Giải quyết ra sao vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện đòi bồi thường hàng trăm triệu USD?
- Trịnh Vĩnh Bình - một người Hà Lan gốc Việt, trước đây đã từng bị kết án tù hình sự và bị tịch thu tài sản tại VN đã tiến hành khởi kiện nhà nước VN tại nước ngoài, đòi bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. Đây là một vụ kiện hy hữu chưa từng có với nhiều tình tiết pháp lý phức tạp. Luật sư Mai Lương Việt, người đã nhiều năm hành nghề tư vấn tại các công ty luật nước ngoài tại VN đã cho biết một số vấn đề xung quanh vụ kiện này.Cá nhân nhà đầu tư được kiện nhà nước?
* Ông đánh giá thế nào về vụ kiện này?
- Luật sư Mai Lương Việt: Ông Bình đã khởi kiện với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài bị mất tài sản tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi sự đóng góp xây dựng đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tăng cường nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật và tiến hành cải cách tư pháp phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế. Diễn biến và kết quả của vụ kiện này chắc chắn sẽ được sự quan tâm đặc biệt, nhất là từ phía các nhà đầu tư nước ngoài và từ nhà đầu tư có nguồn gốc Việt Nam.
* Được biết trước đây ông Bình đã bị kết án do phạm tội hình sự và tài sản của ông ta cũng bị tịch thu vì lý do đó, nay căn cứ vào đâu ông ta có thể khởi kiện nhà nước Việt Nam ra tòa án trọng tài để đòi bồi thường?
- Tôi chưa được đọc hồ sơ của vụ kiện nhưng được biết ông Bình, với tư cách là một nhà đầu tư có quốc tịch Hà Lan, đã viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 để tiến hành khởi kiện. Như vậy, có khả năng cái đích mà ông Bình đang nhắm tới là có được phán quyết trọng tài cho rằng bản án hình sự chống lại ông ta tại Việt Nam trước đây chỉ là cái cớ để Chính phủ Việt Nam tiến hành tước đoạt quyền sở hữu đối với tài sản của ông ta, tức là theo ông Bình, Chính phủ Việt Nam đã vi phạm thỏa thuận tại hiệp định nêu trên và phải bồi thường cho ông ta.
Trọng tài nào sẽ xử?
Vào đầu thập niên 1990, ông Bình (khi đó đã có quốc tịch Hà Lan) về nước đầu tư vào nhiều dự án tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, thông qua 2 công ty trong nước. Sau đó, vào năm 1998, ông Bình bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù về tội đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, bị phạt tiền, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản có tại Việt Nam. Sau khi rời khỏi Việt Nam, ông Bình đã nhiều năm tiến hành khiếu nại, yêu cầu Nhà nước Việt Nam bồi thường thiệt hại. Luật sư của ông Bình đã chính thức nêu vấn đề từ cuối năm 2003 nhưng các cuộc thương lượng giữa 2 bên đã không đạt được kết quả.Phiên tòa quốc tế nhằm giải quyết vụ tranh chấp này sẽ khởi sự vào tháng 12/2005 tại Stockholm (Thụy Điển). Vụ xét xử này, dự kiến sẽ kéo dài cả năm và số tiền tốn kém về án phí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
* Ông có biết tòa án trọng tài trong vụ này là thuộc tổ chức nào và trọng tài sẽ tiến hành xét xử theo quy chế nào?
- Tôi chưa được biết chi tiết hơn. Có thể biết được về cơ chế lựa chọn trọng tài và nguyên tắc xét xử vụ này khi xem quy chế giải quyết tranh chấp tại Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan.
Tuy nhiên, đa phần các hiệp định về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với nước ngoài đều quy định một trong hai hình thức xét xử trọng tài là trọng tài Ad-hoc (trọng tài vụ việc) hoặc trọng tài thường trực. Trọng tài thường trực được lựa chọn thường là của Trung tâm Quốc tế giải quyết các tranh chấp liên quan tới đầu tư (viết tắt bằng tiếng Anh là ICSID), là tổ chức có liên hệ mật thiết với Ngân hàng thế giới, được thành lập và hoạt động theo Công ước về giải quyết các tranh chấp liên quan tới đầu tư giữa các quốc gia và kiều dân của các quốc gia khác (hay còn gọi là Công ước Washington năm 1965). Điều kiện để đưa tranh chấp ra giải quyết tại trung tâm này là cả 2 quốc gia có liên quan phải là thành viên của Công ước. Tuy nhiên, trung tâm cũng có thể tham gia giải quyết tranh chấp trong trường hợp có một quốc gia không phải thành viên Công ước thông qua việc sử dụng quy tắc bổ sung của trung tâm được thông qua vào năm 1978. Việt Nam hiện chưa tham gia Công ước Washington, vì vậy nếu trung tâm nêu trên hiện đang giải quyết vụ việc này thì sẽ phải áp dụng quy tắc bổ sung. Trụ sở chính của ICSID được đặt tại Washington D.C nhưng các bên tham gia vụ kiện có thể thỏa thuận chọn địa điểm tiến hành xét xử tại bất kỳ nơi nào khác.
* Vậy còn trọng tài Ad-hoc thì sao?
- Trong trường hợp này, thông thường các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư quy định việc giải quyết bằng trọng tài theo quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).
Việt Nam nên dự hay không?
* Theo quan điểm của ông, nhà nước Việt Nam có bắt buộc phải tham gia vụ kiện không khi cho rằng tòa án Việt Nam đã có quyết định chính xác trường hợp của ông Bình?
- Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này, Chính phủ Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để giải quyết vụ việc một cách thận trọng nhất. Không nên nghĩ rằng trọng tài quốc tế hay tòa án nước ngoài là "cái gì đó" rất xa vời, rằng phán quyết của trọng tài hay bản án của tòa án nước ngoài khó có thể đem thi hành đối với cơ quan hay tổ chức của Việt Nam.
Thực tế cho thấy kể cả trường hợp tin chắc là mình đúng cũng phải tham gia để chứng minh và cung cấp chứng cứ nếu không muốn rằng đối thủ sẽ tìm cách đơn phương chứng minh là họ đúng và tòa án hay trọng tài sẽ xem xét, ra phán quyết vắng mặt bị đơn.
Tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đã thuê một trong những hãng luật lớn nhất của Pháp tư vấn và giúp trong quá trình tranh tụng. Đây là một quyết định đúng đắn và kịp thời, nhất là khi phía nguyên đơn cũng đã thuê hãng luật Covington & Burling nổi tiếng của Mỹ.
* Thưa ông, đặt giả thiết phán quyết lần này bất lợi cho phía Việt Nam thì việc thi hành phán quyết đó sẽ như thế nào?
- Thông thường phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên kể từ thời điểm được thông báo và luật pháp quốc tế cũng như quốc gia của đa số các nước không cho phép kháng án một phán quyết trọng tài như trên, trừ một số trường hợp ngoại lệ rất hạn chế. Ví dụ trong trường hợp trọng tài không có thẩm quyền xét xử, việc chỉ định hoặc thành phần trọng tài không hợp lệ, vi phạm quyền của các bên được giải trình, có sự đối xử thiếu bình đẳng hoặc có sự không phù hợp với trật tự công cộng.
Trong trường hợp một bên từ chối thi hành phán quyết trọng tài, bên kia có thể tiến hành thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định tại Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Bên muốn thi hành phán quyết có quyền tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành không chỉ ở nước của bên kia mà còn ở tại tất cả các nước đã tham gia Công ước New York 1958. Hiện nay, số nước thành viên Công ước đã lên tới hơn 130 nước, trong đó bao gồm cả Việt Nam.
* Cuối cùng, ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhân vụ kiện hy hữu này không?
- Vụ kiện này một lần nữa cho thấy Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giớ và quá trình hội nhập này sẽ làm phát sinh nhiều tình huống phức tạp. Việc kiện tụng, nhất là kiện liên quan tới tranh chấp về thương mại sẽ xảy ra ngày càng nhiều cùng với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà cả Chính phủ và các cơ quan nhà nước phải có được sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó với các tình huống phức tạp đó và bảo vệ quyền lợi của mình.
Xin cám ơn ông.
Có quyền miễn trừ xét xử?Trong nhiều trường hợp, một quốc gia có quyền viện dẫn quyền miễn trừ xét xử trước một cơ quan tài phán nước ngoài. Về vấn đề này, trên thế giới có 2 học thuyết chủ yếu là miễn trừ tuyệt đối và miễn trừ hạn chế. Theo thuyết miễn trừ tuyệt đối, nhà nước (hay chính phủ) một nước sẽ có quyền miễn trừ khỏi bị một tòa án nước ngoài xét xử trong mọi trường hợp. Còn theo thuyết miễn trừ hạn chế, một nhà nước vẫn có thể bị xét xử trong một số trường hợp cụ thể.Kể từ khi bắt đầu quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký khá nhiều hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với nước ngoài. Tại hầu hết các hiệp định đó đều có các điều khoản liên quan tới thủ tục giải quyết các tranh chấp có liên quan tới đầu tư, kể cả tranh chấp giữa nhà đầu tư là công dân một nước ký kết với nước ký kết kia. Theo đó, các nước ký kết đã đồng ý việc có thể phải tham gia quá trình giải quyết tranh chấp với tư cách là một bên tranh tụng, tức là đã đồng ý từ bỏ quyền miễn trừ xét xử của mình trong trường hợp này. Tôi chưa xem chi tiết nội dung của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu từ giữa Việt Nam và Hà Lan nhưng có nghe nói là ông Bình đã viện dẫn quy định tại Điều 9 của hiệp định này để đưa vụ việc ra giải quyết tại trọng tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét