Thuốc gia truyền dỏm, càng uống càng nghiện
(Tin) - Những ngày gần đây, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chứng nghiện thuốc Đông y bán trôi nổi trên thị trường.
Hút mỡ vẫn “lòi” mỡ
Đầu tháng 7, Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhân (BN) nam C.H.S. (57 tuổi, nhà ở Q.5) đến khám vì nổi mụn nhọt khắp người. Trong lúc thăm khám, bác sĩ (BS) Lê Thái Vân Thanh phát hiện thân hình BN bị biến dạng với hai vú rất to, xệ xuống; bụng tích nhiều mỡ với nhiều sẹo chi chít. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tay chân anh S. bị teo cơ do tăng dị hóa đạm. Nguyên nhân là do anh đã tự ý uống một lượng lớn thuốc chứa corticoid. Anh S. cho biết, anh làm nghề đóng giày dép khu Chợ Lớn.
Hàng ngày, anh phải gò đế giày nên người đau rã rời không ngủ được, có lần chị bán thuốc lá vỉa hè mách anh uống một loại thuốc Đông y gia truyền, một gói chỉ 2.000đ/ngày là bảo đảm ngủ ngon. Đến nay anh S. đã uống gần 20 năm. “Vài năm trước, thấy bụng to như… bụng ông địa, tôi đã đi hút mỡ bụng nhưng một thời gian sau, những tảng mỡ lại tiếp tục “lòi” ra. Gần đây, khắp người lại nổi mụn nhọt, mắt nhìn mờ, sợ da nhiễm trùng nên tôi tìm đến BS da liễu…”. Tuy nhiên, điều trị được vài ngày, anh S. đã không trở lại BV vì không thể sống thiếu thuốc “bí truyền” này.
Cách đây vài ngày, chị Ph.Nh.Y. (45 tuổi, ở Bình Dương) tìm đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vì sau hai tháng uống thuốc Đông y gia truyền không rõ nơi sản xuất để trị viêm mũi, hai mắt của chị lúc nào cũng ríu lại, buồn ngủ, mặt mày sưng húp, đờ đẫn. Chị Y. kể, chị bị viêm mũi dị ứng, khi thời tiết chuyển mùa lại hắt hơi, chảy mũi. Chị được người hàng xóm mách uống loại thuốc trị viêm mũi gia truyền.
“Nhìn thuốc được đóng gói bắt mắt, lại ghi bảo đảm khỏi bệnh, dùng cho cả trẻ con nên tôi uống ngay. Sau hai tháng uống thuốc, tôi cũng bớt hắt hơi, giảm viêm mũi nhưng phù hai mi mắt, tóc và lông mọc nhiều ở cổ và sau gáy, thân hình mập lù, tay chân nhỏ, da mỏng đi với nhiều vết bầm, tay chân rất dễ bị trầy. Đặc biệt, rất thèm ăn, tăng cân nhanh chóng nên đi đứng nặng nề” - chị Y hoang mang.
Tương tự, bà Tr.T.L. (63 tuổi, nhà ở Q.Gò Vấp) cũng tìm đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vì sau một thời gian uống thuốc “viêm thấp khớp” do một người xưng là Đỗ Thái Nam bào chế; mặt bà bỗng tròn trịa, rất thèm ăn. Bà L. cho biết, bà bị viêm khớp ở hai đầu gối. Mỗi lần uống thuốc “gia truyền” này là hết đau ngay tức khắc nhưng phải uống liên tục, nếu dừng lại một ngày thì khớp càng đau hơn.
Bệnh nhân S. bị tích mỡ dày ở lưng như “gù lưng trâu" và biến chứng vú to
Thuốc dỏm mà còn...cấm giả mạo
Nhờ bà L. chỉ dẫn, chúng tôi đến trực tiếp nhà bà Thoa bán thuốc “viêm thấp khớp” trên đường Trần Phú, Q.5 để mua thuốc “bí truyền”. Sau một lúc tiếp “bệnh nhân lạ” trong tư thế đề phòng, bà Thoa bắt đầu xởi lởi. Bà Thoa cho biết, thuốc này do nhà bà làm ra để bán, chứ không khám bệnh.
Khi tôi hỏi: “Thuốc này uống một tháng có hết bệnh không?”, bà Thoa xua tay: “Chỉ trong vài ngày đã hết bệnh. Chúng tôi còn in trên bao bì chữ “bảo đảm khỏi bệnh”. Khi mở gói thuốc viêm khớp đựng trong bao nylon được hàn lại bằng lửa nham nhở, chúng tôi thấy thuốc không có số đăng ký, mỗi gói có 10 viên màu nâu được vo tròn bằng thủ công không đồng đều.
Mẫu hướng dẫn sử dụng chỉ ghi: “Người lớn uống một gói, ngày uống một lần. Bệnh nặng thì uống hai lần/ngày, mỗi lần một gói. Trẻ em uống nửa gói, ngày một lần. Bảo đảm sẽ khỏi bệnh”. Riêng thuốc trị “viêm mũi” có màu trắng, với số đăng ký: 189 2015, còn khuyến cáo “Đề phòng giả mạo”! Nhãn thuốc ghi cụ thể thành phần gồm: Thục địa, bạch trực, ngưu tất, quế khâu, hà thủ ô, đại hồi, mật ong...
Thuốc gia truyền dỏm, chỉ có giá 1.500 đồng/gói. |
BS Năm cảnh báo: những BN này đã uống phải thuốc Đông y không rõ nguồn gốc có chứa tân dược, nhất là corticoid. Thuốc Đông y thuần túy không bao giờ có tác dụng nhanh ngay sau khi uống mà ít nhất cũng sau một - hai tuần với cơ địa đáp ứng tốt. Nếu uống một loại thuốc mà có tác dụng giảm đau ngay thì đó không phải là thuốc y dược cổ truyền, có thể đã bị trộn tân dược.
Khi cầm mớ thuốc gia truyền chúng tôi mua từ bà Thoa, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết đây là thuốc dỏm, số đăng ký giả mạo. Nhãn bao bì của thuốc cũng không đúng quy định của Bộ và không có ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng… Trước đây, Sở đã phát hiện một số loại thuốc Đông y trôi nổi có trộn tân dược nhưng núp bóng thuốc gia truyền. Sở sẽ có biện pháp giải quyết nguồn thuốc trôi nổi này. Những thuốc Đông y thành phẩm muốn lưu thông trên thị trường phải được Hội đồng Y khoa của Sở phê duyệt.
An Phạm (TH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét