Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

HỌP MẶT ĐỒNG HƯƠNG LÀNG SIÊU QUẦN NĂM 2016


HỌP MẶT ĐỒNG HƯƠNG LÀNG SIÊU QUẦN
 NĂM 2016
.
 
Sáng ngày Chủ Nhật 17/7/2016 (nhằm ngày 14/6 năm Bính Thân), tại Nhà hàng Tano 2, số 24-26-28, Đường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh, hội Đồng hương Làng Siêu Quần - Thừa Thiên Huế - tại T.p HCM đã tổ chức họp mặt hằng năm như định kỳ.
            Đến dự có đông đủ bà con xa quê Làng Siêu Quần đang làm ăn sinh sống tại 24 quận huyện Tp. HCM và các tỉnh lân cận. Về phía quan khách có đại biểu của hội đồng hương huyện Phong Điền cùng hơn 16 đơn vị đồng hương làng xã thuộc huyện  tại Tp. HCM. Ông Trần Văn Mây, phó chủ tịch thường trực hội đồng hương Phong Điền, thay mặt hội, đã trao tặng lẵng hoa và phát biểu chúc mừng.
            Nội dung họp mặt bao gồm nghi lễ dâng hương trước bàn thờ vọng hướng về tổ tiên, với đầy đủ hương, hoa, trà, bánh và các lễ vật  truyền thống. Vào phần diễn đàn họp mặt, mở màn với lời phát biểu khai mạc, chào mừng  và báo cáo hoạt động năm qua của Hội trưởng. Tiếp theo là phát phần thưởng khuyến học cho học sinh, con em của hội viên. Sau đó có thủ tục bầu lại ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2016-2019. Kết quả ông Nguyễn Văn Phước vẫn được lưu nhiệm với đa số phiếu. Cuối cùng  là liên hoan mặn và xen kẻ phần văn nghệ giúp vui.

§  Vài nét về làng Siêu Quần
            Siêu Quần là một làng nhỏ thuộc xã Phong Bình của huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế,  Bắc giáp làng Vân Trình, Tây giáp Vĩnh An, Đông giáp xã Phong Chương, Nam giáp Phò Trạch và Đông Mỹ. Làng được thành lập vào nửa cuối thế kỷ 16, sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558). Dân số gồm 203 hộ (số liệu năm 2003). Đây  là một làng quê nông nghiệp và cũng như bao ngôi làng khác của huyện Phong Điền, qua nhiều giai đoạn lịch sử, một số bà con đã phải rời xa quê nhà đi mưu sinh lập nghiệp ở xa xứ, trong đó có Tp. HCM.
           
Đặc biệt, đây là ngôi làng có cùng tên với làng Siêu Quần ờ xã Tả Thanh Oai, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là sự trùng họp ngẫu nhiên hay có một sợi dây liên quan với nhau nào đó chăng? Điều đáng lưu ý là hai ngôi làng cùng có một đặc điểm chung: đó là địa thế của làng, cả hai cùng tọa lạc trên hai nền đất cao và bao quanh là vùng trũng, nên làng Siêu Quần ở Thừa Thiên Huế xưa kia còn được gọi là làng Gò hay làng Cồn.
           
Về ý nghĩa tên Siêu Quần, nhiều người cho là hơi lạ, cần tìm hiểu sâu mới có lời giải đáp thỏa đáng. Cũng như tên làng Kế Môn – mà hiện nay vẫn còn tranh cãi, chưa nhứt trí về ý nghĩa thực sự vậy. Đây là những cái tên thuộc vào loại đặc biệt, không đơn giản và dễ hiểu như tên các làng khác, chẳng hạn như Phước Tích, Đại Lộc, Điền Hải, Vĩnh Xương hay Thanh Hương…Cũng bởi những tên này, xưa kia, tổ tiên  thường đặt bằng từ Hán Nôm nên muốn hiểu rõ cần tra cứu bằng Hán tự hay Nôm tự mới chính xác. Nói cách khác là phải biết hai từ "Siêu và Quần" viết theo Hán Nôm tự lúc khởi thủy ra sao.
            Tuy vậy, có thể nêu ra một vài giả thuyết, lấy từ nghiên cứu của chính người làng Siêu Quần hay cập nhật thông tin trên các trang mạng. Chẳng hạn như trên Google: “Tên làng Siêu Quần bắt nguồn từ tên Nôm là Kẻ Gùn. “Gùn” có nghĩa là “quần tụ”; còn “Siêu” ý chỉ làng là nơi sinh tụ của dân từ rất nhiều địa phương khác nhau”. Còn nếu vào Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh sẽ thấy hai từ “Quần” và “Siêu” mang rất nhiều nghĩa, nhưng ý nghĩa phổ quát của “Quần” vẫn là hội tụ, là tập hợp, tập thể (như trong các từ ghép: quần chúng, quần thể, quần cư, quây quần…). Còn “Siêu” là cao, là vượt lên trên. Còn nhớ lúc khởi thủy, làng Siêu Quần của Phong Điền, Thừa Thiên Huế còn có tên là “Siêu Loại” mang ý nghĩa là “vượt lên trên đồng loại”. Vậy thì ngoài ý nghĩa nhân văn như đã giải thích, chữ "siêu" ở đây có lẽ còn bao hàm cả ý nghĩa về địa lý chăng?
            Đặc biệt, ở vùng đất làng Siêu Quần có cây mưng (tức lộc vừng) là thổ sản quý. Mặc dầu ở đâu đó trong vùng Thừa Thiên Huế ta đều thấy có giống cây này, nhưng ở Siêu Quần, số lượng cổ thụ so ra vẫn áp đảo. Trước đây, vào thời điểm cây lộc vừng được ưa chuộng để làm cây cảnh, những cây với dáng đẹp đã được thương lái trả với giá hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, nhưng dân làng Siêu Quần vẫn quyết định không  bán. Lý do là bởi lộc vừng, với lợi thế cành lá rậm rạp, tuổi thọ cao, lại dẽo dai, chịu nước, trong quá khứ đã hình thành như một bức tường chắn sóng, chắn gió, bảo vệ ngôi làng khi gặp sự cố lũ, bão.
Chính vì vậy mà cây lộc vừng từ lâu đã trở thành một di sản quý báu của tổ tiên, và nay xứng danh là một đặc sản văn hóa, là biểu tượng của làng Siêu Quần, mà người dân làng ai cũng tự hào và quyết tâm bảo tồn, gìn giữ.

           Sau đây là một vài hình ảnh tiêu biểu trong buổi họp mặt:


 

 

 

 
Bài và Ảnh: THAO MẠNH



Cập nhật ngày Thứ hai, 18/07/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét