Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

hó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang từng "lạm quyền" chỉ đạo Công ty Tân Thuận bán đất

Thứ ba, 01/05/2018, 08:22

(NTD) - Là công ty có 100% vốn Nhà nước trực thuộc Thành ủy TP.HCM, Công ty Tân Thuận không thể một mình tự quyết bán 324.971 m2 đất ở Phước Kiển (Nhà Bè) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai, mà việc này buộc phải có chỉ đạo từ Thành ủy. Trong khi đó, một thông báo mới nhất được phát đi, Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, chưa từng được thông qua trường hợp này. Vậy, ai là người đã “lộng quyền”, thay mặt cả Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt cho thương vụ mua bán đang làm dậy sóng dư luận? PV Báo Người Tiêu Dùng tiếp tục đi tìm sự thật về những chỉ đạo "lạm quyền" xung quanh thương vụ tai tiếng này.

7_NKKS
Ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy là người "lạm quyền" chỉ đạo đơn phương, không báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang là người phê duyệt cho “thương vụ tai tiếng” này!
Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, thương vụ mua bán 324.971 m2 đất (Phước Kiển, Nhà Bè) giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân thuận (Công ty Tân Thuận, thuộc Ban Tài chính quản trị - Thành ủy TP.HCM) và CTCP Quốc Cường Gia Lai đang làm dậy sóng dư luận bởi rất nhiều… uẩn khúc. Trong đó, việc bán chỉ định với giá rẻ bèo so với thực tế khiến dư luận hết sức bức xúc. Con số thất thoát của ngân sách Nhà nước ở thương vụ này nhiều khả năng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Vậy nên, vấn đề được đặt ra ngay khi thương vụ này bị phanh phui đó chính là trách nhiệm của những người có liên quan.
Luật gia Nguyễn Thanh Việt, Nguyên Chánh Thanh tra quận 3, cho biết Công ty Tân Thuận là công ty Nhà nước, trực thuộc Thành ủy TP.HCM, vì vậy mọi hoạt động mua bán chuyển nhượng của công ty này đều phải được Thành ủy thông qua. Nói chính xác hơn, trong thương vụ bán 324.971 m2 đất ở Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai thì buộc phải có sự đồng ý của Thành ủy.
Mặc dù vậy, ngay sau khi Báo Người Tiêu Dùng có bài viết phản ánh thương vụ mua bán nhiều uẩn khúc giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp khẩn cấp và khẳng định, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy chưa được thông qua việc mua bán này.
Sau quá trình thu thập thông tin, nhóm phóng viên Báo Người Tiêu Dùng phát hiện, người đã chấp thuận cho thương vụ mua bán đầy tai tiếng trên chính là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đương nhiệm, ông Tất Thành Cang.
Cụ thể, ngày 19/5/2017, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận, có tờ trình số 406/TTr-TT trình Hội đồng thành viên (HĐTV) công ty phương án chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai để thu hồi vốn. Ngày 22/5/2017, HĐTV Công ty Tân Thuận có văn bản số 614/CV-HĐTV gửi Văn phòng Thành ủy báo cáo, xin chủ trương về phương án chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai để thu hồi vốn, lợi nhuận thu được sẽ nộp ngân sách Đảng bộ TP.HCM.
Ngày 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 512-TB/VPTU, thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai. Thậm chí, nghiêm trọng nhất là Tờ trình của Công ty Tân Thuận đề xuất là "hợp tác kinh doanh" nhưng Phó Bí thư Tất Thành Cang còn lộng hành "vượt đề xuất", cho ý kiến chỉ đạo là chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân.
Sau chỉ đạo mang tính "lạm quyền" của Phó Bí thư Tất Thành Cang, ngày 5/6/2017, 2 công ty đã ký kết hợp đồng 203/HĐKT/2017 về việc chuyển nhượng phần diện tích đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai. Sau đó, 2 công ty có ký kết 2 phụ lục hợp đồng bổ sung cho hợp đồng trên.
Xử lý trách nhiệm thế nào?
Hiện Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy và rất nhiều cơ quan chức năng khác đã vào cuộc làm rõ thương vụ mua bán tai tiếng giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, vấn đề lúc này mà dư luận quan tâm chính là sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị thế nào nếu có kết luận sai phạm?
Về điều này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 36 NĐ 52/2009/NĐ-CP về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thì: Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền yêu cầu các cơ quan, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thanh lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào hồ sơ vụ việc mua bán thì rõ ràng đã có sự vi phạm nghiêm trọng trong việc bán chỉ định tài sản Nhà nước này trong đó việc không thực hiện bán đấu giá theo quy định đã gây ra thất thoát rất lớn đối với tài sản Nhà nước. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm này trước hết thuộc về Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và người phê duyệt chủ trương - lúc này chính là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang. Là một cán bộ cao cấp, thiết nghĩ ông Cang thừa hiểu việc không cho các đơn vị thẩm định giá trị tài sản trước khi chuyển nhượng tài sản của Nhà nước - đó là dấu hiệu sai phạm hết sức nghiêm trọng, có thể bị xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Đối với CTCP Quốc Cường Gia Lai nếu có căn cứ chứng minh được có sự cấu kết, thông đồng trong việc mua bán tài sản trên trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, có một số dư luận tung ra cho rằng tài sản này không phải là đất công, được hình thành từ nguồn vốn tự có của Công ty Tân Thuận và vốn vay ngân hàng. Thậm chí có người còn có suy nghĩ "ấu trĩ" cho rằng khu đất chính là "tài sản hàng hóa, sản phẩm dở dang của doanh nghiệp" nhằm lập lờ đánh lận con đen. Tuy nhiên, hầu hết các Luật sư trao đổi với PV Báo đều khẳng định các thông tin như trên đều là kiểu thông tin "ngụy biện" của cán bộ kém về tư duy, thiếu kiến thức pháp luật. Những giải trình này nếu có càng thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước, cố chấp trước các sai phạm.
Thực tế, ai cũng hiểu bất kỳ tài sản nào được hình thành từ vốn tự có của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, cũng chính là tài sản công. Doanh nghiệp Nhà nước vay vốn ngân hàng cũng phải thế chấp bằng tài sản công, tiền lãi vay cũng phải lấy tiền Nhà nước chi trả. "Lãnh đạo Công ty Tân Thuận là cán bộ, công chức chuyên trách do Thành ủy bổ nhiệm theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ, là người có chức vụ. Nên nếu cá nhân họ bỏ qua các quy định dẫn đến gây thiệt hại khi giao dịch, thì có thể bị xem xét bởi tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 285 Bộ Luật Hình sự 1999)" - Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP.HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khẳng định.
 Hoàng Anh - Cao Tuấn - Nguyên Vũ
http://www.nguoitieudung.com.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-tat-thanh-cang-tung-lam-quyen-chi-dao-cong-ty-tan-thuan-ban-dat-d67036.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét