình nào trong số đó có thể xảy đến tại Việt Nam kèm theo những thuận lợi và khó khăn như thế nào.
Giả định một trong hai biến cố có thể phát sinh: tiến trình chuyển đổi ôn hòa và trật tự tương tự Miến Điến 2010, hoặc quần chúng nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền như ở Ai Cập 2011 và Ukraine 2004.
Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy tiến trình dân chủ hoá sẽ tuần tự diễn tiến tại Việt Nam lý do vì thành phần lãnh đạo trong đảng cầm quyền không chấp nhận đổi mới chính trị, khác với Tổng thống Then Sein trước đây ở Miến Điện. Về phần phong trào tranh đấu cũng chưa hội tụ được một khuông mặt đại diện có tầm vóc như bà Aung San Suu Kyi. Một khác biệt quan trọng nửa là giới quân phiệt Miến Điện muốn thoát ra khỏi lệ thuộc Bắc Kinh điển hình với quyết định đơn phương đình chỉ dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đề xướng vào năm 2011; trong khi đó tại Việt Nam đảng cầm quyền không hề có ý định thoát Trung trái lại còn trông nhờ vào Bắc Kinh để duy trì độc quyền chính trị và lợi ích kinh tế.

Trường hợp thứ nhì xảy ra khi quần chúng nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền như tại Ai Cập 2011 hay Ukraine 2004. Không ai biết được điều này có sẽ xảy đến hay không hoặc vào lúc nào, nhưng dấu hiệu cho thấy ý thức cùng nổi bất mãn trong quần chúng ngày càng tăng nên có thể trở thành mồi lửa châm thùng thuốc nổ vào một thời điểm bất ngờ. Cho nên bài viết này chỉ nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quá khứ chớ không phải tiên đoán cho tương lai.
Cả hai cuộc cách mạng ở Ai Cập 2011 và Ukraine 2004 đều không thành công. Riêng Ai Cập mang đậm nét văn hóa Hồi Giáo đặc thù nên người viết thiết nghĩ Ukraine là trường hợp gần giống nhất so với Việt Nam.
Việt Nam hiện giờ và Ukraine trước đây đều là hai quốc gia cộng sản. Phong trào quần chúng và xã hội dân sự chỉ manh nha nên đất nước chưa xây dựng được truyền thống và cơ chế sinh hoạt chính trị đối lập. Cả hai xứ lại nằm bên cạnh các láng giềng xấu vốn áp đảo về kinh tế – chính trị – quân sự kèm theo tham vọng bành trướng. Hơn thế các nhà cầm quyền Nga-Trung đều quyết tâm ngăn cản không cho thành hình một đất nước dân chủ giàu mạnh ngay sát biên giới họ. Ukraine còn có lợi thế phía Tây gần với các cường quốc Âu Châu so với Việt Nam bị cô lập từ bờ biển phía Đông sang biên giới phương Tây và Bắc.
Thử mường tượng một cuộc nổi dậy quần chúng làm thay đổi nhà cầm quyền cộng sản. Lực lượng tranh đấu không có truyền thống sinh hoạt đảng phái nên chia rẽ và thiếu khả năng lèo lái xã hội vốn đang bị phân hoá trầm trọng. Chính quyền dân cử lại phải thừa hưởng nền hành chánh, an ninh và quân đội thối nát vốn bị dân chúng căm ghét. Dư luận đòi hỏi phải có giải pháp tức thời đền bù cho những nổi uất hận tràn dâng như đất đai bị chiếm đoạt, môi trường bị hủy hoại cũng như vấn đề tù cải tạo, đánh tư sản năm 1975 và chiến dịch cải cách ruộng đất vào thập niên 50. Facebook từng là công cụ hữu hiệu nhằm vận động quần chúng chống nhà nước toàn trị nhưng cũng dễ trở thành kênh thông tin kích động luồng dư luận quá khích và cục bộ. Trung Quốc sẽ dùng mọi thủ đoạn để phá hoại nền kinh tế kể cả các biện pháp quân sự uy hiếp vùng biên giới hay chiếm đóng biển đảo. Mỹ-Nhật-Úc không hiện diện trực tiếp tại Việt Nam, họ chỉ can thiệp đủ để đất nước không rơi vào tay Hoa Lục và khiến Bắc Kinh sa lầy trong các mưu toan chính trị, còn việc đặt nền móng dân chủ phải hoàn toàn tùy thuộc nơi người Việt.
Diễn tiến nếu xảy ra như vậy rất giống như cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine 2004: lực lượng dân chủ thiếu đoàn kết tạo điều kiện cho các đại gia (oligarch) và tham nhũng hoành hành, tâm lý chia cách giữa hai miền Đông thân Nga và Tây thân Âu Châu ngày thêm sâu sắc. Nhà nước do dân bầu đánh mất niềm tin, cánh thân Mạc Tư Khoa thắng cử nhưng sau đó Tổng thống Yanukovich bị truất phế vào năm 2014. Chính trị không ổn định, kinh tế phụ thuộc vào Nga tạo cơ hội cho Tổng thống Putin chiếm mất bán đảo Crimea và chia cắt một phần đất nước. Tây phương chỉ giúp đỡ giới hạn như Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói thẳng thừng vào tháng 12/2015 rằng trách nhiệm tùy thuộc nước Ukraine đừng để đánh mất cơ hội cuối cùng này: “You got one last chance. Don’t screw it up”.
Cách mạng vẫn sẽ xảy đến khi nào quần chúng quyết định giọt nước tràn ly và đứng lên đòi thay đổi, nhưng tiến trình dân chủ có thành công hay không do khả năng lèo lái đất nước của thành phần tranh đấu. Nhiệm vụ của những nhà dân chủ, đoàn thể chính trị và xã hội dân sự là tìm học kinh nghiệm quá khứ để sửa soạn hành trang cho tương lai dù không biết được bao giờ là lúc khởi hành mà cũng không thể có phép mầu nào cho mọi vấn nạn do nhà cầm quyền toàn trị gây nên trong suốt 70 năm; trau dồi lòng khiêm tốn nhân nhượng để đoàn kết mà không đánh lỡ mất cơ hội lịch sử thêm một lần nửa.
Đ.H.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét