Liệu có 'di dân' sau thảm họa Formosa?
Chuyên gia cảnh báo tình trạng di dân có thể xảy ra nếu đời sống nhân dân tại các khu vực xảy ra thảm họa do Formosa gây nên không được đảm bảo...
Đền bù 500 triệu USD chưa phải là xong việc
Một số chuyên gia nhận định, việc tìm ra nguyên nhân, công bố thủ phạm vụ cá chết tại 4 tỉnh Miền trung hồi đầu tháng 4/2016 vừa qua là thành công bước đầu trong cuộc đấu tranh pháp lý, buộc Formosa phải cúi đầu xin lỗi, đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân...
Bên cạnh đó, việc giải quyết hậu quả sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra được coi là vấn đề sống còn đối với ngư dân tại các vùng bị ảnh hưởng...
Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao
|
Đề cập tới số tiền đền bù 500 triệu USD của Formosa, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XI, X cho rằng, việc Formosa cam kết bồi thường thiệt hại sau thảm họa môi trường chưa tương xứng với những tổn thất về môi trường, kinh tế, mà họ đã gây ra đối với người dân 4 tỉnh miền Trung.
Tướng Thước viện dẫn: “Trong chiến tranh, Mỹ từng rải chất độc hóa học (thực chất là chất diệt cỏ) trong đất liền để phục vụ kế hoạch chiến tranh của họ. Hòa bình lập lại, chúng ta phải mất rất nhiều năm, hao tốn nhiều tiền của mới xử lý được những độc tố tồn dư trong đất".
Từ dẫn chứng đó có thể thấy rằng, việc môi trường biển bị ô nhiễm trên diện tích hàng km2 thì việc xử lý lại càng khó khăn hơn. Chính Formosa phải có trách nhiệm (tài chính, nhân lực) trong việc khắc phục thảm họa môi trường này. Do đó, số tiền Formosa đền bù cho người dân trong thảm họa môi trường là quá nhỏ so với những tổn thất mà họ gây ra với người dân 4 tỉnh miền Trung.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) phân tích thêm, việc Formosa phải đền bù số tiền 500 triệu USD sau khi gây ra thảm họa môi trường 4 tỉnh miền Trung chưa phải đã kết thúc sự việc.
Ông Trần Nguyên Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa (áo đen) cùng 6 đại diện khác cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự cố hải sản chết ở miền Trung. (ảnh: VnExpress.net)
|
"Vấn đề là phải làm rõ số tiền Formosa bỏ ra đã đủ căn cứ pháp lý để coi là khoản tiền bồi thường hay chưa? Các nội dung liên quan tới khoản bồi thường đó phải được làm rõ để người dân được biết.
Việc này chỉ có thể thực hiện khi có sự tham gia của nhân dân, các tổ chức xã hội trong việc tập hợp thông tin, căn cứ, đưa ra mức bồi thường thỏa đáng.
Trong vụ việc này, Chính phủ được xem là cầu nối giữa các bên trong cuộc đấu tranh pháp lý.
Hay nói cách khác, Chính phủ cùng với nhân dân đứng ra đàm phán với Formosa về khoản tiền bồi thường sau thảm họa”, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao nhận định.
Cảnh báo di dân
Cũng theo Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, nếu cơ quan có thẩm quyền không đáp ứng các điều kiện về môi sinh, kinh tế, an sinh xã hội tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng di dân ồ ạt, khó kiểm soát.
"Một thực tế có thể thấy, việc kinh doanh, buôn bán, du lịch... tại các khu vực đã bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi thảm họa cá chết đã hiện hữu.
Chúng ta cứ thử hình dung, ngư dân nhiều đời nay sống bằng nghề đi biển, lấy thuyền làm nhà, cá làm thức ăn. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu biển tại các khu vực bị ô nhiễm không còn hải sản?
Trong khi các thiết bị, ngư cụ, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ của ngư dân còn còn hạn chế? Nếu không đánh bắt cá thì họ sẽ sống bằng gì?
Do đó, nếu chúng ta không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi sinh, kinh tế cho bà con, không loại trừ sẽ xảy ra tình trạng di dân ồ ạt, khó kiểm soát ở các khu vực này", Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao cho biết.
Vị chuyên gia này nhận định, vấn đề an ninh, quốc phòng có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra hiện tượng di dân xảy ra.
"Nếu ví mỗi ngư dân là một cột mốc bảo vệ chủ quyền thì thử hỏi, việc ngư dân không thể đi biển vì thảm họa môi trường thì vấn đề an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong điều kiện hiện nay?
Khi đó, rất có thể kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội để thực hiện âm mưu bành trướng.
Do đó, vấn đề này không chỉ liên quan tới kinh tế, an sinh xã hội, mà còn có thể ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc phòng", Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao cảnh báo.
Vấn đề sống còn "hậu Formosa"
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, vấn đề đảm bảo kế sinh nhai cho người dân tại vùng có ô nhiễm là vấn đề quan trọng nhất, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng.
“Cấp gạo hỗ trợ, đào tạo lao động xuất khẩu cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng chỉ đáp ứng vấn đề an sinh tạm thời. Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc đảm bảo kế sinh nhai lâu dài của người dân tại các khu vực xảy ra thảm họa.
Mặt khác đối với những khu vực có vị trí chiến lược như Bình - Trị - Thiên thì vấn đề đặt ra là đảm bảo phát triển kinh tế tại những khu vực bị ảnh hưởng phải gắn với gắn với vấn đề an ninh, quốc phòng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định.
Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao kiến nghị nhóm giải pháp nhằm khắc phục thảm họa mội trường này: “Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra cần thiết phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về thảm họa môi trường do Formosa gây nên.
Chính phủ nên tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, người dân dưới sự hỗ trợ của các luật sư, thực hiện khởi kiện dân sự Formosa để đòi bồi thường. Căn cứ để đòi bồi thường sẽ hỗ trợ cho việc khởi kiện Formosa ra tòa. Số tiền bồi thường đó phải căn cứ vào quyết định của tòa án. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên đưa ra mức phạt cụ thể đối với thảm họa môi trường do Formosa gây ra", Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.
Về vấn đề liên quan tới cuộc sống của người dân tại những vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng, chúng ta cần lập tức lên một kế hoạch hành động khẩn cấp để đánh giá thiệt hại môi trường ở vùng biển bị ảnh hưởng, với sự tham gia của các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học quốc tế.
"Chính phủ cần có chương trình hành động cụ thể, khôi phục biển miền Trung. Đây vấn đề sống còn của ngư dân tại các vùng biển bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Bởi lẽ, nếu chúng ta phục hồi nhanh được môi trường tại các vùng bị ảnh hưởng thì cơ hội làm ăn, sinh sống của bà con mới có thể được tái lập. Vấn đề này phải gắn với trách nhiệm của Formosa.
Việc chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con tại các vùng bị ảnh hưởng cũng cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện. Chúng ta cần tính đến phương án thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa...", Tiến sĩ Luật sư Hoàng Ngọc Giao đề xuất.
Khuất Nguyên
Từ khóa:
Formosa
Cá chết miền Trung
Formosa đền bù cá chết Miền Trung
hậu thảm họa Formosa
Chia sẻ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét