Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão: Cà Mau cấm biển, cho học sinh nghỉ học

Áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão: Cà Mau cấm biển, cho học sinh nghỉ học

Đến 4h ngày 2/11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ đổ bộ vào tỉnh Cà Mau; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vào sáng 1/11, lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, hồi 07h ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24h tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Ap thap nhiet doi co kha nang thanh bao: Ca Mau cam bien, cho hoc sinh nghi hoc - Anh 1
Hình ảnh của 2 cơn ATNĐ
Dự báo đến 4h ngày 2/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh.
Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 103,5-110,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Từ hôm nay (1/11) đến hết ngày 2/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.
Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-150mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nơi trên 200mm.
Đáng chú ý, trong khi ATNĐ đang gần tiến vào bờ thì hiện nay đang có ATNĐ khác gần Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và đổ bộ vào Nam Trung bộ. Vào hồi 4h ngày 01/11, vị trí tâm ATNĐ cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Ap thap nhiet doi co kha nang thanh bao: Ca Mau cam bien, cho hoc sinh nghi hoc - Anh 2
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Hoàng Văn Thắng chỉ đạo tại cuộc họp
Dự báo trong 24h tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão, khoảng chiều 1/11 bão sẽ đi vào biển Đông.
Đến 4h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24h tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Theo cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, mưa to trên diện rộng.
Hiện nay một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre đã ban hành lệnh cấm biển.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đợt này có 2 cơn áp thấp vì thế Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cần cung cấp thông tin dày hơn. Vào khoảng 1-2h sáng ngày 2/11, ATNĐ sẽ vào khu vực tỉnh Cà Mau, kèm theo nước biển và triều cường có thể dâng cao 4-4,5m. Vì thế sẽ tràn hết toàn bộ hệ thống đê điều, rất nguy hiểm. Đặc biệt, có 5 vị trí đê biển đang thi công.
8h sáng nay (1/11), Cà Mau đã ban hành lệnh cấm biển, và cho học sinh nghỉ học.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, cần phải khắc phục tính chủ quan khi ứng phó bão.
ATNĐ vào khu vực phía nam từ Bến Tre đến Cà Mau là nơi không thường xuyên xảy ra thiên tai nên bà con dễ chủ quan và chưa có kỹ năng phòng chống. Hơn nữa đây là vùng thấp, nhà cửa yếu nên rất nguy hiểm.
“Đây là đợt có nguy cơ cao và phức tạp, ảnh hưởng của ATNĐ và không khí lạnh sẽ gây mưa to trên diện rộng, lượng mưa cao, nhiều nơi trên 200mm. ATNĐ mới gần biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng mưa tiếp ở khu vực này”, Thứ trưởng Thắng cho hay.
Thứ trưởng đề nghị lực lượng phòng chống thiên tai phải làm sao để không ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong ứng phó thiên tai, nhất là khi APEC đang diễn ra.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cần thông tin kịp thời về ATNĐ, nói rõ tính chất phức tạp của đợt ATNĐ để các địa phương và người dân nắm bắt được.
Thứ trưởng Thắng lưu ý, Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng dễ tổn thương vì thế cần cảnh báo cho người dân, có phương án về di dân, kiểm đếm tàu thuyền, di chuyển lồng bè thủy thủy sản vào nơi an toàn để hạn chế thiệt hại.
Các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh cần làm việc với Ban chỉ đạo APEC để trao đổi thông tin bàn bạc để có phương án đảm bảo an toàn cho các đoàn tham dự APEC.
Diệu Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét