Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Đinh Tiên Hoàng dưới con mắt các sử gia hiện đại

18/11/2018 09:46 - Trần Trọng Dương
Trong thời hiện đại, biểu tượng Đinh Tiên Hoàng cũng có những nấc thăng trầm khác nhau. Nếu như đầu thế kỷ 20, biểu tượng Hoàng đế khai mở nền chính thống không còn hữu dụng khi Việt Nam bị Pháp đô hộ, thì đến từ nửa sau thế kỷ này, ông lại trở thành biểu tượng đại diện cho khả năng tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc giữ gìn nền độc lập dân tộc.

Đền thờ vua Đinh vua Lê ở Ninh Bình. Ảnh: Kienthuc.net

Khước từ biểu tượng Hoàng đế chính thống

Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu là người đầu tiên dỡ bỏ biểu tượng Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh và cô lập hóa biểu tượng này trong hệ tiêu chí mới, hệ tư tưởng mới của phương Tây. Ông cho rằng, thời Đinh Tiên Hoàng (968-970) tuy cũng thuộc “Thời đại chủ quyền mười phần hoàn toàn”1 giống như các thời Triệu Việt Vương Quang Phục (548-571), Ngô Vương Quyền (939-945), Lê Thái Tổ (1428-1429), nhưng ông chỉ là người thừa hưởng thành quả độc lập từ Ngô Quyền. Phan Bội Châu lý luận rằng, dù Đinh Bộ Lĩnh có chiến thắng, hay một trong số 12 sứ quân nào khác chiến thắng thì nước Việt vẫn cứ là của người Việt. Như thế Phan Bội Châu đã khước từ tiêu chí “xưng đế” và việc xây dựng mô hình nhà nước theo hình mẫu Nho giáo. Ông đang tìm kiếm những tiền lệ mới, mẫu hình mới, mà ông đang muốn hướng tới: đó là một hình mẫu lý tưởng về một quốc quyền (chủ quyền nước ta) được tự chủ, độc lập, giống như đế quốc Nhật Bản2. Các tiêu chí xưng đế, lập triều nghi, xây dựng mô hình nhà nước Nho giáo không còn được quan tâm đến nữa, thay vào đó là hệ hình viết sử mới với các khái niệm mới như “quân quyền”, “dân quyền”, “tổ quốc”, “nhân chủng”, “độc lập”, “tự chủ”...

Quan điểm này của Phan Bội Châu sau đó ảnh hưởng đến cách phân kỳ lịch sử của phần lớn các sử gia trong thế kỷ 20 đến nay (như Trần Trọng Kim 1920, Hồ Chí Minh 1941, Lê Thành Khôi 1955, Đào Duy Anh 1955), coi năm 938 là thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, và năm 939 khi Ngô Quyền lên ngôi là mở đầu thời đại mới3. Đinh Bộ Lĩnh không còn là một biểu tượng được yêu thích như thời Nho giáo thịnh hành. Hồ Chí Minh viết:

Đến hồi Thập nhị sứ quân
Bốn phương loạn lạc, muôn dân cơ hàn.
Động Hoa Lư có Tiên Hoàng,
Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh.
Ra tài kiến thiết kinh dinh,
Đến vua Phế Đế chỉ kinh hai đờ
i4.

Biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc

Năm 1955, Đào Duy Anh cho rằng, Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng được “một nước tự chủ hoàn toàn” với “nhà nước thống nhất” trên cơ sở tham khảo chế độ nhà Ngô và các triều đại Trung Quốc. Đào Duy Anh, dựa trên lý luận mới của chủ nghĩa Mác và kế thừa quan điểm của Phan Bội Châu, cho rằng Ngô Quyền là người đầu tiên xây dựng “nhà nước phong kiến tự chủ” còn Đinh Bộ Lĩnh chỉ là người “khôi phục cuộc thống nhất”, “xây dựng nhà nước thống nhất”. Các thuật ngữ mới đã được Đào Duy Anh khéo léo sử dụng trong quá trình phân tích tính chất các sự kiện lịch sử, như “mâu thuẫn xã hội”, “phong kiến”, “lực lượng phong kiến tập quyền”, “lực lượng phong kiến phân tán”, “cát cứ phong kiến”5,…

Năm 1971, cuốn Lịch sử Việt Nam đã kế thừa quan điểm “loạn 12 sứ quân” từ các bộ sử thời Trung đại. Cuốn sách cho rằng sự loạn lạc bắt đầu từ khi Ngô Quyền mất. Nhưng thực tế chưa tìm thấy sử liệu nào nói về việc “nổi loạn” nào của các Thứ sử nhà Ngô trong giai đoạn 944-965 ngoài sự cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, Ngô Bình Xử ở Cổ Loa và các lãnh địa bất tuân phục triều đình như Chu Thái ở Thao Giang, hai thôn Đường – Nguyễn ở Thái Bình. Một cách nước đôi, cuốn sách này cũng cho rằng, từ năm 965 chính quyền trung ương tan rã, các lực lượng phong kiến tranh nhau nổi dậy, tranh giành lẫn nhau, mỗi người hùng cứ một phương. Danh sách 12 sứ quân được kể lại chi tiết với họ tên, địa điểm giống như các bộ sử trước đó. “Loạn 12 sứ quân” đã liên tục được chép lại trong hàng chục sử phẩm khác nhau suốt ngàn năm chép sử ở Việt Nam, và nó đã trở thành một từ khóa mang tính biểu tượng cho sự loạn lạc, cho những thế lực chống đối lại nền “chính thống”mà nhà Đinh là dòng họ đại diện.

Cho nên, Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện và dẹp loạn lạc, cứu khổ cho nhân dân, được coi là bậc “đại ân đức”, là người có chính nghĩa. Xét ở khía cạnh thao tác, thì biểu tượng “Hoàng đế dẹp loạn” kết thành cặp đôi khăng khít với biểu tượng “loạn 12 sứ quân”, thể hiện tính hai mặt của biểu tượng. Hai biểu tượng này là đối lập với nhau về mặt nội hàm, nhưng thống nhất với nhau một cách biện chứng về mặt thủ pháp kiến tạo và mục đích xây dựng. Trong thời Trung đại, “loạn 12 sứ quân” luôn được sử dụng để làm tiền lệ lịch sử để răn đe, khuyến giới, hay bài học cho những nghịch tặc, phản thần, những kẻ có ý định chống đối triều đình. Còn “Đinh Bộ Lĩnh thì luôn được sử dụng để làm biểu tượng cho sức mạnh của “chính thống” với đội quân “nhân nghĩa” như văn bia đền Vua Đinh đã ca ngợi. Sang đến thời hiện đại, khi hệ tư tưởng đã thay đổi, cặp đôi biểu tượng này lại được tái dụng trong các nội hàm cũ mới đan xen. “Loạn 12 sứ quân” xưa là bài học cho những kẻ phản thần, thì nay là đại diện tiêu biểu cho “thù trong” gây mất khối đại đoàn kết dân tộc, gây trở ngại cho sự thống nhất đất nước. Sách Lịch sử Việt Nam đánh giá: Đinh Bộ Lĩnh là người “đã nêu cao ngọn cờ thống nhất quốc gia,… Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân.”6 Có thể thấy rõ sự thay đổi hệ hình viết sử và tư tưởng sử qua các khái niệm mới đã được cấy ghép ở đây, như “thống nhất quốc gia”, “tinh thần dân tộc”, “khối đoàn kết dân tộc”. Sự thâu tóm quyền lực của Đinh Bộ Lĩnh bằng sức mạnh quân sự được khoác thêm bộ áo cánh mới bằng những ngôn từ mới. Ta biết rằng, năm 1971, thời điểm cuốn sách này xuất bản, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.

Biểu tượng Hoàng đế cờ lau– hoàng đế của nhân dân

Ngay từ những sử liệu sớm từ thời Tống, cho đến những sử phẩm hiện đại, sự xuất hiện của “dân” hay “nhân dân” thể hiện mối tương tác giữa quyền lực của kẻ bên trên (hữu danh) với những tập đoàn người nhỏ bé vô danh ở dưới. Cuộc chiến tranh của Đinh Bộ Lĩnh đã được mô tả lại như là một lực lượng chính trị đã thể hiện được sức mạnh nhằm bảo vệ những con người vô danh yếu đuối. Các sách Cửu triều biên niên bị yếu, Tống sử, ghi việc cha con Đinh Bộ Lĩnh đánh bại đám Ngô Xử Bình, khiến cho xứ ấy được yên, nhân dân vì thế mà cho rằng họ Đinh có ơn đức với mình, mới suy Bộ Lĩnh làm Soái, hiệu là Vạn Thắng Vương.7,8,9,10  

Các sử liệu này đều nói đi nói lại về yếu tố “dân” trong mối quan hệ với cuộc chiến tranh và xưng vương của Đinh Bộ Lĩnh. Những dòng sử này được viết nên (dù ở nhà Tống) nhưng đã qua lăng kính khúc xạ của nhà Đinh (chủ yếu từ Đinh Liễn với các lần đi sứ). Có thể là, trước mặt nhà Tống, Đinh Liễn đã không ngừng gia cố thêm quyền lực, và tính chính thống của mình bằng cách dựa vào lý thuyết “dân bản” của Nho giáo. Người nắm được dân và sức mạnh quân sự, người ấy có tính chính thống. “Dân” được coi là một trong những nhân tố quan trọng làm nên “thiên vận”- một khái niệm của lý thuyết chính trị về quyền lực tiên thiên. Cái tiên thiên có trước được sử dụng như là yếu tố tiền định, bất khả tư nghì khi quyền lực đã được chính danh và bằng cách đè bẹp các lực lượng khác, nhưng vận trời cũng đã được nhà Đinh (và nhiều triều đại sau này) sử dụng như là một tham số khả biến dựa trên thời vận, và lòng dân.

 Phố Đinh Tiên Hoàng ở Hà Nội.

Sang đến thế kỷ 20, tư tưởng về “dân bản” đã được tái sử dụng trong lý thuyết về giai cấp, và dân tộc11. Nhân dân là số đông, chiếm phần đa, và là yếu tố quan trọng làm nên các thành phần dân tộc. Nhân dân cũng là những người ở dưới, được định danh “giai cấp bị trị”. Cho nên, hậu quả của “loạn 12 sứ quân”được đánh giá là “đã gây ra biết bao tổn thất, đau khổ cho nhân dân và đi ngược lại nguyện vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc”12. Đinh Bộ Lĩnh đã cứu nhân dân thoát khỏi đau khổ loạn lạc, xưa được nhà Nho coi là “điếu dân phạt tội”, thì đến thế kỷ 20 được coi là người đại diện cho sức mạnh của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Lịch sử Việt Nam mô tả ngay từ khi Đinh Bộ Lĩnh còn trong giai đoạn xây dựng lực lượng ở Hoa Lư, thì “nhân dân trong vùng đã đều theo phục”13. Cho đến khi làm nên muôn chiến thắng, thì nhà Đinh là “đại diện cho ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân. Nạn cát cứ bị dập tắt tương đối nhanh chóng chứng tỏ trong hoàn cảnh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chế độ trung ương tập quyền là một nhu cầu tất yếu của lịch sử gắn liền với nhu cầu đoàn kết thống nhất lực lượng để giành và giữ vững nền độc lập – quyền lợi chung và cao nhất của toàn thể dân tộc”14. Như thế công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của họ Đinh vừa như là một tiền lệ lịch sử cho tính nhân dân của cuộc chiến tranh, sức mạnh của lòng dân, là tiền lệ cho những nỗ lực củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tất yếu trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước trong những năm 1970. Đinh Bộ Lĩnh đã được xây dựng như là một biểu tượng cho sức mạnh của nhân dân, cho tinh thần đại đoàn kết đại dân tộc.

Trong khi các sử phẩm của nhà nước khắc họa tính nhân dân của Đinh Bộ Lĩnh qua việc tái sử dụng tư tưởng dân bản và lý thuyết giai cấp và tư tưởng dân tộc; thì các tác phẩm văn học nghệ thuật (cả nhà nước lẫn dân gian) từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 đã tô điểm thêm biểu tượng này bằng các thủ pháp của mình.

Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dòng nghệ thuật tranh dân gian còn lại hai tác phẩm về huyền thoại Đinh Bộ Lĩnh. Tác phẩm thứ nhất là bức thuộc dòng tranh Đông Hồ. Tác phẩm này miêu tả lại hoạt cảnh Đinh Bộ Lĩnh được rồng bảo hộ. Trung tâm của bức vẽ là hình Đinh Bộ Lĩnh cởi trần đóng khố tay trái cầm cờ lau vắt từ vai qua sau lưng, tay phải đang chỉ vào mặt Đinh Dự. Đinh Bộ Lĩnh đi chân đất đứng trên mình rồng. Gần góc bên trái bức tranh là Đinh Dự đang đứng trên bờ. Nhân vật này đứng chắp tay vái Đinh Bộ Lĩnh, thanh kiếm cắm xuống đất. Với cách khắc họa này, nghệ nhân dân gian muốn kể lại câu chuyện về tính thiên mệnh của Đinh Bộ Lĩnh như Đại Việt sử ký toàn thư đã định hướng. Tác phẩm thứ hai muộn hơn mang tên “Đinh Tiên Hoàng tập trận mấy trẻ mục đồng” được viết bằng chữ quốc ngữ, và dòng chữ Hán “丁先皇蘆旗習陣” (Đinh Bộ Lĩnh lô kỳ tập trận). Bức tranh này mô tả cảnh trẻ mục đồng chia làm hai phe để luyện quân. Bên tay phải vẽ Đinh Tiên Hoàng mặc quần áo, thắt đai, đội mũ cầm kiếm, ngồi trên lưng trâu. Quân tùy tòng người thì cầm cờ, cầm lọng che cho chủ tướng, người thì cầm lao, cầm kiếm. Phe bên kia cũng vẽ một chủ tướng cưỡi trên lưng dê, tay cầm kiếm, tay cầm cờ.  Hai bức tranh này không gì hơn là vẽ lại một tích chuyện được dân gian ưa thích, dùng cho mục đích buôn bán. Điều này cho thấy, sau khi biên soạn và in ấn Đại Việt sử ký toàn thư, quyền lực tri thức từ nhà nước đã lan tỏa xuống tầng lớp thứ dân. Huyền thoại dân gian mang tính địa phương của Hoa Lư một khi đã trở thành sản phẩm quốc định, đã quay ngược trở lại dân gian ở một biên độ phủ sóng cao hơn.
Sang đến nửa sau thế kỷ 20, dưới một quyền lực tri thức mới từ phía nhà nước, hàng chục tác phẩm nghệ thuật đã được sáng tác xoay quanh biểu tượng Đinh Bộ Lĩnh. Các loại hình nghệ thuật khác nhau cũng không ngừng tham gia công việc đưa tri thức lịch sử vào đời sống xã hội. Các tác phẩm sớm nhất hiện biết là “Đinh Tiên Hoàng: chuyện ông Đinh Bộ Lĩnh giẹp yên 12 sứ quân” của Nguyễn Tử Siêu (Nhật Nam thư quán, 1929), “Sự tích Đinh Tiên Hoàng” (Nhà in Quảng Tế, 19??),  tiểu thuyết “Ngọn cờ lau” của Đinh Gia Thuyết (Thực nghiệp, 1937). Đây là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử về Đinh Bộ Lĩnh nằm trong seri tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam của tác giả này. Sau đó là tập truyện tranh lịch sử “Cậu bé cờ lau” của Tạ Thúc Bình và Phong Lan (Kim Đồng, 1963), “Cờ lau Vạn Thắng Vương” của Nguyễn Anh (Kim Đồng, 1972 ), Đinh Tiên Hoàng đế của Hà Công Tài (Văn hóa, 1988). Đến đầu thế kỷ 21, thêm các tác phẩm “Cờ lau dựng nước” tiểu thuyết lịch sử của Ngô Văn Phú, “Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh” của Lữ Giang (Văn nghệ, 2000), “Đinh Bộ Lĩnh: truyện tranh” trong bộ “Bé học sử Việt” của Nguyễn Văn Mùa (Trẻ, 2001), tiểu thuyết “Đinh Bộ Lĩnh” của Hàn Thế Dũng (Công an Nhân dân, 2004), “Vua cờ lau” của Phạm Minh Thảo (Từ điển Bách khoa, 2006), “Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước” của Nguyễn Văn Thảo (Mỹ thuật, 2009), “Hoàng đế cờ lau” của Nguyễn Khắc Triệu (Văn học, 2010), “Kể chuyện Đinh Tiên Hoàng” của Hải Vy (Lao động, 2011), “Đinh Tiên Hoàng và công cuộc thống nhất đất nước” của Phạm Trường Khang (Hồng Đức, 2012), “Đinh Bộ Lĩnh” (soạn theo Đại Việt sử ký toàn thư) của Nam Việt viết – Tạ Huy Long vẽ (Nhi đồng, 2012, in lần thứ 6), “Đinh Bộ Lĩnh” truyện tranh của Huy Tiến (Đại học Sư phạm TP.HCM, 2015), “Đinh Bộ Lĩnh – Dẹp loạn 12 sứ quân” của Đỗ Biên Thùy (Trẻ, 2016), “Đinh Bộ Lĩnh và nước Đại Cồ Việt” của nhóm Lương Duyên (Giáo dục, 2017), “Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh” của Trương Bửu Sinh (Giáo dục, 2018)  “Đinh Tiên Hoàng” tiểu thuyết của Vũ Xuân Tửu (Công an Nhân dân, 2018, 527 trang), “Đinh Tiên Hoàng Đế - anh hùng mở nền thống nhất quốc gia” của Trương Đình Tưởng (Thế giới, 2018, 278 trang). Trong khi đó, hàng chục bộ phim lịch sử, phim hoạt hình về Đinh Bộ Lĩnh đã được sản xuất và trình chiếu trên các kênh của Đài truyền hình Việt Nam và các đài địa phương. Các bộ “Hào khí ngàn năm”, “Hào khí sử Việt” tiếp tục khắc họa hình ảnh chú bé Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha, có tài chí, sau này lớn lên, đại diện cho sức mạnh của nhân dân, cứu vận mệnh nước nhà bằng cách dẹp loạn 12 sứ quân.

Những nội hàm mới được phổ thêm vào cho biểu tượng như tinh thần thượng võ, truyền thống đánh giặc nội xâm, truyền thống yêu nước, yêu dân tộc, tinh thần vì nhân dân. Đến đây, ta thử đọc lại một trích đoạn nghiên cứu trong công trình nghiên cứu Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước: “vào thế kỷ X, trong ý thức của mọi thành viên trong xã hội, chưa có sự ràng buộc của chữ ‘trung’ theo quan điểm của Nho giáo mà chỉ có sự thôi thúc của một tinh thần thượng võ nhằm bảo vệ che chở lợi ích cộng đồng, yêu thương đùm bọc cộng đồng, được mở rộng thành lòng yêu nước thương nòi. Đó là đạo đức truyền thống của dân tộc hình thành và tôi luyện trong quá trình đấu tranh lâu dài để tồn tại và phát triển.”15 Những nhận định trên đây về lịch sử thế kỷ X có lẽ là được nhìn từ góc độ của người hiện đại về một quá khứ (hình dung về quá khứ để phù hợp với hiện tại).

Xung quanh hình tượng Đinh Bộ Lĩnh – một nhân vật lịch sử có thật, các tác phẩm văn học hiện đại đang thể hiện một quá trình sáng tạo nằm trong khuôn hạn của các diễn ngôn lịch sử do nhà hướng điều hướng. Những sáng tạo cùng chiều của nghệ thuật với diễn ngôn chính trị sẽ vừa nhận được sự bảo hộ cho công tác xuất bản của nhà nước cũng như tâm tư tình cảm của các thế hệ hưởng thụ nghệ thuật. Cũng chính từ đây, chức năng giáo dục lịch sử đã xuất hiện và thể hiện một cách mạnh mẽ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nhiều người sẽ cho rằng việc phân tích các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến chủ đề lịch sử sẽ không thuộc phạm vi của nghiên cứu lịch sử. Bởi các tác phẩm này không phải là một sử phẩm được viết nên bởi những sử quan, hay nhà nghiên cứu lịch sử. Nhưng ở phương diện lý luận, nghiên cứu lịch sử không chỉ còn giới hạn trong sử liệu, với các sử gia, phương pháp viết sử, hay tư tưởng sử nữa, mà còn mở rộng đến phương diện quyền lực nhà nước trong công tác định hướng nghiên cứu lịch sử, và quan trọng hơn cả nghiên cứu lịch sử phải chăng đã đến lúc nên chú ý tới lịch sử của nhận thức lịch sử. Lịch sử Việt Nam không chỉ được hiện lên qua ngòi bút của sử gia hay các nhà sử học, mà còn hiện lên qua ngòi bút của các nghệ sĩ. Mối quan hệ giữa sử phẩm với người học lịch sử, mối quan hệ giữa sử phẩm với sử gia, mối quan hệ giữa sử phẩm với nhà nước, mối quan hệ giữa tác phẩm lịch sử với người đọc, người học, người tiếp nhận lịch sử có lẽ là những mảnh đất cần được chú ý đến nhiều hơn.

Tiểu kết

Qua những gì đã phân tích trên đây, Đinh Bộ Lĩnh dĩ nhiên là một nhân vật lịch sử có thật, với một hành trạng vừa rõ ràng vừa có những khuất lấp. Trong phạm vi của tư tưởng chính trị Nho giáo, Đinh Bộ Lĩnh đã được kiến tạo với tư cách là người mở đầu nền chính trị Nho gia. Sang đến thế kỷ 20, khi tư tưởng thời đại đã thay đổi, Phan Bội Châu đã gạt bỏ tiêu chí chính thống để đưa Đinh Bộ Lĩnh về vị trí thứ yếu sau Ngô Quyền. Từ nửa sau thế kỷ 20, khi hệ tư tưởng Mác – Lê Nin đã được xác lập, các vấn đề về giai cấp, nhân dân, dân tộc, độc lập, thống nhất đất nước,... trở thành các hạt nhân cốt lõi cho các nghiên cứu về Đinh Tiên Hoàng. Cũng từ đây trở đi, các kết quả của công tác nghiên cứu sử học đã thuận dòng cùng đời sống chính trị của đất nước và góp phần kiến tạo nên tri thức lịch sử của hàng triệu tầng lớp nhân dân. Sự lan tỏa của biểu tượng này còn được tiếp thêm sức mạnh từ hệ thống giáo dục, các cơ quan thông tấn, nhà xuất bản, các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, các hiệp hội nghề nghiệp,... Một lần nữa, giá trị của tri thức lịch sử được quốc định lan tỏa đến các giai tầng xã hội  giống như Đại Việt sử ký toàn thư thời trước. Hàng chục tác phẩm nghệ thuật (từ truyện tranh thiếu nhi, tiểu thuyết lịch sử, phim hoạt hình, phim lịch sử, cho đến nghệ thuật điêu khắc, hội họa,...) đã được sáng tác và cho phép xuất bản nhằm mục đích giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước. Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Tiên Hoàng, qua truyền thống ngàn năm chép sử, không chỉ là một “tiên đế tiên hoàng” của riêng nhà Đinh hay các triều đại Nho giáo, mà đã trở thành một biểu tượng đa năng với các hàm nghĩa đa chiều kích, mãi lấp lánh trong tâm khảm của biết bao thế hệ.
-------
Chú thích:
1 Với nghĩa là chiến thắng các thế lực ngoại bang, và không xưng thần, chư hầu đối với các triều đại Trung Quốc. Xem Phan Bội Châu, 1909, Việt Nam quốc sử khảo, Shoransa, Tokyo,  VHV.1332 Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Chương Thâu dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2015, tr.37-39.
2 William J. Duiker, Phan Boi Chau: Asian Revolutionary in a Changing World, The Journal of Asian Studies, Vol. 31, No. 1 (Nov., 1971), pp. 77-88.
3 Trần Trọng Kim, 1920, Việt Nam sử lược (越南史略; Précis d’histoire de Việt Nam’), Imprimerie du Trung-Bac-Tan-Van, Ha Noi; tb. Nhã Nam – Nxb. Văn học, Hà Nội, 2015;
Hồ Chí Minh, 1941, Lịch sử nước ta, Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản, Trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 3, tr 221 – 229.
Lê Thành Khôi,1955, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, 2014, Tr.143, 162.
4 Hồ Chí Minh, 1941, Lịch sử nước ta, Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản, 1941, Trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 3, tr 221 – 229.
5 Đào Duy Anh, 1956, Lịch sử Việt Nam, giáo trình. Tb. Nxb.KHXH. Hà Nội, 2013, tr.176-177.
6 Ủy ban Khoa  học Xã hội Việt Nam, 1971, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb.KHXH. Hà Nội, Tr.144.
7 (Tống) Trần Quân, 1223, Hoàng Triều Biên Niên Bị Yếu, Nxb.thư cục Trung Hoa, 2006, quyển 2,tr.41.
8 Vương Ứng Lân, 1296,  Ngọc hải 玉 海, quyển 133.
9 Vương Ứng Lân, 1296,  Ngọc hải 玉 海, quyển 133.
10 Mã Đoan Lâm, 1307, Văn hiến thông khảo文献通考, quyển 330
11 Viện sử học, 1984, Thế kỷ X những vấn đề lịch sử, Nxb KHXH. Hà Nội.
12,13, 14 Ủy ban Khoa  học Xã hội Việt Nam, 1971, Lịch sử Việt Nam, tr.143 – 144.
Nguyễn Minh Tường, 2012, Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước, Nxb. Lao động, Hà Nội.
15 Nguyễn Danh Phiệt, 1990, Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, sđd, tr.60-61.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét