'Đất vàng' ở Huế được thâu tóm thế nào?
TTO - Hàng loạt khách sạn 4-5 sao tọa lạc trên những khu “đất vàng” ở Thừa Thiên - Huế đã thuộc về Tập đoàn Bitexco, sau khi UBND tỉnh bán phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần du lịch Hương Giang cho tập đoàn này.
Đó là các khách sạn Saigon Morin, La Residence, Hương Giang, Trung tâm dịch vụ Festival, khu đất 85 Nguyễn Chí Diểu trong kinh thành Huế, khu nước khoáng Mỹ An...
Gọi là "đất vàng" vì đều tọa lạc trên dải đất ven bờ sông Hương và kinh thành Huế, với diện tích hàng trăm ngàn mét vuông đất cùng các khách sạn 4-5 sao, các nhà hàng, dịch vụ khác.
Khách sạn cao cấp trên "đất vàng"
Công ty cổ phần du lịch Hương Giang nguyên là Công ty du lịch Hương Giang - doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh về du lịch. Công ty này nắm giữ hầu hết các khách sạn lớn nằm ở các khu "đất vàng" đắc địa nhất tại TP Huế, biển Lăng Cô.
Trong đó, khách sạn Hương Giang là 100% vốn của Nhà nước, cùng hai công ty con là Công ty TNHH lữ hành Hương Giang và khu du lịch tắm khoáng nóng Mỹ An ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang).
Công ty du lịch Hương Giang có ba đơn vị liên doanh mà phần vốn của Nhà nước tại các liên doanh này là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Đó là khách sạn 4 sao Saigon Morin (liên doanh với Saigontourist với tỉ lệ góp vốn 50%), khách sạn 5 sao La Residence (liên doanh với Công ty khách sạn Kinh Thành, góp vốn 49%) và Lăng Cô Beach Resort (góp vốn 40%).
Hương Giang, Saigon Morin và La Residence là ba khách sạn lớn nằm ngay mặt tiền sông Hương được đánh giá thuộc khách sạn hàng đầu ở Việt Nam.
Trong đó, khách sạn Hương Giang tọa lạc trên khu đất khoảng 1,4ha, chạy dọc 200m bờ sông Hương, luôn nằm trong top 10 khách sạn hàng đầu được Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn.
Saigon Morin nằm ngay đầu cầu Trường Tiền, với bốn mặt tiền đường lớn, trên khu đất khoảng 7.000m2, tiêu chuẩn 4 sao.
La Residence diện tích khoảng 1,7ha đang mở rộng xuống sát bờ sông Hương, là khách sạn cao cấp đầu tiên ở TP Huế (5 sao).
Khu du lịch Lăng Cô Beach resort ở biển Lăng Cô với quy mô 124 phòng nghỉ, trong đó 97 phòng trong các villa.
Hai công ty con của Công ty du lịch Hương Giang cũng nắm giữ nhiều "đất vàng" của Huế. Công ty TNHH lữ hành Hương Giang nắm giữ khu đất ở 11 Lê Lợi (Trung tâm dịch vụ Festival) cùng nhà hàng Bình Minh ở đường Hùng Vương.
Công ty cổ phần du lịch Mỹ An với diện tích 2,2ha và hệ thống mỏ nước khoáng nóng. Công ty du lịch Hương Giang còn được tỉnh giao khu đất 85 Nguyễn Chí Diểu (nằm cạnh Đại nội Huế) với diện tích khoảng 6.300m2 để làm vốn liên doanh xây dựng khu khách sạn cao cấp.
Ngoài ra, công ty này còn có khách sạn Morin Bạch Mã và biệt thự Nguyễn Văn Lễ trên núi Bạch Mã hiện đang bỏ hoang.
Tháng 7-2007, Công ty du lịch Hương Giang cổ phần hóa trở thành Công ty cổ phần du lịch Hương Giang. Trong đó, phần vốn của Nhà nước nắm giữ là 62,8%.
Đến tháng 3-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi công ty cổ phần, đã bán toàn bộ cổ phần trong Công ty du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco.
Bán trực tiếp, không qua đấu giá
Ngày 15-3-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp, giá trị thực tế vốn chủ sở hữu, giá trị thực tế vốn nhà nước, để thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần du lịch Hương Giang.
15 ngày sau, UBND tỉnh đã ra quyết định chọn nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước tại công ty này. Tổng số chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, mức giá chuyển nhượng là 12.600 đồng/cổ phần, số tiền bán được là 158 tỉ đồng.
Sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần du lịch Hương Giang.
Ông Vũ Quang Hội - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bitexco - trở thành chủ tịch của công ty này.
Ngày 12-7-2016, thương vụ chuyển nhượng cổ phần giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với Bitexco hoàn tất.
Nhưng chỉ hơn ba tháng sau, ngày 24-10, Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hong Kong là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 41,7%.
Công ty Kei Sei tiếp tục mua thêm của các cổ đông khác và nâng tỉ lệ cổ phần từ 12,9% lên 45,2%, vượt qua Bitexco để trở thành cổ đông lớn nhất trong Công ty Hương Giang.
Tháng 10-2017, ông Johnny Cheung Ching Fu được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty này theo đề cử của cổ đông Crystal Treasure.
Giá bán chênh lệch quá lớn
Trước đó, sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần du lịch Hương Giang đã đưa ra bán đấu giá cổ phần.
Phiên đấu giá diễn ra ngày 18-7-2007 tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu của công ty này có mức giá khởi điểm là 10.700 đồng/cổ phần.
Sau đấu giá đã được mua với giá 32.500 đồng/cổ phần, gấp gần ba lần khởi điểm. Với 37,1% tổng số cổ phần được bán ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu về hơn 240 tỉ đồng.
Một trong những cổ đông tham gia mua số cổ phần này là Tập đoàn Bitexco (mua hơn 7,6% cổ phần).
Trong khi đó, 9 năm sau (2016), 62,8% số cổ phần còn lại của tỉnh Thừa Thiên - Huế bán cho Bitexco với giá chỉ 12.600 đồng/cổ phần, thu về số tiền chỉ 158 tỉ đồng.
Mặc dù suốt từ năm 2008-2014, công ty này luôn kinh doanh có lãi.
Đầu năm 2017, một cổ đông lớn của khách sạn La Residence (liên doanh với Công ty cổ phần du lịch Hương Giang) đã bán 51% số cổ phần của mình cho một nhà đầu tư Nhật Bản với trị giá 7,2 triệu USD (tương đương 158 tỉ đồng).
Chỉ với 51% cổ phần trong một đơn vị liên doanh đã có giá trị bằng 62,86% số cổ phần của cả công ty cổ phần này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét