Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương là gì?
(PetroTimes) - Một trong những kết quả trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là hai nước bày tỏ sự quyết tâm hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm nay. Thời gian gần đây, hiệp định này được nhắc nhiều trên truyền thông bởi Mỹ đang rốt ráo thúc giục các nước nhanh chóng tham gia đàm phán ký kết. Vậy TPP là gì và Việt Nam được lợi gì khi gia nhập liên minh này?
Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng ngày 25/7, Tổng thống Obama phát biểu: “Chúng tôi cam kết hoàn tất hiệp định này trước cuối năm nay vì chúng tôi biết rằng, nó có thể tạo thêm công ăn việc làm và tăng đầu tư trong khu vực cũng như cho cả hai quốc gia”.
Mỹ và Việt Nam là hai trong số 11 nước hiện đang tham gia đàm phán TPP trong vòng 3 năm qua. Nhật Bản cũng vừa trở thành thành viên thứ 12 vào ngày 23/7 vừa qua.
Đây là hiệp định của thế kỷ XXI, giúp tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy các mục tiêu phát triển và giúp tạo việc làm ở Việt Nam, Mỹ và các nước thành viên TPP khác, trong khi tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên trong khuôn khổ một thỏa thuận cân bằng và toàn diện.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25/7
Tại diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2011, lãnh đạo các nước Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã công bố phác thảo chung của TPP mà các bên mong muốn hoàn thành trong năm 2012. Khi có hiệu lực, TPP sẽ loại bỏ 11.000 dòng thuế của các bên, 26 chương đang đàm phán và có khả năng sẽ đóng vai trò như một khuôn mẫu cho các điều ước mậu dịch trong tương lai của các nước thuộc APEC. Trong cuộc gặp, lãnh đạo các nước Nhật, Canada và Mexico đã bày tò mong muốn thảo luận với các nước đối tác hướng tới việc tham gia vào các cuộc đàm phán.
TTP do Singapore, New Zealand và Chile xây dựng lần đầu vào năm 2003 như một lộ trình tự do hóa thương mại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Brunei tham gia đàm phán năm 2005 và TTP có hiệu lực từ năm 2006. Tháng 3/2008, Mỹ tham gia đàm phán nhằm ban hành các quy định về đầu tư và dịch vụ tài chính. Mỹ đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với các thành viên TPP là Singapore, Chile và với các bên tham gia đàm phán TPP là Australia và Peru. Tổng thống Bush đã thông báo với Quốc hội Mỹ ý định đàm phán với các thành viên TPP hiện hữu vào ngày 22/9/2008 và với các thành viên tiềm năng khác là Australia, Peru và Việt Nam ngày 30/12/2008. Nhóm 8 nước này đã trải qua 3 cuộc đàm phán trong năm 2010. Malaysia là đối tác đàm phán thứ 9 được gia nhập năm 2010 và nước này đã tham gia vòng đàm phán thứ tư vào tháng 12/2010 tại New Zealand.
Ngày 14/11/2009, Tổng thống Obama cam kết cho Mỹ tham gia với các nước thuộc TPP “với mục tiêu định hình một thỏa thuận khu vực rộng mở với tiêu chuẩn xứng tầm một hiệp định thương mại của thế kỷ XXI”.
Các nhà phân tích tin rằng, việc kết nạp Mỹ có vai trò thúc đẩy sự gia nhập của các nước Châu Á - Thái Bình Dương khác. Bằng cách này, TPP được xem như một nền tảng để xây dựng một khu vực mậu dịch tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) lớn hơn. Bước đi có nhiều ý nghĩa ở chỗ nó sẽ được xem như một chính sách của Mỹ đáp lại sự tiến triển nhanh chóng các liên kết chiến lược và kinh tế giữa các nước châu Á, một vài nước trong số đó đã loại bỏ Mỹ và các nước châu Mỹ những năm gần đây. Tại phiên đàm phán đầu tiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Tim Groser lập luận rằng, Mỹ sẽ dùng TTP “như một phương tiện chủ yếu để đưa Mỹ vào cuộc chơi của khối Châu Á - Thái Bình Dương”. Ông cũng nói thêm rằng, giá trị gia tăng của TPP với Mỹ là nhằm mở rộng với các nước khác “nên điều đó chỉ có ý nghĩa về phương diện của siêu cường kinh tế số một thế giới nếu nó thực sự là một nền tảng tạo một cái gì đó to lớn hơn”.
Một số quan sát viên tin tưởng việc gia nhập TTP sẽ mở rộng thương mại của Mỹ với châu Á đồng thời củng cố các mối quan hệ của Mỹ trong khu vực. Mỹ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nước châu Á. Dù vậy, vai trò của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại của nhiều nước châu Á đang giảm sút. Sự lo lắng trong các chính sách của Mỹ và của các nhà phân tích thương mại là Mỹ có nguy cơ bị cô lập vì không có phản ứng với sự gia tăng đột biến về số lượng các hiệp định thương mại phát sinh ở châu Á những năm gần đây, đóng vai trò như một nhân tố then chốt đằng sau các quyết định nhằm thu hút thêm nhiều sự chú ý của các mô hình thuộc khu vực châu Á, trong đó có TPP. Nhờ tham gia TPP mà Mỹ đã bắt đầu thay đổi cơ cấu hoạt động này bằng cách cố gắng gia nhập khối thương mại mới này, đồng thời định hình nó phù hợp với nước Mỹ hiện tại.
Một bức tranh tương đối toàn diện về “được, mất” của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP đã được thể hiện tại hội thảo ngày 26/3/2013 tại Hà Nội do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Công Thương tổ chức. Trong đó, ý kiến của GS Peter Petri, Đại học Brandeis cho rằng, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 đối tác đàm phán TPP dường như không lấn át được những rủi ro mà các chuyên gia Việt Nam nêu lên tại hội thảo.
Ông Petri tới Việt Nam với tư cách là cố vấn cao cấp của Dự án Hỗ trợ Thi hành Pháp luật về Hội nhập Kinh tế (USAID/STAR Project), tính toán khi TPP đi vào hiện thực, Việt Nam sẽ tăng thu GDP thêm khoảng 26,2 tỉ USD nếu chưa tính Nhật Bản và là 25,7 tỉ nếu gồm cả thành viên thứ 12 này.
Tuy nhiên, “miếng bánh” TPP theo ý kiến các chuyên gia Việt Nam lại không ngọt ngào như vậy. Bà Phùng Thị Lan Phương, Ban Thư ký Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ trong TPP cao và phức tạp trong khi nguyên liệu hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt những ngành như may mặc, giày dép, lại chủ yếu phải nhập từ các nước ngoài TPP. Tính bảo hộ sở hữu trí tuệ cao mà Mỹ đặc biệt nhấn mạnh cũng gây ra những lo ngại tới khả năng tiếp cận thuốc chữa bệnh cho người dân Việt Nam cũng như cơ hội tiếp cận tri thức, khoa học, tài sản văn hóa, tinh thần…
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng lo ngại nguyên tắc “chỉ tiến không lùi”, hay “bước chân đi cấm kỳ trở lại” trong TPP là một nguyên tắc khó cho Việt Nam. Ông Khanh lấy ví dụ: Nếu cơ quan hoạch định chính sách thử cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 51% cổ phần nhưng sau một thời gian thấy chính sách đó không ổn thì không thể quay đầu lại nữa, đòi hỏi cơ quan quản lý và hoạch định chính sách phải có trách nhiệm và thận trọng hơn.
Ông Khanh cho biết, bên cạnh một số lo ngại thì Việt Nam cũng kỳ vọng TPP sẽ là cú hích cho xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải cách.
Giải thích lý do vắng mặt của Trung Quốc trong sân chơi TPP, học giả Trung Quốc Zhu Wenhui cho rằng TPP như một “mạng lưới quyền lực mềm mà Mỹ đang phủ quanh Trung Quốc”.
Theo học giả này, với vị thế là đối tác lớn nhất trong hiệp định, Mỹ đang phát triển TPP thành một tổ chức có sức ảnh hưởng cao trong khu vực; đồng thời chịu sự chi phối lớn từ phía Mỹ. Qua đó, học giả này đưa ra lời cảnh báo, những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế khu vực sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và sẽ bị kìm hãm trên nhiều lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc và luật chơi do Mỹ đặt ra.
|
H.Phan (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét