Từ lạnh băng đến nồng ấm, từ ngờ vực, chia rẽ đến 'đối tác chiến lược', quan hệ Việt Nam - Singapore nửa thế kỷ qua được 'đóng dấu' bởi cái nhìn lọc lõi của Lý Quang Diệu.
>> Singapore để tang ông Lý Quang Diệu 7 ngày
>> Một Singapore không có ông Lý Quang Diệu
>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Lý Quang Diệu
>> Ông Lý Quang Diệu từ trần
>> Cây đũa thần của Lý Quang Diệu - Kỳ 2: Hy sinh chuyện lớn vì chuyện lớn hơn
>> Cây đũa thần của Lý Quang Diệu - Kỳ 1: Người đàn ông, hòn đảo và đứa trẻ
>> Một Singapore không có ông Lý Quang Diệu
>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Lý Quang Diệu
>> Ông Lý Quang Diệu từ trần
>> Cây đũa thần của Lý Quang Diệu - Kỳ 2: Hy sinh chuyện lớn vì chuyện lớn hơn
>> Cây đũa thần của Lý Quang Diệu - Kỳ 1: Người đàn ông, hòn đảo và đứa trẻ
Bản tin trên báo Thanh Niên ngày 18.11.1993 về chuyến thăm thứ hai của ông Lý Quang Diệu đến Việt Nam. Lần đó, ông Lý đến TP.HCM trước khi ra Hà Nội, ngược lại với chuyến thăm đầu tiên vào tháng 4.1992
|
Cựu nhà báo Chin Kah Chong, phóng viên chiến trường Việt Nam trong các thập niên 1950 - 1970 và nhiều lần được mời đến cung cấp thông tin về Việt Nam cho Thủ tướng Lý Quang Diệu và các ngoại trưởng của ông, nói với Thanh Niên rằng nhờ chiến tranh Việt Nam mà Singapore đứng được trong những năm đầu lập quốc vào giữa thập niên 1960.
Người đàn ông 83 tuổi với phong cách lịch lãm chậm rãi nói: “Nhờ chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, phần còn lại của Đông Nam Á khi đó được bình yên. Singapore ra đời trong bối cảnh đó nên có môi trường thuận lợi để tập trung làm kinh tế và xây dựng đất nước”. Đúng, tiền và an ninh quốc gia, trước hai láng giềng to lớn là Malaysia và Indonesia vốn không hữu hảo gì cho lắm đối với hòn đảo chưa đầy 600 cây số vuông, là điều làm ông Lý Quang Diệu mất ngủ triền miên trước thực tế phải tự đứng trên đôi chân mình giữa lúc Anh Quốc tuyên bố sẽ rút hết binh lính đóng tại Singapore về nước.
Nhưng Singapore may mắn hơn, khi Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam, các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam hay Okinawa (Nhật Bản) trở nên quá xa để có thể làm trung tâm hậu cần. Mỹ cần một nơi cung cấp và trung chuyển tất cả các nhu yếu phẩm, nhiên liệu, vũ khí và phương tiện chiến tranh đặt ở Đông Nam Á. Nhìn qua nhìn lại, các đồng minh Thái Lan và Philippines, hay Malaysia và Indonesia, nước nào tình hình nội địa cũng bất ổn, bạo động, đảo chính rần rần. Chỉ có Singapore là tương đối ổn, bên cạnh những “di sản” do Anh Quốc - cũng là một đồng minh của Mỹ - để lại. Chớp lấy cơ hội này, Lý Quang Diệu đáp ứng ngay nhu cầu của Mỹ, ông Chin phân tích.
“Chỉ riêng khoản xăng dầu và nhiên liệu, mỗi tháng Singapore cung cấp cho Mỹ lượng hàng trị giá 600 triệu đô la. Cô thử tính trong ngần ấy năm, con số là bao nhiêu?”, vị tác giả 2 cuốn sách về Việt Nam và vừa hoàn thành quyển thứ 3 về Lý Quang Diệu nói với phóng viên Thanh Niên chiều 18.3. “Phải thừa nhận rằng, thu nhập từ việc làm hậu cần cho Mỹ là nguồn lực ban đầu giúp Singapore xây dựng đất nước”, ông nói thẳng.
Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu luôn phủ nhận điều này. Trong cuốn hồi ký “Từ Thế giới thứ ba lên Thế giới thứ nhất - Câu chuyện Singapore: 1965 - 2000” xuất bản năm 2000, ông Lý kể lại ông đã khó chịu như thế nào khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm Singapre vào tháng 10.1978 nhắc đến vấn đề này. “Tôi nói đã nói với ông ấy rằng vật liệu chiến tranh chính yếu mà chúng tôi cung cấp cho quân đội Mỹ ở Việt Nam chỉ là xăng dầu và nhớt bôi trơn từ các công ty dầu khí của Mỹ và Anh Quốc. Lợi nhuận vào tay Singapore là không đáng kể”, ông Lý viết.
Nghi ngờ và xa lánh
Cũng trong cuốn hồi ký này, trong phần về ASEAN, ông Lý không ngần ngại bày tỏ sự thù địch với Việt Nam. Do lo ngại Chủ nghĩa Cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á, ông Lý một mặt tập trung tiêu diệt những tổ chức chính trị, cá nhân mà ông liệt vào thành phần Cộng sản hay có cảm tình với Cộng sản tại Singapore; một mặt ông công khai ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, ông tiếp tục vận động các nước ASEAN, các cường quốc thế giới và cả Liên Hiệp Quốc lên án và cô lập Hà Nội. Ông thậm chí tham gia chi tiền, cấp trang thiết bị và đào tạo quân diệt chủng Khmer Đỏ để đẩy quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia. Ông hân hoan với cuộc tấn công biên giới phía bắc Việt Nam của Bắc Kinh vào tháng 2.1979.
Cựu nhà báo Chin Kah Chong (trái) trong lần trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên năm 2011 - Ảnh: T.L
|
Phá băng và làm bạn
Nhưng quan hệ giữa Singapore và Việt Nam hoàn toàn thay đổi từ đầu thập niên 1990. Khởi đầu, cũng theo hồi ký của ông Lý Quang Diệu, bằng việc Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đề nghị gặp ông Lý, khi ấy còn là Thủ tướng Singapore, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào tháng 2.1990. “Ông ấy muốn hai bên gác sang bỏ những khác biệt trong quá khứ và hợp tác”, ông Lý viết. Nhưng mãi đến tháng 11.1991, khi ông Võ Văn Kiệt trong tư cách thủ tướng đến thăm Singapore, mối giao hảo mới có dấu hiệu ấm lên. “Mặc dù khi đó tôi không còn là thủ tướng, nhưng chúng tôi đã gặp nhau tại buổi quốc yến do người kế nhiệm tôi là Goh Chok Tong chủ trì. Khi bữa tiệc vừa bắt đầu, ông Kiệt đứng lên và đi lại chỗ tôi, ôm quàng lên hai khủy tay tôi theo kiểu nửa Cộng sản, và hỏi tôi liệu tôi có thể giúp Việt Nam không. Tôi hỏi, bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế của họ. Tôi lặng người đi”, ông Lý viết.
Rồi ông Lý đến Việt Nam, lần đầu tiên vào tháng 4.1992, thăm Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, trò chuyện thân mật cả ngày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp xúc với Tổng bí thư Đỗ Mười, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh... Sau đó, ông liên tục trở lại Việt Nam vào tháng 11.1993, 3.1995, và 11.1997... Đáp lại, các lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục thăm Singapore, như Tổng bí thư Đỗ Mười (10.1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5.1994), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9.1995), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (4.1998)...
Trong các cuộc viếng thăm và gặp gỡ, chủ đề xuyên suốt là kinh tế, từ vĩ mô như kinh tế thị trường, các hình thái sỡ hữu doanh nghiệp, các ngành mũi nhọn và kinh tế vùng, cho đến những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, triển khai các dự án, trao đổi tiền tệ... mà doanh nghiệp Singapore và các nước đầu tư ở Việt Nam phản ánh với ông Lý qua nhiều kênh. Ông Lý ghi nhận rằng các vướng mắc mà ông trao đổi đã được tháo gỡ, phong cách làm việc của các lãnh đạo và ban ngành trung ương của Việt Nam cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, trong khi bộ mặt kinh tế, xã hội quốc gia rạng rỡ lên trông thấy. Bản tin ngày 18.11.1993 trên Báo Thanh Niên về chuyến thăm của ông Lý Quang Diệu đến TP.HCM và Hà Nội từ 17-21.11 có đoạn viết: “Trong năm 1992, Singapore là bạn hàng buôn bán lớn nhất của Việt Nam với tổng khối lượng hàng hóa lên đến 1,4 tỉ USD”. Bản tin còn cho biết trong chuyến thăm này, ông Lý cũng dự lễ khai trương nhà máy bia Tiger do Singapore đầu tư tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Nhưng quan hệ Việt Nam - Singapore được biểu hiện mạnh mẽ nhất ở các khu công nghiệp (KCN) mang thương hiệu VSIP. Được thảo luận đầu tiên bởi Thủ tướng Võ Văn Kiệt và người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu là Goh Chok Tong vào năm 1994, VSIP I và VSIP II tại Bình Dương được động thổ vào ngày 14.5.1996 với sự tham dự của cả hai vị thủ tướng. Ngày nay, trên khắp Việt Nam, VSIP không chỉ là những KCN cao cấp, thịnh vượng, mà còn là các khu phức hợp đô thị, dân cư và dịch vụ như VSIP III ở Bắc Ninh, VSIP IV ở Hải Phòng, VSIP V đang xây dựng ở Quảng Ngãi, và một VSIP VI đang được tính toán ở Nghệ An.
Không chỉ trên bình diện kinh tế, quan hệ Việt Nam - Singapore còn phát triển ở nhiều lĩnh vực qua Hiệp định hợp tác liên thông được ký cuối năm 2005. Nhưng đỉnh cao của mối quan hệ ấm áp và tin cậy là quyết định đi đến Đối tác chiến lược được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố tại quốc yến tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Singapore vào tháng 9.2012 và được ký kết tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tháng 9.2013, kỷ niệm 40 năm hai nước lập quan hệ ngoại giao.
Tại lễ kỷ niệm Quốc khánh thứ 69 do Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức vào ngày 2.9.2014, khách mời danh dự từ nước chủ nhà là Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Công đoàn quốc gia Lim Swee Say phát biểu: “Ngày nay tại Singapore có một cộng đồng người Việt rất năng động, bên cạnh các sinh viên và khách du lịch từ Việt Nam sang. TP.HCM nằm trong top 10 điểm đến của các chuyến bay xuất phát từ Singapore”. Điều này khác xa thời thập niên 1980, khi những thuyền nhân Việt Nam không may dạt vào vùng biển Singapore, tất cả bị từ chối và xua đuổi.
Ông Lim cũng cho biết kể từ năm 1992, thông qua Chương trình hợp tác Singapore, nước này đã nhận bồi dưỡng cho hơn 14.000 cán bộ, quan chức của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều học bổng được cung cấp cho sinh viên Việt Nam theo học tại các đại học công lập danh giá của Singapore. Trong cuộc đối thoại về khủng hoảng kinh tế với các nhà đầu tư do hãng tin Reuters tổ chức tại Singapore ngày 4.3.2009, trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Lý Quang Diệu gây bất ngờ thú vị khi nói: “Bất luận tình hình Việt Nam hiện nay ra sao, tôi vẫn muốn nói rằng, trong số những sinh viên Đông Nam Á mà Singapore cấp học bổng học tại những trường đại học của chúng tôi, sinh viên Việt Nam là những em nghiêm túc nhất, thông minh nhất, và thành công nhất”.
Thật ra, nguồn lực tự nhiên và tiềm năng của người Việt Nam được ông Lý Quang Diệu nhận ra từ rất sớm. Ngay chính trong chương hồi ký đầy hằn học, ông Lý vẫn thừa nhận: “Việt Nam là một quốc gia kiên cường với 50 triệu con người (ở thời điểm 1978) thông minh và giàu tài nguyên thiên nhiên... Các lãnh đạo Việt Nam là một tập thể ấn tượng. Họ là những đối thủ đáng gờm với ý chí chiến và sự kiên định tuyệt vời... Tôi đã tin rằng họ sẽ trở lại vững mạnh trong vòng 20-30 năm”.
Rõ ràng, việc hợp tác với Việt Nam đã và đang đem lại lợi ích lớn cho Singapore. Điều đó chứng tỏ ông Lý đã không bỏ lỡ cơ hội, biết gác bỏ những khác biệt về ý thức hệ để đến với Hà Nội cả trước khi Mỹ tháo bỏ cấm vận Việt Nam. Chả thế mà nhà báo Chin Kah Chong đã kết luận: “Lý Quang Diệu không tôn thờ chủ nghĩa nào, không ngả hẳn theo bất cứ bên nào. Vào một thời điểm nào đó, điều gì, nước nào có thể mang lại lợi ích cho Singapore là ông ấy làm và lại gần thôi. Ông ấy là một người thực tiễn, thực dụng, mà nếu nói là cơ hội thì cũng không quá lời”.
Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Singapore Lim Swee Say cho biết: Tính đến tháng 6.2014, Singapore là nước đầu tư lớn thứ 3 ở Việt Nam với tổng vốn 30,5 tỉ USD. Thương mại song phương năm 2013 đạt 13,9 tỉ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho 500 khách hàng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 6,5 tỉ USD và giá trị xuất khẩu hơn 8 tỉ USD, và cung cấp việc làm cho 140.000 lao động địa phương.
Ông Huỳnh Quang Hải, khi còn là Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore, tự hào nói với Thanh Niên tại Singapore rằng khách hàng của VSIP toàn những nhà đầu tư danh giá, ý thức tuân thủ luật pháp và các thông lệ quốc tế cũng như địa phương rất cao, chưa bao giờ gây điều tiếng gì.
|
Thục Minh
(Văn phòng Singapore
(Văn phòng Singapore
theo Thanh niên