Mekong dòng sông nghẽn mạch- 2
Tường trình từ Vân Nam
đến với con đập Mạn Loan
Ngô Thế Vinh
Everybody Lives Downstream
Mọi người đều sống dưới nguồn
(World Water Day 03-22-1999)
Mạn Loan, con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong, 1993
Vào Trung Quốc đã trở thành dễ dàng trong những năm gần đây, và càng dễ dàng hơn nếu du lịch theo nhóm có hướng dẫn với lộ trình định sẵn. Nhập cảnh Trung Quốc với lý do cá nhân lại là một vấn đề khác. Cho dù là đổi mới, dẫu sao Trung Quốc vẫn còn là xứ sở của toàn trị và công an, rất kỵ với nhà báo, nhà văn hay bất cứ nghề nghiệp nào liên quan tới truyền thông và kể cả các tu sĩ truyền giáo.
Cho dù chủ đích là một chuyến du khảo / fieldtrip về khúc thượng nguồn con sông Mekong và các con đập Vân Nam nhưng chọn lựa dễ dàng nhất vẫn là lý do du lịch và nghề nghiệp thì chắc chắn không phải là nhà báo. Tôi cũng hiểu rằng nếu phải ghi lộ trình chi tiết thì cũng nên tránh nhắc tới địa danh rất “nhạy cảm” như Tây Tạng.
Đặt chân vào Trung Quốc, trở ngại trước mắt là hàng rào ngôn ngữ. Từ 4 tháng trước, qua giới thiệu của anh Trần Huy Bích với anh Trương Khánh Tạo ở Oklahoma, tôi đã được anh Tạo sốt sắng giới thiệu với anh Hoàng Cương người bạn thân thiết hoạt động cách mạng còn kẹt lại Côn Minh từ năm 1946. Hơn nửa thế kỷ sống ở Vân Nam, thông thạo tiếng Trung Hoa, anh Cương sẵn sàng giúp khi tôi qua vào tháng 9. Nhưng gần tới ngày đi thì được tin anh Cương vì lý do riêng phải về Việt Nam và sẽ không có mặt ở Vân Nam. Không dễ dàng để thay đổi lịch làm việc ở bệnh viện, tôi vẫn phải thực hiện chuyến đi theo dự định, với thái độ sẽ “phản ứng theo hoàn cảnh”. Cũng nghĩ rằng với các hàng rào ngôn ngữ ấy, tôi vẫn thực hiện các chuyến đi Lào và Cam Bốt như ý muốn.
Trước chuyến đi, thật là xúc cảm khi được tin anh Trương Khánh Tạo đã không còn nữa. Rất riêng tư, những dòng chữ viết về chuyến đi Vân Nam này xin được gửi tới anh Trương Khánh Tạo và gia đình Anh như một tỏ lòng tưởng nhớ.
CÔN MINH NGÀY NAY
Bằng chuyến bay của China Southern từ Los Angeles ghé Quảng Châu, vốn đã là một thành phố lớn và hiện đại trong số các tỉnh miền nam của Trung Quốc, từ đây phải đổi máy bay để tới Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam.
Trung Quốc là một đất nước vĩ đại được hiểu theo nhiều ý nghĩa. Chỉ riêng tỉnh Vân Nam cũng đã lớn hơn Việt Nam, diện tích 394,000 km2 dân số chỉ có 35 triệu (so với Việt Nam 340,000 km2, dân số đông hơn gấp đôi).
Từ cửa máy bay nhìn xuống, Côn Minh mang vóc dáng của một thành phố lớn Âu Mỹ.
Chẳng còn đâu cái hình ảnh Côn Minh như “một thị trấn Đông Phương hẻo lánh im ngủ” như ghi nhận của viên tướng không quân huyền thoại Claire Chennault của phi đoàn Flying Tigerstừng trú đóng ở đây hồi Thế chiến thứ Hai.
Phải từng được sống ở một Côn Minh cũ, trở lại thăm mới thấy được sự đổi thay toàn diện và triệt để như thế nào:
“Côn Minh nơi chúng tôi đã ở đó 50 năm về trước, ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, nhà cửa, phố xá hẹp cũ đã không còn nữa thay thế bằng những tòa lâu đài đồ sộ và đường xá rộng thênh thang, có đường riêng cho người đi bộ, đường riêng cho người đi xe đạp và nhiều cây cầu lớn bắc ngang qua đường, dưới cầu có đường hầm cho khách bộ hành qua đường và biến thành khu chợ to lớn dưới hầm.
Có thể nói thành phố Côn Minh 50 năm về trước đã bị san bằng để xây dựng một thành phố tân kỳ kiểu Âu Mỹ khiến ngày đầu tiên đến Côn Minh, khi chưa tìm được bạn cũ, tôi không tìm ra được những nơi trước đây tôi có nhiều liên hệ. Khí hậu Côn Minh ôn hòa, suốt năm không nóng không lạnh quá. Tôi nhớ lại hồi xưa anh Tam (Nhất Linh) đã nói với tôi rằng: nếu được về hưu, anh sẽ chọn Côn Minh thay vì Đà Lạt.”
Đó là cảm tưởng của anh Trương Khánh Tạo khi trở lại thăm Côn Minh. Sự thực thì sự đổi thay mau chóng ấy mới chỉ trong vòng một thập niên gần đây thôi, từ ngày có nguồn thủy điện dồi dào của con đập Manwan . Người tài xế đã nói với tôi như vậy.
Wu là người Vân Nam đầu tiên tôi tiếp xúc, 28 tuổi một thanh niên khỏe mạnh, là tài xế đón khách ở phi trường, nói tiếng Anh lưu loát và có vẻ hiểu biết, đưa tôi từ phi trường về Holiday Inn Côn Minh, một khách sạn mới 4 sao 242 buồng theo tiêu chuẩn Mỹ. Nơi mà tôi hy vọng không phải gặp ngay trở ngại ngôn ngữ và cũng từ đây có thể tìm ra một người tài xế của mộtTravel Agency biết chút ít tiếng Anh.
Ở cao độ 2,000 mét trên mặt biển, từ một Côn Minh cũ kỹ, bụi bặm và cả rác rưởi thì nay là một Côn Minh rất khác như anh đã thấy. Wu nói với chúng tôi. Trên đường về khách sạn, vào bên trong thành phố, nếu không còn nhiều xe đạp, thì đó là hình ảnh một thành phố hiện đại như ở Mỹ. Đường rộng và đẹp với những vồng hoa tươi đủ màu. Sự sạch sẽ trên các đường phố là điều đáng ngạc nhiên.
Wu hãnh diện giải thích. Chính người dân Côn Minh tự thấy rằng đây là thành phố của họ, nên họ yêu mến muốn giữ gìn và làm đẹp cho nó.
Đủ ăn đủ mặc cho 1.2 tỉ người có lẽ là một giai đoạn đã vượt qua. Đó là cảm tưởng tôi có được sau những ngày ở Vân Nam. Không thấy bóng dáng hành khất. Rải rác trên đường phố là hình ảnh các công nhân vệ sinh khỏe mạnh trong đồng phục bảo hộ lao động, họ vẫn dùng chổi quét và kẹp nhặt từng cọng rác. Những ngày sau này, cũng hình ảnh những công nhân quét đường ấy thấp thoáng trên những khúc xa lộ mới rất xa thành phố nhưng luôn luôn được giữ sạch tới láng nhãy.
Chỉ qua những trao đổi ngắn trên đường đi, tôi đã có quyết định rất nhanh là chọn Wu và chiếc xe Mitsubishi của anh ta cho những ngày ở Côn Minh. Ngay suốt nửa ngày còn lại hôm đó, Wu đưa chúng tôi đi thăm thủ phủ Côn Minh, thăm cả một vài góc phố hiếm hoi của một Côn Minh cũ với những căn nhà mái cong mang nhiều dấu vết rêu phong của thời gian. Không xóa hết, có lẽ đây là phần người ta còn muốn giữ lại như một tương phản giữa truyền thống và canh tân.
Tới thăm Đại Học Vân Nam, cảnh trí vẫn y như vậy, giống như mô tả trong hồi ký gia đình,“Nguyễn Tường Bách và Tôi” của Hứa Bảo Liên: “ Đây là một trường đại học lớn nhất của tỉnh này, chiếm cả một ngọn đồi lớn. Trên đồi toàn là những cây thông cây bách cao lớn, những con sóc nhảy từ cây nọ sang cây kia nhanh như cắt. Mỗi khi vào trường mọi người phải leo lên 99 bậc thang đá. Trong trường có nhiều kiến trúc đẹp và kiên cố toàn dùng những miếng gạch đỏ xây thành.”
Vẫn có đó những bước nhảy chân sóc nhanh như cắt ấy, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ bão táp đã qua đi của một thời kỳ cách mạng Việt Nam với những tháng ngày bôn ba của những tên tuổi như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách.
Nhưng sự nguyên vẹn của đại học Vân Nam cũng chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa vì trước mắt, những tòa nhà cổ xưa từ mấy trăm năm cũng đang từng phần bị phá đi để thay thế bằng những công trình kiến trúc hiện đại.
Thời gian của chuyến đi Vân Nam thì hạn hẹp, với mục đích rõ ràng là đến với khúc thượng nguồn con sông Lan Thương (Lancang Jiang tên Trung Hoa của con sông Mekong), tôi tiếp tục tìm hiểu xem chính Wu hay các mối liên hệ của anh ta có giúp tôi được gì không trong thực hiện mục đích chuyến đi này.
Qua câu chuyện trao đổi, được biết thêm về Wu, người gốc Hán tốt nghiệp đại học 4 năm, là giáo viên dạy toán, một vợ một con nhưng lương ít. Với cơ hội của một Trung Quốc mở cửa, Wu bỏ nghề giáo chuyển sang nghề lái taxi, lại có vốn liếng tiếng Anh nên có thể đồng thời hướng dẫn khách du lịch. Lương nay đã tăng gấp 6 lần so với nghề nhà giáo, khoảng 600 đôla / tháng, có thể mua nhà trả góp thay vì thuê và sẽ hoàn toàn sở hữu căn nhà sau 20 năm.
Wu tự tin, bày tỏ mạnh dạn về các vấn đề chánh trị và xã hội của Trung Quốc. Chẳng hạn: Đài Loan dứt khoát là một tỉnh của Trung Quốc, không còn gì để phải tranh cãi. Mao Trạch Đông thì vẫn được kính trọng. Đặng Tiểu Bình được nhân dân Trung Quốc biết ơn vì mở ra một thời kỳ phát triển và thịnh vượng cho nước Trung Hoa. Thế còn chủ tịch Giang Trạch Dân? Cũng vậy thôi, ông ta quá mềm yếu / too softnhất là với Mỹ khiến nhân dân Trung Quốc giận dữ. Như vụ để cho máy bay Mỹ đáp xuống đảo Hải Nam thay vì phải bắn rơi. Dẫu sao, bù lại Trung Quốc biết được thêm nhiều về kỹ thuật hàng không do thám của Mỹ.
Không quá ngây thơ để không nghĩ rằng những tài xế taxi hay hướng dẫn du lịch lại chẳng liên hệ gì tới công an, do đó tôi chỉ đưa ra những câu hỏi hồn nhiên chứ dứt khoát không để mở ra cuộc tranh luận.
Bữa ăn tối hôm đó Wu đưa chúng tôi tới một nhà hàng nổi tiếng về món “Bún Qua Cầu”, đơn giản chỉ là một tô nước dùng nóng sôi ngậy một lớp mỡ, khi ăn thì thả bún và những lát thịt thái mỏng vào, thêm một muỗng ớt đỏ, giống như món lẩu nhưng không có một bếp lò trước mặt. Đó là một bữa ăn nóng theo đủ cả ý nghĩa của chữ ấy. Các cô tiếp viên gốc Hán nhưng lại mặc theo trang phục rực rỡ của sắc tộc Di. Khách tới thăm Vân Nam không thể không nghe cái giai thoại thơ mộng và được giới thiệu đến với món ăn này.
Vào đời nhà Thanh, có chàng hàn sĩ quyết tâm đèn sách để chờ ngày về kinh đô dự thi. Chàng rời gia đình, dọn ra một hòn đảo nhỏ trên hồ để tập trung vào việc học. Hàng ngày, người vợ trẻ từ nhà phải vượt một cây cầu tre dài qua tận bên đảo đem bữa ăn đến cho chồng nhưng tới nơi thì thức ăn đã nguội lạnh. Tình cờ một hôm người vợ khám phá ra rằng nếu như có đổ một lớp mỡ dầy trên tô canh từ nhà thì vẫn giữ được thức ăn nóng cho tới khi gặp chồng. Tuy được giới thiệu là “ngon tuyệt” nhưng chúng tôi không thể nào theo kịp Wu để có thể dứt điểm một “tô xe lửa ngậy mỡ động vật” như vậy. Nhiều dầu mỡ và cay nóng là đặc tính của các món ăn Vân Nam.
Đêm hôm đó cũng là đêm đầu tiên ở Vân Nam, nhìn ra từ tầng lầu 9 của khách sạn Holiday Inn, trước mắt là cả một “Côn Minh rực sáng” dĩ nhiên với nguồn điện từ con đập Manwan, đập thủy điện đầu tiên trong chuỗi 14 con đập bậc thềm trên khúc thượng nguồn con sông Mekong. Côn Minh ngày nay như biểu tượng phát triển của Vân Nam, nhưng bằng cái giá nào phải trả cho cư dân nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long và các quốc gia hạ nguồn thì vẫn còn là một ẩn số.
RỪNG ĐÁ VẠN CỔ
126 km theo quốc lộ 320 hướng đông nam, hai bên đường mướt một màu xanh với những vườn cây trái, với cả những con lạch nhỏ và suối. Đủ loại trái cây tươi mới hái từ trong vườn ra, còn dính theo cả lá cành được bầy ra ven lộ bán cho du khách: những trái lê, đào, hồng giòn, măng cụt. Đất Vân Nam nổi tiếng về cây trái: đào Vân Nam có tiếng là thơm ngọt, tôi chưa bao giờ thấy được những trái lê bát lớn và đẹp đến như vậy với lớp vỏ xanh mượt mà. Đây sẽ là món quà thật quý từ Vân Nam nhưng trái cây lại là thứ quốc cấm không được phép đem vào Mỹ. Wu bảo đất ở cao nguyên Vân Nam tốt cho cây trái nhưng lại không tốt cho lúa nên muốn có gạo ngon thì phải nhập từ Thái Lan.
Đường xe lửa cũ từ Côn Minh xuống tới Hà Nội Hải Phòng làm từ thời Pháp (1904-1910) nay được thay thế bằng hệ thống đường rày mới.
Song song với quốc lộ lúc nào cũng hai chiều tấp nập những xe vận tải lớn Dong Feng / Gió Đông chế tạo tại Trung Quốc. Từ thủ phủ Côn Minh về hướng đông đi Thượng Hải, người ta đang làm thêm một công trình cầu đường với xa lộ 8 lanes để đáp ứng nhu cầu giao thông và nổ bùng kinh tế của Côn Minh. Cách khoảng hai bên đường, là những trạm xăng của Petro-China rộng thênh thang có từ 20 tới 30 cây xăng mỗi trạm. Liệu có bao nhiêu thùng dầu ấy có gốc gác từ những túi dầu Biển Đông quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. China Telecom và China Mobile là hai công ty khổng lồ đang cạnh tranh cung ứng điện thoại di động được sử dụng tràn ngập bởi 1.2 tỉ người dân Trung Quốc.
Khu Rừng Đá, cùng tuổi với rặng Hy Mã lạp Sơn, và cả vùng cao nguyên Tây Tạng (cao nguyên Tây Tạng là nơi phát xuất các con sông lớn như mạch sống cho toàn vùng châu Á trong đó có con sông Mekong ). Có cùng một lịch sử địa chất, khoảng 300 triệu năm trước do va chạm của hai khối tiền lục địa tạo nên các cơn địa chấn với sức ép khổng lồ dồn lên phía bắc tạo nên một địa hình mới nổi bật với sự hình thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và cả vùng cao nguyên Trung Á. Khu Rừng Đá rộng 80 mẫu tây như một kỳ quan của tỉnh Vân Nam. Nguyên là một vùng đáy biển bị dồn lên cao, nước biển rút ra để trơ lại một vùng núi nham thạch bị nước, gió và thời gian xói mòn tạo nên một địa hình kỳ lạ với vô số những chỏm đá cao và những rãnh cắt ngang. Rừng thay vì cây xanh nhưng lại là những cây đá chi chít với đủ hình dạng gợi trí tưởng tượng phong phú của người dân Vân Nam với những tên gọi thơ mộng: vũng gươm, voi con, nấm bất tử.
Vân Nam xứ sở của những giai thoại. Tới với Rừng Đá không thể không được nghe kể câu chuyện về một chàng trai tuấn tú tên Ahei vào trong khu Rừng Đá để tìm cách giải thoát cô gái trẻ đẹp Ashimađang bị giam cầm. Nhưng tên phù thủy độc ác đã tạo nên một con lũ cuốnAshima băng ra khỏi hang đá, và từ đó Ashima vĩnh viễn xa Ahei nhưng linh hồn nàng thì vẫn trở về với Thạch Lâm như một âm thanh vang vọng. Một mình đi vào khu rừng đá là như lạc vào một mê lộ không dễ mà tìm ra lối về.
Vào mùa này, du khách đa số là người Hoa. Cuộc sống bắt đầu sung túc họ có nhu cầu du lịch, đi thăm một đất nước mênh mông với bao nhiêu là danh lam thắng cảnh, mà chưa cần phải khó khăn xin visa đi du lịch nước ngoài. Mỗi toán chừng 20 người đi theo một cô hướng dẫn tay cầm một cây cờ màu để nhận diện. Toán chúng tôi chỉ có 3 và Wu thì đã quá quen thuộc với từng đường đi nước bước trong khu rừng đá như với đường chỉ tay của chính mình.
Tràn ngập quanh khu Rừng Đá là các cô sinh viên gốc Hán má phấn môi son, bận trang phục đầy màu sắc của sắc tộc Di, sẵn sàng làm người mẫu đứng chụp hình với du khách hay làm người hướng dẫn.
Thương mại hóa cao độ các tụ điểm du lịch là một hiện tượng thấy được ở khắp nơi từ khu đền đài Angkor Siem Reap tới Rừng Đá Shilin Vân Nam. Màn trình diễn high-tech “âm thanh và ánh sáng” thật hoành tráng bên hồ sen bên ngoài khu rừng đá mỗi đêm kết hợp với kỹ thuật tia laser diễn lại truyền thuyết nàng Ashima được kể là một show rất ăn khách nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian ở lại qua đêm chỉ để xem một màn show như thế.
Trên đường trở lại Côn Minh cùng ngày, tôi bảo đùa Wu là hướng dẫn đoàn du khách mà quên không mang theo một cây “hồng kỳ” và cũng hỏi Wu có biết hát bài “Đông Phương Hồng”.Không chờ được yêu cầu, Wu hát giọng rất mạnh và nồng nàn, gợi nhớ tới các đoàn “Hồng Vệ Binh” của thập niên 60, nhưng lúc đó thì Wu chưa được sinh ra.
Qua hai ngày tiếp xúc và thử thách, Wu chứng tỏ rất có khả năng và có thể tin cậy được. Tôi trở lại hỏi Wu về nguồn điện của thủ phủ Côn Minh, về con đập Manwan. Wu cũng chỉ được biết Manwan như một địa danh cách Côn Minh khoảng 500 km về hướng nam, giữa con đường đi xuống Cảnh Hồng. Đường núi có vài đoạn hư xấu chưa được sửa chữa nhưng vẫn có thể đi được nếu thời tiết không mưa bão.
Với chiếc Mitsubishi chỉ có 4 máy đã chạy hơn 100 ngàn miles, tôi hỏi Wu làm cách nào thuê được một chiếc xe giống như loại xe Jeep có thể leo núi thì hắn trả lời vẻ tự tin: chiếc xe tuy cũ nhưng lại tốt hơn cả các loại xe mới hiện nay và dư sức để chạy gấp 2 chặng đường tới Manwan chỉ cần đổ đủ xăng nhớt.
Chừng đó đủ cho tôi quyết định ngay sáng sớm ngày mai, chúng tôi sẽ khởi hành đi Manwan.
CON ĐẬP ĐẦU TIÊN, CON ĐẬP LỊCH SỬ
Manwan (tên Hán Việt: Mạn Loan) là con đập thủy điện lớn đầu tiên của tỉnh Vân Nam với công suất 1,500 Megawatt nằm ngay khúc giữa con sông Lan Thương. Cũng là con đập thủy điện lớn đầu tiên điều hành theo phương thức liên doanh /Joint Venture giữa trung ương và chánh quyền địa phương, với số vốn đầu tư lên tới hơn nửa tỉ mỹ kim (3,800 triệu nhân dân tệ yuan ).
Phải nói là con đập Manwan đã đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa cả một vùng tây nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với các tỉnh trù phú miền đông và đông bắc.
Tuy đã có kế hoạch từ những năm 70, nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi tới tháng 5 năm 1986, công trình đập Manwan mới chính thức được khởi công và việc đổi dòng / river diversion con sông Mekong được hoàn tất vào tháng 10 năm 1987. Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Đơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30 tháng 6 năm 1993 và chỉ hai năm sau đó, ngày 28 tháng 6 năm 1995, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động đúng theo như giai đoạn 1 của dự án.
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: mực nước con sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt thấp xuống mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới được biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Manwan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ con sông Mekong vào hồ chứa và họ cũng chẳng thèm thông báo gì cho các quốc gia dưới nguồn. Chỉ riêng với con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekong chảy qua Vân Nam.
Sau biến cố đó phải nói là càng ngày càng có mối lo âu về ảnh hưởng của chuỗi đập bậc thềm Vân Nam. Mối quan tâm đó càng ngày càng gia tăng do nguyên nhân thiếu hẳn nguồn thông tin cung cấp bởi Trung Quốc.
Thiết kế và xây dựng xong con đập Manwan đầu tiên được kể là “một hoàn tất có tính cách lịch sử ”, đã khiến cho Phân bộ Điện lực Vân Nam thấy rõ tiềm năng thủy điện phong phú của con sông Mekong là rất phù hợp cho những nhà máy thủy điện khổng lồ khác có công suất lớn với mạng lưới dẫn cao thế / extra high voltage .
Tiến tới xây dựng thêm các đập thủy điện bậc thềm / Mekong Cascades trên sông Mekong là tạo sức bật cho các bước phát triển kinh tế và xã hội không chỉ riêng cho tỉnh Vân Nam mà còn hoàn tất một“chiến lược chuyển điện từ Vân Nam tới các tỉnh khác của Trung Quốc”.
Kể từ khi hoàn tất công trình Manwan, ban lãnh đạo nhà máy đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo cho tập thể công nhân đập Manwan, đó là “lao động cật lực, cố gắng hiệp đồng, kỷ luật nghiêm ngặt, chi ly nhưng thực tiễn tiến tới một xí nghiệp hàng đầu ”.
Tuy bước khởi đầu có những khó khăn: do thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn nhưng rồi tất cả đã được vượt qua để Manwan “đạt thành công trên nhiều phương diện cả về kỹ thuật vật chất, văn hóa và ý thức hệ” [sic].
Tháng 12 năm 1996, nhà máy thủy điện Manwan được Đảng ủy và Chánh quyền Vân Nam phong danh hiệu “Đơn vị Tiên tiến cấp Tỉnh”, đồng thời cũng được Văn Phòng Phân bộ Điện lực Vân Nam chọn là đơn vị tiên tiến trong 5 năm liền. Tháng 4 năm 1998, Manwan lại được nhận danh hiệu từ Bộ Điện lực Trung Quốc là “một trong 400 đơn vị tiên tiến toàn quốc trong nỗ lực trồng cây gây rừng / afforestation”.Tháng 3 năm 1999, Manwan được Tổ hợp Năng lượng Nhà nước công nhận là “xí nghiệp sáng tạo hàng đầu / nhà máy thủy điện hàng đầu ”,đây là một vinh dự hiếm hoi vì là nhà máy thủy điện lớn đã đạt mức hoạt động an toàn và liên tục trong nhiều năm với những trang thiết bị chế tạo trong nước.
Bước vào thế kỷ 21, trước những cơ hội và thử thách, nhà máy thủy điện Manwan sẽ phấn đấu để hiện đại hóa, tự động hóa / automation phát triển đạt tới tiêu chuẩn quốc tế của những nhà máy thủy điện hiện đại khác trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường năng lượng trong tương lai.
Ngày thứ ba ở Vân Nam đã thực sự là một ngày đáng ghi nhớ. Buổi sáng sớm khởi hành từ Côn Minh để đi khoảng 500 cây số đường bộ về hướng nam, đi về nơi hoang dã để tìm kiếm một địa danh mà chính người tài xế hướng dẫn cũng chưa hề đặt chân tới.
Ra khỏi Côn Minh đi một đoạn theo Con Đường Tốc Hành / Express Way về hướng tây. Đây là một xa lộ mới nối Côn Minh với cổ thành Đại Lý, do chánh quyền trung ương tặng nhân dân tỉnh Vân Nam nhân dịp Expo 99 (Kunming’s 1999 World Horticultural Exhibition). Đây là xa lộ rất tối tân có cả bảng hiệu giao thông tiếng Anh với con đường hầm xuyên núi dài ngót 4 cây số không thua bất cứ một xa lộ nào đẹp nhất của Mỹ. Từ Côn Minh tới Đại Lý, thay vì phải 12 giờ ngồi xe trên con lộ cũ, với con đường mới rút ngắn chỉ còn từ 4-5 tiếng. Là một con đường ngoạn cảnh / scenic route thật đẹp với núi đồi và thung lũng một màu xanh, qua các làng mạc với những căn nhà tường gạch đỏ mái xám cong, thỉnh thoảng lại vượt nhô lên nóc của một ngôi thánh đường Hồi giáo. Vân Nam rồi Tân Cương vẫn là những tỉnh có đông người gốc Hồi giáo người Hán gọi họ là Hui có gốc gác từ thế kỷ thứ 13 khi quân Mông Cổ xâm lăng Trung Quốc, với thường xuyên những cuộc nổi dậy, họ được coi là cội nguồn bất an của Trung Quốc. Theo Wu thì người Hui buôn bán giỏi lại được miễn các sắc thuế nên cuộc sống khá sung túc.
Đường tốt, xe chạy với tốc độ cao, buổi sáng hôm đó chưa quá nửa đoạn đường đã phải chứng kiến 3 tai nạn, một chết người của chiếc xe vận tải lớn Đông Phong với máu me trên mặt lộ và vô số mảnh kính vỡ .
Tài xế của những xe tải nặng này thường rất trẻ, mới ngoài 20, chạy vượt nhau cứ như là xe đua cho dù cũng đã có các trạm cảnh sát giao thông chặn bắt cho giấy phạt và cả treo bằng lái.
Chạy khoảng hơn 150 km của chặng đường dài ngót 400 km trên Con Đường Tốc Hành thuộc xa lộ 320 về hướng Đại Lý, sau đó xe rẽ sang quốc lộ 214 đi về phương nam, hướng tới con đập Manwan. Bây giờ thì tôi biết được ý nghĩa của những con số chỉ danh cho những con lộ Vân Nam: số 3 của quốc lộ 320 chỉ hướng đông tây, số 2 của quốc lộ 214 chỉ những con đường hướng bắc nam. Cả những ký hiệu chữ trên các bảng số xe: chữ A là từ Côn Minh, L Đại Lý, K Cảnh Hồng, J Tư Mao.
Ngược chiều với chúng tôi bây giờ là chiếc xe hàng mang biển số K Cảnh Hồng vấy đầy những bụi đỏ chở đầy khách đi Đại Lý; nếu suôn sẻ cuộc hành trình của họ cũng phải qua một ngày với một đêm.
Trên đường về phương nam, mỗi khi tới một ngã ba, Wu phải dừng xe để hỏi đường. Dân địa phương có người không biết đến tên Manwan, có người biết thì cũng không rõ ở đâu. Wu nói thông thạo thổ âm địa phương, lại kiên nhẫn nên rồi cũng lần dò ra đường đi. Xe chạy qua những làng mạc, những thửa ruộng lúa chín vàng. Mỗi gia đình nay được sở hữu một khoảnh ruộng riêng, chẳng cần thi đua bình bầu nhưng ai cũng làm hết sức mình. Xây được nhà mới, có thêm được chiếc tủ lạnh hay TV hay không là do chính bàn tay tạo dựng của họ.
Trẻ con thì ăn mặc lành lặn cắp sách tới trường đi học, không có cảnh trẻ đi chân đất như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trai hay gái thì tôi hiểu rằng đây là “những đứa con độc nhất”trong mỗi gia đình. Mà người Trung Quốc như từ bao giờ, vẫn thích đông con. Vợ chồng Wu cũng chỉ có một con gái. Tôi hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu vợ anh muốn có một đứa con thứ hai.Không thể nào có được, hoặc nếu muốn thì phải trả giá rất đắt cho lựa chọn ấy . Kiểm soát dân số để phát triển, cưỡng chế cả 1.2 tỉ người Trung Quốc “mỗi gia đình chỉ có một con” không phải là điều dễ làm nếu không phải là một nhà nước toàn trị. Vẫn còn thấy vài đứa trẻ được quàng khăn cổ đỏ, nhưng trên lưng thì lại mang backpack “Mickey mouse ”, Wu giải thích đó là số học sinh xuất sắc. Hình như những gì đang diễn ra ở Việt Nam chỉ là một phó bản hạng hai rập khuôn Trung Quốc nhưng lại chậm hơn 20 năm. Và không thể không nhớ lại câu phát biểu của ông Lê Khả Phiêu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nhiều người Việt phải chau mày: “Nếu Trung Quốc thành công trong đổi mới, chúng ta sẽ thành công. Nếu Trung Quốc thất bại, chúng ta sẽ thất bại.”[ FEER, 06/ 22/ 2000].
Đến xế trưa, được kể là qua được một nửa chặng đường, một đoạn đường tương đối dễ đi. Bây giờ mới là lúc xe leo đèo, trước mặt chỉ còn là một con đường “độc đạo”, cứ hết lên triền cao lại xuống lũng sâu. Đường thưa xe nhưng là đường chạy hai chiều, hẹp và vòng vèo, giống như đoạn đường từ Vang Vieng đi Luang Prabang ở Lào.
Đường thì hẹp nhưng xe nào cũng muốn thênh thang chạy giữa con lộ, như không hề biết có xe ở phía trước, nhưng khi đối đầu nhau rồi thì chỉ còn là gang tấc. Yếu bóng vía mà lại còn nhìn xuống lũng sâu thì chẳng còn bụng dạ nào để muốn đi tiếp cuộc hành trình chưa biết bao giờ sẽ tới ấy.
Wu tay lái thật cứng mỗi khi phải đối đầu với những tình huống thật xít xao, hắn bảo an toàn trước đã, nói như cũng để trấn an khách. Tin cậy ở Wu nhưng tôi cũng hiểu rằng không thể có an toàn chỉ ở một phía. Không lẽ đã qua được những năm thử thách của chiến tranh trận mạc, nay lại để bị sa vực vì một trậnGió Đông, tôi muốn nói tới những chiếc xe tải nặng Dong Fengchạy rất vong mạng trên các ngả đường Vân Nam. Bầu trời vần vũ mây đen, có mưa lớn ở phía trước, xe phải chạy thật chậm lại khi qua những đoạn đường đá lở. Bây giờ thì mới thực sự thấy sót cho chiếc xe của Wu. Là xe chạy trong thành phố chứ không phải để leo núi, để phải cán lốp xe trên những tảng đá sắc hay sụp trên các ổ gà sâu đến đụng sàn. Chắc Wu cũng không hề tiên liệu phải chạy qua những chặng đường tồi tệ như thế. Wu khoe thành tích đã từng chạy qua những đoạn đường dài xấu hơn nhiều, đã từng đưa du khách người Pháp người Đức cũng bằng chiếc xe này chạy 10 ngày đêm từ Côn Minh tới thủ đô Lhasa Tây Tạng. Tuổi trẻ, tự tin, lạc quan – phải chăng đó là tương lai của Trung Quốc?
Lại thêm bình xăng gần như trống chơn, kim đụng chữ E nhưng Wu thì vẫn tự tin bảo rằng còn dư xăng để chạy một chặng đường xa nữa. Ở cao độ 2,500 mét, chiếc xe nhỏ vẫn vòng vèo leo dốc. Đâu phải trên đường bằng, xe lên dốc sẽ tiêu thụ xăng nhiều hơn. Tôi bảo Wu như vậy. Không bướng bỉnh nhưng Wu vẫn tìm một lối giải thích lạc quan: nhưng khi xe đổ dốc sẽ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Đó là chỉ là lý luận của một thầy giáo dậy Toán, mà toán thì chỉ có thuần lý chứ không phải là đời sống thực. Nhưng rồi Wu có lý, xe cũng bò tới được một trạm xăng nhỏ, phải trả một giá đắt hơn nhưng mọi người thì yên tâm với một bình xăng đầy.
Như Đi Về Nơi Hoang Dã chỉ thấy một màu xanh um của những khu rừng mưa / rainforest trên các triền núi và cũng hiểu vì sao ít có người dân Vân Nam biết tới con đập Manwan. Những cột điện thật lớn với hàng dây cáp cao thế giăng qua những sườn núi là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã tới gần con đập. Đồng hồ chỉ cây số cho biết cũng còn khoảng 40-50 km nữa. Vẫn còn những đoạn đường vỡ mà chiếc xe phải vất vả vượt qua.
Xe chạy qua một thác nước nhỏ rào rào đổ xuống từ triền núi cao, những hạt bụi nước trắng chỉ đủ làm ướt mặt con lộ. Từ đây, nhìn xuống thung lũng chạy giữa hai dãy núi là thấy cả một hồ chứa lớn của con đập Manwan phản chiếu ánh nắng lấp lánh. Còn quá xa để nhìn thấy chi tiết đâu là con đập.
Qua một làng núi nhỏ, xe bắt đầu đổ dốc theo một con đường hẹp để đi vào một thung lũng. Wu lại phải dừng lại trước một khóm nhà để hỏi đường và được biết là đi đúng hướng. Ngăn cách bởi những bụi rậm, nhưng khi nghe tiếng nước rì rào chảy là biết tới gần dòng sông. Rồi con sông hiện ra, nhìn ngược dòng chảy tuy còn khá xa nhưng đã có thể thấy được bóng dáng của con đập.
Còn phải qua một cây cầu sang bên tả ngạn mới thực sự đi vào khu công trường của nhà máy thủy điện Manwan. Ngay nơi đầu cầu là một cột mốc lớn với 2 hàng chữ:
YUNXIAN – MANWANZHEN [Vân Huyện – Mạn Loan Trấn].
Hai bên đường là những căn nhà nhỏ, nhà ở xen lẫn vài tiệm tạp hóa và mấy quán ăn.
Nơi cổng vào có trạm lính canh, trên bức tường thành là một bảng hiệu uy nghi với hai hàng chữ Hán và Anh sáng chói “YUNNAN MANWAN POWER GENERATING Co. Ltd ”. Nơi mặt tiền là những tòa nhà công sở nhiều tầng lớn khang trang; sâu hơn vào phía trong là câu lạc bộ công nhân, khu cư xá nhân viên gồm những tòa nhà 3-4 từng trên lưng đồi. Có cả một nhà nghỉ điều hành như khách sạn dành cho cho khách vãng lai. Sự tháo vát của Wu khiến chúng tôi không có vẻ ngỡ ngàng của những khách lạ. Wu không gặp khó khăn gì để thuê 2 phòng trong khách sạn, phòng trên lầu 4, qua cửa sổ phía sau có thể nhìn xuống một khúc sông Mekong.
Không biết sẽ được lưu lại nơi đây bao lâu, tuy còn rêm mình sau một chặng đường dài nhưng tôi vẫn bảo Wu lái xe đưa chúng tôi đi một vòng. Trong ráng chiều, ánh sáng không phải là lý tưởng cho những bức hình đẹp nhưng với tôi thì đây là cơ hội hiếm hoi và duy nhất để thu hình con đập – một nơi mà trước khi đi, tôi không nghĩ là có thể đặt chân tới. Xe chạy dọc theo bờ sông bên hữu ngạn, khoảng 4-5 giờ chiều có lẽ vào giờ nghỉ nên khá vắng, cơ hội là khoảng trống ấy, nên tôi đã chụp hình rất nhanh và tối đa với cả 2 cuộn phim các landmarks của khu đập Manwan.
Bên một bờ sông cao, phía dưới là dòng sông nước chảy, tôi cố gắng tới gần nhất chân con đập. Người bạn đồng hành luôn luôn là “cái thắng an toàn” không muốn tôi dừng lâu hơn nữa ở một nơi chắc chắn“không phải là tụ điểm du lịch” để mà xông xáo chụp nhiều hình như vậy.
Tôi hiểu rất rõ một điều là cho dù với Trung Quốc đã mở cửa nhưng bản chất vẫn là “một nhà nước toàn trị”. Vẫn có những hạn chế về thông tin và truyền thông trong đó vấn đề thu thập các hình ảnh, nhưng mức độ nghiêm ngặt tới đâu thì cũng rất biến thiên tùy theo thời gian, địa điểm và nhân sự, phải kể cả sự may mắn của mỗi nhà báo. Chính thức không được chụp hình là các căn cứ quân sự rồi tới các hải cảng, phi trường, nhà ga và cả những cây cầu trọng điểm. Với con đập thủy điện như Manwan thắp sáng cả Vân Nam, được quân đội bảo vệ, hiển nhiên phải được coi như một căn cứ quân sự chiến lược.
Biết là như vậy nhưng chính những con đập thủy điện, những cây cầu trên khúc sông Mekong nơi thượng nguồn với tôi lại là mục tiêu chính của chuyến đi Vân Nam lần này. Nên ngoài hành lý rất gọn nhẹ, hành trang chính là hai chiếc máy hình với rất nhiều phim vận tốc cao. Cũng phải kể thêm cả sự lạc quan nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho những tình huống tệ hại nhất: có thể sẽ ra về với tay không và cả những hệ lụy có thể xảy ra với những gán ghép thì sẽ rất hàm hồ.Với 2 cuộn phim, tôi nghĩ là đã tạm đủ cho những giờ đầu tiên đến với con đập Manwan ấy.
Hoàng hôn trên sông Mekong. Trở lại khách sạn, được chỉ đường tới Câu Lạc Bộ Công Nhân, nơi chúng tôi có thể dùng bữa ăn chiều. Khu nhà ăn tập thể sạch sẽ khang trang. Vào giờ ăn, công nhân hay kỹ sư, tất cả đều rất trẻ và ngồi chung bàn; sự khác nhau về nghề nghiệp có thể nhận ra được trên nét mặt của họ. Thêm một người bước vào phòng ăn, tay cầm một chiếc tô bằng sắt tráng men trắng, khuôn mặt trẻ ánh mắt thông minh với cặp kính cận.
Như một flashback, chiếc tô bằng sắt tráng men đi lãnh cơm bỗng chốc gợi lại cho tôi cảm xúc của những ngày tù cải tạo ở quê nhà, cũng ba năm chứ ít sao. Tôi bảo Wu nên ra ngoài kiếm một quán ăn nhỏ nào đó dưới phố.
Đó là một quán không bảng hiệu, chỉ vỏn vẹn có mấy chiếc bàn và ghế gỗ nhưng phía sau nhà là nhìn sâu xuống một bãi cát và nước con sông Mekong. Con sông vẫn rì rào chảy, nhưng không còn cuộn sóng và như kiệt sức sau khi bị giam hãm trong hồ chứa và rồi chảy qua nhữngturbines khổng lồ 675 tấn của con đập Manwan.
Phía bên kia bờ sông là núi cao với rừng xanh còn phủ kín. Mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi.Lại một hoàng hôn khác trên sông Mekong . Hôm nay, cũng là lần đầu tiên chúng tôi được ăn những món thổ sản của cao nguyên Vân Nam: món nấm sào, măng tre nướng, bọng ong chiên và dĩ nhiên không thiếu món cá tươi mới câu từ dưới con sông Mekong.
Từ Manwan tới Đảng ủy Côn Minh. Bề ngoài thì như bình thản, nhưng tôi không cảm thấy an tâm để lưu lại lâu hơn trong khu vực Manwan và có quyết định rời Manwan sáng sớm hôm sau. Wu thì lại quá nhiệt tình nghĩ rằng có thể tổ chức cho chúng tôi vào thăm bên trong nhà máy vì nghe nói vẫn có những tour có hướng dẫn như vậy.
Sau bữa sáng nơi một quán ăn ngay trước cửa cơ quan, mà chủ nhân là người Hồi giáo (biết được như vậy do hàng chữ Ả Rập trên tấm bảng hiệu). Tôi và Wu trở vào khu hành chánh Manwan, tới được nơi cần tới. Cô trưởng phòng khi biết khách thăm là người ngoại quốc thì cô yêu cầu đợi để hỏi ý kiến cấp trên. Mươi phút sau thì một bà mặc áo ngắn, dáng khắc khổ, mà tôi nghĩ là phòng tổ chức bước vào nói chuyện khá lâu với Wu. Bà cho biết những chuyến tham quan như vậy là cho khách nội địa. Vì đây là lần đầu tiên có khách ngoại quốc, bà ta yêu cầu chờ để lên xin ý kiến của Đảng ủy. Wu đã đẩy tôi vào một tình huống thật khó xử và quả thật là thiếu khôn ngoan để dấn thân vào một “guồng máy” bất trắc như vậy. Bà phòng tổ chức vừa bước ra, tôi lấy cớ bảo Wu là sẽ không đủ thì giờ cho thêm một chuyến viếng thăm, nhưng rồi cả hai chúng tôi được giữ lại và yêu cầu chờ. Thật là tiến thoái lưỡng nan, tôi vẫn cố giữ vẻ thản nhiên nhưng cảm giác thì cứ như “gái ngồi phải cọc” và đồng thời phải chuẩn bị cho tình huống phải trả lời vô số những câu hỏi.
Thời gian như chậm lại, nhưng rồi bà phòng tổ chức cũng trở lại, lần này thì rất lịch sự bà nói chuyện trực tiếp với tôi qua thông dịch của Wu. Rằng Đảng ủy Manwan không trả lời là không, nhưng nếu có lý do thăm viếng chính đáng tôi phải xin phép Đảng ủy Phân bộ Điện lực từ Côn Minh. Bị khước từ nhưng lại cảm thấy nhẹ nhõm, vì với red tape ấy, với hệ thống quan liêu giấy tờ ấy, tôi có thể rời Manwan mà không gặp phiền hà và cũng không hề có ảo tưởng là sẽ trở lại thăm Manwan bằng một giấy phép chính thức của Đảng ủy Côn Minh.
CÙNG BẦY CHIM CORMORANTS TRÊN HỒ NHĨ HẢI
Từ Manwan bằng đường bộ lên tới cổ thành Đại Lý cũng đã sẩm chiều. Đại Lý vẫn được so sánh như một tiểu Katmandu của Nepal, nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của hơn 1 triệu sắc dân Bạch / Bai với gốc rễ văn hóa lâu đời từ hơn 3 ngàn năm. Từ thế kỷ thứ 7, đã có một nước Nam Chiếu /Nanzhao rất hùng mạnh từng đánh bại quân Nhà Đường vào thế kỷ thứ 8. Sang thế kỷ thứ 10 trở thành vương quốc Đại Lý / Dali cho tới thế kỷ 14, thời Nguyên Mông /Mongol Yuan thì không chỉ Đại Lý mà toàn vùng Vân Nam mới trực thuộc vào nước Trung Hoa.
Vẫn còn đó những kiến trúc cổ xưa như Chùa Ba Ngôi được xây cất từ thế kỷ thứ 9, những ngôi nhà đá cổ với cả những con đường đá quanh co. Nhưng thực sự đã không còn nguyên vẹn một cổ thành Đại Lý, bức tường thành kiên cố bằng đá không còn nữa, các cổng thành gốc đã bị phá đi thì nay được mô phỏng xây dựng lại nhưng với bên trong lại có những gian hàng bán nữ trang và đồ lưu niệm cho du khách. Đi bộ từ Cửa Bắc tới Cửa Nam của Cổ Thành, qua những đường phố nhỏ với đường lát gạch, hai bên đường là những quán ăn, tiệm Café Internet và luôn luôn tấp nập với các đoàn du khách được hướng dẫn bởi những cô gái gốc Hán má phấn môi son không khác với những cô tiếp viên hàng không nhưng lại với y phục rực rỡ của sắc dân Bạch.
Phía tây Đại Lý là trùng điệp núi non, phía đông là hồ Nhĩ hải / Erhai Lake . Nhĩ Hải là hồ nước ngọt lớn thứ hai của Vân Nam đổ vào con sông Mekong qua một phụ lưu là con sông Xi’er. Được coi như một “tiên cảnh” của sắc tộc Bạch, là một hồ rất sâu có tới hơn 40 loại cá khác nhau nổi tiếng nhất là loại “cá quậy / bow fish” giống như cá chép có đặc tính ngậm đuôi vào miệng rồi bung ra nhảy cao trên mặt nước. Vân Nam rất xa biển nên người dân Vân Nam thích đặt tên biển cho những hồ lớn của họ. Đại Lý mưa tầm tã từ nửa đêm kéo dài tới sáng hôm sau. Nhưng rồi mặt trời cũng ló dạng. Khí hậu đủ tốt cho một nửa ngày đánh cá bằng chim cốc / cormorants trên hồ Nhĩ hải.
Chiếc xe phải len lách giữa những thửa ruộng trên một con đường đất đá để tới được làng đánh cá nhỏ bên bờ tây của hồ Nhĩ hải, gặp bác ngư dân sắc tộc Bạch da sạm nắng tuổi cũng gần 60, bác sống với đàn chim cốc cũng phải tới hai chục con đã được thuần hóa.
Có khách tới, bầy chim được tự do ra khỏi những chiếc lồng, tung tăng duỗi chân duỗi cánh hân hoan. Thay vì đeo vào cổ chim những chiếc vòng, rất nhanh và thành thạo người đàn ông dùng mớ lạt, buộc cổ từng con chỉ vừa đủ chặt để ngăn chúng nuốt xuống những con cá lớn bắt được, rồi ra lệnh cho đàn chim tung mình xuống nước và bơi theo ghe ra hồ.
Gần bờ, nước hồ ô nhiễm đặc sánh lại với rong rêu, cũng không ngạc nhiên khi thấy rãnh nước thải từ thành phố chảy qua các ruộng lúa rồi đổ thẳng xuống hồ. Phải xa bờ, nước hồ mới trở lại trong xanh. Như những người bạn thiết, bầy chim cốc và ngư ông hoạt động nhịp nhàng. Cảnh tượng thật kỳ lạ chỉ bằng khẩu lệnh với những âm thanh sắc ngắn là cả một bầy chim từng đợt từng đợt vỗ cánh rồi cùng ngụp lặn sâu dưới mặt nước. Phải một lúc sau mới thấy từng con trồi lên, con chim nào với chiếc cổ phồng to phía trên nút lạt thắt là dấu hiệu bắt được cá lớn, ngư ông chỉ cần tới gỡ mỏ từng con và thu hoạch. Mẻ cá đầu tiên của một chú chim cốc là hai con cá chép chỉ nhỏ hơn nửa bàn tay.
Bầy chim tỏ ra rất thân thiện, nhảy lên ghe, đậu trên mái chèo hay trên tay khách. Cảnh trí thiên nhiên hữu tình, chủ khách và bầy chim thực sự giao hòa. Tỏ tình thân, người đàn ông gốc Bạch mời tôi điếu thuốc hút. Cũng đã 30 năm rồi, lần đầu tiên tôi đã lại vui vẻ đón nhận và cả thưởng thức điếu thuốc thơm Vân Nam trên mặt hồ Nhĩ hải.
Cách đây ngót 8 thế kỷ (1278), Marco Polo trên Con Đường Tơ Lụa Phương Nam / Southern Silk Route đặt chân tới đây và ghi nhận cá ở hồ Nhĩ hải là “nhất thế giới” sau đó Marco Polo đã vượt qua sông Mekong phía tây Vân Nam để ra khỏi Trung Hoa.
Sáu thế kỷ sau Marco Polo (1868), đoàn thám hiểm Pháp với Doudart de Lagrée / Francis Garnier khởi hành từ Sài Gòn bằng cuộc hành trình gian truân ngược dòng sông Mekong kéo dài hai năm cuối cùng Francis Garnier cũng tới được hồ Nhĩ Hải phía đông khu cổ thành Đại Lý. Nhưng Francis Garnier đã bị vị Sultan_ vua Hồi từ chối tiếp kiến và buộc đoàn phải rời Đại Lý ngay sau đó.
Hơn 130 năm sau Francis Garnier, chúng tôi đang trở lại với sinh cảnh đẹp đẽ nhưng quá mong manh và có lẽ là những năm tháng cuối cùng của hồ Nhĩ hải với nước hồ ngày càng ô nhiễm, đổ thoát ra bằng một phụ lưu lớn là con sông Xi’er để rồi cuối cùng cũng đổ dồn vào dòng chính con sông Mekong.
Tương truyền rằng hàng năm cứ vào khoảng tháng Tư, đoàn cá Pla Beuk về tụ hội tại nơi vũng sâu Luang Prabang phía bắc Vạn Tượng để tuyển chọn xem con nào sẽ tiếp tục vượt thêm hơn 2,000 km bơi ngược dòng lên hồ Nhĩ hải để đẻ trứng, con nào sẽ hy sinh làm mồi cho cho ngư dân làng Chiang Khong trong ngày hội thi cá Pla Beuk.
Pla Beuk / Pangasianodon gigas là loại cá bông lau khổng lồ chỉ có trên sông Mekong có con dài tới 3 mét nặng tới hơn 300 kg. Ngư dân Thái và Lào sống hai bên bờ con sông Mekong vẫn tin rằng cá Pla Beuk là loại linh ngư đem tới cho họ vận may trong mỗi mùa chài lưới. Từ 10 năm nay, khi hoàn tất con đập thủy điện Manwan (1993) trên dòng chính sông Mekong như một nút chặn, đã chẳng còn một con cá Pla Beuk nào lên tới được hồ Nhĩ hải để đẻ trứng.
Sau hai điếu thuốc, chủ và khách đều hân hoan. Lão ngư ông cao hứng bảo sẽ hát cho chúng tôi nghe một bài tình ca có tự lâu đời của sắc dân Bạch. Tuy không hiểu được lời ca nhưng những nốt nhạc thì rất du dương trầm bổng. Theo Wu thì bài hát kể lại mối tình thơ mộng và say đắm của đôi trai gái sắc tộc Bạch, cùng chèo thuyền trên hồ Nhĩ hải cảnh sắc hữu tình, dưới bầu trời xanh, bên dãy núi cao, trên biển nước mênh mông, mỗi nốt nhạc lời ca là tiếng lòng thổn thức của họ. Ở tuổi gần 60, da sạm nắng và gầy khắc khổ nhưng người đàn ông đã hát với tất cả vẻ đam mê như đang sống lại với mối tình đầu của tuổi thanh xuân ngày nào. Bầy chim cốc vẫn bơi sát theo thuyền, mấy con nhảy đỗ trên ghe thì nghển cổ như để lắng nghe chủ hát.
Tôi hỏi về mức thu hoạch cá với đàn chim cốc. Ông nói đã sống với nghề săn cá bằng chim cốc từ 40 năm và chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, vẫn có được những mẻ cá lớn nhưng về sau này thì không, lượng cá không hiểu tại sao ít hẳn đi, nhưng đàn chim cốc thì vẫn nuôi sống gia đình ông chủ yếu bằng tiền của du khách.
Trước khi rời Đại Lý, chúng tôi cũng tìm đến thăm Mekong River Culture & Art Centre trên đường Wen Xian. Thực ra đó chỉ là một thứ motel với vườn cây và hồ cá. Bảo đó là trung tâm văn hóa của con sông Mekong thì thực là quá đáng bởi vì ngoài mấy chục phòng cho thuê, chỉ có thêm ở đó vài ba lớp hội họa, lớp thảo bút tự / calligraphy , lớp nhạc và lớp thể dục Tai Chi.Tác phẩm trưng bày là mấy bức tranh sơn dầu màu còn thô sượng, vài bức tượng nặn dở dang, khó có thể gọi đó là nghệ thuật. Những trang văn và thơ thì chưa xuất bản để được đọc, cảnh trí của trung tâm này chẳng có liên hệ gì tới con sông Mekong – ngoài một cái tên, để phải đi hơn nửa vòng trái đất tìm tới.
LƯỚI CÁ TRÊN SÔNG MEKONG
Hai ngày nữa cũng không có chỗ cho chuyến bay từ Đại Lý xuống Cảnh Hồng, chúng tôi quyết định trở lại Côn Minh bằng đường bộ, từ đây mỗi ngày có nhiều chuyến bay đi Cảnh Hồng, là thủ phủ của vùng tự trị Tây Song bản Nạp / Xishuangbanna gồm nhiều sắc tộc đa số là Thái /Dai . Vốn được coi như một “tiểu quốc Thái Lan” trong một đất nước Trung Hoa.
Ngoài khả năng thông dịch Wu cũng không biết gì nhiều hơn chúng tôi về vùng tự trị phía nam. Không có Wu đi cùng, chúng tôi lại đứng trước một tình huống mới.
Tới Cảnh Hồng, từ phi trường Banna về Xishuangbanna Sightseeing Hotel, cho dù là khách sạn 3 sao cũng chỉ gặp toàn người nói tiếng Hoa. Phải chờ cho tới buổi chiều khi gặp được cômanager , có lẽ người Hồng Kông biết chút tiếng Anh, chúng tôi mới có thể liên lạc với một hãng du lịch.
Bên kia đầu dây là Oliver, nói tiếng Anh như một người Hoa sinh đẻ ở Mỹ. Chỉ nửa giờ sau, hắn đích thân tới làm việc với chúng tôi ngay tại phòng khách sạn và cùng hoạch định chương trình cho ba ngày tới: bằng thuyền máy chúng tôi sẽ ngược dòng sông Mekong lên tới địa điểm xây đập Cảnh Hồng, lên thăm một khu cư dân sắc tộc, ngày hôm sau bằng xe tới với các con đập thủy điện phụ lưu dọc theo con sông Cát Vàng, thăm giang cảng Tư Mao và có thêm cả một buổi mai lưới cá trên sông Mekong. Chủ yếu là tới với sinh cảnh của con sông Mekong và những con đập.
Một chương trình không giống với bất cứ một Tour Route nào mà Oliver vẫn phục vụ du khách. Dĩ nhiên có một cái giá phải trả cho một chọn lựa như vậy. Và người hướng dẫn là một thanh niên 22 tuổi sắc tộc Di / Yi với một funny name: Potato. Người Di không có tên họ nên hắn được bố mẹ chọn cho tên Củ Khoai mà hắn cũng rất thích. Là người thiểu số nhưng rất thông minh, lại chịu khó, hắn đang đi làm để dành tiền để có thể lên học đại học ở Côn Minh. Tối nàoPotato cũng vào thư viện đọc sách báo, sau nửa đêm thì học thêm tiếng Anh qua các đài VOA hay BBC. Mỗi ngày với hắn là một ngày mới, học thêm một điều mới: ngày thứ hai đang trên sông nước, Potato quay sang hỏi tôi có biết một tên khác của con sông Mekong, rồi hắn thích thú tự trả lời: Danube of the East. Hắn mới học được chữ đó trong thư viện buổi tối hôm trước.
Sau Côn Minh, lại thêm một ngạc nhiên nữa khi tới với thị trấn Cảnh Hồng. Chỉ mới 5 năm gần đây thôi từ 1998, một Cảnh Hồng cũ đã bị san bằng để thay thế bằng một thành phố hoàn toàn mới, với khách sạn nhiều tầng, các cửa hàng bách hóa, có cả thư viện và nhà sách lớn, với những con đường trải nhựa rộng với hai hàng cây xanh và dĩ nhiên là đông đảo người gốc Hán từ các nơi đổ tới. Một năm sau đó 1999, cây cầu mới lộng lẫy Cảnh Hồng từ xa nhìn như một con công dang cánh múa do Công ty Xây dựng Cầu đường Thượng Hải hoàn tất như một điểm nối quan trọng của mạng lưới giao thông thuộc Lưu Vực Lớn Sông Mekong (Greater Mekong Subregion ). Cây cầu cũ của Liên Xô xây từ 1977 như một sản phẩm kỹ thuật hạng hai, nay bất khiển dụng chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ .
Buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, chiếc ghe máy đã chờ chúng tôi nơi khúc sông Mekong gần cây cầu Cảnh Hồng.
Chỉ mới ba tuần lễ trước đây thôi, những cơn mưa lớn Vân Nam đã gây lụt lội và làm chết 12 người. Đây cũng là thời gian người bạn ở Nong Khai, một thị trấn đông bắc Thái ngay phía bên kia sông là Vạn Tượng, đã Email cho biết: “là đang chạy lụt, mực nước sông Mekong lên cao vì cả tuần nay nước đổ ào ào xuống từ Vân Nam. Nước đã lên đến mé đường chạy dọc theo bờ sông. Xe cảnh sát chạy khắp phố báo động, nhiều cửa tiệm đã chất đầy bao cát ở cửa ra vào, hoặc chở các hàng hóa đi Udon Thani tránh lụt.”
Nay mực nước đã lại xuống thấp, những khối đá lớn nhỏ ven sông đã lại trồi lên. Sông sâu nhưng cũng phải thông thuộc nếu không có thể vỡ ghe vì va vào những tảng đá ngầm. Chiếc ghe máy chạy ngược dòng sông về hướng bắc, nơi sẽ xây con đập thủy điện Cảnh Hồng. Nước sông đỏ màu phù sa, vẫn chảy xiết với cả những vùng nước xoáy. Hai bên bờ sông là núi non. Trong tầm mắt nhìn thấy được, không còn đâu là những khu rừng mưa / rainforest nay được thay thế bằng những rừng cao su xanh ngút ngàn. Để thay thế cho những khu rừng mưa bị tàn phá, người ta trồng thay vào đó bằng những loại cây kỹ nghệ tươngđối mọc nhanh như cây cao su, cây khuynh diệp (Eucalyptus)… tuy được mệnh danh là rừng-tái-sinh (reforestation) nhưng đó thực sự không phải là rừng mà chỉ là vùng đất nguyên là rừng nay trở thành vùng trồng thuần một loại cây kỹ nghệ / industrial monoculture tree plantation. Kế hoạch trồng cây kỹ nghệ này bắt đầu từ Thái Lan, rồi Vân Nam Trung Quốc sau đó lan nhanh sang Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Thực ra ai cũng hiểu rằng những khu rừng cây kỹ nghệ ấy không thể nào thay thế cho những khu rừng nguyên sinh, nếu không muốn nói tới những ảnh hưởng của một hệ sinh thái bất thường tác hại trên nước, trên đất, biến sinh cảnh trở nên cằn cỗi đối với cư dân sinh sống trong vùng…
Nhìn những búi cỏ rác khô và cả những túi rác ni lông đủ màu còn vướng trên những cành cây cao mới thấy được đỉnh lũ phải cao hơn mực nước hiện nay từ 3 tới 4 mét. Những túi ni lông chưa bị phân hủy, cũng để thấy rằng con sông Mekong đang là cống rãnh của các chất phế thải kỹ nghệ và cả rác rưởi của tiện dụng gia cư. Con sông vẫn chảy xiết giữa hai bên là núi cao lại thưa thớt dân cư; những hẻm núi cao dốc ấy là địa hình lý tưởng để mà xây thêm xây thêm những đập thủy điện. Dự án đập Cảnh Hồng / Jinhong đã có cùng thời với con đập Mạn Loan / Manwan, dự trù sẽ được khởi công vào năm 2005. Dù vào thời điểm nào, thì sớm muộn chuỗi đập Bậc Thềm Vân Nam trên dòng chính sông Mekong cũng sẽ được Trung Quốc từng bước hoàn tất do những lợi lộc vô hạn đem lại và sẽ không có thế lực nào có thể cản trở được họ. Điều ấy là chắc chắn.
Không phải bây giờ mà ngay giữa mùa nước cao ấy, Mika cô gái Nhật Bản đã trải qua 4 ngày 4 đêm trên một chiếc tàu hàng lớn với 5 người đàn ông lạ khác để đi ngược dòng sông Mekong từ Bắc Thái lên tới Cảnh Hồng. Nhỏ nhắn và xinh xắn như một cô nữ sinh trung học nhưng cô ấy lại là một giáo sư tiến sĩ của một đại học bên Anh thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á / Centre For South-East Asian Studies và dĩ nhiên phải gan cùng mình để chọn một cuộc hành trình nhiều hiểm nguy và gian truân như thế. Vì là tàu hàng cấm chở khách nhưng qua giới thiệu của một người quen, cô được phép lên tàu như một thân quyến của giang đoàn. Qua các trạm kiểm soát, cả năm người đàn ông ấy ai cũng sẵn sàng nhận cô làm vợ. Họ phải vất vả đi theo tàu xa gia đình hàng tháng trời, Mika đến với họ như một cơn gió mát nhưng cô lại cảm thấy an toàn vì người đàn ông nào cũng thấy có nghĩa cả bảo vệ cho cô. Chúng tôi lần đầu tiên gặp Mika trong một phiên chợ đầy màu sắc với những bộ y phục cổ truyền của sắc dân Akai thuộc nhóm tộc thiểu số Hani. Phiên chợ đối với họ không phải chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn là nơi phát triển các mối tương giao xã hội. Sắc dân Akai không chỉ sinh sống ở vùng tự trị Tây Song Bản Nạp / Xishuangbanna mà còn cả ở Bắc Thái và Lào. Đề tài khảo sát của Mika làTransnational Migration of Ethnic Minority Akai , đối với sắc dân này thì đường ranh giữa các quốc gia chỉ là một thứ biên giới ảo / virtual border. Cùng chia xẻ mối quan tâm về các sắc dân thiểu số, chúng tôi có nhiều điều để trao đổi và cũng nghĩ rằng vấn đề người Thượng ở Tây nguyên Việt Nam có thể là một đề tài nghiên cứu của Mika trong tương lai.
Hôm nay Mika đã cùng xuống thuyền với chúng tôi trong chuyến du khảo trên sông Mekong. Nước sông Mekong vẫn rào rào chảy xiết, cả rất xoáy và sủi bọt khi vòng qua những ghềnh đá. Bây giờ thì Mika mới bắt đầu biết sợ, cô không thể tưởng tượng được rằng mình đã trải qua hơn 4 ngày đêm lại ngược dòng trên con nước lớn cuộn sóng ấy.
Bây giờ mới tận mắt thấy xuôi dòng sông Mekong là những con tàu lớn chở hàng từ cảng Tư Mao /Simao xuống tới tận Bắc Thái và Lào, xuống xa tới Vạn Tượng. Vào tháng 4 năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa ước về thủy vận trên sông Mekong nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Điện, Thái Lan và Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao Vân Nam xuống Chiang Khong Chiang Sean Thái Lan xuống thẳng tới Vạn Tượng thủ đô nước Lào. Trong khi Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài. Hậu quả ra sao thì chưa ai lượng giá được nhưng chắc chắn nhịp độ thiên nhiên điều hòa của dòng chảy sẽ bị rối loạn có ảnh hưởng dây chuyền trên toàn hệ sinh thái sông Mekong. Mặt trời bắt đầu hồng lên trên đỉnh núi cao nhưng vẫn còn mờ sương. Ngược dòng chảy mạnh, chiếc ghe chạy chậm hẳn lại. Nhưng rồi cũng lần lượt ghé vào từng ghềnh đá nơi có đặt lưới từ qua đêm.
Cả thảy 12 chiếc lưới được đặt hai bên bờ ở những khúc sông khác nhau gần nơi sẽ xây con đập Cảnh Hồng. Mỗi chiếc lưới nay được chính tay chúng tôi kéo lên. Mỗi mẻ lưới đều có cá nhưng là những con cá nhỏ, nhỏ hơn cả những con cá lưới được trên khúc sông Vạn Tượng ở Lào hay nơi khúc sông Tonlé Sap ở Nam Vang. Cũng có mẻ lưới thật nặng không phải cá lớn mà do lưới mắc vào ghềnh đá. Tóm lại đây là một vụ thu hoạch nghèo nàn. Không nói tới những con cá hiếm quý như Pla Beuk, Dolphin nhưng ngay cả những con cá lớn quen thuộc của sông Mekong nay ở đâu? Tôi thì vẫn lạc quan tin rằng còn quá sớm để bảo rằng đó đã là hình ảnh của quá khứ.
ĐƯỜNG LÊN TƯ MAO
Tư Mao / Simao cách thị trấn Cảnh Hồng 165 km về hướng đông bắc, được coi như cửa ngõ để đi về phương nam xuống vùng tự trị Tây Song Bản Nạp. Con đường đèo tuy hẹp nhưng khá tốt.
Potato thuê được một cô tài xế gốc Hán tóc ngắn tuổi mới ngoài 20, tay lái quá vững lại quen thuộc đường đi nên cô ấy vẫn không giảm tốc độ ở cả những khúc đường vòng. Chiếc xe vẫn chạy giữa một màu xanh của núi đồi, qua các thung lũng với sông và lạch .
Giữa con đường độc đạo ấy nơi lưng đèo gặp phải một trạm kiểm soát với những người lính Hồng quân còn rất trẻ. Họ kỷ luật lễ phép nhưng vẻ mặt thì quá lạnh lùng và cảnh giác.
Cũng hình ảnh người lính Hồng quân ấy từ 28 năm nay đang ghì súng trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Truyền hình của nhà nước Trung Quốc luôn luôn có một kênh đài chỉ để phô trương sức mạnh quân sự của Hoa Lục.
Mọi người phải xuống xe để họ xét và giở xem từng trang cuốn sổ thông hành. Tuy mang thông hành Mỹ nhưng Potato lại giới thiệu chúng tôi là người Việt và Mika là người Nhật Bản. Họ yêu cầu được khám và lục soát xe từ trước ra sau; vì đây là con đường từ Thụy Lệ / Ruili một thị trấn biên thùy hoang dã giữa cực tây nam Trung Hoa và Miến Điện, được coi trục vận chuyển thuốc phiện từ khu Tam Giác Vàng vào Vân Nam. Những gì sẽ xảy ra nếu họ tìm ra được dù chỉ một chút ma túy trên chiếc xe của chúng tôi? Họ để chúng tôi đi sau khi không tìm thấy gì ngoài mấy thùng hàng khô nơi cốp xe sau của cô tài xế.
Cuối cùng chúng tôi cũng tới được thị trấn Tư Mao, địa danh rất nổi tiếng về các loại danh trà của Vân Nam, nằm trên hai con đường lịch sử: Con Đường Tơ Lụa Phương Nam / Southern Silk Road, như một hành lang doanh thương có từ thời Marco Polo sang tới tận La Mã và Con Đường Mã Trà / Tea-Horse Road nơi xưa kia xuất phát các đoàn xe ngựa thồ chở trà lên tận Tứ Xuyên và cả Tây Tạng. Nay thì người ta đang mở thêm một xa lộ có tên là Xa Lộ Vân Nam – Miến Điện dài 910 km từ Côn Minh tới Thụy Lệ, như một nhánh quan trọng trong mạng lưới giao thông Giang cảng Tư Mao trên bờ sông Mekong nhưng lại cách thị trấn ngót 80 cây số, trời sẩm tối đường lại xấu nên chúng tôi quyết định trở lại Cảnh Hồng sau khi thăm mấy đường phố chính và cả thưởng thức mấy chung trà Pu’er nổi tiếng của Tư Mao. Về tới Cảnh Hồng, chúng tôi đã phải ở lại thêm một ngày nữa và phải ngủ gần qua đêm ngoài phi trường vì một trận bão lớn đang thổi vào Côn Minh.
HỒ ĐIỀN TRÌ / DIAN CÔN MINH VÀ CON SÔNG HỒNG
Những chuỗi hồ lớn nhỏ chạy dài xuống tới Hà Khẩu / Hekou biên giới phía bắc của Việt Nam đã tạo nên một địa hình rất đặc biệt của cao nguyên Vân Nam. Điền Trì / Dian là một biển hồ lớn nhất phía nam Côn Minh, đã từng được Marco Polo khi tới thăm thủ phủ Côn Minh vào thế kỷ thứ 13 mô tả như “một hồ lớn cả trăm dặm và lưới được rất nhiều cá”. Hồ có chiều dài hơn 40 km, diện tích 300 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore), phía tây là núi đồi, phía đông hồ, địa hình bằng phẳng, nguyên là khu chài lưới thịnh vượng nhưng do ô nhiễm từ các khu kỹ nghệ bờ đông nam nên đã không còn nhiều cá và thực sự không còn một nền ngư nghiệp. Không sao xử lý được nước thải, không giải quyết được khối nước đã quá ô nhiễm trong Hồ Lớn Điền Trì – Wu thuật cho chúng tôi nghe về một kế hoạch táo bạo của chính quyền Vân Nam: dự trù chi phí 2 tỉ yuan để khai thông một đường dẫn cho thoát nước ra sông Hồng chảy qua Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông, sau đó thay thế bằng nước con sông Dương Tử dẫn vào hồ. Tuy chưa thể kiểm chứng được là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong kế hoạch đầy sáng tạo nhưng độc ác của các “công trình sư Đại Hán” ấy. Làm sao mà kiểm chứng được khi các kế hoạch luôn luôn bị “bưng bít, dấu nhẹm” bởi nhà nước Trung Quốc, nhưng có thể chắc chắn một điều Wu người giáo viên trung học ấy không đủ giàu tưởng tượng để bịa đặt ra điềuđó. Đổ tất cả ô nhiễm của hồ Điền Trì vào con sông Hồng như một đường cống rãnh, hậu quả sẽ ra sao trên bao nhiêu triệu cư dân Việt Nam nơi đồng bằng châu thổ đang sống bằng nguồn nước con sông Hồng và đây là điều sẽ được ai quan tâm tới ? Nhà cầm quyền Hà Nội được biết gì về một kế hoạch “giải quyết môi sinh” theo lối ném bùn sang ao của chánh quyền Vân Nam?
Với tất cả “sự dè đặt” nhưng không thể không ghi lại sự kiện trên và hiển nhiên những bước tiếp theo là trách nhiệm của chánh quyền Hà Nội phải làm sáng tỏ vấn đề qua những “điều tra và kiểm chứng”, với sự góp sức của các nhà báo bên trong cũng như bên ngoài nước và của các nhà hoạt động môi sinh. Nếu như đó là sự thật – chỉ mong là không , thì hàng bao nhiêu triệu cư dân Việt đang sống trong vùng châu thổ sông Hồng sẽ nghĩ sao và phản ứng ra sao? Wu thực sự không ở tầm vóc để chúng tôi phải mở ra một cuộc tranh luận môi sinh và anh ta thì lúc nào cũng rất kiêu hãnh về những công trình đem lại thịnh vượng cho nước Trung Hoa.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Ngày cuối cùng ở Vân Nam, cùng vợ và đứa con gái nhỏ Wu nhất quyết mời cho được chúng tôi tới ăn tối tại nhà hàng Old House lớn như một hí viện rất nổi tiếng của Côn Minh gần bênWorld Horti-Expo Garden. Sau hơn hai tuần lễ giao tiếp, không còn là mối liên hệ của nhữngdịch vụ , đối với gia đình Wu chúng tôi trở thành những người bạn thân. Ở cái tuổi chưa đầy 30, Wu có trước mặt một tương lai. Wu không phải là tên thật của anh, nhưng được tôi chọn cũng vì sự an sinh của anh và gia đình. Cũng vì sự riêng tư, tôi đã không đưa vào bài viết Tường Trình Từ Vân Nam về người bạn đồng hành đã chia xẻ với tôi những kinh nghiệm của suốt một chuyến đi kể cả những giây phút căng thẳng, nhưng giữa chúng tôi thì đó là những ngày khó quên. Buổi tối hôm ấy, trên tầng lầu 4 của nhà hàng Old House có những buổi tiệc mừng sinh nhật rất lớn với cả màn thổi nến và hàng trăm người cùng đứng lên hát bài Happy Birthday To You bằng tiếng Anh và sau đó là một điệp khúc bằng tiếng Hoa. Lạc quan thì bảo rằng đó là dấu hiệu của bước toàn cầu hóa / globalization theo cái nghĩa Mỹ Hóa / Americanization, và cũng để cố quên đi cái hình ảnh một nước Mỹ đang Hán Hóa / Sinicization với khắp các tiệm bách hóa từ New York tới San Francisco mỗi ngày một đầy ngập thêm những món hàng Made in China.
CHỈ CÓ MỘT LỰA CHỌN: SỰ PHÁT TRIỂN
Khi chiếc Boeing 777 vừa rời Quảng Châu trên đường trở về Mỹ, không hiểu sao một hình ảnh chẳng có gì đặc biệt lại hiện ra rất rõ nét trong trí tôi lúc đó: một tấm bảng hiệu thật lớn trên một con đường quê an bình của Vân Nam, với một bên là làng mạc, một bên là những thửa ruộng lúa vàng, bên cạnh hình ông già Đặng Tiểu Bình là một hàng chữ ngắn thật lớn: Chỉ Có Một Lựa Chọn: Sự Phát Triển. Đó là một thông điệp rất rõ ràng ông Đặng Tiểu Bình gửi tới nhân dân Trung Quốc. Không phải chỉ có phát triển mà phát triển với tốc độ rất nhanh với hình ảnh Trung Quốc bước vào Thế kỷ 21 đang vươn lên như một siêu cường.
Với một số ít người thuộc thế hệ lớn hơn, họ nhìn cái dấu mốc phát triển của Trung Quốc lùi về một thời điểm xa hơn nữa: ngày ông Nixon tổng thống Mỹ đầu tiên tới gõ “cánh cửa sắt khép kín” của Trung Quốc để gặp được chủ tịch Mao Trạch Đông mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Trung Hoa.
Phải chứng kiến sự đổi thay mau chóng của cả một vùng tây nam kém phát triển như tỉnh Vân Nam, không phải chỉ ở những thành phố, dấu hiệu của phát triển và xây cất còn thấy rất rõ cả ở“những thị trấn giữa đường” hai bên quốc lộ. Ruộng lúa thì xanh mơn mởn. Điện tới được cả những căn nhà ở vùng rất hẻo lánh trên các rẻo cao và không phải là không thường gặp trước mỗi hiên nhà ấy một đĩa bắt sóng mới biết trong nhà đã có TV.
Không phải đi theo Tour Route để bảo rằng đó là những hình ảnh mà nhà nước Trung Quốc muốn phô trương. Nói chung, từ thành thị tới thôn quê là hình ảnh những người dân Trung Quốc mặc lành lặn và no đủ. Lo được điều cơ bản ấy cho 1.2 tỉ dân mà vẫn cứ phát triển, đó phải được kể là một kỳ công nhưng có thể lý giải được vì họ:
_ Có chất xám của trí tuệ, có kỹ thuật cao
_ Có lực lượng lao động cần cù và chịu khó
_ Có kỷ luật dù tự nguyện hay không trong một chánh quyền toàn trị
_ Có lòng tự hào và yêu đất nước Trung Hoa của họ
Hiển nhiên đất nước ấy không thiếu những khiếm khuyết như bất cứ xã hội nào khác, nhưng trải qua bao kinh nghiệm bi thương của rất nhiều máuvà nước mắt, người dân Trung Quốc ngày nay đã đứng vững trên hai chân của họ để đi về tương lai.
Từ Trung Quốc, nhìn về Việt Nam nhỏ hơn cả tỉnh Vân Nam, một đất nước đang vỡ ra từng mảnh, nhìn về Hoa Kỳ ngoài sức mạnh quân sự nhưng ngày càng cô lập và mất quyền lãnh đạo thế giới, cứ theo lẽ thịnh suy, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc. Ở mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc sẽ phải cam chịu hay có một số phận xứng đáng với sự lựa chọn và cách sống của họ.
NGÔ THẾ VINH
Côn Minh – Mạn Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét