Nhân chứng đặc biệt - Kỳ 1: Trung tá Tùng hay đại úy Thệ?
TT - Ai là người đã chấp bút soạn thảo văn kiện đầu hàng cho tướng Dương Văn Minh ngày 30-4-1975 tại Đài phát thanh Sài Gòn? Hơn 20 năm qua, cả ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ đều trả lời: Tôi!
Những gì diễn ra tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975 là một phần trong sự kiện lịch sử tại Sài Gòn cách nay 32 năm. Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh sự kiện chấp bút soạn thảo văn kiện đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh, nó đã trở thành cuộc “tranh chấp sự thật” giữa nhiều cơ quan, báo đài và giữa hai người lính: đại tá về hưu Bùi Văn Tùng và trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ.
Bản thảo ở đâu ?
32 năm trước, vào tháng 4-1975, ông Bùi Văn Tùng mang cấp bậc trung tá, là chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2. Còn ông Phạm Xuân Thệ lúc đó còn rất trẻ so với ông Tùng, là đại úy trung đoàn phó trung đoàn 66 bộ binh, cũng thuộc Quân đoàn 2. Cả hai viên sĩ quan này đều can dự trực tiếp vào diễn biến lịch sử trong ngày lịch sử 30-4-1975 tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn. Lúc ấy, không ai trong số họ, cũng như những người lính khác, nghĩ về tiếng tăm, công trạng từ những hành động của mình. Họ chỉ làm nhiệm vụ người lính.
Nhưng 10 năm sau, sự rắc rối bắt đầu diễn ra.
Tại TP.HCM, trong nhiều dịp kỷ niệm 30-4, ông Bùi Văn Tùng thường xuất hiện như một nhân chứng lịch sử. Ông được nhiều trường học và cơ sở Đoàn mời đến nói chuyện về khoảnh khắc lịch sử ấy. Có rất nhiều chương trình truyền hình, cả trăm bài báo nói về vị đại tá về hưu người Đà Nẵng này. Ông được biết đến như một sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ông khẳng định vô số lần rằng chính ông đã thảo bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh, và chính ông cũng đã đại diện cho quân giải phóng miền Nam chấp nhận sự đầu hàng đó tại đài phát thanh.
Trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ trong lần trả lời phỏng vấnTuổi Trẻ tại nhà riêng ở Thái Nguyên - Ảnh: Lam Điền |
Nhưng từ năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ bắt đầu xuất hiện trên báo chí và các cuộc hội thảo, cũng với tư cách một nhân chứng lịch sử và cũng khẳng định chắc nịch rằng chính ông đã trực tiếp thảo văn bản nói trên.
Chúng ta hãy đọc một đoạn hồi ức của trung tướng Phạm Xuân Thệ trên VietnamNet cách đây vài hôm: “...Tôi đến cửa, toàn bộ nội các của họ đứng dậy chào. Vẻ mặt ai cũng bồn chồn lo lắng, có người lúng túng sợ sệt. Tổng thống Dương Văn Minh chậm rãi: “Biết quân giải phóng đã vào thành phố, nội các chúng tôi đang chờ các ông để bàn giao”. Tôi nói dứt khoát: “Các ông phải đầu hàng vô điều kiện. Yêu cầu tất cả xếp hàng đôi ra khỏi ngôi nhà này”. Tổng thống Dương Văn Minh khẩn khoản: “Chúng tôi xin được ở đây. Ra ngoài bây giờ không an toàn”. Tôi ra lệnh: “Các ông phải ra ngay đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”. Sau đó tôi đưa ông ra đài phát thanh.
Tôi thảo bản tuyên bố: “Tôi - Dương Văn Minh - tổng thống chính quyền Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh của quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương giải tán toàn bộ, trao lại cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ông ta phản đối chữ “tổng thống”, đòi đổi thành “đại tướng”, tôi không chịu: “Đã nhận chức tổng thống mới một ngày hay một giờ ông cũng là tổng thống”.
Đó cũng là nội dung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại cho các nhà báo nhiều năm qua. Rất tiếc là lời tuyên bố đầu hàng mà ông Thệ cho rằng ông viết lại không khớp với nội dung ông Dương Văn Minh tuyên bố trên đài. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những chuyện ông Thệ khẳng định do ông làm cũng là những chuyện ông Tùng khẳng định do ông Tùng làm. Cả hai ông đều cho rằng chính mình đã chấp bút bản tuyên bố đầu hàng. Vậy bản thảo đâu?
Đại tá Bùi Văn Tùng trả lời Tuổi Trẻ: “Do không ý thức được giá trị của nó, nên tôi đã vò bản thảo và đút vào túi quần. Sau đó, tôi đã trao lại cho cán bộ chính trị quân đoàn theo yêu cầu của họ”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ trả lời Tuổi Trẻ: “Bản thảo đó tôi đút vào túi áo. Khi xong việc ở đài phát thanh, quay về đơn vị để tắm rửa, giặt giũ, thay quân phục, tôi quên lấy bản thảo này ra nên đã mất luôn”.
Một bản thảo duy nhất lại có thể vừa nằm trong túi quần chính ủy lữ đoàn, lại vừa nằm trong túi áo đại úy trung đoàn phó? Thật vô lý. Nhưng điều vô lý đó cứ kéo dài như thế, rồi trở thành cuộc tranh cãi gần đây.
Đại tá về hưu Bùi Văn Tùng - Ảnh: L.Đ. |
Trước dư luận như vậy, cơ quan chức trách thuộc Bộ Quốc phòng đã làm gì? Ngày 17-1-2006, sau ba tháng nghiên cứu, lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự đã thông báo “kết quả nghiên cứu, khảo sát những vấn đề chưa thống nhất xung quanh sự kiện đánh vào dinh Độc Lập”. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, thiếu tướng Trịnh Vương Hồng không coi đây là “kết luận”, mà chỉ là “thông báo kết quả nghiên cứu”. “Thông báo” đó tóm tắt như sau:
- “Việc bắt tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp dinh Độc Lập và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh” là của một số cán bộ chiến sĩ trung đoàn 66 do đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy.
- Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ trung đoàn 66 đã tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng mới xuất hiện, và sau đó cùng tiếp tục thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đó.
Ngay sau khi báo chí đưa tin nội dung cuộc họp báo nói trên, từ TP.HCM, đại tá Bùi Văn Tùng đã lập tức phản ứng. Ông cho rằng “kết luận” đó không khách quan, nghiêng về phía trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ và yêu cầu phải tiếp tục làm sáng tỏ sự thật lịch sử.
Không dừng lại đó, những người lính trên chiếc xe tăng nổi tiếng 390 cũng đã lên tiếng phản đối “thông báo” của Viện Lịch sử quân sự với những lời lẽ gay gắt.
Và cuộc “bút chiến” đã nổ ra khi tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội Khoa học lịch sử VN) thực hiện một chuyên đề dài 12 trang về diễn biến ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn. Trong đó, ông Dương Trung Quốc và các tác giả khác đã đưa ra nhiều tư liệu và luận cứ khác, nhằm gián tiếp chứng minh rằng “thông báo” của Viện Lịch sử quân sự là không đầy đủ, không khách quan và chính xác. Không lâu sau đó, tạp chí Lịch Sử Quân Sự (cơ quan của Viện Lịch sử quân sự) “đáp trả” cũng bằng một chuyên đề nhiều trang về sự kiện này.
Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở hai tạp chí chuyên ngành. Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2007, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đã tung ra bộ phim tài liệu lịch sử đáng chú ý, với tựa đề Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4 của đạo diễn Lâm Thành Quí. Với những tư liệu và nhân chứng mới, bộ phim này đã gián tiếp phủ nhận “thông báo kết quả nghiên cứu” của Viện Lịch sử quân sự. Bộ phim được các thành viên giám khảo đánh giá rất cao (dự kiến lúc 21 giờ 25 tối nay 28-4, HTV sẽ chiếu bộ phim này trên kênh HTV 9).
Thế còn ý kiến của các nhân chứng có mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4 thì sao? Điều đáng nói là các nhân chứng này cũng chia làm hai, và không ai chịu ai! Như các đồng đội cũ ở trung đoàn 66 bộ binh của trung tướng Phạm Xuân Thệ là thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, đại tá Phùng Bá Đam... vẫn cho rằng chính ông Thệ đã tổ chức soạn thảo và chấp bút bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh. Còn các nhân chứng khác cũng có mặt trong khoảnh khắc lịch sử đó như: nhà báo Kỳ Nhân (lúc đó làm việc cho Hãng AP, người chụp bức ảnh duy nhất tại đài phát thanh), sinh viên Nguyễn Hữu Thái, sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh… lại khẳng định người làm việc đó là chính ủy Bùi Văn Tùng. Nhưng tất cả nhân chứng nói trên chỉ có thể dựng lại hiện trường theo trí nhớ của mình.
Còn một nhân chứng chưa bao giờ gặp được. Nhân chứng đặc biệt. Đó là một người Tây Đức. Ông ta đã qua đời cách đây vài năm tại Mỹ vì bệnh ung thư. Nhưng những tư liệu ông ta để lại là rất có giá trị trong việc xác định một sự thật lịch sử.
Kỳ tới: Người châu Âu duy nhất trong dinh Độc Lập
BÙI THANH - LAM ĐIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét