Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Việt Nam nằm trong top những nước có tham nhũng cao nhất thế giới

Việt Nam nằm trong top những nước có tham nhũng cao nhất thế giới

(ĐSPL) - Theo điều tra của một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập ở nước ngoài thì Việt Nam là một trong những nước có tình trạng tham nhũng cao trên thế giới.
Sáng 31/12, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có buổi trao đổi với độc giả tại giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Trước thắc mắc của một độc giả rằng không biết tham nhũng ở Việt Nam đang ở mức nào, và muốn phòng chống tham nhũng thì phải làm từ đâu, từ trên xuống hay từ dưới lên, có nhất thiết phải hy sinh cả một thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu cho lớp cán bộ mới hay không, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Theo điều tra của một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập ở nước ngoài thì Việt Nam là một trong những nước có tình trạng tham nhũng cao trên thế giới”.
Vì thế, Đảng và Nhà nước ta mới xác định đây là quốc nạn cần phải kiên quyết trong việc phòng và chống. Chúng ta phòng chống tham nhũng không phải là hy sinh cả một thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu mà là để loại bỏ những con sâu con mọt đục khoét tài sản quốc gia ra khỏi bộ máy.
Trong bộ máy công quyền của chúng ta còn có rất nhiều người tốt, hết lòng vì nước vì dân, nếu không như thế thì không thể có một xã hội ngày càng phát triển như hiện nay. Cũng như trong một ruộng lúa thì bao giờ cũng có cỏ dại, vấn đề là chúng ta phải nhổ cỏ dại để lúa tốt hơn.
Việt Nam nằm trong top những nước có tham nhũng cao nhất thế giới - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến.
Trước đó, trong phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được câu trả lời của thủ tướng về việc xử lý “quốc nạn” tham nhũng, ông thẳng thắn chất vấn Thủ tướng: “Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt, quốc nạn tham nhũng?" Sao Thủ tướng im lặng mãi? Tôi hy vọng và chờ đợi Thủ tướng trả lời”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Thủ tướng và cũng chưa thấy câu trả lời trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhiều người thắc mắc, tham nhũng bắt nguồn từ việc lương thấp, vì lương thấp nên các cán bộ “nhũng nhiễu” dân, vậy nếu lương tăng thì tham nhũng có giảm hay không? Giải đáp thắc mắc ấy, ông Tiến thừa nhận rằng chính vì lương thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức "chân ngoài dài hơn chân trong", lấy việc phụ, thu nhập phụ thành việc chính, thu nhập chính, như vậy thì việc phụ lại thành việc chính, rồi nhũng nhiễu, tham nhũng để bù đắp vào phần thiếu hụt trong đời sống.
Tuy nhiên, không phải cứ nâng lương cao lên thì sẽ hết tham nhũng. Bởi vì, trong thực tế những kẻ tham nhũng thường là những người có chức, có quyền,có địa vị và đồng lương thì không hề thấp chút nào, thậm chí còn là những người lãnh lương "khủng", nhưng họ vẫn là chủ thể của tham nhũng bởi lòng tham là vô đáy, không giới hạn. Khi lòng tham đã ngự trị trong những con người này thì không biết bao nhiêu là đủ.
Việt Nam nằm trong top những nước có tham nhũng cao nhất thế giới - Ảnh 2
Việt Nam là một trong những nước có tình trạng tham nhũng cao nhất thế giới. Ảnh minh họa.
Trong cuộc trao đổi với độc giả, ông Lê Như Tiến cho biết, đã từng nghe thông tin một cán bộ cấp phòng ở Hà Nội mà tài sản tăng thêm trong một năm có giá trị đến hàng tỷ đồng, thử hỏi với một cán bộ công chức cấp phòng có mức lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì lấy đâu ra số tiền "khủng" đó nếu không phải là tham nhũng. Nhưng vì không công khai cho nên không ai biết được, chỉ khi các cơ quan pháp luật vào cuộc thì mới lộ chân tướng. Thêm một ví dụ điển hình là Dương Chí Dũng do tham nhũng mà có hàng chục tỷ đồng để mua nhà nọ nhà kia cho "bạn gái".
Qua đó, ông khẳng định rằng: “Kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, kê khai phải đi liền với công khai và trách nhiệm giải trình để cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân giám sát”.
Hoài Thu/Báo Đời sống & Pháp luật
Đọc tin tức 24h sự kiện hay nhất trong ngày của Báo Đời Sống Pháp Luật

XEM THÊM TIN XÃ HỘI




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét