Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Chuyện ít biết về làng giữ “Áo Quan cho”

“Áo Quan cho” là một chuỗi gồm hàng nghìn cây cổ thụ quý hiếm như lộc vừng, ma kê, bội... có tuổi thọ trên một trăm năm, cao cả chục mét, được trồng trên phần đất đào đắp cao khoảng 3m, rộng từ 8- 9m ở các làng cổ Phò Trạch, Siêu Quần và Vân Trình thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở làng Phò Trạch, “Áo Quan cho” có chiều dài hơn 6km, làng Siêu Quần khoảng hơn 3km và một phần ở làng Vân Trình. Không những vậy, công trình độc đáo này còn có giá trị lớn về mặt môi trường, văn hóa và tâm linh.
Ly kỳ một truyền thuyết
Không ai rõ công trình “Áo Quan cho” được thi công vào năm nào? Để tìm hiểu sự ra đời của “Áo Quan cho”, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Thanh Quang, 58 tuổi ở làng Phò Trạch. Từ nhỏ, ông Quang đã thấy “Áo Quan cho” hiện hữu như ngày nay. Thuở niên thiếu, ông Quang đã được các cụ cao niên trong làng kể cho nghe: “Áo Quan cho” có từ thời vua Tự Đức trị vì, từ năm 1847 đến 1883. Thời đó, làng Phò Trạch có người con gái được vào trong Kinh thành làm vợ một vị quan trong triều đình. Một lần, vị quan này về làng “vi hành”. Đi quanh làng tìm hiểu một vòng, vị quan này nói như thúc giục: “Dân làng cùng nhau đoàn kết lại để đào đất đắp đường đê bao quanh làng rồi trồng cây lên đó. Làm xong công việc, quan sẽ thưởng cho cơm gạo để ăn và cho áo để mặc”. Vị quan này còn căn dặn thêm “dân làng nhớ làm cho xong việc ta giao, ta sẽ thưởng như đã hứa”. Nói xong, vị quan có vẻ đắc ý với phong thái ung dung rồi rời làng.
                                                                                     Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần.
 Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần.
                                                                              Cây lộc vừng có kiểu dáng đẹp như thế này được giới cây cảnh trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng làng kiên quyết không bán.
Cây lộc vừng có kiểu dáng đẹp như thế này được giới cây cảnh trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng làng  Siêu Quần kiên quyết không bán.
Một đoạn “Áo Quan cho” ở làng Phò Trạch

Dân làng tin tưởng, phấn khởi và làm theo lời vị quan kia để mong sớm nhận được “lộc quan” hứa cho. Sau một thời gian, công trình hoàn thành nhưng dân làng chỉ nhận được gạo để ăn. Còn áo để mặc mà vị quan kia hứa cho thì chờ mãi không thấy đâu cả. Thời gian thấm thoắt trôi qua, dân làng cũng dần quên chuyện vị quan kia hứa cho áo để mặc. Nhiều năm sau, cây cối đã mọc xanh tốt trên đoạn đường mà dân làng khổ công đào đắp. Rồi dân làng nhận thấy, cây cối phát triển sẽ che chắn được gió từ biển thổi vào khiến mùa đông không còn lạnh như trước nữa. Trâu bò và kể cả người dân không còn bị chết vì rét.

Làng mới sực phát hiện ra “cái áo” vị quan kia hứa cho chính là rặng cây trồng trên một con đê bao bọc quanh làng, để giúp làng tránh khỏi sự tàn phá của thiên nhiên. Nhớ ơn vị quan kia đã có cái “nhìn xa trông rộng” nhưng không biết tên để cảm tạ, dân làng đã đặt tên công trình này là “Áo Quan cho” hay còn gọi là “Đường Quan” để ghi nhớ công ơn.

Công trình “Độc nhất vô nhị”

Theo cụ Phạm Bá Diện, 91 tuổi ở làng Phò Trạch, thì “Áo Quan cho” là công trình “độc nhất vô nhị”, không nơi nào có được và có giá trị lớn về nhiều mặt. Cụ Diện cho rằng, “Áo Quan cho” ngăn cản được sức tàn phá của nước lũ, cản được gió mạnh rít giật từ đầm phá, từ biển thổi vào làng và làm mùa đông bớt đi lạnh giá.

Mùa hè thì không đâu tìm được không khí trong lành và mát mẻ như ở đây. Mùa lũ thì giảm được thiệt hại đáng kể về người và của. Cụ Diện lấy dẫn chứng, đợt bão lớn năm 1973, nhờ có “Áo Quan cho” mà làng không bị xóa sổ. Lũ lụt lịch sử năm 1999, nhờ “Áo Quan cho” cản nước lũ chảy xiết mà dân làng sơ tán kịp thời. Hơn nữa, về mặt quân sự, “Áo Quan cho” như một chiến lũy bảo vệ làng thực thụ, khi cần có thể thực hiện chiến thuật “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. “Áo Quan cho” cũng tái hiện văn hóa của một làng quê thuần Việt khép kín, yên bình và tính cộng đồng cao. Mặt khác, “Áo Quan cho” còn có ý nghĩa về mặt tâm linh vì được dân làng coi như một công trình để tưởng nhớ đến ông cha đã khai phá để làng tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Công dụng của “Áo Quan cho” là vậy, song “Áo Quan cho” vẫn là một công trình đặc biệt và kỳ bí. Đặc biệt ở chỗ, hiếm nơi nào gìn giữ, bảo tồn được hàng nghìn cây cổ thụ quý hiếm như thế. Kỳ bí vì nó là một công trình có thật và có nhiều công dụng trong thực tế nhưng nguồn gốc ra đời thì nhuốm màu truyền thuyết.

Ông Nguyễn Văn Cận cán bộ địa chính xã Phong Bình cho biết: Chủ sở hữu của chiếc “Áo Quan cho” chính là làng. Làng ra quy ước bảo vệ nghiêm ngặt “Áo Quan cho” như nghiêm cấm vào lấy củi; bán, khai thác cây... Việc bảo vệ “Áo Quan cho” được đưa vào tiêu chí để đánh giá gia đình văn hóa. Làng còn bố trí người thay phiên nhau canh giữ, bảo vệ… vì đã nhiều lần kẻ xấu muốn bứng những cây cổ thụ từ “Áo Quan cho”.

“Áo Quan cho” cũng được không ít du khách biết đến. Trong đó, có nhiều người là dân chơi “đi săn" cây cảnh hiếm. Có dân chơi cây cảnh hiếm đã ra giá cả trăm triệu đồng để mua cây cổ thụ ở công trình “Áo Quan cho” nhưng làng kiên quyết không bán và cũng không ai được bán vì đó là tài sản vô giá của ông cha để lại. “Áo Quan cho” gắn với sự sinh tồn của làng như quy ước ghi: “Áo Quan cho” còn thì làng còn, “Áo Quan cho” mất thì làng mất.

Rừng lộc vừng cổ thụ trước miếu Bà.
Người làng Siêu Quần xác nhận một hiện tượng lạ: những cây lộc vừng cổ thụ thường được cây xanh mộc cuộn lấy, như muốn giữ cho cây thêm vững chãi.

Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần.


Nguyên Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét